Tòa Thánh lên án

Ðại Hội Công Giáo "quốc doanh"

tại Trung Quốc

 

Tòa Thánh lên án Ðại Hội Công Giáo "quốc doanh" tại Trung Quốc.

Vatican (SD 17-12-2010) - Hôm 17 tháng 12 năm 2010, Tòa Thánh ra thông báo mạnh mẽ lên án những điều sai trái trong Ðại hội kỳ 8 các đại diện Công Giáo Trung Quốc nhóm tại Bắc Kinh từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 2010.

Nguyên văn thông cáo 8 điểm của Tòa Thánh nói rằng:

1. Tòa Thánh rất đau buồn về sự kiện, trong những ngày từ 7 đến 9 tháng 12 (năm 2010) vừa qua, Ðại hội kỳ 8 các đại diện Công Giáo Trung Quốc tiến hành tại Bắc Kinh. Ðại hội này được áp đặt cho nhiều Giám Mục, Linh Mục, nữ tu và giáo dân. Thể thức triệu tập và tiến hành chứng tỏ một thái độ đàn áp đối với việc thực hành tự do tôn giáo, sự đàn áp mà người ta đã hy vọng từ nay không còn nữa tại Trung Quốc. Sự ngoan cố muốn kiểm soát lãnh vực thâm sâu nhất của các công dân là lương tâm của họ, cũng như xen mình vào đời sống nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, không làm vinh dự cho Trung Quốc, trái lại, dường như là một dấu hiệu sợ hãi và yếu đuối, hơn là dấu hiệu hùng mạnh; đó là dấu hiệu bất bao dung một cách ngoan cố, hơn là dấu hiệu chứng tỏ sự cởi mở đối với tự do và tôn trọng thực sự đối với phẩm giá con người và sự phân biệt đúng đắn giữa phạm vi dân sự và phạm vi tôn giáo.

2. Nhiều lần Tòa Thánh đã thông báo, trước tiên là cho các vị Mục Tử, nhưng còn cho tất cả các tín hữu nữa, kể cả một cách công khai, rằng không được tham dự Ðại hội ấy. Mỗi người trong số những tham dự viên biết rõ mức độ trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội. Ðặc biệt các Giám Mục và các Linh Mục sẽ bị đặt trước những mong đợi của các cộng đoàn liên hệ, họ nhìn các vị chủ chăn của mình và có quyền nhận được từ vị ấy sự hướng dẫn và sự chắc chắn trong đức tin và trong đời sống luân lý.

3. Người ta cũng biết rằng nhiều Giám Mục và Linh Mục bị cưỡng bách phải tham dự Ðại hội ấy. Tòa Thánh tố giác sự vi phạm trầm trọng như thế đối với các nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo và tự do lương tâm của họ. Ngoài ra, Tòa Thánh bày tỏ thiện cảm sâu xa nhất đối với những người, bằng nhiều thể thức khác nhau, đã can đảm làm chứng đức tin và Tòa Thánh mời gọi những người khác hãy cầu nguyện, làm việc thống hối, và qua những hành động, tái khẳng định ý chí theo Chúa Kitô trong tình yêu mến, hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội hoàn vũ.

4. Ðối với những người hoang mang và đau khổ sâu xa trong tâm hồn, tự hỏi làm sao Giám Mục hoặc các Linh Mục của mình lại tham dự Ðại Hội như thế, Tòa Thánh yêu cầu họ hãy đứng vững và kiên nhẫn trong đức tin: Tòa Thánh mời gọi họ hãy để ý tới những sức ép mà nhiều mục tử của họ đã phải chịu và cầu nguyện cho các vị; Tòa Thánh nhắn nhủ họ hãy tiếp tục can đảm nâng đỡ các vị ấy đứng trước những áp đặt bất công mà các vị gặp phải trong việc thi hành sứ vụ.

5. Trong Ðại hội, có một số người được chỉ định đảm trách cái gọi là Hội Ðồng Giám Mục Trung Quốc và Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc. Về hai cơ quan này, cũng như chính Ðại hội, điều mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã viết trong thư năm 2007 gửi Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, ở số 7 và 8, vẫn giữ nguyên giá trị. Ðặc biệt Hội đồng Giám Mục Công Giáo Trung Quốc hiện nay không được Tòa Thánh công nhận như một Hội Ðồng Giám Mục: trong hội đồng này không có các Giám Mục bí mật, tức là không được chính phủ nhìn nhận, nhưng hiệp thông với Ðức Giáo Hoàng; tổ chức đó cũng bao gồm cả những Giám Mục bất hợp pháp. Hội Ðồng Giám Mục này có qui chế chứa đựng những yếu tố không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo. Thật là một điều hết sức đáng trách vì Hội Ðồng Giám Mục đó có một Giám Mục bất hợp pháp làm chủ tịch.

Ngoài ra, về mục đích của Hội Ðồng Giám Mục này là để thực hiện các nguyên tắc độc lập và tự trị, tự quản lý và tự điều hành dân chủ của Giáo Hội, cần nhớ rằng đó là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, đạo lý này ngay từ các kinh Tin Kính xưa kia đã tuyên xưng Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Vì thế, thật là đáng trách khi chỉ định một Giám Mục hợp pháp làm chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc.

6. Ðó không phải là con đường mà Giáo Hội phải tiến hành trong bối cảnh một đại quốc cao quí, vốn được dư luận thế giới chú ý vì bao nhiêu mục tiêu đã đạt được trong nhiều lãnh vực, nhưng lại thấy khó thực hiện những đòi hỏi của quyền tự do tôn giáo đích thực, tuy rằng trong Hiến pháp Trung Quốc có tuyên bố tôn trọng. Ngoài ra, Ðại hội đã làm cho con đường hòa giải giữa các tín hữu Công Giáo thuộc cộng đoàn thầm lặng và cộng đoàn công khai trở nên cam go hơn, tạo nên một vết thương sâu rộng không những cho Giáo Hội tại Trung Quốc nhưng cho cả Giáo Hội hoàn vũ nữa.

7. Tòa Thánh rất lấy làm tiếc vì việc tiến hành đại hội nói trên và vụ truyền chức Giám Mục mới đây không có sự ủy nhiệm của Ðức Giáo Hoàng đã đơn phương gây thiệt hại cho cuộc đối thoại và bầu không khí tín nhiệm đã được khởi sự trong các quan hệ với chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Quốc. Trong khi tái khẳng định ý chí đối thoại chân thành, Tòa Thánh cảm thấy có nghĩa vụ minh xác rằng những hành vi không thể chấp nhận được và thù nghịch, như những điều đã nói trên đây, tạo nên nơi các tín hữu trong vào ngoài Trung Quốc một sự mất tín nhiệm lớn lao, vốn là điều cần thiết để vượt thắng những khó khăn và xây dựng một quan hệ đúng đắn với Giáo Hội, để mưu ích chung.

8. Dưới ánh sáng những gì đã xảy ra, lời mời gọi mà Ðức Thánh Cha gửi đến tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới hôm mùng 1 tháng 12 (năm 2010) vừa qua vẫn là điều cấp thiết: hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc đang sống những giai đoạn đặc biệt khó khăn". (SD 17-12-2010)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page