Nội dung bài diễn văn của Ðức thánh cha

đọc trước ngoại giao đoàn

bên cạnh Tòa thánh

 

Nội dung bài diễn văn của Ðức thánh cha đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh.

Vatican [Zenit 10/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như đã được đoán trước, nội dung bài diễn văn của Ðức thánh cha Benedicto XVI đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh sáng thứ Hai ngày 10 tháng Giêng năm 2011, xoay quanh chủ đề "tự do tôn giáo".

Mở đầu bài diễn văn, Ðức thánh cha nhắc lại rằng trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới được cử hành ngày 1 tháng Giêng năm 2011, ngài xem tự do tôn giáo "như con đường nền tảng để kiến tạo hòa bình". Ngài khẳng định: "Thật vậy, hòa bình được xây dựng và bảo tồn chỉ khi nào con người có thể tự do tìm kiếm và phục vụ Thiên Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống và trong các quan hệ với người khác".

Như thông lệ, đức thánh cha đảo qua một vòng các nước có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh và tại các nơi mà "tự do tôn giáo bị vi phạm hay chối bỏ".

Ngài nhắc lại rằng tự do tôn giáo là "quyền đầu tiên của các quyền, bởi vì theo lịch sử, quyền này đã được khẳng định trước hết và mặt khác, quyền này là chiều kích cấu tạo của con người, tức mối liên hệ của con người với Ðấng Tạo Hóa".

Ðức thánh cha không thể không đau buồn nêu lên câu hỏi: "Phải chăng rất thường quyền này không bị đặt thành vấn đề hay bị vi phạm?"

Tuy nhiên, Ðức thánh cha cũng nhấn mạnh đến một điểm son là thế giới đã ý thức được tình hình nghiêm trọng hiện nay. Ngài nói: "Tôi nhận thấy dường như xã hội, những người hữu trách và công luận ngày nay đã ý thức nhiều hơn, cho dẫu không luôn luôn đúng đắn, về vết thương trầm trọng đối với phẩm giá và tự do của con người có tôn giáo. Ðây là vấn đề mà tôi đã nhiều lần kêu gọi mọi người quan tâm".

Trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn, Ðức thánh cha cũng nhắc đến các chuyến viếng thăm tại Malta, Bồ đào nha, đảo Chypre, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha. Ngài cũng nói đến Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông dạo tháng 10 năm 2010. Ngài nói rằng đây là "thời gian cầu nguyện và suy tư cũng như hướng nhìn về các cộng đồng Kitô trong vùng này, vốn bị thử thách quá nhiều vì gắn bó với Chúa Kito và Giáo hội".

Nói đến Trung đông, Ðức thánh cha không thể không nhắc đến số phận các tín hữu Kitô tại Iraq. Theo ngài, những cuộc tấn công gieo rắc chết chóc, đau thương cho các tín hữu Kitô Iraq đến độ họ phải rời bỏ vùng đất mà cha ông họ đã từng sống trong hàng bao thế kỷ qua. Ðức thánh cha bày tỏ sự đau buồn của ngài và kêu gọi "chính quyền cũng như các lãnh đạo Hồi giáo tại nước này"hãy nỗ lực để những người đồng bào Kitô của họ có thể sống an toàn và tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là thành phần trọn vẹn".

Số phận của các tín hữu Kitô Chính thống Copte tại Ai cập cũng được Ðức thánh cha nhắc đến. Sau cuộc tấn công vào nhà thờ các thánh của Giáo hội Chính thống Copte tại Alexandria trong đêm giao thừa 31 tháng 12 năm 2010 khiến cho 21 người bị thiệt mạng, Ðức thánh cha kêu gọi chính quyền Ai cập hãy có những biện pháp thích đáng để bảo vệ các tín hữu Kitô.

Trích dẫn sứ điệp của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông gởi cho toàn thể Dân Chúa, Ðức thánh cha nói rằng tại Trung đông "các tín hữu Kitô là những công dân nguyên thủy và đích thực, trung thành với tổ quốc và thực thi mọi bổn phận đối với quốc gia. Do đó đương nhiên họ cần phải được hưởng mọi quyền công dân, tự do lương tâm và thờ phượng, tự do trong lãnh vực giáo dục, dạy dỗ và xử dụng các phương tiện truyền thông".

Ðức thánh cha đánh giá cao các sáng kiến tại Âu Châu, nhứt là khi Liên Âu kêu gọi phải có một sự đáp ứng thích đáng để các tín hữu Kitô tại Trung Ðông được bảo vệ.

Theo Ðức thánh cha, tự do thờ phượng thôi chưa đủ. Ngài nói: "Tôi muốn nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo không được thực thi đầy đủ khi chỉ có tự do thờ phượng được bảo đảm. Thật ra, ngay cả tự do thờ phượng cũng bị giới hạn". Ngài đề nghị nên khởi sự giáo dục về tự do tôn giáo ngay trong trường học.

Tiếp tục nhìn lại thế giới trong năm 2010, Ðức thánh cha đề cập đến tình tình tại vùng vịnh Á rập là nơi "hiện có nhiều tín hữu Kitô di dân lao động đang sống". Ngài mong muốn cho Giáo hội Công giáo "được có những cơ cấu mục vụ thích đáng" để phục vụ họ.

Một cách đặc biệt, ngài dừng lại rất lâu tại Pakistan là nơi mà luật chống phạm thượng đang tạo ra nhiều kẻ hở để vi phạm quyền tự do tôn giáo. Một lần nữa, ngài kêu gọi chính quyền nước này hãy "làm những nỗ lực cần thiết để bãi bỏ luật này, nhứt là khi đã có bằng chứng hiễn nhiên là luật này được xử dụng như một cái cớ để tạo ra bất công và bạo động chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số". Ngài xem cuộc mưu sát ông Salman Taseer, tỉnh trưởng Punjab là một bằng chứng rõ ràng hơn để khẩn cấp bãi bỏ luật này. Ðức thánh cha nói: "việc tôn thờ Thiên Chúa thăng tiếng tình huynh đệ và yêu thương chứ không phải hận thù và chia rẽ".

Trong bài diễn văn, Ðức thánh cha cũng gợi lại tình hình tại miền Nam và Ðông nam Á châu là nơi các tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số. Ngài nói rằng sự kiện có đa số dân theo một tôn giáo không hề có nghĩa là những người theo một tôn giáo khác phải bị kỳ thị trong đời sống xã hội hoặc tệ hại hơn, được phép xử dụng bạo động để chống lại họ.

Cuối cùng, Ðức thánh cha cũng không quên nói đến những cuộc bạo động chống lại các tín hữu Kitô tại Phi Châu, nhứt là những cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng tại Nigeria khi các tín hữu Kitô cử hành Lễ Giáng Sinh.

Xem tự do tôn giáo như con đường dẫn đến hòa bình, Ðức thánh cha cũng than phiền về khoảng cách giữa các hiến pháp nhìn nhận "tự do tôn giáo" và sự kiện các cộng đồng tôn giáo gặp nhiều khó dễ trong việc thực hành tôn giáo. Theo Ðức thánh cha, có những hệ thống pháp lý hay xã hội xây dựng trên những triết lý và chính trị cho phép Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ và ngay cả độc quyền trên xã hội.

Ngài đòi hỏi hai điều: một là phải chấm dứt những "nhập nhằng" khiến cho các tín hữu phải bị xâu xé giữa một bên là lòng trung thành đối với Chúa và một bên là lòng yêu nước. Hai là, cần phải bảo đảm cho các cộng động Công giáo được tự trị đầy đủ trong việc tổ chức và tự do thực thi sứ mệnh của mình, phù hợp với những chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế. Về vấn đề này, ngài nhắc đến tình trạng hiện nay của Giáo hội Công giáo tại Trung quốc là nơi mà các vị mục tử "đang trải qua một giai đoàn đầy khó khăn và thử thách".

Kết thúc bài diễn văn, Ðức thánh cha nhắn nhủ: "Tôi kêu gọi tất cả mọi người, giới hữu trách chính trị, lãnh đạo tôn giáo và mọi thành phần xã hội hãy cương quyết tiến tới trên con đường dẫn đến một nền hòa bình đích thực và lâu bền, đi ngang qua việc tôn trọng đầy đủ quyền tự do tôn giáo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page