Thánh lễ Tạ Ơn khánh thành
nhà Học viện Hội Thừa Sai Việt Nam
Thánh lễ Tạ Ơn khánh thành nhà Học viện Hội Thừa Sai Việt Nam.
Saigòn
(4/12/2010) - Vào lúc 09h30 thứ Bảy ngày 04 tháng 12 năm 2010,
Ðức Cha Phêrô Trần Ðình Tứ Giám mục Giáo Phận Phú
Cường (đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam) đã về dâng
thánh lễ tạ ơn khánh thành Nhà Học Viện Hội Thừa Sai
Việt Nam (số 255/11, Quốc lộ 1A, Kp5, Phường Bình Hưng Hòa,
Quận Bình Tân). Cùng đồng tế có sự hiện diện quý Cha
Quản Hạt, quý Cha bề trên, quý Cha đồng tế. Ngoài ra còn
có sự tham dự quý tu sĩ nam nữ, quý vị ân nhân và toàn
thể quý khách.
Thánh lễ Tạ Ơn khánh thành nhà Học viện Hội Thừa Sai Việt Nam. |
Mở đầu thánh lễ đồng tế, Ðức Cha Phêrô đã long trọng cử hành nghi thức làm phép Nhà Học Viện Hội Thừa Sai Việt Nam, trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.
Trong bài giảng lễ, Ðức Cha Phêrô đã chia sẽ anh chị em thân mến: trong bầu khí vui tươi, trang trọng của ngày hôm nay, chúng ta quy tụ lại đây để cùng với Hội Thừa Sai Việt Nam dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa, nhân dịp khánh thành Học Viện mới này.
Tạ ơn là một tâm tình in sâu trong bản tính con người và là tâm tình nền tảng của tôn giáo. Sách Ðiển ngữ thần học Thánh Kinh, đã nói về tâm tình như sau:
Tạ ơn là việc làm đáp trả những hồng ân đã lãnh nhận. Người thụ ơn ý thức được lòng tốt của Thiên Chúa, Ðấng đã ban ơn, nên vừa chân thành tỏ lòng thần phục, tri ân trước lòng quảng đại của Ngài, vừa hân hoan, vui mừng trước vẻ cao cả của Thiên Chúa. Việc tạ ơn giữ vai trò chính yếu trong Thánh Kinh vì tạ ơn là một phản ứng tôn giáo căn bản của loài thụ tạo, rung cảm vì vui mừng và kính phục khi khám phá ra một điều gì về Thiên Chúa hoặc sự cao cả và vinh quang của Ngài.
Một trong những bài thường đọc trong ngày lễ tạ ơn là bài trích sách Huấn ca. Tác giả kêu mời chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn, vì Ngài đã thực hiện những việc vĩ đại trên khắp địa cầu, đã làm cho đời sống chúng ta phấn khởi từ khi chúng ta còn trong lòng mẹ và đã đối xử với chúng ta theo lòng từ bi của Ngài.
Thánh Phaolô cũng diễn tả tâm tình tri ân của thánh nhân: Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Trong Người, anh em được tràn đầy mọi ơn, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa, trong khi mong chờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra.
Chính Ðức Mẹ cũng nêu gương cho chúng ta bằng việc luôn quy hướng về Chúa để tạ ơn Ngài trong mọi biến cố to nhỏ của cuộc đời. Bài Magnificat Ðức Mẹ hát lên khi được bà Isave khen ngợi là một lời tạ ơn hết sức phong phú. Ðức Mẹ đã quy hướng tất cả những gì là tốt đẹp nơi Ðức Mẹ cũng như toàn thể dân Do Thái và cả thế giới vũ trụ cho lòng thương xót và quyền uy của Thiên Chúa.
Chắc hẳn đây cũng là tư tưởng nổi bật của Hội Thừa Sai Việt Nam và tất cả mọi người trong buổi lễ hôm nay, vì đó là mục đích chính của ngày lễ. Nhìn lại những năm vừa qua, các thành viên của Hội luôn phải sống trong những căn nhà tạm bợ đi thuê đi mượn, thiếu mọi tiện nghi, thiếu bầu khí cho việc học tập và tu trì, nay nhờ ơn Chúa, Hội đã xây được một ngôi nhà tạm gọi là thích hợp cho việc tu trì và học tập, nên Hội hết lòng tạ ơn Thiên Chúa và tất cả những ai đã góp của góp công trong việc xây dựng ngôi nhà mới này.
Sau phần Phụng Vụ Thánh Thể, Cha Giuse Nguyễn Hồng Phúc Giám đốc Học Viện có đôi lời cám ơn Ðức Cha, quý Cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý khách. Và kính dâng lên Ðức Cha bó hoa hương sắc tươi thắm để tỏ lòng hiếu thảo và tâm tình biết ơn sâu xa của Hội Thừa Sai Viêt Nam.
Ðôi Nét Lịch Sử Việc Thành Lập Hội Thừa Sai Việt Nam
Hội Thừa Sai Việt Nam được Hội Ðồng Giám mục Việt Nam quyết định thành lập năm 1971, với mục đích:
Ðào tạo và hướng dẫn các vị truyền giáo Việt Nam, để họ ra đi loan báo Tin Mừng giữa lương dân.
Và để Giáo Hội Việt Nam tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban đức tin cho dân tộc mình, đồng thời chia sẻ với Giáo Hội toàn cầu bổn phận truyền giáo cho các dân tộc (AG 20)
Khi thiết lập Hội Thừa Sai Việt Nam, Hội Ðồng Giám mục đã trao cho đức Tổng Giám mục Huế - Phillipphê Nguyễn Kim Ðiền, Giám mục tiên khởi đặc trách hội.
Khi Hội được báo cáo cho Tòa Thánh và ban ngành liên hệ, như Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Ðức Hồng Y tổng trưởng và Ðức Giám mục tổng thư ký Bộ Truyền Giáo, và cuối cùng, chính Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã ký văn thư bày tỏ sự ưng thuận và khích lệ như sau:
"Gởi hiền đệ của chúng tôi là Ðức Cha Phillipphê Nguyễn Kim Ðiền,
Tổng Giám mục Huế, vị phát động và đặc trách hội Thừa Sai Việt Nam.
Chúng tôi bày tỏ sự vui lòng của chúng tôi đối với sáng kiến truyền giáo đầy quả cảm và theo sự quan phòng của Chúa. Trong giờ phút đầy đau thương và thử thách hiện tại, sáng kiến này chứng tỏ sức sống và sự kiên trung của Giáo Hội Công giáo Việt Nam đối với ơn gọi của mình là Kitô hữu và Tông đồ, điều đó cho phép chúng ta thoáng nhìn được công cuộc truyền bá Tin Mừng trên lục địa Á Châu trong niềm khích lệ và hy vọng. Vì thế, với tất cả lòng tha thiết, chúng tôi ban cho Ðức Cha và cho tất cả những ai tiếp nhận lời mời gọi của Ðức Cha, tham gia và hỗ trợ công cuộc thừa sai này, Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.
Vatican, ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1971
Phaolo VI, Giáo Hoàng."
Ðể hoạt động của hội đi vào nề nếp quy củ, Ðức Cha đặc trách đã soạn thảo một quy chế với tên gọi "quy chế hội Thừa Sai Việt Nam" và đệ trình lên Hội Ðồng Giám mục, và được chuẩn y ngày 23-8-1972.
Một tuần sau đó, ngày 1-9-1972, Ðức Cha đặc trách đã gởi tới các Linh mục Việt Nam một lá thư ngỏ, trình bày nguồn gốc, đường hướng và quy chế hội Thừa Sai Việt Nam.
Chỉ trong hơn 2 năm hoạt động, hội đã có 75 thành viên, gồm 6 cộng đoàn, và một đại Chủng Viện Thừa Sai (chính thức thành lập ngày 7-8-1974 và đặt tại trung tâm Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé, nay là Bình Dương). Trong ngày lễ khai giảng khóa đầu tiên của Ðại Chủng Viện, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đến dự.
Một sự kiện quan trọng đáng nhớ đối với Hội, ngày 10-8-1974, Ðức Hồng Y Rossi, Tổng Trưởng Bộ truyền bá Phúc Âm, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Ngài đã đến thăm các cộng đoàn của Hội và các gia đình Thừa Sai để động viên khích lệ.
Biến cố 1975 xảy ra, hoàn cảnh mới và nhiều thay đổi nên sinh hoạt của Hội cũng bị ngưng trệ một thời gian dài, cho đến ngày 5-10-1998, Hội đã đệ trình lên Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, khi đó đang là Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục, một thỉnh nguyện thư, xin can thiệp với Hội Ðồng Giám Mục để Hội được sinh hoạt trở lại. Thỉnh nguyện thư đã được Hội Ðồng Giám mục chấp thuận trong khóa họp tháng 10-1999, và trao cho Ðức Cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường đặc trách Hội.
Tính từ ngày Hội được phục hồi đến nay là 11 năm, một thời gian ngắn ngủi trong một hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn cả về mặt khách quan lẫn chủ quan, thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðức Cha Phêrô đặc trách, Hội đã được những thành quả rất đáng trân trọng và khích lệ.
Cụ thể:
I. Về nhân sự:
Hội Thừa Sai Việt Nam hiện có 62 thành viên, với 18 Linh mục (trong số đó có 11 vị mới được thụ phong ngày 25.05.2010 tại Giáo Phận Phú Cường), 14 anh em đã học xong chương trình thần học và đang phục vụ tại các cộng đoàn, giáo điểm, hay các xứ truyền giáo vùng xa, 20 anh em đang trong giai đoạn đào tạo từ triết 1 đến thần IV tại trung tâm học vấn Ðaminh.
II. Các cộng đoàn:
1. Hội đã thiết lập các cộng đoàn cơ bản, gồm:
Cộng đoàn Sơn Lộc (Trụ sở chính của Hội - Giáo Phận Phú Cường) cộng đoàn thực tập truyền giáo Bù Ðăng với anh em dân tộc, Giáo Phận Ban Mê Thuột, cộng đoàn Học Viện Thánh Giuse Gò Mây, Giáo Phận Sài Gòn, cộng đoàn ứng sinh giai đoạn 1 ở Bình Hưng Hòa, Giáo Phận Sài Gòn, cộng đoàn ứng sinh giai đoạn 2 (chuẩn bị lên học viện) ở Bắc Ðoàn, Giáo Phận Phú Cường.
Các Linh mục thuộc Hội ngoài trách nhiệm xây dựng và phát triển Hội, một số vị còn được bổ nhiệm phụ trách các giáo điểm, giáo xứ vùng xa với tinh thần hăng hái "đến với muôn dân", đặc biệt đối với đồng bào lương dân, anh chị em dân tộc và anh chị em di dân.
2. Các Giáo xứ Hội đang phụ trách, gồm:
Giáo xứ mới Gò Mây, Giáo Phận Sài Gòn, chăm lo mục vụ cho anh chị em di dân, và cũng là nơi lý tưởng anh em trong Hội đến thực tập mục vụ và truyền giáo.
Giáo xứ Tân Khai, Giáo Phận Phú Cường. Ðây là Giáo xứ truyền giáo, mới được thành lập cách đây 3 năm. Hơn 30 năm qua nơi đây không có nhà thờ, không có Linh mục. Giáo xứ mới chỉ dựng tạm một cái "lều thờ" để giáo dân có nơi tham dự thánh lễ và để dạy giáo lý. Hiện nay các Linh mục của Hội đang đồng hành để chia sẻ niềm tin và cuộc sống với hơn 600 anh chị em giáo dân, và khá anh chị em dân tộc Stiêng trong vùng.
Giáo xứ Bắc Ðoàn, Giáo Phận Phú Cường, là địa điểm thuận lợi để anh em trong Hội để thực tập mục vụ, nhằm chẩn bị cho sứ mạng phục vụ Tin Mừng.
Giáo xứ Lộc Thạnh, Giáo Phận Phú Cường cũng mới được thành lập vào tháng 3 năm 2008, Giáo xứ Lộc Thạnh cách cửa khẩu Hoa Lư (biên giới Campuchia) khoảng 10 km, với 610 nhân danh ở rải rác trên địa bàn 3 xã là Lộc Thạnh, Lộc Hòa và Lộc An, là những di dân ở khắp các vùng miền về đây làm ăn sinh sống. Ngoài ra, khá đông anh chị em dân tộc Stiêng và Khmer trong vùng là những đối tượng mà cha sở đang tiếp cận và đã có những định hướng cho tuơng lai. Tiếng là giáo xứ, nhưng Lộc Thạnh mới chỉ có mảnh đất, các cơ sở vật chất chưa có gì, các sinh hoạt mục vụ và giáo lý đều diễn ra ở nhà giáo dân.
III. Hoạt động truyền giáo
Tại các cộng đoàn và giáo xứ mà Hội đang phụ trách, với khả năng, điều kiện và hoàn cảnh cho phép, Hội đã cố gắng diễn tả dung mạo của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu cho mọi người, đặc biệt đối với cộng đoàn lương dân, anh chị em di dân bằng nhiều hình thức khác nhau với các hoạt động, như:
Dạy giáo lý và đã rửa tội cho 30 anh chị em dự tòng, còn 220 người nữa đã hoàn tất chương trình giáo lý dự tòng và trong giai đoạn thử thách, cũng sẵn sàng trở thành con Chúa bất cứ lúc nào. Hội cũng tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủy lạo và cứu trợ bà con về lương thực - thực phẩm, quần áo, dụng cụ học tập, giúp xây nhà tình thương, khoang giếng, tổ chức thường xuyên các đoàn Y-Bác sĩ khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, tổ chức các chuyến xe đưa đón anh chị em dân tộc ở xa đi tham dự thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, trao học bổng cho học sinh nghèo, mở các lớp dạy học hè về vi tính, sinh ngữ, đàn nhạc, dạy phụ đạo văn hóa cho các em nghèo bất luận dân tộc, lương giáo...
Về mặt dân sự, năm 2007 Hội đã có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bởi Ban Tôn giáo chính phủ. Ðây là điều kiện thuận lợi để Hội có thể hiện diện, sinh hoạt trong nhiều môi trường và phạm vi lớn hơn trong sứ mạng "đến với muôn dân".
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc