Jeanne d'Arc

vị thánh của kinh nghiệm thần bí

và sứ mệnh chính trị

 

Jeanne d'Arc, vị thánh của kinh nghiệm thần bí và sứ mệnh chính trị.

Vatican (Vat. 26/01/2011) - Một trong những khía cạnh độc đáo nhất của sự thánh thiện nơi thánh nữ Jeanne d'Arc là mối dây kết hiệp giữa kinh nghiệm thần bí và sứ mệnh chính trị. Vị thánh này đã hiểu rằng Tình Yêu bao trọn toàn thực tại của Thiên Chúa và của con người, của trời và đất, của Giáo Hội và thế giới và chị đã luôn dành cho nhất cho Chúa Giêsu.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên với hơn 4,000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26 tháng 1 năm 2011 trong đại thính đường Phaolô VI. Ngoài các đoàn hành hương tây âu có một đoàn hành hương đến từ Nigeria Phi châu, và một nhóm sinh viên và giáo sư đến từ Hồng Kông.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Jeanne d'Arc, người Pháp, là vị thánh trẻ đặc biệt gần gũi với thánh nữ Catarina thành Siena. Cả hai đều là các phụ nữ trẻ, là giáo dân thánh hiến cho sự trinh khiết, là các người thần bí dấn thân sống giữa các thực tại thê thảm của Giáo Hội và thế giới thời đó. Họ thuộc số các "phụ nữ mạnh mẽ", không sợ hãi đem Tin Mừng vào trong lịch sử hồi cuối thời Trung Cổ. Giáo Hội thời đó sống cuộc khủng hoảng ly giáo kéo dài 40 năm. Khi Catarina thành Siena qua đời năm 1380, có một Giáo Hoàng và một Ngụy Giáo Hoàng; khi Jeanne d'Arc chào đời năm 1412 có một Giáo Hoàng và hai Ngụy Giáo Hoàng. Cùng với cảnh Giáo Hội bị xé rách đó là các cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các quốc gia kitô, thê thảm nhất là cuộc chiến kéo dài 100 năm giữa Pháp và Anh.

Jeanne d'Arc sinh tại Domremy, một làng nhỏ nằm trong vùng biên giới giữa Pháp và Lorraine, trong một gia đình nông dân khá giả và rất đạo đức. Tuy không biết đọc biết viết, nhưng cô nhận được nền giáo dục tôn giáo tốt theo tinh thần tu đức của thánh Bernardino thành Siena, tập trung nơi Danh Thánh của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nghĩa là có chiều kích Kitô học và thánh mẫu học. Ðức Thánh Cha nói về kinh nghiệm thần bí và cuộc sống thiêng liêng của chị Jeanne d'Arc như sau:

Từ chính các lời chị kể lại, chúng ta biết rằng cuộc sống tôn giáo của chị chín mùi như kinh nghiệm thần bí bắt đầu từ năm 13 tuổi (PCon, I, tr.47-48). Qua tiếng nói của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Jeanne nghe tiếng Chúa gọi củng cố cuộc sống kitô của mình, và dấn thân giải phóng dân chúng. Câu trả lời tức khắc của chị là tiếng "xin vâng" với lời khấn đồng trinh, với cố gắng mới lãnh nhận các bí tích: tham dự thánh lễ mỗi ngày, xưng tội và thường xuyện chịu Mình Thánh Chúa, cũng như cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Giá hay hình tượng Ðức Mẹ. Một trong những khía cạnh độc đáo nhất của sự thánh thiện nơi thiếu nữ này là mối dây kết hiệp giữa kinh nghiệm thần bí và sứ mệnh chính trị. Sau các năm sống ẩn dật và trưởng thành nội tâm, là hai năm sống công khai đầy tràn, một năm hoạt động và một năm chịu khổ nạn.

Vào đầu năm 1429 Jeanne bắt đầu công trình giải phóng nước Pháp. Các chứng nhân đều cho biết thiếu nữ 17 tuổi này là một người rất mạnh mẽ, cương quyết và có khả năng thuyết phục những người lưỡng lự và thất đảm nhất. Chị vượt thắng mọi chướng ngại và gặp hoàng tử Pháp là vua Charles VII tương lai tại Poitiers. Ông nhờ vài thần học gia của đại học tra hỏi nàng và biết nàng là một tín hữu kitô tốt.

Ngày 22 tháng 3 năm 1429 Jeanne đọc cho người ta viết một lá thư cho vua và quân binh nước Anh đang bao vây thành phố Orléans, đề nghị giải pháp hòa bình trong công lý giữa hai dân tộc nhân danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Lời đề nghị bị từ chối, khiến cho nàng phải dấn thân chiến đấu và giải phóng thành Orléans ngày mùng 8 tháng 5 năm đó. Jeane cũng tham dự lễ đăng quang của vua Chalres VII tại Reims ngày 17 tháng 7 năm 1429. Trong một năm Jeanne sống giữa quân lính và rao giảng Tin Mừng cho họ. Các chứng nhân đều công nhận lòng tốt, sự can đảm và trong sạch ngoại thường của nàng và mọi người đều gọi nàng là trinh nữ.

Cuộc khổ nạn của Jeanne bắt đầu ngày 23 tháng 5 năm 1430, khi nàng bị bắt làm tù binh. Ngày 23 tháng 12 nàng được dẫn tới thành Rouen để bị xét xử, bị kết án và bị thiêu sống ngày 30 tháng 5 năm 1431. Vụ xử án do Ðức Giám Mục Pierre Cauchon và quan pháp tòa Jean le Maistre chủ sự, nhưng thật ra do một số giáo sĩ có đường lối chính trị đối nghịch với Jeanne, lèo lái. Họ có thành kiến với con người và sứ mệnh của chị. Vụ án này cho thấy mầu nhiệm của Giáo Hội vừa thánh thiện vừa cần phải được thanh tẩy (LG 8). Họ kết án chị là lạc giáo và vì thế bị thiêu sống.

Khác với các vị thánh xuất thân từ đại học Paris như Bonaventura, Toma thành Aquino và chân phước Duns Scoto, các thần học gia này không có lòng bác ái, và sự khiêm nhường để nhận ra hoạt động của Thiên Chúa nơi thiếu nữ này. Họ hoàn toàn không có khả năng hiểu nàng và trông thấy vẻ đẹp của linh hồn nàng; họ không biết rằng họ kết án một vị thánh.

Ngày 24 tháng 5 lời kháng án của chị Jeanne lên Ðức Giáo Hoàng bị tòa án khước từ. Sáng ngày 30 tháng 5 chị rước Mình Thánh Chúa lần cuối cùng, sau đó bị dẫn ra quảng trường của chợ cũ và bị thiêu sống. Chị xin một linh mục cầm Thánh Giá để chị nhìn Chúa Giêsu bị đóng đanh và lớn tiếng kêu tên Giêsu nhiều lần trước khi chết (PNul, I, tr.457; GLGHCG, 435).

Khoảng 25 năm sau, Án tái lập danh dự cho chị được mở dưới thời Ðức Giáo Hoàng Callisto III, cho thấy sự vô tội và lòng trung thành toàn vẹn của chị đối với Giáo Hội, và đã tuyên bố vụ án xử chị trước đó là vô hiệu. Năm 1920 Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV đã phong thánh cho chị Jeanne d'Arc.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, Danh Chúa Giêsu, được vị thánh của chúng ta kêu cầu trong những giây phút cuối cùng cuộc sống dương thế, đã như là hơi thở liên lỉ của linh hồn chị, đã như là nhịp đập của con tim chị, như trung tâm toàn cuộc sống của chị. Mầu nhiệm bác ái của chị Jeanne d'Arc đã thu hút thi sĩ Charles Péguy, đó là tình yêu hoàn toàn đối với Chúa Giêsu, và đối với tha nhân trong Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu. Vị thánh này đã hiểu rằng Tình Yêu bao trọn toàn thực tại của Thiên Chúa và của con người, của trời và đất, của Giáo Hội và của thế giới. Chúa Giêsu luôn chiếm chỗ nhất trong cuộc sống của chị, theo kiểu nói của chị: "Phục vụ Chúa chúng ta trước" (PCon, I, tr.288, GLGHCG, 223). Yêu Chúa có nghĩa là phải luôn luôn vâng theo ý Người. Với lời khấn đồng trinh, thánh nữ Jeanne d'Arc triệt để thánh hiến toàn con người của chị cho Tình Yêu của Chúa Giêsu. Ðó là tình trạng ơn thánh, gía trị tuyệt đỉnh, quý báu hơn mạng sống, và là một ơn của Thiên Chúa cần được lãnh nhận và giữ gìn với sự khiêm tốn và lòng tin tưởng.

Ngoài ra còn một nét đặc biệt khác trong cuộc sống của thánh Jeanne d'Arc: đó là thánh nữ sống lời cầu nguyện trong hình thức đối thoại với Chúa, là Ðấng soi sáng cho chị trong cuộc đối thoại với các thẩm phán và trao ban cho chị niềm an bình và sự chắc chắn. Chị xin với Chúa như sau: "Lậy Thiên Chúa rất dịu dàng của con, nhân danh cuộc Khổ Nạn thánh của Chúa, con xin Chúa, nếu Chúa yêu con, thì xin mạc khải cho con biết phải trả lời các người này của Giáo Hội như thế nào" (Ibid tr.252)...

Việc giải phóng dân tộc của chị là một công trình của sự công bằng nhân loại, mà chị Jeanne đã chu toàn trong tình bác ái, vì yêu mến Chúa Giêsu. Nó là một thí dụ rất đẹp của sư thánh thiện đối với các giáo dân dấn thân trong cuộc sống chính trị, nhất là trong các hoàn cảnh khó khăn. Ðức tin là ánh sáng hướng dẫn mọi lựa chọn, như một vị thánh lớn khác là Thomas More, sẽ làm chứng. Trong Chúa Giêsu, thánh nữ Jeanne d'Arc chiêm ngưỡng toàn thực tại của Giáo Hội, Giáo Hội "chiến thắng" trên Trời, cũng như Giáo Hội "chiến đấu" đưới đất.

Sau cùng, thánh Jeanne d'Arc cũng đã có một ảnh hưởng rất sâu đậm trên một vị thánh trẻ tân tiến khác: đó là Terexa Hài Ðồng Giêsu. Trong một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn nơi dòng kín, nữ tu cát minh Lisieux này cảm thấy rất gần gũi với thánh Jeanne, sống trong con tim Giáo Hội và tham dự vào các khổ đau của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.

Ðức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc tín hữu những ngày hành hương bổ ích, trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page