Sứ điệp của Ðức Thánh Cha

nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45

 

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45.

Vatican (SD 24-1-2011) - Hôm 24 tháng 1 năm 2011, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các ký giả Công Giáo, Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhân ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 45 đã được công bố với chủ đề: "Sự thật, việc loan báo và đời sống chân chính trong thời đại kỹ thuật số (digital)".

Ngày Thế giới truyền thông xã hội sẽ được cử hành vào chúa nhật 5 tháng 6 năm 2011.

Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha phân tích những điểm tích cực và những rủi ro, nguy hiểm cũng như những thái độ cần tránh trong thời đại thông tin kỹ thuật số, đặc biệt là đối với những người sử dụng mạng xã hội (Social Network). Sự truyền thông qua các phương tiện tối tân này đang có xu hướng không phải chỉ là sự trao đổi dữ kiện, nhưng ngày càng trở thành một sự chia sẻ. Trong sự thông tin ấy, có một số giới hạn, đó là tính chất không khách quan giữa sự giao tác, xu hướng chỉ thông truyền một số khía cạnh trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ rơi vào một loại kiến tạo hình ảnh bản thân có thể đưa tới sự tự mãn nguyện".

Trong bối cảnh đó, "người trẻ ngày nay sống sự thay đổi truyền thông với tất cả những lo âu, những mâu thuẫn và sự sáng tạo vốn là một đặc điểm của những người hăng hái và tò mò cởi mở đối với những kinh nghiệm mới trong cuộc sống".

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha có đoạn viết: "Sự hiện diện trong các môi trường tiềm thể của các mạng xã hội có thể là một dấu chỉ sự tìm kiếm thành thực những cuộc gặp gỡ giữa bản thân với tha nhân, nếu ta quan tâm tránh những nguy hiểm, những người trốn chạy trong một thứ thế giới song song, hoặc nghiện ngập thế giới tiềm thể".

Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng kỹ thuật mới làm cho con người gặp nhau vượt lên trên những ranh giới của không gian và văn hóa, khơi mào một thế giới hoàn toàn mới mẻ của những tình bạn tiềm thể.. Nhưng cơ may lớn này cũng bao gồm một sự ý thức về những rủi ro có thể xảy ra. Ai là tha nhân của tôi trong thế giới mới như thế? Phải chăng có nguy cơ bớt hiện diện với những người chúng ta gặp gỡ trong đời sống hằng ngày của ta? Phải chăng có nguy cơ lãng trí hơn, vì sự chú ý của chúng ta bị phân tán và bị thu hút vào một thế giới "khác" với thế giới chúng ta đang sống?"

Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "Cả trong thời đại kỹ thuật số, mỗi người được đặt trước sự cần thiết phải là một chân thành và suy tư.. có một cách thức hiện diện theo tinh thần Kitô cả trong thế giới kỹ thuật số: lối sống ấy được cụ thể hóa trong sự thông truyền lương thiện và cởi mở, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân. Thông truyền Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới có nghĩa là không những đưa các nội dung tôn giáo rõ ràng vào trong các diễn đàn của các phương tiện khác nhau, nhưng còn có nghĩa là làm chứng tá phù hợp với cuộc sống, với căn tính của mình trên mạng, và trong cách thức thông truyền, chọn lựa, những sở thích ưu tiên, những phán đoán hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, cả khi người ta không nói về Tin Mừng một cách minh nhiên".

Trong việc làm chứng tá Tin Mừng trên Internet, Ðức Thánh Cha nhắc nhở: "Trước tiên chúng ta phải ý thức rằng chân lý mà chúng ta tìm cách chia sẻ không kín múc giá trị từ sự "nổi tiếng" hoặc từ số lượng sự chú ý nó thu hút được. Chúng ta phải phổ biến chân lý trọn vẹn, toàn diện, thay vì làm cho nói được người ta chấp nhận bằng cách "bọc đường" cho nó. Chân lý phải trở thành lương thực hằng ngày chứ không phải chỉ là một sự thu hút nhất thời. Chân lý Tin Mừng không phải là điều có thể trở thành đồ vật tiêu thụ, hoặc một sự vui hưởng hời hợt, nhưng là một hồng ân đòi phải có sự tự nguyện đáp trả." (SD 24-1-2011)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page