Vài ghi nhận về sứ điệp Hòa bình

của Ðức thánh cha

 

Vài ghi nhận về sứ điệp Hòa bình của Ðức thánh cha.

Vatican [La Croix 16/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sứ điệp của Ðức thánh cha Benedicto XVI cho ngày Thế Giới Hòa bình được cử hành vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011 có thể được xem như "một thông điệp bỏ túi" về tự do tôn giáo.

Từ nhiều tháng nay, trong hành lang Vatican, khi kết thúc công nghị Hồng y hay Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, trong giới ngoại giao hay ngay cả trong cuốn sách mới "Ánh sáng thế gian", các nhà quan sát tại Roma đều đoán được chủ đề mà Ðức thánh cha đã chọn cho sứ điệp hòa bình năm 2011: tự do tôn giáo là con đường dẫn đến hòa bình!

Lẽ ra,cũng như các tổ chức bênh vực nhân quyền, Ðức thánh cha chỉ giới hạn vào việc lên tiếng tố cáo các vi phạm tự do tôn giáo và kêu gọi có hành động bênh vực những người bị bách hại. Nhưng lần này, Ðức thánh cha nhắm đến một mục tiêu sâu xa hơn: vừa tố giác các chủ nghĩa cực đoan và các trào lưu "thế tục", vừa muốn là tiếng nói của những người không có tiếng nói, Ðức thánh cha muốn tranh đấu cho nhân quyền trên khắp thế giới. Và ngài đã phân tách những quyền này dưới cái nhìn triết học. Bởi vì theo Ðức thánh cha, tự do tôn giáo là "tổng hợp và là đỉnh điểm của mọi tự do căn bản khác".

Mở đầu bức sứ điệp, Ðức thánh cha ghi nhận rằng "hiện nay các tín hữu Kitô là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhứt vì niềm tin của mình", nhứt là tại Iraq. Trong sứ điệp, Ðức thánh cha không kể tên nhiều nước. Nhưng trong cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp hôm thứ Năm 16 tháng 12 năm 2010, Ðức hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình đã nhắc lại trường hợp của bà Asia Bibi, người phụ nữ Pakistan bị kết án tử hình vì tội báng bổ tiên tri Mahomet, cũng như những thảm kịch của các tín hữu Kitô tại miền Nam Sudan và Trung đông.

Ðức cha Anthony Frontiero, một trong các cộng tác viên của Ðức hồng y Turkson, cho biết: "theo các tổ chức bênh vực nhân quyền, có từ 200 đến 300 triệu tín hữu Kitô đang bị bách hại trên khắp thế giới. Trong số những người bị bách hại vì lý do tôn giáo, có đến 75 phần trăm là tín hữu Kitô".

Theo Ðức thánh cha, tự do tôn giáo không chỉ đơn thuần là tự do thờ phượng. Ngài viết rằng tự do tôn giáo "là một giá trị thiết yếu của nền minh triết Do thái và Kitô giáo". Nhưng nhờ lý trí, tự do tôn giáo cũng được mọi người nhìn nhận như một thiện ích phổ quát. Ðức thánh cha định nghĩa: tự do tôn giáo "là khả năng có thể vượt qua tính " thể chất" của mình và tìm kiếm chân lý là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hướng đến sự thể hiện và làm cho con người được sung mãn".

Theo Ðức thánh cha, tự do tôn giáo "không phải là gia sản riêng của các tín đồ tôn giáo, mà còn là của gia đình các dân tộc trên trái đất này. Ðây là yếu tố không thể tránh né được của bất cứ quốc gia pháp quyền nào".

Trong bối cảnh này, Ðức thánh cha nói đến hai cản ngại của tự do tôn giáo. Nhắm đến các quốc gia Hồi giáo, ngài nói đến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Ám chỉ đến các nền dân chủ tây phương, ngài nhắc đến chủ nghĩa thế tục dưới những hình thức cực đoan như chối bỏ chủ nghĩa đa nguyên chính đáng và nguyên tắc thế tục. Cả hai chủ nghĩa này đều có một cái nhìn giản lược và phiến diện về con người. Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo thì đẻ ra những hình thức "bảo căn" về tôn giáo. Còn chủ nghĩa thế tục thì làm phát sinh những hình thức cực đoan của chủ nghĩa duy lý.

Theo Ðức thánh cha, chỉ có thái độ cởi mở với chân lý và điều thiện, chỉ có sự cởi mở với Thiên Chúa, vốn cấm rễ sâu trong bản tính con người, mới bảo đảm được sự tôn trọng đày đủ và hổ tương giữa người với người. Chính vì vậy mà tự do tôn giáo phải được hiểu không những như không có cưỡng bách, mà trước hết như khả năng làm những chọn lựa của mình theo chân lý.

Ngoại trừ những vụ tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô tại Iraq, Ðức thánh cha ít nói đến những vị phạm tự do tôn giáo. Nhưng trong cuộc họp báo, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình đã đưa ra một số trường hợp cụ thể tại các nước Tây phương như: các bác sĩ bị rút bằng vì không chịu thực hiện các vụ phá thai hoặc một số quốc gia ngưng viện trợ chỉ vì các nước thuộc thế giới thứ ba, vì lý do luân lý, không chấp nhận những điều kiện bị áp đặt. Ðức hồng y ám chỉ đến những chương trình "y tế sản sinh", tức hạn chế sinh sản, áp đặt việc xử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo v.v..

Về phần mình, Ðức cha Mario Toso, thư ký Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình đặc biệt nói đến thái độ bất khoan nhượng tôn giáo tại một số quốc gia tây phương. Một cách cụ thể, Ðức cha Toso nói đến những vụ xúc phạm đến các nhà thờ và các nghĩa trang, việc kỳ thị trong các công sở hay như cấm treo các biểu tượng Công giáo tại các nơi công cộng.

Cũng như trong công nghị Hồng y dạo trung tuần tháng 11 năm 2010, các trường hợp điễn hình được đan cử thường xảy ra tại Âu Châu. Ngày 19 tháng 11 năm 2010, trước Hồng y đoàn, Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, đã nói đến tình trạng tự do tôn giáo tại các nước Tây phương. Ngài nói: "Mặc dầu những nét sâu đậm của bản sắc và văn hóa của các quốc gia này bắt nguồn từ Kitô giáo, nhưng hiện nay người ta lại chứng kiến một tiến trình tục hóa gắn liền với những cố gắng nhằm loại bỏ các giá trị thiêng liêng ra khỏi đời sống xã hội".

Về phần mình, đứng trước các trào lưu cực đoan, Ðức thánh cha vẫn kêu gọi đối thoại. Với các tín hữu Kitô tại Trung đông, ngài nhắc lại rằng "không thể lấy bạo động để chiến thắng bạo động". Ngài nhắc lại với mọi người quyền " được gia nhập một tôn giáo hay không tuyên xưng bất cứ tôn giáo nào".

Trích dẫn công đồng Vatican II, Ðức thánh cha tái khẳng định: "Giáo hội không bác bỏ bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page