Ðức tổng giám mục Yangon, Myanmar

kêu gọi có nhiều tự do tôn giáo hơn

 

Ðức tổng giám mục Yangon, Myanmar, kêu gọi có nhiều tự do tôn giáo hơn.

Yangon, Myanmar [CNW 18/1/2011] - Ðức tổng giám mục Yangon, Myanmar, kêu gọi có nhiều tự do tôn giáo hơn tại nước này.

Ðức cha Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar, một trong những quốc gia có chế độ độc tài nhứt thế giới, đã trao cho các viên chức chính phủ sứ điệp Hòa bình của Ðức thánh cha Benedicto XVI.

Trích dẫn sứ điệp của Ðức thánh cha, Ðức cha Bo nói rằng "mỗi người phải có thể tự do thực thi và biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình một cách cá nhân hay như một cộng đồng, nơi công cộng cũng như chốn riêng tư, trong giảng dạy, thực hành, xuất bản, thờ phượng cũng như tuân giữ các nghi thức".

Ðức tổng giám mục Yangon than phiền rằng các tín hữu kito tại Myanmar bị cưỡng bách phải bỏ đạo để được thăng chức. Ðức cha Bo ghi nhận rằng tại một số vùng ở Myanmar, Thánh giá bị tháo gỡ khỏi các nhà thờ.

Ngài nhắc lại rằng khi Giáo hội còn có thể điều khiển các trường học, thì "hệ thống giáo dục tại Myanmar được đánh giá là một trong những hệ thống tốt nhứt tại Á Châu". Nhưng sau khi chính phủ quốc hữu hóa các trường học thì nền giáo dục tại nước này "bị phá sản và ngày càng xuống cấp". Ðây là một sự kiện không thể chối cãi được.

Hồi năm 2008, trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã xin Chúa cho Myanmar "biết tôn trọng thật sự mọi nhân quyền và các tự do cơ bản".

Theo thống kê của Tòa thánh, dân số Myanmar hiện nay là 53 triệu người. Trong số này chỉ có 1.2 phần trăm là người Công giáo. 89 phần trăm dân số nước này theo Phật giáo; 4 phần trăm là tín hữu kito và 4 phần trăm theo Hồi giáo.

Kể từ năm 1962, Myanmar bị cai trị bởi các chế độ độc tài quân phiệt. Các chế độ này đã trục xuất các nhà thừa sai ngoại quốc và quốc hữu hóa các trường và Bệnh viện Công giáo ngay từ thập niên 60. Vào cuối thập niên 80, chế độ quân phiệt Myanmar hủy bỏ tự do tôn giáo.

Chế độ quân phiệt hiện nay, do tướng Than Shew lãnh đạo từ năm 1992, nổi tiếng là một chế độ tàn bạo. Năm 2005, Tổ chức Lao Ðộng Quốc Tế của Liên hiệp quốc ước tính có đến 800 ngàn công dân nước này bị cưỡng bách lao động.

Theo bộ ngoại giao Hoa kỳ, các cuộc đàn áp nhắm vào những người không theo Phật giáo, bởi vì "bộ tôn giáo vụ cũng kiêm luôn việc thăng tiến và tuyên truyền cho "Sasana", tức Giáo lý Phật giáo. Giáo lý và kinh phật là một phần trong chương trình học trong các trường tiểu học của nhà nước. Chính phủ tạo áp lực để các học sinh phải cải đạo sang Phật giáo và ít khi cho phép những người ngoài Phật giáo được thăng chức trong chính quyền. Chính phủ theo dõi các hoạt động của Giáo hội và kiểm soát việc in ấn mọi sách vỡ tôn giáo. Chính phủ đặc biệt cấm dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ địa phương và nhiều lần kiểm duyệt Cựu Ước vì cho rằng Sách này có chứa đựng ngôn ngữ bạo động. Việc xây cất và ngay cả bảo trì các nhà thờ cũng tùy thuộc vào những phản ứng tùy tiện của chính quyền địa phương.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page