Cuộc "diệt chủng" các tín hữu Kitô
tại Trung đông
Cuộc "diệt chủng" các tín hữu Kitô tại Trung đông.
Trung đông [National Catholic Register 26/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị các Ðức giám mục Ý tại Ancona, miền trung đông Ý, hôm 24 tháng Giêng năm 2011, Ðức hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã nói đến một cuộc "thanh lọc" chủng tộc đối với các tín hữu Kitô tại Trung đông.
Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy cũng nói đến một cuộc "thanh lọc" như thế khi tiếp kiến các đại diện các Giáo hội Kitô tại Pháp.
Thanh lọc tôn giáo, diệt chủng và tiêu diệt là những từ hiện đang được xử dụng rất nhiều để nói đến số phận của các tín hữu Kitô tại Trung đông, nhứt là sau khi xảy ra những cuộc tấn công tàn khốc mới đây nhắm vào các tín hữu Kitô tại Iraq và Ai cập.
Các cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô tại Trung đông không những không phải là một điều mới mẻ, mà ngày càng leo thang.
Ngày 31 tháng 10 năm 2010, một cuộc tấn công dã man tại nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ hằng cứu giúp thuộc nghi lễ Syri ở Bagdad đã làm cho 58 người thiệt mạng trong đó có 2 linh mục và 75 người bị thương.
Kế đó, trong đêm giao thừa 31 tháng 12 năm 2010, một cuộc tấn công vào một nhà thờ chính thống Copte tại Alexandria, Ai cập đã sát hại 21 tín hữu và làm cho trên 100 người bị thương.
Ðức cha Louis Sako, Tổng giám mục thuộc nghi lễ Calde tại Kirkuk, bắc Iraq, nói rằng các tín hữu Kitô lo sợ và họ tiếp tục bỏ nước ra đi. Theo vị Giám mục này, các tín hữu Kitô muốn được an toàn để giáo dục con cái họ.
Theo ước tính, kể từ sau khi quân đội Hoa kỳ xâm chiếm Iraq hồi năm 2003, đã có khoảng 1 triệu 4 trăm ngàn tín hữu Kitô Iraq đã rời bỏ xứ sở. Cuộc xuất hành đã đưa hàng trăm ngàn người sang các nước láng giềng như Syria, Jordan, Liban và gần đây nhứt là Thổ Nhĩ Kỳ.
Ðức tổng giám mục Kirkuk là một trong những người đã kêu gọi nhóm Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt để thảo luận về số phận của các tín hữu Kitô tại Trung đông. Ngài nói rằng "việc đổ máu đang đe dọa sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong vùng này. Ðây quả là một đại họa, bởi vì khi các tín hữu Kitô bỏ nước ra đi thì lịch sử, gia sản, phụng vụ, tu đức và chứng tá của Kitô giáo trong vùng này cũng sẽ biến mất".
Trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh hôm 10 tháng Giêng năm 2011, Ðức thánh cha đã trích dẫn sứ điệp của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, theo đó các tín hữu Kitô tại vùng này là những công dân phải được hưởng "tất cả mọi quyền công dân, tự do lương tâm, tự do thờ phượng, tự do trong giáo dục, giảng dạy và xử dụng các phương tiện truyền thông".
Tất cả các nhà lãnh đạo Kitô tại Trung đông đều nói đến sự gia tăng của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và sự leo thang của các cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô.
Ðức thượng phụ Ignatius Youssef III Younan, Thượng phụ Công giáo Antiokia, một trong hai vị chủ tịch thừa ủy của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, giải thích rằng "với sự gia tăng của điều được gọi là chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, mà chúng ta phải gọi là "chủ nghĩa cuồng tín bạo động" tại hầu hết các nước Á rập và các nước có đa số dân theo hồi giáo trên thế giới, các nhóm thiểu số không hồi giáo, cách riêng các tín hữu Kitô là những điểm nhắm dễ dàng của các cuộc tấn công khủng bố".
Về phần mình, cha Samir Khalil Samir, một linh mục dòng tên chuyên về hồi giáo học, nói rằng vào thập niên 50, Ai cập, nơi ngài sinh ra, là một đất nước kỳ diệu đối với các tín hữu Kitô. Cha Samir nói rằng vào thời đó, các tín hữu Kitô được nể trọng.
Thế rồi vào thập niên 70, nước này bị hồi giáo hóa. Giờ đây, các tín hữu Kitô Copte, vốn chiếm đến 10 phần trăm của dân số 80 triệu người, thường xuyên bị tấn công.
Trong một bài viết được hãng thông tấn Asianews phổ biến, cha Samir cho biết "bạo động chống Kitô giáo là điều diễn ra mỗi ngày và nhằm mục tiêu quét sạch sự hiện diện của Kitô giáo khỏi Trung đông".
Ðức cha Michael Fitzgerald, Sứ thần Tòa thánh tại Ai cập, cũng nói rằng cuộc tấn công tại nhà thờ chính thống ở Alexandria nằm trong chiến dịch khủng bố nhằm gây bất ổn cho Ai cập, đặt các tín hữu Kitô vào thế chống lại người hồi giáo.
Ðức sứ thần Tòa thánh tại Ai cập nói rằng Hiến pháp nước này xem hồi giáo như một điểm qui chiếu cần thiết cho mọi luật pháp. Theo đức sứ thần, đây là điểm gây ra vấn đề.
Ðức cha Fitzgerald nói thẳng rằng tại các đại học, trong các cơ quan công quyền và ngay cả trong quốc hội, các tín hữu Kitô cảm thấy rất rõ ràng rằng họ bị kỳ thị. Hơn nữa, trong khi người hồi giáo xây cất đền thờ một cách dễ dàng thì các tín hữu Kitô lại gặp nhiều khó khăn trong việc xin phép xây cất hay sữa chữa nhà thờ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng bạo động chống Kitô giáo không có liên hệ nào với hồi giáo, xét như là một tôn giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN, Ðức hồng y Nasrallah Boutros Sfeir, Thượng phụ Công giáo Maronit tại Liban, nói rằng Hồi giáo là một "tôn giáo cổ võ tôn thờ điều thiện trong cuộc sống, tôn thờ Thiên Chúa và cư xử tốt đẹp với người khác".
Ðức cha Elie Haddad, Giám mục Công giáo Melkite tại Sidon, Liban cho rằng "hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình; nếu không nó không là một tôn giáo". Trong giáo phận Sidon, nơi có đến 90 phần trăm theo hồi giáo, đức cha Haddad nói rằng "ngài biết có những người đạo đức, cầu nguyện, ăn chay và giúp đỡ người khác. Khó mà phân biệt giữa hồi giáo và các tín hữu Kitô".
Ông Mohammad El Sammak, một người hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, tổng thư ký của Ủy ban toàn quốc đối thoại Hồi giáo và Kitô giáo tại Liban, khẳng định rằng "giáo huấn của hồi giáo dạy tôn trọng quyền tôn giáo của các tín hữu Kitô, dù là ở Trung đông hay bất cứ nơi nào, bởi vì tin Kitô giáo như một sứ điệp xuất phát từ Thiên Chúa là một phần của giáo lý hồi giáo".
Phát biểu tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, ông Sammak nói rằng các tín hữu Kitô là một thành phần của nền văn hóa, văn chương và sự hình thành của nền văn minh khoa học của hồi giáo.
CV.