"Ánh sáng thế gian"
một cuốn sách đầy liều lĩnh
của một vị Giáo hoàng
"Ánh sáng thế gian", một cuốn sách đầy liều lĩnh của một vị Giáo hoàng.
Roma [Chiesa 25/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trên trang mạng "Chiesa" [Giáo hội] ra ngày 25 tháng 11 năm 2010, tác giả Sandro Magister, viết rằng cuốn sách "Ánh sáng thế gian" của Ðức thánh cha Benedicto XVI là một sáng kiến "liều lĩnh" mà chưa từng có người kế vị thánh Phero nào dám đề ra.
Cuốn sách là một thu thập cuộc trao đổi giữa Ðức thánh cha và ký giả Peter Seewald, người Ðức, tại dinh thự mùa hè của các Ðức giáo hoàng ở Castel Gandolfo dạo tháng 7 năm 2010.
Vào cuối cuốn sách, Ðức thánh cha nhắc đến một cuốn sách khác của ngài về Chúa Giesu. Ðức thánh cha nói rằng "một cách hữu ý", ngài muốn rằng cuốn sách này không phải là một văn kiện của Huấn quyền, mà chỉ là những giải thích riêng của ngài. Và ngài nói thêm: "Dĩ nhiên đây là một liều lĩnh to lớn".
Chiều ngày thứ Hai 22 tháng 11 năm 2010, khi nói chuyện riêng với ngài, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, đã hỏi liệu ngài có biết rằng cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn này còn là một liều lĩnh lớn hơn không.
Cha Lombardi kể lại rằng khi được hỏi như thế, Ðức thánh cha chỉ mỉm cười.
Quả đúng như thế, cuốn sách "Ánh sáng thế gian" là một sự liều lĩnh to lớn đối với một vị Giáo hoàng.
Trong cuốn sách, những câu trả lời của Ðức thánh cha rất ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Lối văn nói chuyện rất chính xác, đơn sơ và không có những thuật ngữ chuyên môn. Ðôi khi cũng có những câu nói mỉa mai, châm biếm.
Dĩ nhiên, việc giới thiệu cuốn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chính cha Lombardi nhìn nhận rằng việc điểm sách của báo "Người Quan Sát Roma" trong số ra ngày 20 tháng 11 năm 2010 cũng có nhiều thiếu sót.
Chính vì thế mà tức khắc cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi sôi nổi. Cuốn sách dài 250 trang, nhưng báo chí chỉ chú trọng đến hai trang và về một vấn đề vốn cũng đã từng tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi hồi mùa xuân năm 2009, nhân dịp Ðức thánh cha viếng thăm hai nước Cameroun và Angola tại Phi Châu. Tưởng cũng nên nhắc lại: vấn đề tranh cãi đó chính là việc xử dụng bao cao su để phòng chống dịch bệnh Sida. Trên chuyến bay từ Roma sang Cameroun, Ðức thánh cha nói với các ký giả rằng việc phân phát bao cao su để phòng chống dịch bệnh Sida tại Phi châu chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng hơn mà thôi.
Nếu lần đó, Ðức thánh cha đã bị chống đối dữ dội, thì trong những ngày vừa qua, phản ứng trước lời tuyên bố của Ðức thánh cha xem ra tích cực hơn bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội.
Bên ngoài Giáo hội, những tiếng nói vốn đã từng tỏ ra thù nghịch với Ðức thánh cha, nay lại cho rằng ngài "cởi mở" hơn và mở ra một trang sử mới trong lịch sử Giáo hội.
Bên trong Giáo hội, thì lời tuyên bố của Ðức thánh cha liên quan đến việc xử dụng bao cao su trong một số trường hợp đặc biệt đã giúp đào sâu giáo huấn của Giáo hội về luân lý tính dục.
Nhưng điều đáng chú ý hơn có lẽ không phải là lời tuyên bố của Ðức thánh cha liên quan đến việc xử dụng bao cao su, mà là cuộc thảo luận mà lời tuyên bố này đã khai mở. Như Ðức thánh cha đã viết trong lời tựa cho cuốn sách "Chúa Giesu Nazareth", "ai cũng được tự do để phản bác tôi". Ðiều này dĩ nhiên cũng có giá trị đối với lời tuyên bố của ngài về việc xử dụng bao cao su.
Dĩ nhiên, cuốn sách "Ánh sáng thế gian" không chỉ có thế. Người ta có thể nhận ra trong đó chân dung và cả triều đại của đức Benedicto XVI. Ngay cả những vấn đề cá biệt cũng phản ánh dấu ấn của toàn triều đại và con người của vị Giáo hoàng này.
Trở lại với lời tuyên bố của Ðức thánh cha về việc xử dụng bao cao su. Trong chuyến viếng thăm Phi Châu dạo tháng 3 năm 2009, Ðức thánh cha bị tố cáo đã mù quáng khi lên án việc xử dụng bao cao su và đẩy mạnh hàng triệu người Phi Châu vào chỗ chết. Trong thực tế, Ðức thánh cha chỉ kêu gọi chú ý đến mối nguy hiểm mà Phi Châu đang phải đối đầu: đó là việc quảng bá rộng rãi bao cao su đã không ngăn chận được dịch bệnh Sida mà còn khiến gia tăng lối sống phóng đảng dẫn đến việc lây lan.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Peter Seewald, Ðức thánh cha cũng trở lại lập luận này và ghi nhận rằng bên ngoài Giáo hội cũng có nhiều chuyên gia trong cuộc chiến chống lại Sida ngày càng tin rằng sự tiết dục và chung thủy trong đời sống hôn nhân hữu hiệu hơn là việc quảng bá bao cao su.
Ðức thánh cha nói với ký giả Peter Seewald rằng chỉ chú trọng đến bao cao su là "dung tục tính dục, không còn xem tính dục như biểu hiện của tình yêu, mà chỉ như một thứ ma túy" mà thôi.
Khi Ðức thánh cha nói như thế, người ta tưởng ngài sẽ tuyệt đối lên án việc xử dụng bao cao su. Nhưng không, ngài nói rằng trong một số trường hợp, việc xử dụng bao cao su có thể được biện minh, kể cả không phải là để ngừa thai. Và ngài đưa ra thí dụ một người "làm điếm" biết xử dụng bao cao su để ngăn ngừa lây lan. Ðức thánh cha xem cử chỉ này như một bước khởi đầu tiến tới tinh thần trách nhiệm, tức biết sống tính dục một cách nhân bản hơn.
Thật ra, đây cũng là lập trường mà một số vị Hồng y như Carlo Maria Martini, Dionigi Tettamanzi, Javier Lozano Barragan, Georges Cottier... đã từng bênh vực, nhứt là tại Phi Châu là nơi mà một trong hai người phối ngẫu nên mang bao cao su để tránh việc lay lan cho người khác.
CV.