Công tác giáo dục
của các dòng tu tại Miền Nam Sudan
Công tác giáo dục của các dòng tu tại Miền Nam Sudan.
Sudan [CNS 28/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào ngày 9 tháng Giêng năm 2011, người dân miền Nam Sudan sẽ tham gia bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về tương lai của họ: hoặc tuyên bố độc lập hoặc tiếp tục là một phần của Sudan. Cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện như được quy định trong Thỏa ước đạt được hồi năm 2005 qua đó chấm dứt được cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài trên 20 năm giữa miền Bắc với đa số dân theo Hồi giáo và Miền Nam với đa số theo Kitô giáo và đạo thờ vật linh.
Nếu Miền Nam Sudan được độc lập thì các dòng tu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong công tác giáo dục.
Nữ tu Ninet D'Costa đã từng có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục tại quê hương của mình là Ấn độ. Nhưng sau một cơn bạo bệnh, nữ tu D'Costa nhận ra tiếng gọi truyền giáo. Nhà dòng đã gởi chị sang Roma để nghiên cứu về vấn đề di dân. Nhưng tại đây, chị lại nghe được tiếng gọi phải lên đường sang Sudan để phục vụ.
Là một thành viên của Dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ, tức dòng nữ Salesienne Don Bosco, nữ tu D'Costa đã đến Malakal, một thành phố nghèo nằm trên biên giới đang bị tranh cãi giữa miền Bắc và Miền Nam Sudan.
Trước khi lên đường, nữ tu D'Costa đã được cảnh báo về cuộc sống tại Malakal: không có an ninh, không thực phẩm, không y tế... Nhưng nữ tu D'Costa nói: "Malakal chỉ có một điều: đó là người nghèo. Và vì họ mà chúng tôi cương quyết lên đường".
Nữ tu D'Costa đến Malakal năm 2008 với tư cách là thành viên của Tổ chức có tên "Liên đới với Miền Nam Sudan", một mạng lưới quốc tế qui tụ các dòng tu trợ giúp Giáo hội tại nơi sẽ là "quốc gia mới nhứt" tại Phi Châu tiếp theo cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong vài ngày sắp tới.
Tổ chức "Liên đới với Miền Nam Sudan" hiện có 22 thành viên làm việc toàn thời gian và hai thiện nguyện viên bán thời gian đang sống tại Miền Nam Sudan. Các nữ tu này đến từ 16 dòng tu và 18 quốc gia khác nhau. Công việc của Tổ chức được 170 dòng tu trên khắp thế giới hổ trợ.
Nhóm 22 thành viên nói trên của tổ chức được khai sinh từ một chuyến viếng thăm Roma của một vị Giám mục Sudan hồi năm 2004. Vị Giám mục này đã gặp gỡ với các điều hợp viên về công lý và hòa bình của nhiều dòng tu khác nhau. Khi cuộc nội chiến tại Sudan sắp sửa chấm dứt, vị Giám mục này đã mời các nhân viên Giáo hội đến miền Nam Sudan để giúp tái thiết Giáo hội và xã hội vốn đã bị tàn phá vì chiến tranh. Không bao lâu sau đó, Hội đồng Giám mục Sudan đã chính thức gởi thư mời đến các bề trên tổng quyền của các dòng tu. Một phái đoàn đại diện các dòng tu đã đến Sudan năm 2006. Phái đoàn đã viếng thăm mọi giáo phận để lắng nghe nhu cầu của Giáo hội tại đây.
Nữ tu Cathy Arata thuộc dòng Notre Dame chuyên dạy học tại bang New Jersey, Hoa kỳ, cho biết: "Chúng tôi trở về với cả một danh sách những nhu cầu, từ bình Ác quy xe hơi, dàn nhún xe hơi, đến trường học và bệnh viện". Sau khi lắng nghe phúc trình của phái đoàn, các bề trên dòng tu tại Roma đã quyết định tập trung vào công tác giáo dục, y tế và mục vụ.
Khi nữ tu D'Costa đến Malakal, cũng có 3 sư huynh khác tháp tùng. Tuy nhiên, vì điều kiện sống và làm việc quá khắc nghiệt, 3 sư huynh này đã không ở lại lâu. Nữ tu D'Costa tạm sống với một nhóm nữ tu Comboni.
Sau đó, một số khác đã đến tăng cường. Nữ tu Elizabeth Ryan, một thành viên của Dòng Các môn đệ trung thành của Chúa Giesu là một trong số những người đến sau ấy. Nữ tu này nói rằng tình hình thực hế tại Malakal hoàn toàn khác với những gì người ta thường mơ tưởng về việc truyền giáo. Nữ tu cho biết: vừa ra khỏi máy bay, nữ tu đã chạm với một cái nóng kinh hồn. Nữ tu hoàn toàn sửng sốt khi được đưa về ngôi nhà mới: cửa ngỏ không có kính, bụi bậm và nhận giăng đầy.
Hai tháng sau khi vị nữ tu người Ái nhĩ lan này đến đây, những cuộc đụng độ lại bùng nổ. Khu phố nơi các nữ tu đang sống nằm ngay trong vùng có giao tranh. Nữ tu nói: "Khi giao tranh bùng nổ, dân chúng trong vùng ngạc nhiên vì chúng tôi vẫn ở lại". Nữ tu nói rằng sự hiện diện của các nữ tu trong vùng là một dấu chỉ của hy vọng cho người dân Sudan.
Nhóm "Liên đới với miền nam Sudan" tại Malakal hiện đang giúp khởi sự hệ thống giáo dục trong vùng. Mở đầu là một trung tâm dạy nghề với 4 lớp học, một giảng đường, phòng thí nghiệm và vi tính, một thư viện, và các văn phòng liên hệ khác. Tuy nhiên, hiện nay các nữ tu chưa có đủ phương tiện để làm việc.
Nữ tu D'Costa nói rằng nhóm công tác đã đến đây với rất nhiều chương trình. Nhưng vì không có điện cho nên tạm thời, nhóm đành bỏ qua một bên các chương trình quy mô ấy.
Các trường tại Malakal đã từng dạy bằng Anh ngữ, nhưng chính phủ Khartoum đã ra lệnh phải dạy bằng tiếng Á rập. Nhưng chính quyền bán tự trị tại miền Nam Sudan vẫn cương quyết duy trì Anh ngữ. Hiện nay có rất ít người tại miền thượng sông Nil nói tiếng Anh. Sách tiếng Anh cũng hiếm. Các viên chức Giáo hội chỉ giữ lại được một ít sách bằng Anh ngữ khi chính phủ miền Bắc ra lệnh đốt tất cả mọi sách vở bằng tiếng Anh.
Nữ tu D'Costa nói rằng tại Malakal không có tiệm sách cho nên không thể tìm thấy bất cứ sách bằng anh ngữ nào. Nhưng khi mở các nhà kho của Giáo hội, người ta vẫn còn tìm được những sách quý.
Vì lương giáo viên quá thấp cho nên ít có người đi vào ngành giáo dục. Những ai biết chút tiếng Anh thì thích làm việc cho các tổ chức không chính phủ hơn là dạy học.
Tổ chức "Liên đới với Miền Nam Sudan" đề ra chương trình 15 năm làm việc tại đây. Nữ tu D'Costa nói rằng chị xem là một đặc ân vì có mặt trong một giai đoạn đày phấn khởi và đau đớn của một quốc gia mới sắp khai sinh.
CV.