Mùa Giáng Sinh đầy tang tóc

đối với các tín hữu Kitô

tại nhiều nước trên thế giới

 

Mùa Giáng Sinh đầy tang tóc đối với các tín hữu Kitô tại nhiều nước trên thế giới.

[Chiesa 7/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày nay, các vị lãnh đạo Giáo hội đã nhìn nhận rằng tại nhiều nơi trên thế giới, các tín hữu Kitô là "thiểu số bị áp bức và hành hạ nhiều nhứt".

Trong bài diễn văn đọc trước giáo triều hôm 20 tháng 12 năm 2010, lần đầu tiên Ðức thánh cha Benedicto XVI đã công khai nói đến "sự thù nghịch đối với Kitô giáo".

Tự do tôn giáo đã được Ðức thánh cha chọn làm chủ đề cho sứ điệp hòa bình đầu năm 2011, bởi vì năm 2010 vừa qua là một năm được đánh dấu bởi "bách hại, kỳ thị, những bạo động khủng khiếp và sự bất khoan nhượng".

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin hôm 2 tháng Giêng năm 2011, Ðức thánh cha lại nói đến "một chiến lược bạo động" xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại nhắm vào các tín hữu Kitô.

Các cuộc tấn công mới đây nhắm vào các tín hữu Kitô đã làm cho các vị lãnh đạo Giáo hội sửng sốt. Dã man nhứt là cuộc thảm sát tại nhà thờ chính tòa Công giáo thuộc nghi lễ Syri ở Bagdad, Iraq hôm 31 tháng 10 năm 2010 và cuộc tấn công vào nhà thờ các thánh của Giáo hội Chính thống Copte ở Alexandria, Ai cập hôm 31 tháng 12 vừa qua năm 2010. Trong cả hai trường hợp, các cuộc tấn công đã diễn ra ngay giữa lúc các tín hữu đang tham dự thánh lễ. Và trong cả hai trường hợp, các lý do để tấn công đều giống nhau: đây là những cuộc tấn công của những người hồi giáo cực đoan nhắm vào các tín hữu Kitô mà họ gọi là "quân ngoại đạo".

Khi tấn công vào nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad, trong những lý do được đưa ra, những kẻ khủng bố nói rằng họ muốn báo thù vì Giáo hội Chính thống đang giam giữ hai người phụ nữ hồi giáo mà họ cho là bị cưỡng bách gia nhập Kitô giáo.

Giáo hội Chính thống Copte tại Ai cập luôn nói rằng không hề có các cuộc cải đạo như thế và hai người phụ nữ, vốn là vợ của hai linh mục Chính thống, cần được bảo vệ bởi vì họ có thể bị bắt cóc bất cứ lúc nào.

Nhưng những người hồi giáo cực đoan tại Ai cập vẫn cáo buộc rằng Giáo hội Chính thống Ai cập đang "giam giữ" hai người phụ nữ này trong một tu viện. Họ tổ chức biểu tình để yêu cầu trả tự do cho hai người phụ nữ này.

Các tín hữu Kitô và các nhà thờ đã trở thành điểm nhắm chính của các đơn vị hồi giáo cực đoan. Ðây là một điểm nhắm dễ dàng, được giới truyền thông trên thế giới chú ý tới tức khắc và nhiều hơn các cuộc thảm sát giữa những người Hồi giáo thuộc hai hệ phái kình chống nhau là Sunni và Shiite tại Iraq, Ai cập, Á châu và tại Trung đông nói chung.

Tôn giáo vẫn là lý do chính của các cuộc xung đột và bạo động giữa các cộng đồng tôn giáo. Trước đây, cuộc xung đột đẫm máu giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Nigeria chẳng hạn vẫn được xem là có tính cách chính trị. Nhưng nay, càng lúc người ta càng thấy rõ rằng bên cạnh những lý do khác như chủng tộc, chính trị và ngay cả kinh tế, tôn giáo vẫn là một yếu tố nền tảng. Trong dịp Giáng Sinh 2010, một loạt những vụ nổ bom đã diễn ra tại các nhà thờ ở Jos, thủ phủ của bang cao nguyên Nigeria. Ðã có gần 90 người bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, nhiều nơi thờ phượng của Kitô giáo đã bị những người có vũ trang tại Maiduguri, miền đông bắc Nigeria tấn công, khiến cho nhiều người bị thiệt mạng. Nhóm hồi giáo quá khích có tên là "Boko Haram" với chủ trương tẩy chay nền giáo dục Tây phương, chủ mưu những cuộc tấn công này.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Fides của bộ truyền giáo hôm 4 tháng Giêng năm 2010, Ðức cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng giám mục Jos, khẳng định rằng tôn giáo là một trong những động lực chính đằng sau những cuộc tấn công. Theo Ðức cha, các cuộc tấn công xảy ra trong mùa Giáng Sinh mang mầu sắc tôn giáo rõ rệt: cũng như Phục Sinh, Giáng sinh là ngày lễ thánh thiêng nhứt của Kitô giáo. Ngoài ra, cũng theo Ðức cha Kaigama, những cuộc tấn công bằng bom cho thấy các cuộc khủng bố không còn nằm trong ranh giới của Nigeria nữa. Ngài có ý ám chỉ đến phong trào cực đoan hồi giáo quốc tế là phong trào đang chỉ đạo các cuộc tấn công nhắm vào Kitô giáo.

Ngoài những cuộc tấn công trên đây, vụ thảm sát tỉnh trưởng Punjab, Pakistan, ông Salman Taseer, cũng mang mầu sắc tôn giáo không kém.

Ông Taseer là một người Hồi giáo. Ông đã bị chính một người cận vệ của ông bắn hạ, chỉ vì ông lên tiếng bênh vực bà Asia Bibi, người phụ nữ Kitô bị kết án tử hình vì tội báng bổ tiên tri Mahomet và kêu gọi bãi bỏ luật chống phạm thượng. Tên sát nhân đã hô khẩu hiệu "Ðấng Allah cao cả" sau khi hạ sát ông Taseer.

Các biến cố trên đây củng cố cái nhìn của Ðức thánh cha Benedicto XVI về hồi giáo. Theo Ðức thánh cha, bạo động xuất phát từ việc tôn giáo này chối bỏ mối quan hệ giữa đức tin và lý trí.

Ðây là điều mà ngài đã không ngần ngại nói đến trong bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg, Ðức hồi năm 2006.

Trong bài nói chuyện với giáo triều Roma trước Lễ Giáng Sinh, đức thánh cha đã đưa ra một lời đề nghị có tính cách mạng cho thế giới Hồi giáo. Ngài nói rằng cần phải gia tăng đối thoại với Hồi giáo và cần nhớ rằng thế giới Hồi giáo ngày nay đang phải đương đầu với một công việc khẩn cấp mà các tín hữu Kitô cũng đã từng có vào thời đại Ánh Sáng. Một mặt, cần phải chống lại chủ nghĩa duy thực nghiệm chủ trương loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống công cộng. Mặt khác, cũng cần phải đón nhận những thành quả tích cực của Trào Lưu Ánh Sáng như nhân quyền, tự do tôn giáo. Cần phải nhìn nhận rằng đây cũng chính là những yếu tố đích thực của tôn giáo.

"Chiến lược bạo động" chống Kitô giáo là bằng chứng cho thấy rằng bạo động xuất phát từ việc chối bỏ mối quan hệ giữa đức tin và lý trí.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page