Cuộc khủng hoảng

của thế giới Tây âu

 

Cuộc khủng hoảng của thế giới Tây âu.

Roma (Avvenire 22-12-2010) -Phỏng vấn hai nhà sử học Franco Cardini và Andrea Giardina.

Ngày 20 tháng 12 năm 2010, Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã tiếp các nhân viên thuộc các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh nhân dịp chúc mừng lễ Giáng Sinh. Trong bài diễn văn Ðức Thánh Cha đã duyệt qua tình hình Giáo Hội và một số vấn đề nổi bật như nạn bài Kitô giáo, tội lạm dụng tính dục trẻ em của các linh mục, hiện tượng đánh mất các giá trị luân lý đạo đức, các sự dữ khác nhau đè nặng trên thế giới như thị trường sách báo phim ảnh dâm ô liên quan tới trẻ em, kỹ nghệ du lịch mại dâm lan tràn gây thương tích cho sự tự do và phẩm giá con người, nạn sản xuất buôn bán ma túy gia tăng.

Ðề cập tới hiện tượng đánh mất các gía trị luân lý đạo đức xã hội, Ðức Thánh Cha nói người ta có cảm tưởng sự đồng thuận luân lý đang tan rã. Nếu không có sự đồng thuận ấy thì các cơ cấu pháp lý chính trị không hoạt động được và các nỗ lực nhằm bảo vệ các cơ cấu ấy xem ra không thành công. Vì thế, cần phải cầu xin Chúa đánh thức đức tin mệt mỏi khỏi cơn ngủ say và tái trao ban cho nó sức mạnh chuyển núi dời non, nghĩa là trao ban trật tự đúng đắn cho các sự vật của thế giới.

Ðức Thánh Cha đã so sánh cuộc khủng hoảng của thế giới Tây Âu ngày nay với cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời kỳ cuối cùng của đế quốc Roma xưa kia. Ðề tài cuộc suy sụp của đế quốc Roma cũng đang lôi kéo sự chú ý của nhiều học giả. Ðiển hình như cuốn sách của ông Bryan Ward-Perkins, giáo sư sử học tại đại học Oxford, tựa đề "Sự sụp đổ của Roma và ngày tàn của nền văn minh". Ông bác bỏ luận thuyết cho rằng đế quốc Roma sụp đổ vì có sự đồng hóa hòa bình giữa các dân tộc mọi rợ và người Roma, là lý thuyết của giáo sư Peter S. Wells người Mỹ, trong cuốn sách tựa đề "Quân rợ. Bình minh của thế giới mới". Cuốn sách cổ điển của học giả Santo Mazzarino "Kết cục của thế giới cũ. Các lý do sự sụp đổ của đế quốc Roma" cũng đã được tái bản.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận đinh của hai nhà sử học người Ý về vấn đề này. Trước hết là ý kiến của sử gia Franco Cardini.

Hỏi: Thưa giáo sư. giáo sư nghĩ gì về sự kiện Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI so sánh cuộc khủng hoảng của xã hội Tây Âu ngày nay với cuộc khủng hoảng đã khiến cho đế quốc Roma sụp đổ xưa kia?

Ðáp: Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã so sánh hai cuộc khủng hoảng ấy một cách tức thì, bằng cách nhận diện sự đánh mất sức đẩy văn hóa và luân lý như lý do gây ra sự sụp đổ của một nền văn minh.

Nó hữu hiệu, vì sự kiện đơn sơ là mọi người đều có thể hiểu được. Nhưng nếu phải tìm trong lịch sử một thời điểm có thể giải thích tình trạng hiện nay của thế giới Tây Âu, thì tôi sẽ dừng lại ở các thời gian mới hơn sau này, cả khi chúng tế nhị hơn đối với các vụ suy sụp trực tiếp trong việc đọc hiểu xã hội hiện nay. Ðiều chắc chắn đó là cuộc khủng hoảng của chủ thuyết tự do cá nhân chủ nghĩa của thế kỷ XIX đã cung cấp các yếu tố rất hữu hiệu giúp đọc hiểu các biến cố hiện nay. Và cuộc khủng hoảng đó đã là nền tảng của thế chiến thứ I và các tai ương của thế kỷ XX.

Hỏi: Thưa giáo sư, các sự kiện liên quan tới sự sụp đổ của đế quốc Roma quá xa xôi đối với chúng ta ngày nay hay sao?

Ðáp: Bình thường chúng ta có một cái nhìn tổng quát đơn sơ đối với các biến cố này. Nhưng thật ra chúng phức tạp hơn nhiều. Niên biểu 476 cũng có thể được coi như thời điểm tái định nghĩa các biên giới của đế quốc Roma. Phía tây không đứng vững với các sức đẩy của các yếu tố dân số, kinh tế, và xã hội đã hiển hiện từ lâu trước đó. Trái lại, phía đông vẫn phồn thịnh và sống thêm một ngàn năm nữa... Rồi nếu muốn đề cập tới sự suy đồi luân lý và các phong tục tập quán như là lý do khiến cho một xã hội tàn lụi đi, thì tôi nghĩ chắc phải nghiên cứu thời chuyển tiếp từ các năm 1800 sang các năm 1900.

Hỏi: Ðó là thời gian mà chúng ta nếm thử các hoa trái bị nhiễm độc của chủ thuyết tự do kinh tế, làm nảy sinh ra cuộc cách mạng kỹ nghệ có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Vâng. Mô thức tư bản nguy hại ấy rất giống với mô thức mà Tây Âu thăng tiến hồi thập niêm 1980. Ðó là huyền thoại tác hại của thị trường tự do và cả quan niệm triết lý duy cá nhân và hưởng lạc nữa. Ðây là các yếu tố làm nền cho việc xây dựng các quốc gia và các giai tầng thống trị hồi cuối các năm 1800, không có khả năng giải thích các vấn đề nảy sinh từ xã hội của đám đông, lại càng không thể cho họ một câu trả lời nào.

Hỏi: Và các hậu qủa đã thật là thê thảm?

Ðáp: Ðúng vậy. Thế chiến thứ I chắc chắn đã là hậu qủa trực tiếp của nó. Như thế, các chế độ độc tài lớn đã nổi dậy để đưa ra một câu trả lời cho các hậu qủa xã hội của chủ thuyết tự do qúa trớn. Các đám đông đã vỡ mộng, sau các hứa hẹn phép lạ của cuộc triển lãm tại Paris, đến độ goi chúng là một việc sửa chữa. Từ quan điểm này có thể đọc hiểu chủ thuyết cộng sản liên xô, chủ thuyết phát xít, và chủ thuyết đức quốc xã như các khía cạnh của cùng một phong trào.

Hỏi: Thế thì đâu là các tương tự với tình trạng hiện nay thưa giáo sư?

Ðáp: Mô thức kinh tế triết lý hồi cuối các năm 1800 bị lịch sử lên án lại được tái đề nghị với chúng ta hồi cuối các năm 1900: luật lệ của thị trường là thánh thiêng và bất khả xâm phạm, người ta bênh vực cá nhân chủ nghĩa và chủ thuyết thành công bằng mọi giá. Và dĩ nhiên cùng với chúng là sự thối nát của các phong tục tập quán. Tôi nghĩ tới "Các Thời Ðẹp", các xa hoa giả tạo của các cuộc triển lãm quốc tế, các lễ hội Ðại khiêu vũ... Một thế giới trong đó con người ở trung tâm, còn luân lý chỉ là một hình thức vô ích. Một sự suy đồi giống với sự suy đồi của chúng ta ngày nay, trong đó Giáo Hội bị các tấn kích văn hóa rất nặng nề, tự do đức tin bị hạn chế với các chiến dịch có hệ thống, do giai tầng trưởng giả mới khai thác và chủ mưu. Chúng khác xa với các viếng thăm thơ mộng trở lại của thời phục hưng. Và ngày nay chúng ta chưa thấy hết các hậu qủa thối nát của chủ nghĩa tân tự do, của chủ trương thích ứng theo thời của đám đông, do một nền văn hóa chống kitô nào đó và do tất cả các đúng đắn chính trị của nó, sản xuất ra.

*** Tiếp theo đây là một số nhận định của giáo sư sử học Andrea Giardina.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư cho rằng sự tương tự giữa sự cáo chung của đế quốc Roma và cuộc khủng hoảng ngày nay cần phải được tìm ra nơi các giai tầng lãnh đạo, có phải thế không?

Ðáp: Phai. Nhưng tôi sẽ không chỉ dừng lại nơi hàng lãnh đạo mà thôi, mà còn xem xét các nét chung của giới thống trị nữa. Các người giầu, các người quyền thế thời đế quốc Roma đã mù lòa trước lợi ích tập thể. Ðể bảo vệ sự hữu ích của họ, họ đã khiến cho quốc gia yếu kém đi, và khiến cho các đám đông trở thành nghèo nàn hơn, bằng cách làm cho các cơ cấu không có khả năng đưa ra các câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu mới nữa.

Hỏi: Ðó có phải là một kiểu tự hủy hoại chính mình một cách vô thức không thưa giáo sư?

Ðáp: Không có các yếu tố để nói rằng họ không ý thức được điều này. Nhưng có ý thức liên quan tới các vấn đề. Và thường khi các xã hội chết đi, dù biết rằng mình chết. Mặc dù hàng lãnh đạo rất sáng suốt, họ trông thấy sự suy đồi của xã hội, nhưng họ không có nghị lực luân lý để khước từ và thay đổi các cung cách hành xử và đặc quyền cho ích lợi chung. Và xảy ra là người ta đi tới cái chết như các con thiêu thân bị ánh đèn lôi cuốn.

Hỏi: Như thế, sự can thiệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI rất là thời sự, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Trong nghĩa đó thì có sự tương tự giữa sự sụp đổ của đế quốc Roma với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống hiện nay. Trong các cung cách hành xử của những người lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế, hiển nhiên là không có các nguồn lực luân lý giúp đương đầu với các vấn đề chung. Ðối với những gì còn lại, thật là không thực tế, khi nghĩ tới các thế kỷ cuối cùng của đế quốc Tây Phương như là một xã hội thối nát, một cách đặc biệt trong phong tục tập quán, như sự thối nát của xã hội ngày nay.

Hỏi: Như vậy là có sự khác biệt giữa các đám đông của thời đế quốc Roma với các đám đông của ngày nay?

Ðáp: Từ quan điểm, mà ngày nay chúng ta hiểu như là sự thối nát phong tục tập quán, chắc chắn là có rồi. Sự thối nát luân lý của các đám đông ngày nay giống với sự thối nát của hàng lãnh đạo hơn là vào thời đề quốc Roma. Tuy nhiên, một cách mâu thuẫn đó là sự xa cách với quyền bính và sự không có khả năng đưa ra các quyết định thì lại vẫn giống y như nhau.

Hỏi: Ðây có phải là sự thiếu hụt dân chủ không thưa giáo sư?

Ðáp: Vào thời đế quốc Roma người dân đã không bỏ phiếu, nhưng ngày nay thì dân chúng đi bỏ phiếu. Trong các nền dân chủ Tây Âu lớn ngày nay quyền lựa chọn của người dân bị giảm thiểu khá nhiều. Bên Hoa Kỳ chẳng hạn, thực tế là chỉ có một thiểu số bỏ phiếu. Thế rồi còn có sự điều kiện hóa rất nhiều từ phía các cơ quan truyền thông. Các gợi ý do các phương tiện truyền thông đưa ra thắng vượt tất cả. Như thế trách nhiệm lựa chọn luôn luôn ở trong tay một thiểu số thực sự có quyền bính. Trong các thập niên 1960-1970 người ta đã nghĩ rằng lịch sử do đám đông hướng dẫn. Ngày nay thì không còn có ai tin như vậy nữa. Chỉ có một ít cá nhân làm lịch sử mà thôi. Chỉ cần nghĩ tới vai trò của bè phái tam điển tại Italia chẳng hạn.

Liên quan tới phân tích của Ðức Thánh Cha cần phải nói thêm rằng hiện nay chúng ta đang chứng kiến việc tái lượng định lịch sử thời Roma một cách phổ biến hơn.

Hỏi: Như thế, điều Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nói là rất thời sự?

Ðáp: Vâng. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay Roma là thời thượng, không phải chỉ liên quan tới các phim hay nền văn chương giả tưởng, mà liên quan tới cả một loại viết sử đúng đắn một cách chính trị nữa, hướng tới chỗ phục hồi sự thất bại văn hóa của kiểu trộn lẫn mọi sự, theo đó sự sụp đổ của đế quốc Roma, nói cho cùng, là một cuộc gặp gỡ sáng tạo giữa các nền văn minh, cả khi có đổ máu đi nữa. Khía cạnh chính trị và quản trị quyền bính kinh tế cũng như các ích kỷ và các sai lầm của nó, bị đánh giá thấp qúa.

(Avvenire 22-12-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page