Ðức Thánh Cha
công bố sứ điệp Giáng Sinh
và Phép Lành toàn xá
Ðức Thánh Cha công bố sứ điệp Giáng Sinh và Phép Lành toàn xá.
Vatican
(Vat. 25/12/2010) - Lúc 12 giờ trưa 25 tháng 12 năm 2010, Ðức
Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự buổi công bố sứ điệp
Giáng Sinh và ban phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn toàn xá cho
dân thành Roma và toàn thế giới, Urbi et Orbi, theo một truyền
thống cổ kính, đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh.
Ðức Thánh Cha công bố sứ điệp Giáng Sinh và Phép Lành toàn xá. |
Hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nhiều mây, với những giọt mưa nhẹ, có lối 60 ngàn tín hữu. Trên thềm Ðền thờ có một đội quân của vệ binh Thụy Sĩ và ban nhạc của Hiến binh Vatican, cùng với một đoàn quân danh dự liên binh chủng của Italia cùng với một ban quân nhạc.
Ðức Thánh Cha xuất hiện trên bao lơn chính của Ðền thờ thánh Phêrô trước tiếng vỗ tay reo hò vui mừng của các tín hữu, đồng thời hai ban quân nhạc lần lượt trổi quốc thiều Vatican và Italia. Tháp tùng ÐTC có 2 Hồng Y đẳng phó tế Agostino Cacciavillan, nguyên chủ tịch Cơ quan quản trị tài sản của tòa Thánh (APSA) và Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, 2 Ðức Ông trong ban nghi lễ phụng vụ, cùng với 3 thầy giúp lễ thuộc trường Truyền Giáo.
Sứ điệp Giáng Sinh
Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về mầu nhiệm "Ngôi Lời đã nhập thể làm người" và cầu mong cho Thánh Ðịa được hòa bình, Trung Quốc và nhiều nước khác được tự do tôn giáo. Ngài nói:
"Anh chị em thân mến, là những người đang nghe tôi ở Roma và trên toàn thế giới, tôi vui mừng loan báo cho anh chị em sứ điệp Giáng Sinh: Thiên Chúa đã làm người, Ngài đến ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không ở nơi xa xăm: Ngài ở gần kề, Ngài là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng- chúng-ta. Ngài không phải là người xa lạ: Ngài có một khuôn mặt, khuôn mặt của Ðức Giêsu.
Ðó là một sứ điệp luôn luôn mới mẻ, luôn làm ngạc nhiên, vì sứ điệp này vượt quá mọi hy vọng táo bạo nhất của chúng ta. Nhất là vì đây không phải chỉ là một lời loan báo: nhưng là một biến cố, một điều đã xảy ra, mà những chứng nhân đáng tin cậy đã thấy, đã nghe, đã động chạm đến nơi bản thân của Ðức Giêsu thành Nazareth! Ở với Ngài, quan sát những hành động và lắng nghe lời Ngài, họ nhìn nhận Ðức Giêsu là Ðức Messia; và khi thấy Ngài sống lại, sau khi đã chịu đóng đanh, họ xác tín rằng Ngài, là người thật, cũng đồng thời là Thiên Chúa thật, là Con duy nhất đến từ Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý (Xc Ga 1,14).
"Ngôi Lời đã làm người". Ðứng trước mạc khải này, một lần nữa chúng ta lại tự hỏi: làm sao điều ấy có thể xảy ra được? Ngôi Lời và xác thể là hai thực tại đối nghịch với nhau; làm sao Lời vĩnh cửu và toàn năng lại trở thành một người yếu ớt và hay chết như vậy? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: đó là Tình Yêu. Ai yêu thương thì cũng muốn chia sẻ với người mình yêu, muốn được kết hiệp với người ấy, và Kinh Thánh trình bày cho chúng ta đại lịch sử tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với dân Ngài, với tột đỉnh ở nơi Chúa Giêsu Kitô.
Trong thực tế, Thiên Chúa không thay đổi: Ngài trung tín với chính mình. Ðấng đã tạo thành thế giới cũng chính là Ðấng đã kêu gọi Abraham và mạc khải tên của Ngài cho Môisê: Ta là Ðấng tự hữu... Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacob.. Thiên Chúa từ bi và thương xót, giàu lòng yêu thương và trung tín (Xc Xh 3,14-15; 34,6). Thiên Chúa không thay đổi, Ngài là Tình Thương từ đời đời và mãi mãi. Ngài chính là sự Hiệp Thông, Hiệp nhất trong Ba Ngôi, và mỗi hành động và lời nói của Ngài đều nhắm đến sự hiệp thông. Sự nhập thể là tột đỉnh của công trình sáng tạo. Khi Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được hình thành trong cung lòng Mẹ Maria do ý muốn của Chúa Cha và hoạt động của Thánh Linh, thụ tạo đạt tới tột đỉnh. Nguyên lý điều hợp vũ trụ, Logos, bắt đầu hiện hữu trong trần thế, trong thời gian và không gian.
"Ngôi Lời đã làm người". Ánh sáng của chân lý này được biểu lộ cho những ai đang đón nhận ánh sáng ấy trong đức tin, vì đó là một mầu nhiệm tình thương. Chỉ những ai cởi mở đối với tình thương thì mới được ánh sáng của lễ Giáng Sinh bao phủ. Ðó là điều đã xảy ra trong đêm Bethlehem và ngày nay cũng vậy. Sự nhập thể của Con Thiên Chúa là một biến cố xảy ra trong lịch sử, nhưng đồng thời lại vượt quá lịch sử. Trong đêm đen của trần thế, một ánh sáng mới đã được thắp lên, để cho những đôi mắt đơn sơ của đức tin thấy được, cũng như cho tâm hồn hiền lành và khiêm hạ đang mong đợi Ðấng Cứu Thế. Giả sử chân lý chỉ là một công thức toán học, thì theo một cách nào đó tự nó buộc phải chấp nhận. Trái lại nếu Chân lý là Tình Thương, thì nó đòi phải có đức tin, phải có sự ưng thuận của con tim chúng ta.
Và thực vậy, con tim chúng ta tìm kiếm điều gì nếu không phải là Chân Lý Tình Thương? Hài nhi tìm kiếm Chân lý ấy với những câu hỏi đơn sơ và kích thích; người trẻ tìm kiếm Chân lý, họ đang cần tìm thấy ý nghĩa sâu xa của cuộc sống; người nam người nữ trưởng thành cũng tìm kiếm Chân lý, để hướng dẫn và nâng đỡ sự dấn thân trong gia đình và công ăn việc làm; người già tìm Chân lý ấy, để làm cho cuộc sống trần thế của mình được hoàn tất.
"Ngôi Lời đã làm người". Tin Mừng về Giáng Sinh cũng là ánh sáng cho các dân tộc, cho hành trình chung của nhân loại. "Emmanuel", Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã đến như một vị Vua công lý và hòa bình. Chúng ta biết Nước của Ngài không thuộc về trần thế này, nhưng đó là Nước quan trọng hơn tất cả các nước trên thế giới này. Cũng như men của nhân loại: nếu thiếu, thì sẽ không có sức mạnh đẩy mạnh sự phát triển chân thực: men ấy thúc đẩy nhân loại cộng tác cho công ích, phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi, tranh đấu ôn hòa cho công lý. Tin nơi Thiên Chúa Ðấng đã muốn chia sẻ lịch sử của chúng ta đó là một khích lệ trường kỳ để dấn thân trong lịch sử, dù giữa những mâu thuẫn của nó. Ðó là một động lực hy vọng cho tất cả những người đang bị vi phạm và chà đạp phẩm giá, vì Ðấng đã sinh ra tại Bethlehem, đến để giải thoát con người khỏi căn cội của mọi thứ nô lệ.
"Ước gì Ánh sáng Giáng Sinh tái chiếu tỏa rạng ngời nơi phần đất Chúa Giêsu sinh ra và soi sáng cho người Israel cũng như Palestine trong việc tìm kiến một sự sống chung đúng đắn và an bình. Ước gì việc loan báo đầy an ủi về sự giáng lâm của Ðức Emmanuel thoa dịu và an ủi các cộng đoàn Kitô yêu quí tại Irak và toàn Trung Ðông giữa những thử thách, mang lại cho họ niềm an ủi và hy vọng tương lai, khích lệ các vị lãnh đạo các quốc gia thực sự liên đới với các cộng đoàn ấy. Ước gì tình liên đới này cũng được thể hiện cho những người đang còn chịu đau khổ tại Haiti vì những hậu quả của trận động đất tàn hại và của bệnh dịch mới đây. Cũng vậy, ước gì những người tại Colombia và Venezuela, và cả tại Guatemala và Costa Rica mới bị thiên tai, không bị lãng quên.
"Ước gì cuộc Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế mở ra những viễn tượng hòa bình lâu bền và tiến bộ chân chính cho các dân tộc tại Somalia, miền Darfur và Côte d'Ivoire; thăng tiến sự ổn định chính trị và xã hội ở Madagascar; mang lại an ninh và tôn trọng các quyền con người tại Afganistan và Pakistan; khích lệ đối thoại giữa Nicaragua và Costa Rica; cổ võ hòa giải tại bán đảo Triều tiên.
Ước gì việc cử hành sự giáng sinh của Ðấng Cứu Chuộc củng cố tinh thần đức tin, kiên nhẫn và lòng can đảm nơi các tín hữu trong Giáo Hội tại Hoa Lục, để họ đừng nản chí vì những hạn chế tự do tôn giáo và tự do lương tâm, kiên trì trong niềm trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, giữ cho ngọn lửa hy vọng được luôn sinh động. Xin tình yêu của Ðấng là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" ban ơn kiên trì bền đỗ cho tất cả các cộng đồng Kitô đang phải chịu kỳ thị và bách hại, và soi sáng cho các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo dấn thân hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo của tất cả mọi người".
Anh chị em thân mến, "Ngôi Lời đã làm người", đã đến ở giữa chúng ta, là Emmanuel, Thiên Chúa đã trở nên gần gũi với chúng ta. Chúng ta cùng chiêm ngắm mầu nhiệm tình thương cao cả này, chúng ta hãy để cho tâm hồn được chiếu sáng nhờ ánh sáng rạng ngời trong hang đá Bethlehem! Cầu chúc Giáng Sinh tốt đẹp cho tất cả mọi người."
Kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha lần lượt gửi các lời chúc mừng Giáng Sinh bằng 65 thứ tiếng, bắt đầu từ tiếng Ý tới tiếng Pháp và kết thúc bằng tiếng la tinh. Ðặc biệt bằng Hoa, Ðức Thánh Cha chúc "Ðản Sinh Khoái Lạc", Giáng Sinh vui vẻ, và bằng tiếng Việt: "Chúc mừng Giáng Sinh".
Phép lành toàn xá
Tiếp theo đó là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.
Mở đầu nghi thức, Ðức Hồng Y Agostino Cacciavillan, Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Ðức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Liền đó, Ðức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu."
Ðài BBC đã trực tiếp truyền đi sứ điệp của Ðức Thánh Cha. Nhưng Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chặn ngay không cho phát tiếp đoan Sứ điệp trong đó Ðức Thánh Cha phê bình tình trạng thiếu tự do tôn giáo và đàn áp các tín hữu Kitô tại nước này.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)