Các tín hữu Copte
là nạn nhân của kỳ thị tại Ai cập
Các tín hữu Copte là nạn nhân của kỳ thị tại Ai cập.
Bruxelles [AFP 24/1/2011] - Các tín hữu Kitô Copte là nạn nhân của kỳ thị tại Ai cập.
Trong bản báo cáo thường niên được cho công bố hôm thứ Hai 24 tháng 1 năm 2011, tổ chức "Human Rights Watch" [Theo dõi nhân quyền] tố giác rằng các tín hữu Kitô và các nhóm tôn giáo thiểu số khác là nạn nhân của "sự kỳ thị phổ quát" tại Ai cập. Trong bản báo cáo này, tổ chức theo dõi nhân quyền cũng nhấn mạnh đến việc chính phủ đàn áp những người đối lập.
Theo tổ chức này, "mặc dù Hiến Pháp Ai cập bảo đảm các quyền bình đẳng cho mọi tôn giáo, nhưng vẫn có một sự kỳ thị "tổng quát" đối với các tín hữu Kitô, cũng như thái độ bất khoan nhượng công khai đối với các giáo phái hồi giáo bị xem là lạc giáo".
Các tín hữu Copte, mặc dù chiếm đến 10 phần trăm dân số Ai cập, cho rằng họ bị loại khỏi nhiều chức vụ công quyền. Họ cũng than phiền về những hạn chế trong việc xây cất nhà thờ Kitô giáo.
Tưởng cũng nên nhắc lại: các tín hữu Kitô Copte Ai cập đã là nạn nhân của nhiều vụ tấn công, mà đẫm máu nhứt là vụ xảy ra tại một nhà thờ ở Alexandria hôm 31 tháng 12 năm 2010 làm cho 23 người thiệt mạng.
Bản báo cáo thường niên của Tổ chức theo dõi nhân quyền cũng tố cáo thái độ của các lực lượng an ninh. Theo Tổ chức này, "Ai cập vẫn tiếp tục ngăn cấm mọi cuộc phản kháng chính trị trong năm 2010, giải tán các cuộc biểu tình, xách nhiễu những người tranh đấu cho nhân quyền, giam cầm các ký giả, những người viết Blog và các thành viên của Tổ chức đối lập có tên là "huynh đệ hồi giáo".
Tổng thống Hosni Mubarak đã bị chỉ trích vì không chịu bãi bỏ tình trạng khẩn trương được ban hành sau khi tổng thống Anwar el Sadat bị những người hồi giáo cực đoan mưu sát hồi năm 1981. Tổng thống Ai cập cũng bị chỉ trích vì dành cho cảnh sát được rộng quyền để tiến hành các cuộc bắt giữ và hạn chế mọi hoạt động chính trị không được nhà nước phê chuẩn.
Tổ chức theo dõi nhân quyền cũng ghi nhận rằng việc đối xử với người tỵ nạn và di dân ngày càng tồi tệ, nhứt là dọc theo biên giới với Israel. Theo một nhân viên an ninh Ai cập, đã có trên 30 người di dân bị giết chết tại biên giới trong năm 2010.
CV.