Những căng thẳng

giữa hàng giáo phẩm Nhựt bản

và Phong trào Con đường tân dự tòng

 

Những căng thẳng giữa hàng giáo phẩm Nhựt bản và Phong trào Con đường tân dự tòng.

Nhật bản [La Croix 17/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Hai 17 tháng Giêng năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã tiếp kiến khoảng 7,000 thành viên của Phong Trào có tên là "Con đường Tân dự tòng".

Trong bài nói chuyện với các thành viên của Phong trào này, Ðức thánh cha đã kêu gọi hãy "luôn luôn tìm kiếm sự hiệp thông với các vị chủ chăn và các thành phần khác của các Giáo hội địa phương".

Nhiều vị Giám mục Nhựt bản có thể hiểu đây là một nhắn nhũ riêng cho các thành viên của Phong trào tại nước này là nơi hiện đang có nhiều căng thẳng giữa các vị chủ chăn và các thành viên của Phong trào.

Mới đây, tình hình căng thẳng đến độ một phái đoàn gồm 4 vị Giám mục Nhựt bản đã đến Roma để xin Tòa thánh ra lệnh cho Phong trào này tạm ngưng hoạt động 5 năm tại Nhựt bản. Nhưng Ðức thánh cha đã bác bỏ yêu cầu của các vị chủ chăn Giáo hội tại Nhựt bản và cho biết sẽ cử một thanh tra của Tòa thánh đến nước này để xoa dịu các căng thẳng.

Từ nhiều năm nay, sự hiện diện của Phong Trào Con đường tân dự tòng đã tạo ra nhiều căng thẳng trong cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Nhựt bản. Các căng thẳng đã lên cao đến độ hôm 13 tháng 12 năm 2010, các Ðức giám mục Nhựt bản đã phải về Roma để cùng với Ðức thánh cha và các cộng sự viên thân cận của ngài duyệt lại vấn đề.

Ðược biết Phong trào Con đường tân dự tòng, được thành lập tại Tây ban nha năm 1964, đã được du nhập vào Nhựt bản năm 1970. Trong yêu cầu được đệ trình lên Ðức thánh cha, các Ðức giám mục Nhựt bản đề nghị Phong trào này ngưng hoạt động trong vòng 5 năm tại nước này.

Ðức thánh cha đã từ chối yêu cầu trên đây và, theo những tuyên bố được ông Alvaro de Juana, phát ngôn viên của Phong trào đưa ra trong tuần này, Ðức thánh cha khuyến khích hai bên đối thoại với nhau càng sớm càng tốt để tìm ra một giải pháp. Sắp tới, Tòa thánh sẽ gởi một viên thanh tra đến Nhựt bản để đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhìn chung, mặc dù được một số người Công giáo Nhựt bản ủng hộ, các hoạt động của Phong trào này lại bị một số khác và nhứt là các vị chủ chăn Giáo hội tại đây xem như "cục bộ". Theo hãng tin "các Giáo hội Á châu" của Hội thừa sai Paris, các Ðức giám mục Nhựt bản trách cứ rằng Phong trào Con đường tân dự tòng "không tìm cách hội nhập vào Nhựt bản cũng như tìm hiểu văn hóa nước này".

Về phần mình, giới hữu trách của Phong trào này thì cho rằng Giáo hội Công giáo tại Nhựt bản quá chú trọng đến cuộc đối thoại với người ngoài Kitô giáo mà "bỏ qua việc minh thị loan báo đức tin Kitô".

Linh mục Regis Anouilh, giám đốc của hãng tin "các Giáo hội Á châu" cho rằng đây là "một va chạm giữa các nền văn hóa". Theo cha Anouilh, Phong trào Con đường tân dự tòng có chủ trương trực tiếp rao giảng Tin Mừng. Ðường lối này hoàn toàn đi ngược lại với não trạng của người Nhựt bản vốn cấp tiến và hòa hoãn hơn.

Tình trạng bế tắc trong Giáo phận nhỏ bé Takamatsu có thể minh họa cho những căng thẳng giữa Phong trào Con đường tân dự tòng và Giáo hội tại Nhựt bản. Ðược xây cất năm 1990, chủng viện của Phong trào đón tiếp nhiều chủng sinh ngoại quốc. Việc điều hành và phí tổn của chủng viện đã bị chỉ trích. Vụ việc đã bị mang ra tòa; Ðức giám mục Giáo phận bị tố cáo có thái độ thóa mạ. Cuối cùng, năm 2009, theo yêu cầu của Tòa thánh, chủng viện đã bị đóng cửa.

Nhưng lần này, yêu cầu của các Ðức giám mục Nhựt bản đã không được Tòa thánh lắng nghe. Nhưng các vị chủ chăn Giáo hội tại Nhựt bản đã không muốn dừng lại ở đó. Trong một thông cáo được cho công bố hôm thứ Tư 12 tháng giêng năm 2011 trên tuần báo Công giáo "Katorikku Shimbun", các Ðức giám mục Nhựt bản kêu gọi chính những người đã từng gia nhập Phong trào này hãy bày tỏ "nỗi lòng" của họ.

Về phần mình, Ðức cha Leo Ikenaga Jun, Tổng giám mục Osaka, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhựt bản, viết trên tờ báo nói trên rằng "nơi nào Phong trào này hoạt động mạnh thì nơi đó có hoang mang, xung đột, chia rẽ và hổn loạn". Ngài than phiền rằng "rất khó làm cho Roma hiểu được tình hình thực tế" tại địa phương.

Ðức tổng giám mục Osaka hy vọng rằng Phong trào Con đường tân dự tòng sẽ "quan tâm tìm hiểu tại sao cho tới nay mọi sự đã không diễn ra một cách tốt đẹp và cuối cùng cố gắng giúp loại bỏ nguyên nhân của những vấn để gặp phải".

Ðược nhạc sĩ Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez thành lập tại Madrid Tây Ban Nha năm 1964, Phong trào Con đường tân dự tòng chủ trương đào luyện các tín hữu Kitô trưởng thành. Quy chế của Phong trào đã được Ðức thánh cha phê chuẩn năm 2008.

Phong trào này được gợi hứng từ việc "dự tòng" trong thời Giáo hội tiên khởi, theo đó những người ngoại giáo trở lại Kitô giáo phải được chuẩn bị kỷ lưỡng trước khi lãnh nhận phép rửa. Phong trào này áp dụng thời gian "dự tòng" của Giáo hội tiên khởi cho các tín hữu đã chịu phép rửa. Chính vì vậy mà Phong trào mới có tên là "tân dự tòng".

Cam kết thực hiện công cuộc rao giảng Tin mừng mới như đức Gioan Phaolo II đã từng kêu gọi, hiện Phong trào đang điều khiển 75 chủng viện có tên là "Redemptoris Mater" [Mẹ Ðấng Cứu Thế] tại khắp năm châu, cũng như gởi hàng trăm "gia đình truyền giáo" đến sống tại nhiều nơi trên khắp thế giới.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page