Nhận định về vụ sát hại

các tín hữu Kitô Chính thống Copte

tại Ai Cập

 

Nhận định về vụ sát hại các tín hữu Kitô Chính thống Copte tại Ai Cập.

Ai cập (Avvenire 5-1-2011) - Một số nhận định của ông Boutros Boutros Ghali, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và của ông Asghar Ali Engineer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và Chủ thuyết duy đời.

Ngày mùng 1 tháng 1 năm 2011, một xe bom đã nổ trước nhà thờ Các Thánh Al Kidissine của Giáo hội Chính thống Copte trong thành phố Alessandria bên Ai Cập, khiến cho 22 tín hữu chết và 80 người khác bị thương. Trong số các người bị thương cũng có 8 người hồi. Vụ sát hại các tín hữu Chính thống Copte Ai Cập trong thánh lễ tạ hơn đầu năm mới dương lịch đã gây xúc động trên thế giới. Tổng thống Mubarack cho rằng có bàn tay tổ chức Al Qaeda trong vụ sát hại này.

Hôm mùng 2 tháng 1 năm 2011 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã mạnh mẽ lên án hành động khủng bố này. Ngài bầy tỏ sự đau buồn sâu xa và nói: "Hành động sát nhân hèn nhát, cũng như vụ đặt bom gần nhà các tín hữu Kitô ở Irak để buộc họ ra đi, là điều xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, chính trong ngày hôm qua mùng 1 tháng giêng, nhân loại đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu một năm mới trong hy vọng. Ðứng trước chiến lược bạo lực nhắm vào các tín hữu kitô và có những hậu qủa trên toàn dân, tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân quyến của họ, đồng thời khuyến khích các cộng đoàn Giáo Hội kiên trì trong đức tin và việc làm chứng cho sự bất bạo động như Tin Mừng đã dậy... ".

Ðức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã bầy tỏ lo âu trước tình trạng bạo lực này. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Quan sát viên Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, Ðức Hồng Y nói: "Một quốc gia phải bênh vực các công dân của mình, không được để cho họ phải sống trong kinh hoàng, không được che chở. Ðối với các tín hữu kitô điều này đã xảy ra qúa thường xuyên, làm như thể họ là các công dân không có quyền công dân... Nguy hiểm đó là người ta coi tai ương xảy ra tại Alessandria như là một hành động khủng bố không thể thấy trước được. Nhưng không phải như vậy. Ðây là một vụ bất khoan nhượng tôn giáo trầm trọng, trước hết chống lại các kitô hữu, nhưng cũng chống lại tất cả mọi người Ai cập nữa. Ðiều đáng lo sợ đó là người ta gán trách nhiệm cho các nhóm khủng bố. Cũng có thể là như vậy, nhưng không được quên rằng đã có các người Ai cập bị giết và điều này xảy ra ngay trên quê hương của họ".

Tổ chức "Hội nghị Hồi giáo", quy tụ 56 quốc gia thành viên đã quyết định đưa tình hình của các Kitô hữu vào trong chương trình nghị sự trong phiên họp triệu tập ngày 19 tháng 1 năm 2011 tại Abu Dhabi. Ông Nabih Berri thuộc văn phòng tổng thống Libăng đã cho biết như trên. Vấn đề được chính ông đưa ra trước hội nghị liên quan tới vai trò của các nước thành viên trong việc duy trì các Kitô hữu trong vùng Trung Ðông và làm cho các quyền của họ được tôn trọng.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Boutros Boutros Ghali, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và của ông Asghar Ali Engineer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và Chủ thuyết duy đời, về vụ sát hại này.

Ông Boutros Botros Ghali, tín hữu Chính thống copte, đã từng là Tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc trong các năm 1992-1996 và hiện là Chủ tịch Ủy Ban quốc gia bảo vệ các quyền con người tại Ai Cập. Trong các tháng qua ông Boutros Ghali đã nhiều lần lên tiếng báo động chính quyền Cairo về nguy cơ này. Trong một tài liệu dài 133 trang ông đã vén mở cho thấy các thiếu sót của chính quyền Ai Cập trong việc phòng ngừa các cuộc tấn công các tín hữu Kitô.

Hỏi: Thưa ông Boutros Ghali, ông nghĩ gì về vụ sát hại các kitô hữu chính thống Ai Cập tại Alessandria trong ngày đầu năm vừa qua? Có thể coi nó là một hành động khủng bố quốc tế như vụ đánh bom tại Sharm-El-Sheikh hồi năm 2005 hay không?

Ðáp: Cả khi vụ khủng bố đã không do tay của một người hồi ai cập, như chính quyền đã nhấn mạnh, tất cả mọi người đều biết rằng vụ tấn công khủng bố này là hậu qủa của một đường lối chính trị của chính quyền Ai Cập, vẫn giả điếc làm ngơ trước các thỉnh cầu của các kitô hữu. Tình hình này đã xảy ra, bởi vì người ta để cho các lực lượng an ninh và các viên chức bàn giấy rườm rà đặc trách các tương quan giữa các tôn giáo với nhau, thay vì hỗ trợ một sự đối thoại đích thật trong cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Như thế nguồn gốc của cuộc khủng hoảng có tính cách chính trị?

Ðáp: Vâng. Chính quyền có các trách nhiệm đầu tiên. Miêu tả quốc gia như là một lò căng thẳng tôn giáo thuộc các kiểu diễn tả cố định của người âu châu mhìn chúng tôi, chứ không đúng với thực tại. Ðó là thực tại của một đất nước từ bao năm nay ngăn cản các tín hữu hồi và tín hữu kitô có các đại diện của họ trong các cơ cấu chính quyền, trong sự thinh lặng hoàn toàn của thế giới.

Hỏi: Các tín hữu Chính thống Copte đã biểu tình sau vụ sát hại nói trên và chứng tỏ cho thấy sự giận dữ gia tăng mạnh mẽ, có đúng thế không, thưa ông?

Ðáp: Trong cuộc sống thường ngày các đám đông Hồi giáo và Kitô giáo không thù ghét nhau. Nghĩ rằng họ thù ghét nhau là điều qúa đơn sơ và chỉ dưỡng nuôi sự căng thẳng qua các kênh truyền thông qua ngã vệ tinh, là diễn đàn của các nhóm qúa khích của cả hai bên. Các tín hữu Kitô Chính thống chết vì đạo tại Alessandria đã không bị sát hại bởi kẻ đánh bom tự vẫn, nhưng bởi chúng ta tất cả, bởi những người qúa khích và bởi cả những người ôn hòa, Hồi giáo cũng như Kitô, đã thinh lặng không lên tiếng. Nếu chúng ta không đương đầu với vấn đề của khuynh hướng qúa khích tại trường học, trong các đại học, trong các đền thờ Hồi giáo và trong các nhà thờ Kitô, và nhất là trong các phương tiện truyền thông xã hội, thì các vụ sát hại này sẽ tái diễn. Chúng tôi biết họ từng người một, nếu họ phải đưa ra ánh sáng các trách nhiệm của các nhà văn nhà báo và các vị lãnh đạo tôn giáo khích động các tâm hồn.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng Ai Cập cũng có nguy cơ biến thành một Libăng thứ hai, như các báo viết, hay không?

Ðáp: Ai Cập sẽ không là Libăng cũng không là Irak. Sự hiện diện của các người ôn hòa trong các đám đông dân ai cập rất là đông đảo. Chúng tôi cùng nhau tham dự vào các cuộc biểu tình, và có sự đối thoại trên bình diện văn hóa như đã thấy trong cuộc biểu tình. Giữa các người trí thức có tình bạn sâu đậm. Không được thê thảm hóa phản ứng của vị Ðại Imam của đại học Al Azhar. Ðó đã là một hiểu lầm.

Hỏi: Cuộc đối thoại có thể tái bắt đầu từ đâu thưa ông?

Ðáp: Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng biết bao nhiêu diễn văn liên quan tới sự khoan nhượng với các Kitô hữu là một vấn đề: các Kitô hữu không cần sự thương hại hay sự khoan nhượng, nhưng họ cần được hưởng các quyền công dân của họ, và họ muốn là phần của giải pháp chứ không phải của vấn đề. Chính quyền phải hành động một cách cụ thể như là một Nhà Nước pháp quyền, bảo đảm cho mọi người dân Ai Cập. Về phía mình, Âu châu phải ủng hộ xã hội dân sự và các người có lập trường hòa hoãn đích thực của cả hai phía Hồi giáo cũng như Kitô giáo, ngày nay còn là nạn nhân của một ảo tưởng khiến cho họ tin tưởng nơi các người đối tác cũ.

*** Sau đây là một số nhận xét của ông Asghar Ali Engineer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và Chủ thuyết duy đời tại New Delhi, về vụ sát hại các tín hữu Chính thống Copte Ai Cập.

Ong Engineer là một tư tưởng gia hồi và là người hoạt động xã hội và đối thoại liên tôn rất tích cực, đồng thời là nhân vật quan trọng nhất của Hồi giáo tân tiến tại Ấn Ðộ. Trong qúa khứ ông đã nghiên cứu về các chiến thuật khủng bố, đặc biệt là của lực lượng Al Qaeda.

Hỏi: Thưa ông, ông có phản ứng nào trước các vụ sát hại tín hữu kitô như mới xảy ra cho các tín hữu chính thống Copte trong ngày đầu năm 2011 tại Alessandria bên Ai Cập?

Ðáp: Tôi là một người hoạt động cho hòa bình và tôi tin vào chủ trương không bạo lực. Tôi kinh hoàng trước mọi cái chết và sự phá hủy, và tôi tin rằng các bạo lực này có các mục đích chính trị hơn là tôn giáo. Tôi rất xúc động trước các vụ sát hại Kitô hữu tại Irak cũng như tại Ai Cập. Ðó là các sự kiện không thể chấp nhận được. Không có một tôn giáo nào, lại càng không phải là Hồi giáo, có thể cho phép các điều đó. Tôi là một tín hữu hồi và đối với tôi chính từ Islam ám chỉ khả thể đạt tới hòa bình. Những kẻ thực thi bạo lực và giết các người vô tội không thể được coi là tín hữu hồi, một cách độc lập với các yêu sách hay các lý do chính trị mà họ đưa ra.

Hỏi: Trong một tình trạng như tình trạng chúng ta đang chứng kiến, dấn thân cho sự đối thoại và chung sống có còn có ý nghĩa nào không đối với tín hữu kitô cũng như tín hữu hồi thưa ông?

Ðáp: Chính trong loại tình hình như hiện nay việc đối thoại lại càng quan trọng hơn nữa. Trong khi bạo lực tạo ra hàng loạt các hiểu lầm, thì đối thoại đánh tan các hiểu lầm ấy. Ðối thoại không có nghĩa là trích dẫn các văn bản gương mẫu của các sách thánh hay của các truyền thống tôn giáo khác, hay đưa ra các câu hỏi khó trả lời và minh giải các nghi ngờ. Cần phải chân thành trong cuộc đối thoại để không làm cho nó trống rỗng ý nghĩa đi. Ðối thoại không chỉ liên quan tới tôn giáo mà thôi, nhưng phải liên quan tới cả việc chính trị hóa tôn giáo nữa.

Hỏi: Thưa ông Engineer, các áp lực ngày càng gia tăng đối với các nhóm thiểu số kitô tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo, là một chiến thuật nhằm khuynh đảo tình hình "toàn cầu" hay nó chỉ tùy thuộc các tình hình địa phương thôi?

Ðáp: Tôi không tin nơi một chiến thuật toàn cầu, nhưng tin vào các sáng kiến khác nhau của địa phương. Trong trường hợp thê thảm vừa qua, bom đã nổ tại Alessandria bên Ai Cập, là thành phố, nơi đã từng xảy ra các vụ đụng độ giữa các tín hữu kitô và hồi giáo. Xác tín này đến từ sự kiện trong 40 năm qua tôi đã nghiên cứu sự tiến triển của các bạo lực liên cộng đoàn Ấn giáo và Hồi giáo tại ấn Ðộ. Trong nhiều vùng tại Ấn Ðộ, các tín hữu hồi sống trong các điều kiện an ninh, nhưng tại nhiều vùng khác họ lại bị tàn sát không thương tiếc. Hồi năm 2001 trong khi hàng trăm tín hữu hồi trong bang Gujarat bị sát hại, thì trong các bang khác tín hữu hồi sống trong an ninh.

Cũng giống như trường hợp của các tín hữu hồi chúng tôi, ngày nay đối với các vụ đặt bom sát hại các Kitô hữu, một số lớn các tín hữu Ấn giáo đã lên án các vụ sát hại này. Sự kiện này cho thấy không thể đổ tội cho toàn cộng đoàn tôn giáo vì các hành động tội phạm với các lý do chính trị, lợi lộc quyền bính hay lợi lộc kinh tế.

Hỏi: Thưa ông, các hành động bạo lực xảy ra trong các thời gian qua tại vài nước đứng đầu là Irak, xem ra cho thấy một chiến thuật mới của lực lượng khủng bố Al Qaeda, tìm cách tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số để đạt các mục tiêu của họ. Riêng ông, thì ông nghĩ sao?

Ðáp: Có thể đó là chủ ý của tổ chức Al Qaeda, nhưng nó không phải là sự thật đầy đủ, và chắc chắn nó không phải là chiến thuật giúp chiến thắng. Tổ chức Al Qaeda có các mục tiêu chính trị trong nền tảng của nó. Có thể có một nhóm thiểu số ủng hộ điều này, nhưng chắc chắn không phải là tất cả mọi tín hữu hồi đều ủng hộ họ. Theo kết qủa một cuộc thăm dò ý kiến do Trung Tâm nghiên cứu PEW, có trụ sở bên Hoa Kỳ thực hiện, đa số các tín hữu hồi trong tất cả các quốc gia hồi giáo đều lên án nạn khủng bố phá hoại.

Hỏi: Như thế, theo ông, chiến thuật tấn công các tín hữu kitô ít có hy vọng thành công?

Ðáp: Nó không có hy vọng thành công nào, nhưng trong thời gian ngắn điều này lại khiến cho nó càng trở thành nguy hiểm hơn. Cần phải có nỗ lực cụ thể và trung thực của tất cả mọi người, kể cả các nhóm thiểu số kitô, để cho các thời gian khó khăn này không trở thành một điểm thụt lùi trong các tương quan với các tín hữu hồi.

(Avvenire 5-1-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page