Một số vấn đề

được Ðức thánh cha đề cập đến

trong bài diễn văn cuối năm

 

Một số vấn đề được Ðức thánh cha đề cập đến trong bài diễn văn cuối năm.

Vatican [Tổng hợp 20/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, các cuộc bạo động nhắm vào các tín hữu Kitô tại Trung đông, trào lưu bài Kitô giáo và chuyến viếng thăm Anh quốc: đó là một số vấn đề được Ðức thánh cha Benedicto XVI đề cập đến trong bài diễn văn đọc trước các vị Hồng y và các vị hữu trách trong giáo triều nhân dịp các vị đến chúc mừng Giáng Sinh.

Ðứng trước vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em "không thể tưởng tượng" được, Ðức thánh cha nói rằng Giáo hội phải tự vấn, sám hối và làm mọi sự có thể để đền bù các bất công mà các nạn nhân phải chịu đựng cũng như phải nỗ lực để ngăn ngừa những tệ nạn như thế.

Ðức thánh cha nói rằng ngài đã bị "chấn động" khi những vụ lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ lại được tiết lộ ngay trong năm Linh mục. Ngài nói: "chúng ta phải chấp nhận sự tủi nhục này như một lời kêu gọi chấp nhận sự thật và canh tân. Chỉ có sự thật mới cứu thoát".

Theo Ðức thánh cha, những linh mục nào phạm những tội này đã "bóp méo" bí tích truyền chức". Họ làm "tổn thương con người trong tuổi thơ và làm thiệt hại cả một cuộc đời". Nhắc lại lời của thánh nữ Hildegard Bingen vào thế kỷ thứ 12, Ðức thánh cha nói rằng "Bộ mặt của Giáo hội bị hoen ố và chiếc áo của Giáo hội bị xé nát vì tội lỗi của các linh mục".

Về những gì Giáo hội phải làm để đối phó với những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em, đức thánh cha nói: "Chúng ta cần phải tự hỏi có thể làm được gì để đền bù tối đa những bất công đã xảy ra. Chúng ta phải tự hỏi đâu là sai lầm của chúng ta trong lời tuyên xưng, trong cách sống kito khiến cho một điều như thế xảy ra".

Ðức thánh cha kêu gọi: Giáo hội phải cương quyết sống đức tin và làm điều thiện. Giáo hội phải sám hối và cố gắng làm mọi sự có thể để chuẩn bị các linh mục tương lai hầu những tai tiếng như thế không tái diễn.

Ðặc biệt trong Mùa Vọng, Ðức thánh cha nói rằng thay vì kêu cầu Chúa đánh thức và cứu thoát các môn đệ khỏi phong ba bão táp, chính các môn đệ phải đánh thức niềm tin vốn đã mỏi mệt của mình. Ngài nói rằng cần phải tái lập một niềm tin có sức di chuyển núi non để mang lại một trật tự đúng đắn cho thế giới.

Nhưng theo Ðức thánh cha, Giáo hội cũng không thể thinh lặng trước bối cảnh trong đó đã diễn ra những tai tiếng về lạm dụng tình dục. Ngài đặc biệt lên án nạn ấu dâm mà từ thập niên 70 người ta đã xem như một sự bình thường trong xã hội. Ngài cũng tố giác tệ nạn du lịch tình dục qua đó con người bị xem như một món hàng và bị bạo hành.

Ðề cập đến bạo hành, Ðức thánh cha cũng nói đến những cuộc bạo động chống các tín hữu Kitô tại Trung đông. Ngài nhắc đến Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông dạo tháng 10 năm 2010 và than phiền rằng "các tín hữu Kitô là thiểu số bị đàn áp và đau khổ nhiều nhứt" trong vùng. Theo Ðức thánh cha, Trung đông trước đây luôn có truyền thống sống chung hòa bình, nhưng nay bị cày xéo vì những căng thẳng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, Ðức thánh cha cũng bày tỏ lòng biết ơn với một số nhà lãnh đạo Hồi giáo mà ngài gọi là những tiếng nói của lý trí, bởi vì đã dám lên tiếng chống lại các cuộc bạo động nhắm vào các tín hữu Kitô. Dù vậy, Ðức thánh cha nói rằng những tiếng nói này vẫn còn " quá yếu" và các tín hữu kito vẫn tiếp tục là nạn nhân của một " liên minh bất chính giữa lòng tham lam và sự mù quáng ý thức hệ".

Ðức thánh cha kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo hãy chấm dứt chủ nghĩa bài Kitô giáo và bảo vệ người tỵ nạn và những người đau khổ, cũng như đẩy mạnh tinh thần đối thoại và hòa giải.

Trong bài diễn văn đọc trước các Ðức hồng y và các vị hữu trách trong giáo triều, Ðức thánh cha cũng nhắc lại chuyến viếng thăm Anh quốc và việc tôn phong chân phước cho Ðức hồng y John Henry Newman.

Tại Westminster Hall, Ðức thánh cha nói rằng bài diễn văn của ngài đã gây được sự chú ý và ý thức trách nhiệm chung. Trong bài diễn văn, Ðức thánh cha đặc biệt nói đến sự thù nghịch đối với Kitô giáo và sự mù quáng của lý trí. Theo Ðức thánh cha, một khi con người không còn nhận ra điều thiết yếu, một khi con người không còn nhận biết Thiên Chúa, con người, điều thiện, điều chân thì tương lai của nhân loại cũng bị đe dọa.

Về cuộc lễ tôn phong chân phước cho đức cố Hồng y John Henry Newman, Ðức thánh cha nhấn mạnh đến cuộc trở lại đầu tiên của vị chân phước này, tức trở lại với niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống. Theo Ðức thánh cha, trước khi trở lại, Henry Newman cũng suy nghĩ như phần đông con người thời đại của ngài cũng như ngày nay: họ không chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng xem Ngài như không có một chỗ đứng hay vai trò nào trong cuộc sống của mình. Con người thời chân phước Newman cũng như thời đại ngày nay chỉ thấy cái thực nghiệm trước mắt. Thực hữu đối với họ là cái gì có thể nắm bắt được trong tầm tay và tính toán được.

Nhưng chân phước Newman đã có thể nhìn thấy xa hơn cái thực hữu ấy. Cái thực hữu đối với ngài chính là Thiên Chúa và linh hồn con người, cả con người trên bình diện "thiêng liêng". Ðây là cuộc trở lại đầu tiên của ngài. Và động lực thúc đẩy của trở lại này chính là "lương tâm". Theo Ðức hồng y Newman, lương tâm là khả năng biết sự thật và nghĩa vụ phải lên đường tìm kiếm sự thật và tuân phục sự thật.

Ngoài chuyến viếng thăm Anh quốc, Ðức thánh cha cũng nhắc lại các chuyến viếng thăm tại Malta, Bồ đào nha và Tây ban nha. Ngài nói rằng qua các chuyến viếng thăm này, ngài nhận thấy rằng đức tin không phải là chuyện của quá khứ, mà là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là Ðấng đang sống và hoạt động.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page