Tương lai của
một miền Nam Sudan độc lập
Tương lai của một miền Nam Sudan độc lập.
Sudan [National Catholic Register, Los Angeles Times 11/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Người dân Miền Nam Sudan, Phi Châu đang tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý kéo dài từ ngày Chúa nhựt 9 đến ngày thứ Bảy 15 tháng Giêng năm 2011. Tách khỏi một chính phủ đang tìm cách áp đặt luật Hồi giáo Sharia là động lực mạnh nhứt khiến người dân Miền Nam Sudan hăng hái tham gia cuộc trưng cầu dân ý này.
Nhưng miền Nam Sudan, mặc dầu có một dân số Công giáo đáng kể, rất có thể phải đứng trước một tương lai đầy khó khăn sau khi trở thành một quốc gia độc lập. Theo các thống kê, cứ 10 người thì có đến 9 người có thu nhập mỗi ngày không tới một mỹ kim. Phần lớn đất đai nếu không khô cằn thì cũng sình lầy. Một nửa dân số sống nhờ trợ cấp quốc tế. Và đa số dân chúng lại mù chữ.
22 năm nội chiến với miền Bắc với đa số dân theo Hồi giáo không chỉ cướp đi mạng sống của hai triệu người, mà còn để lại không biết bao nhiêu thiệt hại vật chất khác. Cách đây vài hôm, với giọng điệu thô bỉ, tổng thống Sudan, ông Omar Al Bashir lên giọng cho rằng một Miền Nam độc lập sẽ là một "quốc gia thất bại". Ông quên mất rằng chính sự cai trị độc ác và sự hiếu chiến của ông đã gây ra cho Miền Nam không biết bao nhiêu đau thương tang tóc và tàn phá. Và đây chính là lý do khiến người dân Miền Nam không mong gì hơn là được độc lập.
Năm 2005, một trong những thành công lớn nhứt trong chính sách ngoại giao của tổng thống Hoa kỳ George Bush chính là giúp đạt được một Hòa ước chấm dứt cuộc nội chiến tại Sudan và dành Miền Nam với đa số dân theo Kitô giáo được tự trị. Cũng chính nhờ hòa ước này mà người dân Miền Nam mới được tham gia cuộc trưng cầu dân ý trong tuần này.
Cha Peter, cha sở giáo xứ nhà thờ chính tòa thánh Terexa tại Juba, thủ phủ của Miền Nam, đã giải thích: "Người miền Bắc tìm cách áp đặt "chủ nghĩa Á rập" và luật Hồi giáo Sharia lên toàn thể Sudan. Bạn hãy thử tưởng tượng: nó cũng giống như chúng tôi tìm cách áp đặt Giáo luật lên người khác tại Sudan. Bạn không thể cai trị một đất nước với nhiều sắc tộc và bản sắc với một hệ thống như thế".
Theo cha Peter, Giáo hội Công giáo là điểm nhắm của chính phủ Khartoum trong suốt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983 đến năm 2005. Cha nói: "Chúng tôi bị xem như nhân viên được các đế quốc hay Tòa thánh xử dụng để triệt hạ Hồi giáo".
Một linh mục khác là cha Kasimiro Mogga Joseph, cha sở tại nhà thờ các thánh ở Mugoro nói rằng người Á rập ở miền Bắc xem người Công giáo như thú vật.
Trong thực tế, Giáo hội Công giáo và các tổ chức cứu trợ và bác ái của Giáo hội đã giúp đỡ tất cả những ai phải đau khổ vì chiến tranh, bệnh tất và đói khổ, mà không sợ hãi hay thiên vị. Theo cha sở nhà thờ chính tòa thánh Terexa, nhiều người đã nhận ra gương mặt đích thực của người Công giáo. Cha nói: "Chúng tôi đã giúp đỡ các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác cũng như người Hồi giáo và những người theo các tôn giáo cổ truyền, khi họ đói khát, lâm cảnh không nhà không cửa hay đau khổ. Chúng tôi không yêu cầu họ phải cải đạo hay bất cứ điều gì để đáp trả lại".
Giờ đây, như vị linh mục đã kêu gọi mọi người trong thánh lễ, ngài hy vọng dân chúng sẽ đi bỏ phiếu một cách ôn hòa, "trong trật tự và không gây rối loạn".
Hôm Chúa nhựt 9 tháng Giêng năm 2011, trong ngày đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý, một số chính trị gia tên tuổi như thượng nghĩ sĩ Mỹ John Kerry và tổng thống Miền Nam Sudan, ông Salva Kiir, đã đến thăm nhà thờ chính tòa Juba.
Thượng nghị sĩ John Kerry hiện đang là chủ tịch Ủy Ban ngoại giao của Thượng Viện. Trong những tháng vừa qua, ông đã nhân danh chính phủ của tổng thống Barack Obama viếng thăm Sudan 3 lần. Trong một bài diễn văn đọc trước cộng đồng giáo xứ chính tòa thánh Terexa, thượng nghị sĩ John Kerry đã vinh danh nhân dân Miền Nam.
Mặc dù đã trải qua không biết bao nhiêu thảm cảnh, từ chiến tranh, đói kém, bệnh tật đến tình cảnh bị giằng co giữa Hoa kỳ và Trung quốc là nước đang đầu tư và mua dầu của Sudan, Miền Nam Sudan ít được các phương tiện truyền thông thế giới chú ý tới. Thế nhưng, cuộc trưng cầu dân ý hiện đang thu hút rất nhiều ký giả ngoại quốc.
Trong thánh lễ được cử hành bằng tiếng Bari, một trong những ngôn ngữ chính của miền Nam Sudan, nhiều ký giả Tây phương đã nườm nượp ra vào nhà thờ chính tòa Juba, khiến các nữ tu giữ trật tự đã phải lên tiếng yêu cầu tôn trọng nơi tôn nghiêm. Sở dĩ các ký giả đổ xô về nhà thờ chính tòa là vị tổng thống Salva Kiir không bỏ sót thánh lễ chúa nhựt nào tại đây.
Theo cha Peter ước tính, có đến hai phần ba tín hữu Kitô tại Miền Nam Sudan là người Công giáo, phần lớn đều nghèo khổ như gần 4 triệu dân trong vùng. Bên ngoài thủ phủ Juba, hầu hết đường sá đều chưa được tráng nhựa, hạ tầng cơ sở còn rất thô sơ.
Với đa số dân theo Kitô giáo, những người mong mõi độc lập đều chờ đợi quốc gia mới này sẽ được đặt theo một tên gọi trong Kinh Thánh như Azania hay Cushitia. Cushitia bắt nguồn từ một vùng đất trong Kinh Thánh có tên là "Cush" mà người ta cho là chính miền Nam Sudan.
Ðược hỏi: liệu cha cho mong muốn được thấy một Miền Nam được độc lập không, cha Peter trả lời: "Ðây là cơ hội để chúng tôi bày tỏ ý muốn của chúng tôi theo một cách thế mà trước đây chúng tôi chưa từng có". Cha khẳng định: "Chúng tôi có nền văn hóa và lịch sử riêng của mình tại Miền Nam này. Tốt hơn chúng tôi nên có một đất nước riêng".
CV.