Vai trò của nữ giới trong nỗ lực
chống chế độ hồi giáo độc tài
Vai trò của nữ giới trong nỗ lực chống chế độ hồi giáo độc tài.
Iran (Avvenire 16-12-2010) - Phỏng vấn bà Marina Nemat, nữ văn sĩ Công giáo người Iran, về vai trò của nữ giới trong nỗ lực chống chế độ hồi giáo độc tài.
Ngày 16 tháng 12 năm 2010 bà Marina Nemat, nữ văn sĩ Công giáo gốc Iran đã chủ tọa cuộc họp báo tại trung tâm văn hóa Milano bắc Italia, để giới thiệu cuốn sách tựa đề "Sau Teheran". Ngày hôm sau 17 tháng 12 năm 2010, bà đã chủ tọa cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách tại Trung tâm phụ nữ quốc tế ở Roma.
Nữ văn sĩ Marina Nemat đã nổi tiếng với cuốn sách đầu tiên tựa đề "Nữ tù nhân của Teheran", kể lại kinh nghiệm hai năm kinh hoàng sống trong nhà tù Evin bên Iran. Bà Nemat sinh năm 1965 tại Teheran, nhưng đã được giáo dục trong đức tin kitô. Thân phụ là người dậy vũ và thân mẫu làm nghề uốn tóc.
Marina Nemat theo học trung học khi chế độ quân chủ của vua Mohammad Reza Pahlavi bị lực lượng cách mạng hồi giáo của Ayatollah Khomeini lật đổ. Là học sinh hồi đó Marina Nemat phản đối giáo sư dậy toán học, lý do vì ông dậy Hồi giáo thay vì môn toán học. Giáo sư trả lời rằng nếu cô không thích điều ông đang dậy, thì có thể đi về. Marina và nhiều bạn học đã rời bỏ lớp học. Sau đó cô tham dự các buổi biểu tình phản đối chính quyền và viết các bài báo chống lại đường lối cai trị độc tài đàn áp của chính quyền hồi trên tờ báo sinh viên.
Ngày 15 tháng 1 năm 1982 Marina Nemat bị bắt và bị nhốt trong nhà tù Evin, là nhà tù biệt giam các tù nhân chính trị nổi tiếng là rất khắc nghiệt. Năm đó Marina lên 16 tuổi. Cô đã bị hai lính cai ngục hỏi cung, bị tra tấn dã man và bị kết án tử hình. Nhưng Marina sống sót vì được một lính cai tù tên là Ali Moosavi cứu thoát. Ali Moosavi yêu cô và dùng các quen biết ảnh hưởng của mình để cải án tử thành án tù chung thân và hoạch định chương trình cứu thoát cô. Năm tháng sau đó Ali Moosavi có ý định bắt buộc Marina phải lấy anh ta và phải theo Hồi giáo. Bị hãm hiếp và bị áp lực, Marina muốn cứu gia đình khỏi bị bách hại và bảo đảm cho sự sống còn của mình nên đồng ý theo Hồi giáo và lấy Moosavi. Sau 2 năm 2 tháng và 12 ngày bị tù, Marina Namat được tự do và có thể sống như là vợ của Ali Moosavi. Sau này Ali Moosavi bị các cai tù tranh giành ảnh hưởng giết chết. Sau đó Marina thành hôn với André Nemat, kỹ sư điện, từng là bạn trai và là người tình của mình thời còn đi học. Năm 1991 hai vợ chồng trốn sang Canada tị nạn.
Marina Nemat đã bị chính quyền của các Ayatollah bỏ tù từ năm 1982 tới năm 1984. Nhưng mãi cho đến năm 2008 bà mới cho xuất bản cuốn sách kể lại chứng từ của bà liên quan tới hai năm kinh hoàng này. Cuốn sách đã lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Tuy nhiên, độc giả có thể thắc mắc không hiểu tại sao chấn thương tinh thần đó đã cần phải đợi 20 năm sau mới được biện soạn thành lời. Cuốn sách thứ hai "Sau Teheran" kể lại cuộc sống của Marina và gia đình bà sau khi được giải thoát và di cư sang Canada hồi năm 1991, nơi bà hiện sống với chồng và hai người con.
Marina Nemat đã lên tiếng thay cho hàng ngàn tù nhân chính trị đã bị chế độ hồi giáo độc tài sát hại và vạch trần cách đối xử tàn bạo của chính quyền Iran đối với các tù nhân chính trị. Cuốn sách của bà đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau và bà cũng đã bán bản quyền cho đài tryền hình Canada để biến cuốn sách trở thành chuyện phim. Từ khi cho xuất bản cuốn sách đến nay bà Marina Nemat đã diễn thuyết tại nhiều trường cao học và đại học trên toàn nước Canada. Bà cho biết Iran đã thay đổi nhiều, nhưng không trở thành khá hơn. Các vị tổng thống như ông Khatami và Ahmadinejad cũng không thể làm gì hơn, vì quyền bính thực sự nằm trong tay Ayatollah Khamenei, người kế vị Ayatollah Khomeini, và các vệ binh cách mạng hồi. Hiện nay nhà tù Evin có ít tù nhân hơn, nhưng họ vẫn bị đối xử tàn tệ như hồi thập niên 1980 vậy.
Sau đây chúng tôi xin gửi qúy vị và các bạn bài phỏng vấn nữ văn sĩ Marina Nemat về các tác phẩm của bà và vai trò mà nữ giới Iran có thể có trong cuộc vùng dậy chống chế độ hồi độc tài.
Hỏi: Thưa bà Nemat, cuốn "Sau Teheran" là tác phẩm thứ hai kể lại cuộc sống của bà và gia đình bên Canada cho tới ngày nay. Nhưng so với cuốn sách đầu tiên, các lý do làm nảy sinh ra cuốn sách này rất khác, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đúng vậy. Lý do là vì khi tôi viết cuốn "Nữ tù nhân của Teheran" chính là để tự chữa trị cho chính tôi, chữa trị cho chấn thương tâm sinh vật thể lý mà chế độ đã gây ra cho tôi, khi tôi chỉ là một nữ sinh: tôi bị tù khi mới 16 tuổi, rồi bị tra tấn và bị bắt buộc lấy người canh tù, là người đã hãm hiếp tôi và cưỡng bách tôi bỏ đạo Công Giáo để theo Hồi giáo. Khi tôi được trả tự do, cha mẹ tôi đã không hỏi tôi điều gì cả. Theo các ngài, tôi phải xóa bỏ kinh nghiệm đã có: đây là thái độ đã khiến cho tôi cảm thấy mình có lỗi trong một cách thức nào đó. Vì người thanh niên Công giáo mà tôi đã yêu trước khi bị tù vẫn chờ đợi tôi, nên tôi đã muốn lấy anh ta theo lễ nghi Công giáo, mặc dù tôi góa chồng người hồi, và vì thế có thể bị án tử vì bỏ Hồi giáo. Do đó, tình trạng của chúng tôi rất là nguy hiểm. Ðó là lý do cần phải di cư khỏi Iran. Chúng tôi đã phải chắt bóp và vay nợ để có thể chạy các giấy tờ cần thiết cho việc di cư. Sau cùng chúng tôi đã tới được Canada, nơi có người anh ruột của tôi sinh sống, và cả cha mẹ chúng tôi cũng đã có thể sang Canada đoàn tụ với chúng tôi. Nhưng việc di cư đó vẫn chưa phải là một kết thúc hạnh phúc. Cố gắng bứng nhổ quá khứ đã khiến cho tôi phải sống các cơn ác mộng, các ám ảnh, các cảnh cũ quay lại, các đảo lộn tâm thể lý và tinh thần.
Hỏi: Thưa bà, vậy đâu là lúc đã giải phóng bà khỏi gánh nặng qúa khứ thương đau đó và khiến cho bà biên soạn ra cuốn sách kể lại kinh nghiệm bị chấn thương này?
Ðáp: Biến cố khiến cho nỗi đớn đau trào ra là cái chết của mẹ tôi hồi năm 2000. Trong đám táng của bà sự giận dữ mà tôi tích tụ đã trào dâng, vì mẹ tôi đã luôn luôn khước từ không để cho tôi thổ lộ gì với bà cả. Từ từ tôi đã tự cho phép mình gợi lại tất cả những gì đã xảy ra cho tôi, và tôi cảm thấy cần phải ghi lại các kỷ niệm ấy. Tôi ghi danh theo học một khóa sáng tác văn chương, và tôi viết lại những gì tôi đã sống và chia sẻ với giáo sư và các bạn học cùng lớp. Thế rồi việc đọc các ký ức của một vài người tù Iran cũng đã giúp tôi hiểu rằng có biết bao nhiêu người khác đã sống các kinh nghiệm tương tư như các kinh nghiệm của tôi. Ðó đã là một lộ trình dài và đau đớn, nhưng cuối cùng tôi đã viết xong cuốn sách mà tôi muốn và việc xuất bản nó đã là một phần thưởng cho tôi. Nó đã trao ban cho tôi một cuộc sống mới, trường thành hơn và ý thức hơn. Hiện nay tôi trợ giúp các cựu tù nhân khác, bằng cách cống hiến cho họ những gì tôi đã bị khước từ và không đươc hưởng. Nghĩa là với câu nói đơn sơ này: "Khi nào bạn sẵn sàng muốn thổ lộ, thì hãy đến với tôi".
Hỏi: Thưa bà Nemat, bà đã là một gương mặt biểu tượng của các nạn nhân của chế độ hồi giáo độc tài Iran cùng với các phụ nữ khác như nữ sinh Neda bị sát hại, nữ nhà báo Roxana Saberi, bà Sakineh đang bị tù. Tại sao những người bất đồng ý kiến với chế độ độc tài Iran lại là phái nữ?
Ðáp: Cuộc cách mạng hồi giáo chắc chắn đã đảo lộn cuộc sống của toàn dân Iran, nhưng phụ nữ đã là những người bị trừng phạt nhất: vào thời của vua Iran nữ giới chúng tôi đã mặc váy ngắn, tô son đánh phấn và chúng tôi đã có thể có cung cách hành xử như các chị em phụ nữ tây âu, thế rồi kiểu ăn mặc của chúng tôi đã bị coi là bất hợp pháp. Theo tôi, chính các phụ nữ khi chúng tôi nhất loạt cùng nhau quyết định ăn mặc một cách tự do hơn, chúng tôi có thể thực thi một sự bất đồng ý kiến có ý nghĩa. Họ sẽ không thế bắt bỏ tù tất cả mọi phụ nữ không mang áo burqa che kín mặt mũi, nếu chúng tôi xuống đường tràn đầy khắp nơi.
Hỏi: Thưa bà, bà là tín hữu công giáo, bà có nghĩ rằng tại Iran cũng có việc bách hại các Kitô hữu như đang xảy ra tại Irak và tại Pakistan hay không?
Ðáp: Truyền thống của chúng tôi là một truyền thống khoan nhượng tôn giáo. Ðã không bao giờ có các cuộc bách hại chống lại các kitô hữu tại Iran và tôi không nghĩ rằng sẽ xảy ra các cuộc bách hại tín hữu kitô tại Iran. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là thế giới tây âu phải gửi các sứ điệp để làm cho có sự kính trọng lớn hơn đối với các quyền con người tại Iran. Cả tại Italia này tôi cũng sẽ nói chuyện trong các trường học và tôi sẽ xin các độc giả và sinh viên gửi các sứ điệp cho tôi để bênh vực bà Sakineh, và tôi sẽ phố biến các sứ điệp bảo vệ đó trên hệ thống Internet. Ðây là cuộc chiến đấu mà mọi người đều phải dấn thân: dấn thân bênh vực các quyền con người, dấn thân cho các quyền tự do và nhân phẩm.
(Avvenire 16-12-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)