Tình trạng các tín hữu Kitô

tại Trung Ðông

 

Tình trạng các tín hữu Kitô tại Trung Ðông.

Trung Ðông [CNS, Catholic Review 27/12/2010) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong thánh lễ Ðêm và trong sứ điệp gởi cho thành Roma và toàn thế giới trong lễ Giáng Sinh năm 2010 cũng như trong sứ điệp cho ngày hòa bình thế giới năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã nói đến tự do tôn giáo và đặc biệt tố giác tình trạng bị bách hại của các tín hữu Kitô trên toàn thế giới, cách riêng tại Trung đông.Các cuộc bách hại chống Kitô giáo khiến con số các tín hữu Kitô tại vùng này bỏ nước ra đi ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không ngừng khẳng định rằng chỉ có hòa bình mới có thể giải quyết được vấn đề.

Cao điểm của các cuộc bạo động chống Kitô giáo trong năm 2010 là cuộc thảm sát tại nhà thờ chính tòa "Ðức Mẹ hằng cứu giúp" thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad hôm 31 tháng 11 năm 2010, khiến cho 44 tín hữu và 2 linh mục bị thiệt mạng.

Trong thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Bagdad hôm 10 tháng 12 năm 2010, Ðức thượng phụ thuộc nghi lễ Syri Ignatius Joseph III Younan đã nói đến hành động bao che của chính phủ Iraq đối với các nhóm khủng bố.

Ðức thượng phụ Younan nói rằng "chính quyền Iraq phải có trách nhiệm mở các cuộc điều tra để tìm ra ai đã lên kế hoạch và tài trợ cho vụ thảm sát, dù họ thuộc khuynh hướng chính trị hay tôn giáo nào, và đưa họ ra xét xử công khai".

Trước khi Hoa kỳ xâm chiếm Iraq hồi năm 2003, cộng đồng tín hữu Kitô tại đây ước tính có đến một triệu 4 trăm ngàn người. Nhưng theo một số báo cáo, đã có hơn một nửa, tức khoảng 800 trằm người bỏ nước ra đi. Cuộc thảm sát tại nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri nói trên đã tạo ra một làn sóng bỏ nước ra đi mới.

Chính phủ Iraq cam kết bảo vệ các tín hữu Kitô, nhưng nhiều người không tin vào cam kết này. Chi nhánh của Tổ "chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ" tại Anh báo cáo rằng chính phủ Iraq đã cho dựng lên những bức tường xi măng xung quanh các nhà thờ và cảnh sát kiểm tra tất cả những ai vào nhà thờ để tham dự các nghi thức, nhứt là trong mùa Giáng sinh 2010. Nhưng tại nhiều nơi, vì các lời đe dọa của các tổ chức khủng bố, các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Iraq đã ra lệnh bãi bỏ các thánh lễ đêm Giáng sinh cũng như các cuộc liên hoan và ngay cả các thuộc thăm viếng nhau.

Một bản báo cáo của một Ủy ban Kitô đặc trách người tỵ nạn Iraq tại Syria được cho công bố trong tháng 12 năm 2010 cho biết về tình trạng của các tín hữu Kitô còn ở lại Iraq như sau:

"Họ đang sống trong những điều kiện không còn chịu đựng được nữa. Dân chúng phải tự giam mình trong nhà. Tại Mossul và các thành phố khác, vì sợ nguy hiểm tại chỗ làm việc, họ bị buộc phải nghỉ làm việc trong một thời gian dài.

"Trong các đại học cũng như các trường trung tiểu học, hầu như không còn một sinh viên học sinh Kitô nào. Tại một số thành phố, người ta hầu như không còn thấy bóng của các tín hữu kito ngoài đường".

Bản báo cáo viết: "Cứ như các tín hữu Kitô như đang sống trong tù: không việc làm, không học hành, không tụ họp ở các nhà thờ. Trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi, chỉ có sự sợ hãi".

Theo một cuộc nghiên cứu của Ủy ban trợ giúp Công giáo có trụ sở tại Gierusalem được công bố hồi tháng 11 năm 2010, các tín hữu Kitô Palestine nói rằng họ thích ở lại quê hương của mình hơn nếu họ có đủ cơ hội để làm việc và sống. Các cộng đồng Palestine lưu vong đã được ổn định tại Hoa kỳ và nhiều nước châu mỹ Latinh. Người Công giáo Iraq thuộc nghi lễ Calde và người Công giáo Liban thuộc nghi lễ Maronit đều có những cơ sở lớn tại một số thành phố lớn ở Hoa kỳ.

Liban là quốc gia có tỷ lệ Công giáo lớn nhứt tại Trung đông. Nhưng nay, một số người cho rằng nếu có một cuộc thống kê về con số các tín hữu Công giáo tại nước này được thực hiện, thì có lẽ việc chia sẻ quyền lực với người Hồi giáo cần được xác định lại.

Hiện tượng bỏ nước ra đi của các tín hữu Kitô Trung Ðông đã là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông dạo tháng 10 năm 2010. Các vị nghị phụ đã xin người Công giáo bỏ nước ra đi nên trở về xứ sở và suy nghĩ cho kỹ trước khi bán tài sản của mình. Một đề nghị của các nghị phụ "kêu gọi các tín hữu và các cộng đồng Giáo hội đừng chìu theo cơn cám dỗ bán bất động sản của mình". Một số bản báo cáo cho thấy, vì vụ bán đất động sản này, một số vùng Kitô giáo nay hoàn toàn nằm trong tay người Hồi giáo.

Trong bài giảng Thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng ngày 24 tháng 10 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI nhắn nhủ: "Chúng ta đừng bao giờ cam chịu vì tình trạng không có hòa bình. Hòa bình là điều có thể có. Hòa bình là điều khẩn thiết".

Trong tài liệu chung kết, các vị nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông khẳng định rằng tôn giáo không bao giờ được phép xử dụng để tạo ra bất công. Trái lại, theo các nghị phụ, "tôn giáo cần phải giúp con người nhận ra gương mặt của Thiên Chúa trong người khác".

Một số người cho rằng các vị nghị phụ muốn ám chỉ đến việc Israel xử dụng Cựu Ước để biện minh cho việc xâm chiếm lãnh thổ của các dân tộc khác.

Trong một số đề nghị khác, các nghị phụ xin Ðức thánh cha cứu xét để nới rộng quyền tài phán của các Thượng phụ và Tổng giám mục Công giáo đông phương để các vị có thể có nhiều quyền hạn hơn đối với các tín hữu đang sống bên ngoài lãnh thổ của các vị. Các vị cũng đề nghị đức thánh cha bãi bỏ các giới hạn về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình bên ngoài lãnh thổ của các vị.

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông cũng cổ võ cuộc đối thoại với người Do thái và Hồi giáo trong vùng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page