Vài nét về việc tôn phong Chân phước

cho Ðức Gioan Phaolo II

 

Vài nét về việc tôn phong Chân phước cho Ðức Gioan Phaolo II.

Vatican [La Croix 16/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Sáu 14 tháng 1 năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã ký sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ được thực hiện do sự bầu cử của bậc đáng kính Gioan Phaolo II và loan báo sẽ tôn phong Chân phước cho ngài vào ngày 1 tháng 5 năm 2011. Tiến trình tôn phong Chân phước cho Ðức Gioan Phaolo II đã diễn ra nhanh hơn bình thường.

Hiện nay Tòa thánh đang cho ráo riết chuẩn bị lễ tôn phong Chân phước. Nhà nguyện thánh Sebastiano nằm trong vương cung thánh đường thánh Phero, trước bàn thờ chính, đang được chuẩn bị để đón tiếp di hài của vị giáo hoàng người Balan.

Các giới chức giáo triều cũng đã tiên liệu mọi sự: ngoài quảng trường thánh Phero, còn phải đặt nhiều màn ảnh lớn trước vương cung thánh đường Laterano và tại nhiều nơi khác nữa.

Kể từ khi Ðức thánh cha đã ký sắc lệnh nhìn nhận phép lạ được gán cho sự bầu cử của Ðức Gioan Phaolo II, người Roma đã chứng tỏ khả năng phi thường trong việc tổ chức các biến cố lớn. Cuối cùng, chỉ trong vài tuần lễ nữa, quảng trường thánh Phero sẽ tìm lại "bầu khí của thời Ðức Gioan Phaolo II", tức bầu khí của những đại lễ không ngừng diễn ra trong suốt 25 năm dưới triều đại của ngài.

Rồi đây, không biết bao nhiêu khách hành hương từ khắp nước Ý và Pháp đổ xô về Roma. Nói chi đến những người đồng hương Balan của đức Gioan Phaolo II. Người ta ước tính sẽ có đến vài trăm ngàn người đến Roma để tham dự lễ tôn phong Chân phước cho ngài. Tiếng tăm và sức thu hút của vị Giáo hoàng này là điều không thể chối cãi được. Hiện mỗi ngày có không biết bao nhiêu người đến trước mộ của ngài để cầu nguyện. Kể từ năm 2005, mỗi một giai đoạn trong tiến trình tôn phong Chân phước cho ngài đều lôi kéo sự chú ý của truyền thông. Nếu so sánh với Mẹ Terexa Calcutta, tiến trình này chỉ kéo dài hơn 10 ngày.

Ngay trong lễ an táng của ngài, đám đông đã lập lại truyền thống nghìn đời của Giáo hội khi hô lớn khẩu hiệu bằng tiếng Ý "santo subito" [hãy phong thánh cho ngài tức khắc]. Tuy nhiên, mặc dù trong mật nghị bầu giáo hoàng, một số Hồng y đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư xin phong Thánh tức khắc cho ngài, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã không chiều theo ý muốn ấy. Ðức thánh cha đã muốn tuân thủ toàn bộ thủ tục phức tạp của việc tôn phong Chân phước. Dù vậy, vì không bao giờ nghi ngờ về sự thánh thiện của vị tiền nhiệm của mình, Ðức thánh cha cũng đã cho tiến hành các thủ tục nhanh hơn bình thường.

Ðức hồng y Angelo Amato, bộ trưởng bộ phong thánh đã nhìn nhận trên đài phát thanh Vatican rằng có hai luật trừ trong tiến trình tôn phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II: một là hồ sơ của ngài đã được khai mở trước thời hạn 5 năm sau khi ngài qua đời, hai là hồ sơ của ngài đã không nằm trong danh sách dài những hồ sơ cần được cứu xét.

Chính vì vậy mà hồ sơ ở cấp giáo phận, tức Roma, chỉ diễn ra trong hai năm. Ðây là một thời hạn nhanh chóng, nếu phải duyệt lại toàn bộ các tác phẩm mà đức Gioan Phaolo II đã để lại. Việc cứu xét phép lạ cũng diễn ra nhanh chóng: việc khỏi bệnh của nữ tu Marie Simon Pierre, người Pháp, cũng diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi đức Gioan Phaolo II qua đời.

Trong thực tế, tiến trình tôn phong Chân phước cho đức Gioan Phaolo II chỉ kéo dài trong 6 năm. Với tư cách phi thường của vị giáo hoàng này, không ai dám nghi ngờ về sự thánh thiện của ngài.

Tuy nhiên, vẫn có một số người không tán thành việc tôn phong Chân phước cho Ðức Gioan Phaolo II. Ngay sau khi Ðức thánh cha loan báo sẽ tôn phong Chân phước cho ngài, hiệp hội các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục tại Hoa kỳ cho rằng Tòa thánh đã không "màng đến sự đau khổ của các nạn nhân". Họ nhấn mạnh rằng có nhiều trường hợp hoặc bị xem thường hoặc được che dấu dưới triều đại của Ðức Gioan Phaolo II.

Những lời chỉ trích cũng nhắm đến sự mù quáng của Ðức Gioan Phaolo II đối với cha Marcial Maciel, vị sáng lập của Hội Ðạo Binh Chúa Kitô, người đã từng có những sinh hoạt tính dục đồi bại, nhưng lại được ngài tín nhiệm và tin tưởng cho đến cùng.

Trong cuốn sách "Ánh sáng thế gian" vừa được xuất bản cuối năm vừa qua, Ðức thánh cha đã ghi nhận rằng kể từ năm 2000, nghĩa là trong 5 năm cuối đời của đức Gioan Phaolo II, người ta đã bắt đầu có những nghi ngờ nghiêm trọng về cuộc sống nước đôi của cha Maciel.

Những lập luận trên đây, dù có nghiêm chỉnh đến đâu, cũng không ngăn cản Tòa thánh tiến hành hồ sơ tôn phong Chân phước cho Ðức Gioan Phaolo II. Thật vậy, khi công bố một vị giáo hoàng là thánh, Giáo hội không hề xét đến toàn bộ những quyết định chính trị và cai quản dưới triều đại ngài, mà chỉ nhìn xem đấng chân phước tương lai, nói theo kiểu nói của báo Người Quan Sát Roma, có một "cuộc sống gương mẫu" không mà thôi.

Trên lý thuyết, việc tôn phong chân phước chỉ có giá trị ở cấp địa phương: Giáo hội chỉ cho phép tôn kính vị Chân phước trong giáo phận đã thiết lập hồ sơ xin phong Chân phước mà thôi. Còn phải chờ đợi thêm một phép lạ nữa, đức Gioan Phaolo II mới được nâng lên bậc hiển thánh. Tuy nhiên, chắc chắn việc tôn kính chân phước Gioan Phaolo II sẽ không dừng lại trong ranh giới của giáo phận Roma, mà sẽ mở rộng đến toàn thế giới.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page