Con người của Ðức thánh cha

qua cuốn sách Ánh sáng thế gian

 

Con người của Ðức thánh cha qua cuốn sách "Ánh sáng thế gian".

Vatican [Zenit 23/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuốn sách "Ánh sáng thế gian" của Ðức thánh cha Benedicto XVI và ký giả Peter Seewald vừa được họp báo giới thiệu hôm thứ Ba 23 tháng 11 năm 2010 đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi. Nhưng, như ký giả Seewald đã nói, trong khi Ðức thánh cha chú trọng đến nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới như sự sống còn của hành tinh và nhân loại, thì báo chí và các cơ quan truyền thông lại chỉ chú ý đến chuyện Giáo hội có cho phép xử dụng bao cao su để phòng ngừa dịch bệnh Sida không. Ông nói đây là một chuyện "đau lòng" và "buồn cười". Ký giả người Ðức này còn gọi đây là một cuộc "khủng hoảng báo chí".

Riêng một ký giả người Ý nổi tiếng chuyên về các vấn đề của Tòa thánh là ông Luigi Accatolli thì cho rằng cuốn sách mới của Ðức thánh cha cũng là "một ánh sáng chiếu rọi vào" cuộc sống và con người của Ðức thánh cha. Theo ông Accatolli, cuốn sách mở ra một cánh cửa vào "xưởng thợ của Ðức giáo hoàng". Ông nói rằng Ðức thánh cha đã "mở một cánh cửa của căn phòng của ngài", trong đó người ta thấy có hai vị thư ký, 4 nữ tu và giáo dân đang lo việc nhà. Cuốn sách cũng cho thấy một vị Giáo hoàng đang xem cuốn phim Don Camillo, nói về cách ngài cầu nguyện và để lộ "khía cạnh nhân bản" của ngài.

Theo ký giả Accatolli, chân dung của đức Benedicto XVI như được phác họa trong cuốn sách cho thấy con người thực của Ðức hồng y Ratzinger, sự hiền từ nhỏ nhẹ của ngài, sự gần gũi với con người, tính đơn sơ của một con người không tìm kiếm bất cứ vinh quang và quyền lực nào.

Ký giả người Ý này đặc biệt chú ý đến bộ áo len đen mà người ta có thể thấy rõ dưới chiếc áo trắng của đức giáo hoàng khi ngài xuất hiện công khai lần đầu tiên ngày 19 tháng 4 năm 2005 để ban phép lành cho dân chúng. Theo ký giả Accatolli, đây là biểu trưng của hai con người nơi vị Giáo hoàng này. Ký giả này ghi nhận có đến 5 lần trong cuốn sách, Ðức thánh cha nói đến sự kiện ngài đã 83 tuổi; ngài nói rằng Ðức giáo hoàng có thể từ chức nếu xét dưới khía cạnh nhân bản, thể lý và thiêng liêng, ngài không thể chu toàn chức vụ.

Tuy nhiên, Ðức thánh cha khẳng định rằng ngài không hề nghĩ đến việc từ chức vì những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Ðức thánh cha nói: "Người ta không thể lẫn trốn khi gặp nguy biến". Ký giả Accatolli nhắc lại rằng kể từ đức Pio XII tất cả các vị Giáo hoàng đều đã nêu lên vấn đề từ chức, nhưng đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng công khai đề cập đến vấn đề này.

Ðức thánh cha cũng bày tỏ một sự chân thành như thế khi biện minh cho việc phải xuất hiện trước công chúng và để cho họ đón chào. Ngài khẳng định: "người ta tung hô vị Giáo hoàng, họ "rất khao khát được thấy Ðức giáo hoàng".

Một trong những vấn đề thời sự là cuộc xung đột giữa niềm tin Kitô và thế giới hiện đại. Nhưng Ðức thánh cha cũng nhìn nhận một "nền luân lý hiện đại" tốt và đúng đắn.

Về việc rút vạ tuyệt thông, ký giả Accatolli nói rằng Ðức thánh cha không ngần ngại khẳng định rằng người ta đã nói nhiều điều "ngu xuẩn". Ðức thánh cha giải thích rằng theo giáo luật, người ta bị vạ tuyệt thông khi không nhìn nhận quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng. Ngài nhắc đến việc một số Giám mục Trung quốc bị vạ tuyệt thông vì được truyền chức mà không có phép của Tòa thánh. Nhưng kể từ lúc các vị này nhìn nhận quyền bính của Ðức giáo hoàng, thì vạ tuyệt thông được rút lại.

Về trường hợp của Ðức cha Williamson, một trong 4 vị Giám mục thuộc Huynh đoàn công giáo thủ cựu Pio X đã được rút vạ tuyệt thông hồi đầu năm 2009, Ðức thánh cha nói rằng vị Giám mục này chưa hề là "người Công giáo" bởi vì ông là người Anh giáo gia nhập vào huynh đoàn công giáo thủ cựu. Theo Ðức thánh cha, rút lại vạ tuyệt thông có nghĩa là cổ võ cho sự hiệp nhứt. Ðây là trường hợp xảy ra cho một Giám mục Trung Quốc được phong chức mà không sự phê chuẩn của Tòa thánh. Một khi nhìn nhận quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng, vị giám mục này liền được rút vạ tuyệt thông.

Khi đề cập đến chức linh mục, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã không theo thói quen của thời Ngài khi chọn 12 tông đồ. Vào thời đó có rất nhiều "nữ tư tế". Người ta không thể nói rằng cách đây 2 ngàn năm không hề có chuyện nghĩ đến việc kêu gọi phụ nữ vào chức linh mục.

Về một số tín điều của Giáo hội, Ðức thánh cha đã cố gắng dùng ngôn ngữ đơn giản nhứt của con người để giải thích. Ngài nói rằng sự sống lại là "một hình thức hiện hữu mới". Tình yêu ư? Ðó là một "dấu tích" của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Gen của con người. Mầu nhiệm Thánh Thể ư? Ðó là một sự "tách lìa hạt nhân". Sự khám phá ơn gọi của con người hướng về cõi vô biên ư? Ðức thánh cha nói rằng điều đó cũng giống như "vượt bức tường âm thanh".

Về những "vết nhơ trong Giáo hội", Ðức thánh cha nói đề cao vai trò tích cực của truyền thông, bởi vì truyền thông đã giúp đưa sự thật ra ánh sáng. Ðức thánh cha nói: "Chính vì sự dữ có trong Giáo hội mà nhiều người đã có thể nổi lên chống lại Giáo hội". Ngài nói rằng ngài cũng cảm thông với những ai " lìa bỏ Giáo hội" để phản đối các vụ tai tiếng trong Giáo hội.

Ngài cũng nói đến tính cách mới mẽ của lời cầu nguyện cho người Do thái và lên tiếng bênh vực Ðức Pio XII sau khi đã nghiên cứu các văn khố chưa từng được đọc trước đó.

Ðức thánh cha nói rằng ngài lạc quan về sức sống của Kitô giáo và sự cần thiết phải trở về sự "đơn giản" và tính "triệt đễ" của Tin Mừng. Theo ngài, đây là những ơn cần thiết nhứt cho Giáo hội ngày nay. Cần phải tiếp tục điều đã được Ðức Gioan Phaolo II khởi sự.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page