Giáo Hội, dân nước Ba Lan và

lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II

 

Giáo Hội, dân nước Ba Lan và lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II.

Cracovia, Ba Lan (Avvenire 15-1-2011) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwicz, Tổng Giám Mục Cracovia, về lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II.

Ngày Chúa Nhật mùng 1 tháng 5 năm 2011, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, đồng thời cũng là Ngày Lao Ðộng Quốc Tế, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của người.

Kể từ lúc biết tin vui trọng đại này, hàng trăm ngàn tín hữu Ba Lan đã tuốn đến các nhà thờ chính tòa, các quảng trường lớn mọi thành phố, cũng như mọi nhà thờ vùng quê và trung tâm mục vụ lớn nhỏ trên toàn nước để tham dự các lễ nghi tạ ơn, vì vị Giáo Hoàng Ba Lan đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ và trong lịch sử Ba Lan sắp được phong Chân Phước. Trước hết là các người trẻ, được gọi là "thế hệ Gioan Phaolô II" đã sinh ra và lớn lên dưới bóng các giáo huấn và chứng tá của Ðức Karol Wojtila cao cả. Họ đã huy động nhau đáp lại lời mời của Tổ chức "Ngàn Năm Mới", do Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan thành lập, nhằm xây dựng một "đài kỷ niệm sống" dâng kính Ðức Gioan Phaolô II, người đã mời gọi toàn thế giới "Ðừng sợ hãi" mở toang cửa cho Chúa Kitô.

Tại Cracovia, người trẻ Ba Lan đã tụ tập nhau tại quảng trường trước tòa Tổng Giám Mục, dưới cửa sổ, nơi mỗi lần viếng thăm mục vụ Ba Lan, Ðức Gioan Phaolô II đã ra bao lơn nói chuyện với họ. Trong thủ đô Varsava, giới trẻ đã tụ tập nhau tại quảng trường Chiến Thắng, nơi trong lần đầu tiên viếng thăm Ba Lan hồi tháng 6 năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã thu hút tín hữu và khiến cho quyền lực cộng sản hoảng sợ.

Theo Ðức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục Varsava, tín hữu Ba Lan phải chuẩn bi tinh thần cho ngày lễ phong chân phước và nhất là phải học hiểu nghiên cứu các giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II nhiều hơn. Sau trưa ngày 14 tháng 1 năm 2011, khi nghe tin Ðức Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân Phước ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011, chuông của mọi nhà thờ thủ đô Varsava đã đồng loạt đổ hồi vang rền, bầy tỏ niềm vui sướng của Giáo Hội và toàn dân Ba Lan. Ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011 qủa chuông "Sigismondo" trên đỉnh đồi Wawel trong thành phố Cracovia sẽ đổ vang, khi thánh lễ phong chân phước diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma. Qủa chuông này đã luôn luôn được gióng lên trong những biến cố quan trọng nhất dọc đài lịch sử của dân nước Ba Lan.

Nguyên tổng thống Lech Walesa đã bầy tỏ niềm vui lớn của mình, bởi sự kiện hiển nhiên đối với người dân Ba Lan, tức sự thánh thiện của Ðức Gioan Phaolô II, đã được chính thức thừa nhận. Ông cho biết bao nhiêu tín hữu hằng ngày vẫn khẩn cầu sự bầu cử của Ðức Gioan Phaolô II. Ngày 14 tháng 1 năm 2011 tín hữu Ba Lan đã cảm thấy họ trở thành trung tâm sự chú ý của toàn thế giới.

Bản tin đầu tiên của mọi chương trình phát thanh truyền hình trên thế giới đã là tin Ðức Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân Phước vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Stanislaw Sziwicz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Ðức Gioan Phaolô II trong hơn 40 năm trời, về biến cố trọng đại này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y có cảm tưởng gì, khi được tin Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ chủ sự lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolo II?

Ðáp: Tôi vô cùng hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng cảm thấy nhút nhát, khi nghe loan tin này. Niềm vui của tôi càng lớn hơn, khi biết Ðức Thánh Cha đã muốn chọn ngày mùng 1 tháng 5 để cử hành lễ phong Chân Phước, là ngày Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Hỏi: Người ta nói rằng chính Ðức Hồng Y đã gợi ý cho Ðức Thánh Cha chọn ngày mùng 1 tháng 5, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Tôi đã xin Ðức Thánh Cha điều đó, và tôi rất biết ơn người về quyết định này. Nhưng còn có một lý do tinh thần: đó là toàn cuộc sống dương thế của Vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Karol Wojtila, đã là sự phó thác cho Lòng Thương Xót Chúa và đã kết thúc ngày áp lễ này, mà chính người đã thiết lập.

Nhờ lễ phong chân phước của người, lòng lành của Thiên Chúa đối với con người sẽ lại rạng ngời lên một cách quyền năng hơn nữa. Thế rồi còn có một lý do trần thế nữa: đó là năm nay lễ kính Lòng Thương Xót Chúa đúng vào ngày mùng 1 tháng 5, gần với quốc lễ của Ba Lan ngày mùng 3 tháng 5 và là dịp nghỉ bắc cầu dài. Nó sẽ cho phép tín hữu Ba Lan sang Roma tham dự lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô II rất thương mến của chúng tôi.

Hỏi: Có cái gì thay đổi sau việc loan báo tin lễ phong chân phước nói trên không, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi đã luôn luôn xác tín về sự thánh thiện của Ðức Gioan Phaolô II, và trong nghĩa đó, tôi coi tin phong chân phước cho người như là một dấu ấn có uy tín đối với những gì tôi đã trông thấy và đã sống bên cạnh người. Giờ đây chúng ta tất cả đều được phép hướng về người, để người bầu cử cùng Thiên Chúa cho chúng ta. Từ khi người qua đời cho tới nay, ngày nào tôi cũng cầu khẩn người, và từ nay trở đi tôi lại càng khẩn cầu người một cách sâu đậm và với nhiều lòng sùng kính hơn nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, đâu đã là bí mật sự thánh thiện của Ðức Gioan Phaolô II?

Ðáp: Ðức Gioan Phaolô II đã là một người đắm chìm trong Thiên Chúa. Có lần Ðức Ratzinger, là cộng sự viên thân tín và gần gũi nhất với Ðức Gioan Phaolo II, đã định nghĩa người như là một người chiêm niệm và là nhà truyền giáo. Chính đó là bí quyết cuộc sống và triều đại của người: trong kiểu người cầu nguyện, tại khắp nơi, trong mọi điều kiện, với sự đơn sơ và tự nhiên lớn lao. Chính từ đó phát xuất ra khả năng hoạt động của người cũng như sức hấp dẫn nhân bản và tinh thần của người.

Hỏi: Xem ra chúng ta hầu như biết hết mọi sự về Ðức Gioan Phaolô II. Theo Ðức Hồng Y có còn điều gì cần phải khám phá nữa hay không?

Ðáp: Tôi đã được may mắn sống bên cạnh Ðức Gioan Phaolô II hơn 40 năm, nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi chưa biết tất cả sự phong phú nội tâm của người. Chúng ta chỉ nghĩ tới các cử chỉ là Giáo Hoàng của người thôi. Sau bao nhiêu năm chúng ta tái khám phá ra các giá trị của chúng, không phải chỉ đối với các tín hữu, mà đối với toàn thể nhân loại.

Hỏi: Có phải Ðức Hồng Y ám chỉ cuộc gặp gỡ liên tôn mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ có với các vị lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới tại Assisi nhân kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên do chính Ðức Gioan Phaolô II triệu tập hay không?

Ðáp: Ðây là một thí dụ rất điển hình của gia tài mà Ðức Gioan Phaolo II đã để lại cho chúng ta. Không đúng là hồi đó Ðức Hồng Y Ratzinger đã chống lại sáng kiến này, trái lại Ðức Ratzinger đã có cùng cái nhìn như cái nhìn của Ðức Gioan Phaolô II. Và giờ đây người xác nhận điều đó, bằng cách triệu mời tất cả mọi vị lãnh đạo các tôn giáo tham dự buổi cầu nguyện liên tôn, trong một thời điểm đặc biệt khó khăn đối với biết bao nhiêu kitô hữu bị bách hại tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới như hiện nay.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, người ta đang nói tới thánh tích của Ðức Gioan Phaolô II. Có đúng là có một lọ đựng máu của người không?

Ðáp: Vâng, có đúng như vậy. Ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005, ít lâu trước khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời, tôi đã xin các bác sĩ nhà thương bách khoa Gemelli cho tôi lọ đựng máu của người. Ðây là một thánh tích qúy báu, mà tín hữu có thể kính viếng tại Trung Tâm dâng kính người đang được xây cất tại Cracovia.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, có người muốn rằng qủa tim của Ðức Gioan Phaolô II được đưa về Ba Lan, như qủa tim của nhạc sĩ Chopin, người Ba Lan. Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp: Riêng cá nhân tôi, thì tôi chống lại việc lấy các cơ phận của Ðức Gioan Phaolô II. Thi hài của người phải được lưu giữ trong Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Roma như là thánh tích cho tất cả mọi tín hữu kính viếng.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II sẽ là loại biến cố nào đây, theo Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một ngày đại lễ của sự hiệp thông của Dân Chúa và là một chứng tá của niềm vui và niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại.

(Avvenire 15-1-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page