Những thách đố của Ðức thánh cha

trong năm 2010

 

Những thách đố của Ðức thánh cha trong năm 2010.

Roma [CNS 17/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Năm 2010 là một năm đầy thách đố đối với Ðức thánh cha Benedicto XVI.

Trong năm 2010, vị giáo hoàng 83 tuổi này đã thực hiện 5 chuyến tông du, cho công bố một số văn kiện về Kinh Thánh và việc tái rao giảng Tin Mừng, cũng như đề cập đến rất nhiều vấn đề trong cuốn sách "Ánh sáng thế gian". Nhưng đáng chú ý nhứt và đồng thời là thách đố lớn nhứt đối với Ðức thánh cha là vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục và cuộc bách hại các cộng đồng tín hữu Kitô thiểu số tại nhiều nơi trên thế giới.

Việc tiết lộ những lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, nhứt là tại Ái Nhĩ Lan, Bỉ và Ðức, đã thực sự đè nặng trên vai của Ðức thánh cha trong suốt năm 2010. Trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan dạo tháng 3 năm 2010, ngài đã đích thân lên tiếng xin lỗi các nạn nhân và loan báo một số sáng kiến mới để hàn gắn các vết thương của vụ tai tiếng, trong đó có một cuộc điều tra do Tòa thánh chủ động và một năm sám hối.

Cũng trong cố gắng hàn gắn các vết thương ấy, ngài đã gặp gỡ với các nạn nhân tại Malta và Anh Quốc. Ðức thánh cha đã không ngừng nói đến sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề với nhiều trong suốt hơn. Ngài cũng đề ra những biện pháp cứng rắn hơn để xử lý các vụ lạm dụng. Ðây là đường lối mà chính ngài đã đề ra lúc còn làm hồng y đứng đầu bộ giáo lý đức tin.

Dạo tháng 6 năm 2010, khi bế mạc Năm Linh Mục, Ðức thánh cha nói rằng những tiết lộ về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của linh mục là "một lời kêu gọi các linh mục phải thanh luyện". Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh về sự cần thiết của linh mục trong Giáo hội. Ngài khẳng định rằng tác vụ linh mục là điều không thể thay thế được. Ðức thánh cha cũng đồng thời bênh vực cho luật độc thân linh mục trong Giáo hội tây phương.

Song song với những tai tiếng về lạm dụng tình dục của các linh mục, Ðức thánh cha cũng quan tâm rất nhiều đến số phận của các tín hữu Kitô thiểu số tại Trung đông và Á châu. Ngài đã cho triệu tập Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông hồi tháng 10 năm 2010. Dạo tháng 6 năm 2010, nhân chuyến viếng thăm đảo Chypre, Ðức thánh cha cũng đã nói lên mối quan ngại của ngài về tình trạng các cộng đồng giáo hội trong vùng.

Những cuộc tấn công dồn dập vào các tín hữu Kitô tại Iraq, nhứt là sau cuộc thảm sát tại nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri tại Bagdad hôm 31 tháng 10 năm 2010, đã khiến đức thánh cha lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới và chính phủ Iraq phải can thiệp.

Ðức thánh cha và Tòa thánh cũng không ngừng nói đến sự cần thiết phải bảo vệ các cộng đồng Kitô thiểu số khỏi sự kỳ thị và các cuộc tấn công bạo động tại những nơi như Ấn độ, Pakistan và Indonesia. Cũng chính trong tinh thần này mà trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hòa bình năm 2011, Ðức thánh cha đã khẳng định rằng "tự do tôn giáo là con đường dẫn đến hòa bình". Trong sứ điệp, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng ngày nay, các tín hữu Kitô là những người bị bách hại nhiều hơn bất cứ nhóm tôn giáo nào. Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức "an ninh và hợp tác Âu châu" tại Astana, Kazakhstan, hồi tháng 11 năm 2010, Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, nói rằng 75 phần trăm các cuộc bách hại tôn giáo trên thế giới nhắm vào các tín hữu Kitô.

Ngoài chuyến viếng thăm đảo Chypre, trong năm 2010, Ðức thánh cha cũng viếng thăm các nước như Bồ đào nha, Tây ban nha, Malta và vương quốc Anh. Tại Anh quốc, là nơi ngài đã tôn phong chân phước cho Ðức hồng y John Henry Newman, chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha không chỉ tạo ra chống đối, mà còn gây được sự chú ý lớn lao của người dân Anh.

Một chủ đề chạy xuyên suốt các chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức thánh cha là: Giáo hội cần phải giúp cho con người thời đại tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ và của xã hội. Ngài cảnh cáo rằng người dân Tây phương đang tiếp tục xa rời kito giáo và tín ngưỡng nói chung.

Ðể giúp chống lại trào lưu này, dạo tháng 6 năm 2010, ngài đã cho thành lập Hội đồng Tòa thánh về việc thăng tiến công cuộc tái rao giảng tin mừng cho các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Ngài loan báo rằng "tái rao giảng Tin mừng" sẽ là chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục thế giới năm 2012.

Hồi tháng 11 năm 2010, Ðức thánh cha đã ban hành tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục về Lời Chúa. Với tựa đề "Lời Chúa", văn kiện khuyến khích xử dụng Kinh Thánh một cách tốt đẹp hơn ở mọi quy mô của Giáo hội.

Ðức thánh cha cũng xử dụng Kinh Thánh như một chiếc cầu đối thoại với người Do thái. Ngài đã trích dẫn thánh vịnh và các sách Cựu Ước trong một chuyến viếng thăm Hội đường Do thái ở Roma hồi tháng Giêng năm 2010.

Trong năm 2010, Ðức thánh cha đã chủ tọa trên 50 cuộc cử hành phụng vụ quan trọng, trong đó có Thánh lễ tôn phong hiển thánh cho 6 vị thánh mới. Một trong những vị này là thánh nữ Mary MacKillop, người đã có công giáo dục trẻ em nghèo tại Úc đại lợi trong thế kỷ 19 và đã trở thành vị thánh đầu tiên của nước này.

Ðức thánh cha cũng đã chọn thêm 24 vị Hồng y mới và trao mũ đỏ cho các vị trong một công nghị Hồng y dạo tháng 11 năm 2010.

Một trong những vấn đề khó khăn nhứt trong nội bộ Giáo hội là việc cải tổ Hội Ðạo Binh Chúa Kitô sau khi có những tiết lộ về cuộc sống nước đôi của vị sáng lập Hội này. Sau một cuộc thanh lý của Tòa thánh, Ðức thánh cha đã bổ nhiệm một vị Giám mục đặc trách để cai quản Hội này.

Cũng trong tháng 11 năm 2010, Tòa thánh đã cho xuất bản một cuốn sách mới của Ðức thánh cha có tựa đề "Ánh sáng thế gian". Cuốn sách này thu thập cuộc phỏng vấn mà Ðức thánh cha đã dành cho ký giả người Ðức Peter Seewald tại Castel Gandolfo trong mùa hè năm 2010. Trong cuộc phỏng vấn, với một ngôn ngữ đơn sơ, bình dân, Ðức thánh cha đã trả lời thẳng cho mọi câu hỏi của ký giả Seewald.

Cuộc phỏng vấn bao trùm mọi vấn đề của Giáo hội, nhưng câu trả lời của Ðức thánh cha về việc xử dụng bao cao su để phòng chống bệnh Sida đã được các phương tiện truyền thông thế giới đặc biệt chú ý tới. Trong câu trả lời, Ðức thánh cha khẳng định rằng bao cao su không phải là giải pháp cho dịch bệnh Sida. Tuy nhiên, theo Ðức thánh cha, trong một số hoàn cảnh đặc biệt, như trường hợp một người làm điếm buộc khách hàng phải xử dụng bao cao su, có thể xử dụng bao cao su và xem đây như một bước tiến tới trách nhiệm luân lý.

Trong cuốn sách, Ðức thánh cha nói rằng sứ mệnh chính của Giáo hội trong một thế giới đổ vỡ là phải đánh thức lương tâm và đưa con người đến gặp gỡ với Chúa Kitô, nhờ đó nhân loại mới có thể đối phó với những vấn đề toàn cầu. Nếu không, thế giới sẽ rơi vào đại họa về kinh tế, môi sinh, sinh học và luân lý.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page