Ðối thoại liên tôn và

nạn bách hại các Kitô hữu trên thế giới

 

Ðối thoại liên tôn và nạn bách hại các Kitô hữu trên thế giới.

Roma (Avvenire 5-12-2010) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hồi Ðồng Toà Thánh Ðối Thoại Liên Tôn, về nạn bách hại các Kitô hữu trên thế giới

Ngày 24 tháng 11 năm 2010 Hiệp hội giáo hoàng "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" đã công bố bản tường trình hằng năm liên quan tới tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Bản tường trình nêu bật sự kiện hiện nay đó đây trên thế giới có 200 triệu tín hữu Kitô hằng ngày bị bách hại và kỳ thị, đặc biệt tại các nước có chế độ cộng sản vô thần độc tài cai trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam; nhưng tình trạng bách hại kỳ thị cũng nghiêm trọng tại nhiều nước hồi giáo. Ðiển hình như Pakistan là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo và trong Hiến Pháp có luật chống phạm thượng, thường bị các người hồi cuồng tín lạm dụng để vu khống các tín hữu Kitô. Thí dụ như vụ bà Asia Bibi một tín hữu công giáo bị các đồng nghiệp vu khống phạm thượng và bị tòa án tỉnh Nankana bang Punjab kết án tử hình hồi thượng tuần tháng 11 vừa qua.

Trong các tuần vừa qua giới lãnh đạo Hồi giáo qúa khích Pakistan theo kiểu người Taliban và tổ chức Al Qaeda, đã phát động phong trào bài Kitô giáo, nhân vụ dư luận quốc tế bênh vực bà Asia Bibi và yêu cầu tổng thống Pakistan ký sắc lệnh ân xá cho bà khỏi án tử hình.

Từ ngày mùng 4 tháng 12 năm 2010 các giới chức tôn giáo qúa khích nói trên bắt đầu tấn công ông Shahbaz Bhatti, Bộ trưởng đặc trách các nhóm thiểu số và cũng là tín hữu công giáo và đe dọa giết ông. Họ thuộc nhóm "Lashkar e Toiba", là một trong các nhóm hồi cuồng tín nhất Pakistan, có các hoạt động khủng bố và bị cảnh sát quốc tế theo dõi điều tra từ lâu nay.

Ðây không phải là lần đầu tiên ông Bhatti bị tấn công và đe dọa giết, vì mới đây tổ chức hồi qúa khích "Majlis Ahrar-e-Islam" cũng đã đe dọa giết ông. Và cách đây mấy tháng lãnh tụ Hồi giáo Ahmed Mian Hammad đã tố cáo ông là phạm thượng và dọa chặt đầu ông. Bộ trường Bhatti trở thành cái gai trước mắt giới lãnh đạo và các nhóm hồi cuồng tín nói trên không phải chỉ vì ồng bênh vực bà Asia Bibi và các tín hữu Kitô và không Kitô khác bị bách hại, mà cũng vì ý chí của ông muốn đem luật chống phạm thượng ra trước quốc hội và tu chính luật bất công ấy, mặc dù có các vụ biểu tình hầu như mỗi ngày của các nhóm hồi cuồng tín.

Ông Mehdi Hasan, chủ tịch Ủy ban bảo vệ nhân quyền tại Pakistan đã tỏ tình liên đới với bộ trưởng Bahttti và mạnh mẽ lên án các lời tuyên bố vô trách nhiệm của các tổ chức hồi cuồng tín nói trên. Ông cho biết sự bất khoan nhượng ngày càng gia tăng tại Pakistan, và một vài đảng phái chính trị tìm cách khai thác sự ủng hộ của các binh sĩ hồi. Chính quyền Pakistan phải tìm cách ngăn chặn tình trạng này, nhưng chính quyền cũng bị áp lực.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo, bộ trưởng Shabhaz Bhatti tái khẳng định dấn thân quyết tâm bảo vệ các nhóm thiểu số. Ông cho biết các đe dọa gia tăng khiến cho ông cũng âu lo. Nhưng sứ mệnh của ông là che chở quyền tự do tôn giáo, cũng như quyền của các nhóm thiểu số, thăng tiến công bằng và bình đẳng. Và ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình, mặc dù các nhóm qúa khích nói trên vẫn tiếp tục đe dọa ông. Các nhóm này sống ngoài vòng pháp luật và gây thiệt hại cho hình ảnh của dân nước Pakistan.

Ðã có rất nhiều người phải trả giá bằng sinh mạng của họ. Ông tin cậy nơi sự che chở của Chúa hơn là sự che chở của các cận vệ. Ông trông cậy và tín thác nơi Người. Sự kiện khuynh hướng qúa khích và các hoạt động khủng bố phá hoại qủa là một nguy cơ đối với toàn nước Pakistan chứ không phải chỉ đối với các giai tầng yếu đuối nhất trong xã hội. Bộ trưởng Bhatti cũng cho biết tổng thống Zardari đã tỏ ra rất chú ý và nhậy cảm đối với các vấn đề của các nhóm thiểu số, và cho dù có các áp lực ông đã bầy tỏ ý muốn rõ ràng duyệt xét luật chống phạm thượng. Trường hợp của bà Asia Bibi đã trở thành một thách đố đối với hệ thống tư pháp. Nhưng bộ trưởng Bhatti vẫn tin tưởng nơi công lý và sự vô tội của bà, mà ông đã kiểm thực và trình bầy trong bản báo cáo trao cho tổng thống Zardari. Trong khi chờ đợi, ông quyết định làm tất cả những gì có thể để che chở bà và gia đình bà.

Hôm 4 tháng 12 năm 2010 bộ trưởng Bhatti đã công khai bênh vực bà Asia Bibi chống lại mưu toan sát hại bà do imam Yousuf Qureshhi đế xướng.

Trong một buổi hướng dẫn cầu nguyện tại đền thờ Mohabat Khan tỉnh Peshawar, ông Qureshi đã hứa thưởng 4,000 Euros cho ai giết bà Bibi trong trường hợp các thẩm phán thu hồi án tử của bà. Bộ trưởng Bhatti đã mạnh mẽ lên án hành động nói trên của ông Qureshi và định nghĩa nó là một điều "vô luân, bất công và vô trách nhiệm". Ðồng thời ông cũng thỉnh cầu chính quyền bảo đảm an ninh cho bà Bibi và gia đình bà.

Hồi tháng 11 năm 2010 Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, đã viếng thăm Iran và Pakistan. Tại thủ đô Teheran Ðức Hồng Y đã viếng thăm tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, và trao tận tay ông bức thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi tổng thống. Tại Pakistan ngày 25 tháng 11 năm 2010 Ðức Hồng Y Tauran đã hội kiến với tổng thống Asif Ali Zardari và trình bầy lập trường của Tòa Thánh về quyền tự do tôn giáo. Ðức Hồng Y cũng đã yêu cầu tổng thống ân xá cho bà Asia Bibi bị vu khống và kết án tử hình bất công. Ngày 28 tháng 11 năm 2010 ngài đã tham dự lễ nghi khánh thành Trung tâm Hòa Bình của dòng Ða Minh, trước khi trở về Roma. Phát biểu trong dịp này Ðức Hồng Y đã nêu bật ba thách đố mà tín hữu kitô phải đương đầu: Thứ nhất là bổn phận tự ý thức về căn tính của mình, biết mình là ai, tin vào điều gì và biết tự chấp nhận mình. Thứ hai là căn tính riêng là tín hữu Kitô chỉ hiện hữu trong các tương quan với tha nhân. Phải hiểu biết các khác biệt đặc thù để làm giầu cho nhau và xác tín rằng tha nhân là anh chị em của tôi. Và thứ ba là ý hướng có thể tự do loan báo đức tin, không áp đặt nhưng đề nghị nó với người khác.

Cùng hiện diện trong lễ nghi này có Imam trưởng Maulana Abdul Khabir Azad. Phát biểu trong dịp này, imam Khabir Azad đã ca ngợi các Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ Pakistan về các nỗ lực thăng tiến hòa bình hòa hợp và nói: "Tôi có thể cảm thấy hòa bình và tình yêu thương giữa mọi người hiện diện nơi đây. Giáo huấn của Ðức Giêsu Kitô và của ngôn sứ Mahomed dậy chúng ta phổ biến hòa bình và hòa hợp giữa tất cả mọi người. Chúng ta hãy hoạt động cho mục đích cao qúy đó".

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hồi Ðồng Toà Thánh Ðối Thoại Liên Tôn, về tầm quan trong của cuộc đối thoại liên tôn trong việc bài trừ nạn bạo lực chống các Kitô hữu trên thế giới.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y mới viếng thăm hai nước Iran và Pakistan hồi tháng 11 vừa qua. Ðức Hồng Y đã đem gì đến cho anh chị em Kitô đang bị bách hại vì đức tin của các vùng đất này?

Ðáp: Giáo Hội là một gia đình. Vì thế thật là điều quan trọng khi các người chịu đau khổ cảm thấy đàng sau họ có toàn dân Chúa muốn trợ giúp họ. Tôi đã đem đến cho họ tình liên đới của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, làm cho họ cảm thấy sự gần gũi của Tòa Thánh và của toàn thể Giáo Hội đối với họ. Ðây là điều quan trọng. Trong cách thế đó các chính quyền chính trị hiểu rằng đàng sau thực tại cho dù bé nhỏ mấy đi nữa, một làng quê, một cộng đoàn nhỏ, luôn luôn có Giáo Hội hoàn vũ. Tại nhiều nước tình hình của các Kitô hữu rất khó khăn, mặc dù giới ưu việt của nước đó rất trân qúy vai trò của Giáo Hội và các công việc mà các linh mục tu sĩ nam nữ đang làm cho người dân của các nước này.

Chẳng hạn như bên Pakistan, tổng thống Asif Ali Zardari và nhiều bộ trưởng của chính quyền hiện nay đã từng theo học và được đào tạo tại các trường Kitô. Ðối với họ đó đã là một kinh nghiệm quan trọng. Chính tổng thống Zardari đã xin tôi hỗ trợ các trường trung học và các đại học công giáo và giải thích lý do, vì theo tổng thống, các cơ sở giáo dục Kitô có hệ thống giáo dục tuyệt vời. Tổng thống ước mong Giáo Hội gửi thêm nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ tới Pakistan để điều khiển các cơ sở giáo dục, hiện nay đang do giáo dân điều hành.

Hỏi: Ðây cũng là một cách thế đối thoại liên tôn có phải thế không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Không phải "cũng" mà "nhất là" các cơ cấu giáo dục là phương thế đối thoại liên tôn hữu hiệu. Việc giáo dục nắm giữ một vai trò định đoạt. Tôi luôn nói rằng Giáo Hội, Ðại học, và Giáo dục là ba cột trụ giúp sứ mệnh đối thoại liên tôn tiến tới.

Hỏi: Nhưng mà giáo dục có thể ngăn chặn được làn sóng bạo lực chống lại các Kitô hữu không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Bề ngoài xem ra thì không. Mỗi khi xảy ra các hành động dã man chống lại các Kitô hữu - chúng ta hãy nghĩ tới trường hợp của bà Asia Bibi - thì người ta lại nói với tôi: "Hãy xem đó, cuộc đối thoại liên tôn đã dẫn đưa tới đâu!" Thực ra đứng trước các vụ như vậy cuộc đối thoại liên tôn lại càng trở thành cần thiết hơn nữa. Và không ai có thể nghi ngờ điều này.

Hỏi: Nghĩa là dùng lời nói để chống lại bạo lực hay sao thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Vâng, đúng thế, bởi vì vấn đề đích thật đối với Hồi giáo đó là tiến từng bước nhỏ một và gửi tới họ các tín hiệu của sự hòa dịu cởi mở, từ giới ưu việt cho tới các thường dân. Và đây là khó khăn lớn.

Hỏi: Liên quan tới điều này, hiện nay tại Pakistan chính đám đông dân chúng yêu cầu áp dụng luật chống phạm thượng và thi hành án xử tử bà Asia Bibi. Ðức Hồng Y có nhận thấy dấu chỉ hy vọng nào từ phía tổng thống Zardari hay không?

Ðáp: Tôi đã tìm thấy một sự cởi mở nào đó. Tổng thống Zardari đã cho thành lập một ủy ban do bộ trưởng Shabhaz Bhatti, người công giáo đặc trách các nhóm thiểu số, làm chủ tịch với mục đích duyệt xét luật chống phạm thượng và tu chính luật này.

(Avvenire 5-12-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page