Mùa Giáng Sinh tang tóc

của các tín hữu Kitô Iraq

 

Mùa Giáng Sinh tang tóc của các tín hữu Kitô Iraq.

Iraq [La Croix 22/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hai tháng sau cuộc thảm sát tại nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad, các tín hữu Kitô Iraq chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh một cách âm thầm; sự an toàn của họ bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Ngày 25 tháng 12 năm 2010, họ sẽ cử hành ngày sinh của một đứa trẻ chào đời cách đây 2 ngàn năm. Ðây là một đứa trẻ mà không ai muốn có. Em đã thoát cuộc thảm sát cho chính quyền lúc bấy giờ ra lệnh thực hiện chỉ trong đương tơ kẻ tóc.

Nhưng ngày nay, đàng sau bàn thờ, các tín hữu Công giáo thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad sẽ nhìn thấy hình ảnh của một trẻ thơ khác: đây là trẻ thơ đã bị sát hại trong nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad hôm 31 tháng 10 năm 2010. Trẻ thơ này đã lãnh đủ một loạt đạn của một trong những tên khủng bố chỉ vì em "làm ồn".

Cha Pascal Gollnisch, tổng giám đốc của Hội Tông Ðồ Ðông phương, người vừa trở về từ Bagdad hôm thứ Tư 22 tháng 12 năm 2010, cho biết: cộng đồng Công giáo nhỏ bé thuộc nghi lễ Syri đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với vết thương của cuộc thảm sát vẫn còn đó.

Trong nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ hằng cứu giúp "Al Najat", mọi sự chẳng có gì thay đổi: những chiếc áo dòng của hai vị linh mục bị sát hại cùng với 44 giáo dân khác vẫn còn được treo trên tường nhà thờ. Người ta cũng vẫn chưa xóa hết các vết máu của các vị tử đạo. Hình của các nạn nhân đã được treo trên tường.

Ðể cử hành Giáng Sinh, cộng đồng Công giáo thuộc nghi lễ Syri sẽ trở lại nhà thờ này. Nhưng cha Gollnisch khẳng định: "họ vẫn còn sợ hãi". Ngoài ra, năm 2010, sẽ không có lễ nửa đêm, mà chỉ có lễ vào lúc 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 2010. Sở dĩ thánh lễ được cử hành sớm như thế là để bảo đảm an ninh. Ngoài ra cũng có một thánh lễ vào ngày 25 tháng 12 năm 2010.

Ðức cha Athanase Matti Matouka, Tổng giám mục thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad đau buồn nhắc lại rằng "trước kia chúng tôi cử hành thánh lễ nửa đêm, sau đó các nhóm bạn trẻ tổ chức lễ lạc". "Nhưng năm 2010, sẽ không có các cuộc lễ bên ngoài, không có thăm viếng nhau, không có ăn uống, chẳng có gì cả".

Hiện tại, hai khối bê tông cao hơn 3 thước đã được dựng lên xung quanh nhà thờ. Các binh sĩ đi tuần tiểu. Người ta thấy bóng dáng của lực lượng an ninh khắp nơi. Các quan ngại về an ninh của các tín hữu Kitô được Tổ Chức Ân xá quốc tế cũng như của các nước Tây phương bày tỏ, dường như đã được chính quyền Iraq lắng nghe.

Tất cả các cơ sở của Kitô giáo tại thủ đô Bagdad đã được bao bọc bởi các khối bê tông trong các ngày lễ. Nhưng các Ðức giám mục đã ra lệnh: sẽ không có thánh lễ nửa đêm, không có những cuộc thăm viếng nhau vốn kéo dài cả tuần lễ trong những năm trước. Các cộng đồng Kitô đành phải mừng lễ một cách âm thầm để tỏ dấu để tang cho các tín hữu đã bị sát hại hôm 31 tháng 10 năm 2010 và trong tháng 11 năm 2010.

Tại Kirkuk, miền Bắc Iraq, Ðức cha Louis Sako, Tổng giám mục thuộc nghi lễ Calde cũng không dám có thái độ liều lĩnh trong mùa Giáng Sinh năm 2010. Không có thánh lễ đêm. Ngoài ra cũng không có hội hè vui chơi. Sở dĩ Ðức tổng giám mục Kirkuk phải kêu gọi cẩn trọng như thế là vì chính ngài và 10 viên chức giáo hội khác trong thành phố đã bị các phong trào hồi giáo cực đoan đe dọa giết chết. Ngài nói: "Tôi sợ rằng các tín hữu Kitô sẽ là một điểm nhắm".

Tại Mossul, một thành phố nằm ở phía Bắc Iraq, cũng thế. Chỉ có ba nhà thờ được mở cửa. Nhưng một số tín hữu nói rằng các nhà thờ này vẫn trống rỗng. Ít có ai dám đến dự lễ của Ðức tổng giám mục. Nhiều người tiếc nuối các lễ Giáng Sinh trước kia. Petrus, một tín hữu Kitô 40 tuổi, sống giữa hai thành phố Mossul và Qaraqosh, nhớ lại những mùa Giáng sinh trước kia, khi các tín hữu còn có thể đi thăm viếng để chúc mừng Giáng sinh nhau và chia sẻ món ăn Beriani đặc sản của người dân địa phương.

Tại Bartella, một thành phố nằm trong đồng bằng Niniveh, tình hình xem ra yên tỉnh hơn. Nhưng ai cũng nghĩ đến cuộc thảm sát xảy ra tại nhà thờ chính tòa Syri ở Bagdad. Các tín hữu Kitô không còn thấy cảnh phát quà Giáng Sinh sau thánh lễ đêm.

Abdahat, 50 tuổi, người đang chuẩn bị một cuộc thi tuyển để làm giáo sư, đã rời bỏ thủ đô Bagdad hồi năm 2006 để trở về quê quán của mình là Bedad, trong vùng Kurdistan thuộc Iraq. Ông Abdahat giải thích rằng ông phải trở về quê quán vì tình hình ở thủ đô đày nguy hiểm. Ông nói: "tại Bedad, chúng tôi vẫn tiếp tục cử hành Giáng sinh như trước năm 2003. Nhưng tại Bagdad thì không thể được". Ông nghĩ đến bạn bè của ông đang sống tại Bagdad: họ không thể ra khỏi ra nhà trong dịp lễ Giáng Sinh!

Tại Shaqlawa, cũng trong đồng bằng Niniveh, Jawhar, 50 tuổi, cũng sẽ đi tham dự lễ nửa đêm. Ðối với gia đình ông, tình hình xem ra sáng sủa hơn trước năm 2003. Ông nói: "số người nghèo giảm đi, vì tiền lương cao hơn".

Một sinh viên Công giáo còn nói: tại Niniveh, người ta có thể theo Kitô giáo mà không gặp vấn đề nào. Người sinh viên này cũng rời bỏ Bagdad cách đây 4 năm. Tại Shaqlawa, các tín hữu Kitô được kính trọng. Ai cũng được tự do.

Người sinh viên này nói: "Ðiều tôi cầu xin Chúa trong mùa Giáng Sinh là xin cho xứ sở của tôi được hòa bình". Anh cũng cầu xin Chúa cho các tín hữu Kitô không còn phải bỏ nước ra đi nữa.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page