Các cuộc triển lãm hang đá

Giáng sinh trên thế giới

 

Các cuộc triển lãm hang đá Giáng sinh trên thế giới.

Hoa kỳ [National Catholic Register, CNS 21/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hiện đang có hai cuộc triển lãm hang đá Giáng Sinh đáng chú ý nhứt trên thế giới: một là tại Thư Viện Thánh Mẫu thuộc trường đại học Dayton, bang Ohio, Hoa kỳ và hai là tại tu viện dòng Salesien Don Bosco tại Bethlehem.

Với chủ đề "Tại Máng Cỏ: các truyền thống Giáng Sinh trên thế giới", cuộc triển lãm tại Thư Viện Thánh Mẫu thuộc trường đại học Dayton trưng bày trên 200 cảnh Giáng Sinh khác nhau được gởi đến từ khắp thế giới. Thánh Gia Thất và các nhân vật trong hang đá mang sắc phục của người dân Masai Phi Châu, một cảnh Giáng Sinh với hằng trăm người dân làng Tiệp, một hang đá với đủ loại chuột, hưu cao cổ, gấu bắc cực, Ðức Mẹ ôm trong lòng một Hài Nhi Giêsu với sắc phục của người thổ dân Inuit ở Bắc Mỹ... Người ta có thể tìm thấy tất cả những cảnh tượng trên đây tại cuộc triển lãm hang đá và máng cỏ tại thư viện của đại học Dayton.

Cuộc triển lãm kéo dài cho đến ngày 31 tháng Giêng năm 2011 hiện đang trưng bày trên 3,600 bộ hang đá với mục đích thể hiện mối liên kết giữa đức tin và văn hóa. Cuộc triển lãm cho thấy cách thế các dân tộc và các nền văn hóa trên thế kể lại câu chuyện Giáng Sinh bằng cách xử dụng hay thích nghi những phong tục, truyền thống, y phục, kiến trúc và ngay cả gia súc họ nuôi. Cổ xưa nhứt có lẽ là máng cỏ được thực hiện năm 1850 và xuất phát từ vùng Grulich, miền đông Tiệp Khắc. Trong máng cỏ này người ta đếm được 120 hình tượng khác nhau.

Cha Johan Roten, thuộc dòng Marist, giám đốc về nghiên cứu và những dự án đặc biệt của thư viện Thánh Mẫu Dayton giải thích: "mỗi một cảnh hang đá đều kể lại cùng một câu chuyện Giáng Sinh và cho thấy văn hóa nhân loại đã giúp cho sứ điệp của Thiên Chúa được nghe thấy một cách rõ ràng hơn".

Cha Roten cũng là người khởi xướng và cựu giám đốc của Hội "Các máng cỏ" thế giới.

Theo cha, các cảnh Giáng Sinh ngày càng trở nên quen thuộc trong các nền văn hóa ngoài Tây phương. Vì có quá nhiều máng cỏ được gởi đến cho nên cuộc triển lãm không chỉ được giới hạn trong thư viện; nhiều cảnh Giáng Sinh cũng được trưng bày trong khuôn viên đại học Dayton. Một số được gởi đến cuộc triển lãm có chủ đề "Giáng Sinh tại Á châu" do Bảo tàng viện của Hội hiệp sĩ Columbus tại New Haven, bang Connecticut thực hiện.

Ðáng chú ý không kém là cuộc triển lãm tại Bảo tàng viện Giáng Sinh Thế Giới do dòng Salesien Don Bosco tại Bethlehem thực hiện.

Nằm ở tầng trệt của tu viện Salesien tại Bethlehem, bảo tàng viện này đã được khánh thành vào chính Ngày Áp Lễ Giáng Sinh năm 1999, nhưng vài tháng sau đã bị đóng cửa vì cuộc nổi dậy thường được gọi là "Intifada" lần thứ hai của người Palestine .

Với sự hồi sinh của thành phố Bethlehem, bảo tàng viện Giáng Sinh Thế Giới này đã được mở cửa lại hôm 18 tháng 12 năm 2010.

Bà Elisa Nucci, một sử gia về nghệ thuật và là một nhà âm nhạc học, làm việc cho Tổ chức Thiện nguyện quốc tế về Phát triển, hiện đang là giám đốc của bảo tàng viện. Bà cho biết Tổ chức Thiện nguyện quốc tế về phát triển hiện đang giúp đỡ kỹ thuật cho Dòng Salesien tại 200 quốc gia. Tổ chức này đã góp phần trùng tu bảo tàng viện và tạo điều kiện cho bảo tàng viện được mở cửa lại.

Nằm trong một tòa nhà có từ thế kỷ 18 mà trước kia tu viện Salesien dùng làm cô nhị viện, bảo tàng viện Giáng Sinh Thế Giới hiện đang trưng bày 200 cảnh Giáng Sinh được gần 150 nước gởi tặng. Trong số này cũng có một hang đá được chính Ðức Gioan Phaolo II tặng. Cũng như trong cuộc triển lãm tại Thư Viện Thánh Mẫu thuộc trường đại học Dayton, tại đây các cảnh Giáng Sinh cũng phản ánh các phong tục, tập quán, y phục của các dân tộc và văn hóa trên khắp thế giới: từ Thái lan qua Ðại hàn, Nhựt Bản đến Madagascar, Phi Châu hay Andes, Nam Mỹ v.v...

Bà Nucci giải thích với hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS: "Cảnh Giáng Sinh hiện diện trong mọi thời đại và nơi chốn cho mọi dân tộc".

Mục đích chính của cuộc triển lãm tại bảo tàng viện Giáng Sinh thế giới ở Bethlehem là phục hồi truyền thống tạc tượng từ gỗ Oliu của người Palestine. Thu nhập từ việc bán vé vào cửa sẽ được dùng để duy trì các chương trình khác của tu viện như trung tâm nghệ thuật, lò bánh mì và trường học.

Bà Nucci cho biết: tiểu thủ công nghệ bằng gỗ Oliu đã hầu như thất truyền tại Bethleham. Ðây là một nghệ thuật đã được các linh mục dòng Phanxico mang đến Trung đông cách đây 8 thế kỷ. Nhưng ngày nay, ngoại trừ một số người còn làm các đồ kỷ niệm để bán cho du khách, giới trẻ Palestine không còn tha thiết với nghệ thuật này nữa.

Nhằm phục hồi nghệ thuật này, các tu sĩ Salesien đã cho thành lập một học viện nghệ thuật ngay trong khu vực của dòng. Học viện này mở một khóa học kéo dài một năm cho các bạn trẻ nào muốn học về nghệ thuật cổ truyền.

Bà Nucci giải thích: "một sinh viện nghệ thuật cần phải đi lại nhiều để học hỏi nghệ thuật các nơi khác. Nhưng vì các sinh viên Palestine khó có thể ra nước ngoài để quan sát và học hỏi cho nên Dòng Salesien đã mang nghệ thuật từ các nước khác đến cho họ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page