Căng thẳng giữa Giáo hội
và nhà nước Trung Quốc
Căng thẳng giữa Giáo hội và nhà nước Trung Quốc.
Trung quốc [Eglises d'Asie 17/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong bầu khí chuẩn bị Ðại hội đại biểu Công giáo toàn quốc dự trù khai diễn vào cuối năm 2010 và nhứt là sự kiện một số Giám mục tại tỉnh Hebei bị làm áp lực phải tham dự vào lễ tấn phong cho một Giám mục không được Tòa thánh nhìn nhận, mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo tại Trung quốc và chính quyền cộng sản nước này trở nên căng thẳng.
Hengshui, một giáo phận thuộc tỉnh Hebei, đã bày tỏ hy vọng là Tòa thánh sẽ lên án việc vị Giám mục giáo phận bất thần bị "mất tích" và bị làm áp lực phải tham dự lễ một lễ tấn phong Giám mục không được Tòa thánh phê chuẩn.
Vấn đề phát xuất từ giáo phận Chengde, thuộc tỉnh Hebei, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 250 cây số về hướng đông bắc. Giáo phận này đã được thành lập năm 1955, năm mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã xóa bỏ tỉnh Jehol, bằng cách sát nhập miền đông tỉnh này với tỉnh Liaoning và miền tây tỉnh này vào tỉnh Hebei. Muốn thấy bản đồ hành chính cũng phù hợp với bản đồ các giáo phận, chính quyền Bắc Kinh liền cho thiết lập Giáo phận Chengde. Ðây là một quyết định mà cho tới đây Tòa thánh vẫn chưa nhìn nhận. Ngày nay, giáo phận Chengde vẫn còn là một giáo phận nhỏ với 6 linh mục, 15 nữ tu và khoảng 20 ngàn giáo dân rãi rác trong 16 giáo xứ.
Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách đặt linh mục Joseph Guo Jincai làm Giám mục cai quản giáo phận Chengde. Chịu chức năm 1992, linh mục Jincai là một trong những linh mục trẻ thuộc giáo hội "công khai" rất đẹp lòng Bắc Kinh. Ðã từng là giáo sư tại chủng viện toàn quốc tại Bắc Kinh, năm 2007, linh mục này được đặt làm trưởng đoàn của phái đoàn giáo sư chủng viện Trung quốc đi hành hương Thánh Ðịa. Ông cũng nắm giữ chức vụ phó tổng thư ký của Hội công giáo ái quốc Trung quốc. Ngoài ra, ông cũng là một trong số ít đại biểu Công giáo tại Quốc hội nhân dân Trung Quốc. Do đó, đã rõ ràng là khi tìm cách đặt ông đứng đầu Giáo phận Chengde, chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng muốn ông phải có chức Giám mục.
Vấn đề là, theo các linh mục Trung quốc, cho tới nay Tòa thánh đã không chấp thuận đề nghị này và không phê chuẩn việc linh mục Jincai được làm Giám mục. Nếu được tiến hành, thì việc tấn phong Giám mục cho linh mục Jincai hoàn toàn đi ngược lại với 6 cuộc truyền chức Giám mục khác đã diễn ra tại Trung quốc kể từ đầu năm 2010, bởi vì tất cả 6 vị này đều được chính quyền lẫn Tòa thánh phê chuẩn.
Theo cha Li Shoushan, giám quản Giáo phận Chengde, chính quyền đã ấn định ngày phong chức Giám mục cho linh mục Jincai vào ngày mai thứ Bảy 20 tháng 11 năm 2010. Vấn đề là: Giám mục nào sẽ chấp nhận đứng ra truyền chức cho một Giám mục không được Tòa thánh phê chuẩn. Những vụ truyền chức Giám mục cuối cùng không có phép của Tòa thánh đã diễn ra hồi năm 2006. Theo nhận xét của tập san "Các Giáo hội Á châu" của hội thừa sai Paris, lúc đó, chính quyền Trung quốc đã làm đủ mọi "mánh khóe" và tạo nhiều áp lực để các vị Giám mục được Tòa thánh nhìn nhận tiến hành các lễ tấn phong. Nhưng kể từ đó, lá thư của Ðức thánh cha gởi cho người Công giáo Trung quốc hồi năm 2007 và thông cáo đề ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng một linh mục không được phép nhận chức Giám mục nếu không có phép minh thị của Tòa thánh.
Biết rõ điều đó cho nên chính quyền cộng sản Trung quốc đã gia tăng làm áp lực trên các Ðức giám mục thuộc Giáo hội công khai vốn được Tòa thánh nhìn nhận để các vị tham dự lễ tấn phong vào ngày 20 tháng 11 năm 2010. Từ nhiều tuần lễ qua, các Ðức giám mục các giáo phận láng giềng với giáo phận Chengde đã phải chịu những áp lực như thế. Các linh mục giáo phận Hengshui, Jingxian, một giáo phận nằm ở phía nam Bắc Kinh, đã hoàn toàn mất liên lạc với Ðức giám mục của mình là Ðức cha Peter Feng Xinmao: kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2010, điện thoại cầm tay của ngài đã tắt; các linh mục nghi ngờ rằng chính quyền đã giam ngài trong một khách sạn nào đó hoặc ngài bị công an quản thúc để buộc tham dự lễ truyền chức Giám mục. Một linh mục tại Hengshui đã tuyên bố thẳng thừng với hãng thông tấn Ucanews: "Ðây là một cuộc chiến một mất một còn giữa giáo phận chúng tôi và chính phủ. Chúng tôi hy vọng là Tòa thánh sẽ lên án một sự cố nghiêm trọng như thế, bởi vì nó gây nguy hại cho sự hiệp thông Giáo hội".
Tại một giáo phận khác thuộc tỉnh Hebei là giáo phận Cangzhou, Xianxian, Ðức giám mục Giáo phận là Ðức cha Joseph Li Liangui cũng đã biến mất. Hôm 12 tháng 11 năm 2010, ngài đã ra khỏi Tòa giám mục cùng với một số đại diện chính quyền. Nhưng cho tới nay, người ta không biết ngài đang ở đâu và không trả lời bằng điện thoại cầm tay.
Tại Baoding, Ðức cha Francis An Shuxin, Giám mục phó giáo phận, xác nhận rằng ngài và một số Giám mục "công khai" khác trong tỉnh Hebei đang ở trong một "hoàn cảnh khó khăn". Chính quyền buộc các ngài phải đến Chengde. Ðức cha An Shuxin đã từng tuyên bố rằng ngài sẽ không chấp nhận tham dự bất cứ một cuộc truyền chức nào không có phép của Tòa thánh.
Tại Tangshan, Giáo phận giáp giới với Chengde, nhiều nguồn tin cũng nói rằng Giám mục chính tòa và vị phụ tá của ngài cũng bị áp lực để tham dự lễ truyền chức Giám mục nói trên.
Theo các quan sát viên, việc truyền chức Giám mục tại Chengde gắn liền với Ðại hội đại biểu Công giáo toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối năm 2010. Ðại hội sẽ bầu chọn các vị chủ tịch của Hội đồng Giám mục "công khai" và Hội công giáo ái quốc Trung Quốc.
Nếu cuộc phong chức Giám mục cho linh mục Jincai được tiến hành vào ngày 20 tháng 11 năm 2010, thì nó sẽ xóa bỏ một thỏa thuận ngầm giữa Tòa thánh và Bắc Kinh, theo đó Ðức giáo hoàng sẽ không bổ nhiệm bất cứ một Giám mục "thầm lặng" nào và chính quyền cộng sản Trung quốc cũng sẽ không bổ nhiệm bất cứ Giám mục nào không được Tòa thánh nhìn nhận.
CV.