Hoạt động đại kết

của Giáo hội Công giáo

 

Hoạt động đại kết của Giáo hội Công giáo.

Roma [La Croix 19/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thứ hai 24 tháng Giêng năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ đến vương cung thánh đường thánh Phaolo ngoại thành ở Roma để chủ sự nghi thức bế mạc tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhứt Kitô giáo.

Người ta sẽ đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của một phái đoàn Giáo hội Tin lành Luther thống nhứt từ Ðức. Tưởng cũng nên nhắc lại: ngày 14 tháng 3 năm 2010, 27 năm sau chuyến viếng thăm lịch sử của Ðức Gioan Phaolo II tại một nhà thờ Tin lành Luther ở Roma, đức Benedicto XVI cũng đã đến viếng thăm nhà thờ này. Nhân dịp này, Ðức thánh cha đã lên tiếng thuyết giảng bên cạnh mục sư Jens Martin Kruse.

Và hôm 16 tháng 12 năm 2010, khi tiếp kiến Liên đoàn Tin lành Luther thế giới, Ðức thánh cha đã nhắc đến việc Ủy ban hổn hợp Tin lành và Công giáo đang soạn thảo một văn kiện trình bày "những gì mà người Tin lành Luther và người Công giáo đều có thể cùng nhau tuyên xưng".

Theo Ðài Phát Thanh Vatican, văn kiện này sẽ được hoàn tất nhân cuộc gặp gỡ sắp tới của Ủy ban được dự trù diễn ra tại Tokyo, Nhựt bản vào mùa hè năm 2011. Văn kiện sẽ là một tín hiệu mạnh nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther, đánh dấu sự đoạn tuyệt của Tin Lành với Tòa thánh. Ngoài ra, văn kiện nói trên cũng sẽ nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Ðức của đức thánh cha vào tháng 9 năm 2011.

Trong cuốn sách "Ánh sáng thế gian" thu thập cuộc trao đổi của Ðức thánh cha với ký giả Ðức Peter Seawald tại dinh thự mùa hè Castel Gandolfo dạo tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha giải thích về mục tiêu của công cuộc đại kết như sau: "Với tư cách là tín hữu Kitô, chúng ta cần phải tìm ra một nền tảng chung. Là tín hữu Kitô, trong thời đại này, chúng ta phải nói lên một tiếng nói chung về những vấn đề lớn và làm chứng về sự hiện diện của Chúa Kitô như là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta không thể thiết lập sự hiệp nhứt trong một thời hạn có thể thấy trước, nhưng chúng ta làm những gì có thể làm được để thực thi một sứ mệnh thật sự và cùng nhau mang lại một chứng tá đích thực với tư cách là tín hữu Kitô trong thế giới này".

Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn trên Báo Người Quan Sát Roma nhân dịp khai mạc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhứt Kitô giáo, Ðức hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo bày tỏ niềm xác tín của mình như sau: "Ngày nay, một công cuộc đại kết khả tín tùy thuộc vào sức mạnh thiêng liêng và khả năng có thể làm cho cuộc đối thoại về chân lý và bác ái được phong phú".

Nhân dịp Hội đồng này kỷ niệm 50 năm thành lập, Ðức cha Brian Farrell, thư ký của Hội đồng, giải thích rằng các tín hữu Kitô cần phải "nói và làm việc chung với nhau, không những chỉ để bênh vực tự do, nhứt là tự do tôn giáo, mà còn để đương đầu với những thách đố lớn đang đến với nhân loại".

Tuy nhiên, theo Ðức cha Farrell, trong lãnh vực giáo thuyết, cần phải tiến bước một cách chậm rãi và cẩn trọng.

Với Chính thống giáo, công cuộc đại kết đã đạt được nhiều bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, là người thường xuyên tham dự các cuộc gặp gỡ để thảo luận về vai trò của Giám mục Roma trong sự hiệp thông Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhứt, Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo đành phải nhìn nhận rằng "vẫn còn khoảng cách vĩ đại giữa kinh nghiệm lịch sử được sống và đồng hóa trong văn hóa tây phương và kinh nghiệm trong cái nhìn của đông phương" về giai đoạn này. Một cách sáng suốt, Ðức cha Farrell ghi nhận rằng hai bên vẫn chưa có một cái nhìn chung về vai trò của Giám mục Roma trong thiên niên kỷ thứ nhứt.

Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo cho rằng cuộc thảo luận thần học trong tương lai sẽ "không dễ dàng và cũng chẳng tiến nhanh được".

Tuy nhiên, dựa trên thông điệp "Ut sint unum" [xin cho chúng nên một] của đức Gioan Phaolo II, Ðức cha Farrell nghĩ rằng "thần học Công giáo có thể đưa ra một cái nhìn cụ thể hơn, một mẫu mực đáp trả lại với những chờ đợi của con người thời đại về một sự hiệp thông trọn vẹn hữu hình". Như thế, các anh em chính thống sẽ tin tưởng và vượt qua những nỗi lo sợ truyền kiếp về sự trổi vượt của tây phương.

Trong quan hệ với Tin lành, Ðức cha thư ký của Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo ghi nhận rằng "trong nhiều điểm thiết yếu" hai bên đều nhận thấy ít xa cách nhau hơn. Tuy nhiên, khó khăn chính vẫn là sự khác biệt trong quan niệm về Giáo hội như được Chúa Kitô mong muốn. Ðây là vấn đề đòi hỏi phải thảo luận nhiều hơn.

Về điểm này, việc Tòa thánh cho thiết lập giám hạt đầu tiên dành cho người Anh giáo trở lại Công giáo hôm 17 tháng Giêng năm 2011, được nhiều người xem như một bước thụt lùi trong tiến trình đại kết.

Thật ra, cơ quan giáo triều đứng ra giải quyết vụ này không phải là Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, mà là Bộ Giáo Lý Ðức Tin.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page