Tông huấn
"Verbum Domini" , Lời Chúa
Tông huấn "Verbum Domini", Lời Chúa.
Vatican [La Croix 11/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sáng thứ Năm 11 tháng 11 năm 2010, Ðức thánh cha đã cho công bố Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Lời Chúa với tựa đề "Verbum Domini" [Lời Chúa].
"Chỉ có Lời Chúa mới có thể biến đổi sâu xa tâm hồn con người. Do đó mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn cần phải gặp gỡ thâm sâu hơn với Lời Chúa".
Với những lời trên đây, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã khai mạc Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 12 dạo tháng 10 năm 2008. Ðây là Thượng hội đồng Giám mục thế giới thứ hai dưới triều đại ngài, nhưng là Thượng hội đồng thứ nhứt do chính ngài triệu tập để "duyệt lại việc thực thi những chỉ dẫn của công đồng Vatican II và đáp ứng với những thách đố mới mà những kẻ tin Chúa Kito phải đương đầu".
Trong ba tuần lễ, 233 nghị phụ Thượng hội đồng, 41 chuyên gia và 47 quan sát viên đã suy tư về việc khuyến khích các tín hữu đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, đặc biệt xuyên qua Kinh Thánh và Phụng Vụ, cũng như cải thiện việc đọc và học hỏi Kinh Thánh trong cộng đồng, cách riêng trong thánh lễ hay trong các buổi họp nhóm, đồng thời giúp cho đám đông biết Lời Chúa nhờ nghệ thuật và truyền thông xã hội.
Ðúng hai năm sau, ngày 30 tháng 09 năm 2010, nhân dịp lễ thánh Hieronimo, vị thánh đã đi tiên phong trong việc phiên dịch Kinh Thánh, Ðức thánh cha đã ký ban hành tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục với tựa đề "Verbum Domini" [đó là Lời Chúa], dựa trên 55 đề nghị được các nghị phụ đề ra trong Thượng hội đồng Giám mục.
Trong phần nhập đề của văn kiện dài hơn 200 trang này, Ðức thánh cha cho biết ngài đã "đón nhận yêu cầu của các nghị phụ là giúp cho Dân Chúa trên toàn thế giới biết được sự phong phú từ các cơ quan giáo triều và những chỉ dẫn được đề ra trong Thượng hội đồng". Theo Ðức thánh cha, đây là "một quà tặng và là một nhiệm vụ không thể tránh né được của Giáo hội là phải thông truyền niềm vui xuất phát từ sự gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta".
Với tông huấn này, Ðức thánh cha mong muốn rằng những góp ý của Thượng hội đồng sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp trên đời sống Giáo hội trong những lãnh vực như, "tiếp xúc cá nhân với Kinh Thánh, chủ giải Kinh thánh trong phụng vụ và giáo lý, nghiên cứu khoa học" để Kinh Thánh không phải là một Lời của quá khứ, mà là một Lời hằng sống và hiện thực".
Tất cả những khía cạnh trên đã được Ðức thánh cha quảng diễn trong ba chương của tông huấn: từ việc mời gọi mỗi người tái khám phá rằng "Ngôi Lời" đã hóa thân làm người, đến mối quan hệ của Lời Chúa với công cuộc tạo dựng và công lý.
Trên phương diện thực hành, Ðức thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện phẩm chất của các bài giảng. Ngài khuyên phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng khiến che đậy Lời Chúa cũng như những "dong dài vô ích" khiến thính giả chú ý đến người thuyết giảng hơn là nội dung sứ điệp Tin mừng.
Ðức thánh cha cũng yêu cầu không được thay thế các bài đọc kinh thánh trong phụng vụ bằng bất cứ bài đọc nào khác. Ngoài ra các bài hát trong phụng vụ cũng phải được cảm hứng từ Kinh Thánh như Truyền Thống Giáo hội cho thấy, nhứt là xuyên qua các bài bình ca "gregorien".
Theo Ðức thánh cha, việc tái khám phá Lời Chúa cũng phải thúc đẩy Giáo hội bắt tay vào một cuộc rao giảng Tin mừng mới, nhứt là tại những nước mà Tin Mừng đã bị lãng quên hay vì chủ nghĩa tục hóa ngày càng gia tăng mà không được đám đông chú biết tới. Thật ra, tông huấn "Verbum Domini" kêu gọi mọi người Công giáo hãy minh nhiên rao giảng Lời Chúa với một nhuệ khí truyền giáo mới. Tông huấn cũng khuyến khích tìm kiếm những "phương tiện hữu hiệu nhứt để công bố Lời Chúa, ngay cả khi phải chịu bách hại".
Có một đề nghị của các nghị phụ không được Ðức thánh cha đáp ứng đó là cho người phụ nữ được lãnh nhận thừa tác vụ "đọc sách" vốn cho tới nay vẫn còn dành riêng cho nam giới, nhứt là những người chuẩn bị chịu chức linh mục.
Trong cuộc họp báo giới thiệu tông huấn hôm thứ Năm 11 tháng 11 năm 2010, Ðức hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng bộ Giám mục, cho biết Ðức thánh cha đã cứu xét đề nghị trên đây. Ðức hồng y bộ trưởng bộ Giám mục giải thích rằng Giáo hội đang nghĩ đến việc chính thức nhìn nhận một thừa tác vụ như thế dành cho giáo dân.
Cũng như các nghị phụ tại Thượng hội đồng Giám mục về Lời Chúa, Ðức thánh cha cũng kêu gọi đề cao cảnh giác trước "sự kiện các giáo phái ngày càng lan rộng và hiện đang quảng bá một cách đọc Kinh Thánh lệch lạc và bóp méo" theo ý đồ của mình. Ðức thánh cha đặc biệt nói đến lập trường "bảo căn" trong việc đọc Kinh Thánh. Ðây là cách đọc không tôn trọng bản chất đích thực của bản văn kinh thánh, mở ngõ cho những chú giải chủ quan và tùy tiện.
Một vấn đề khác được Ðức thánh cha quan tâm nhiều đó là "mối nguy hiểm của cái nhìn "nhị nguyên" muốn tách biệt chú giải khỏi thần học. Là một giáo sư thần học, Ðức thánh cha lên án lối chú giải chỉ dựa vào phương pháp "phê bình lịch sử" và như vậy trở thành một "khoa chú giải tục hóa" muốn giản lược mọi sự vào chiều kích nhân bản. Ngoài ra, ngài cũng ám chỉ đến một nền thần học chỉ muốn hiểu Kinh Thánh theo nghĩa thiêng liêng. Như thường lệ, Ðức thánh cha khuyến khích nền có một cuộc đối thoại hài hòa giữa đức tin và lý trí.
Trong Thượng hội đồng Giám mục về Lời Chúa, một người ngoài Kitô giáo là đại giáo trưởng Do thái Yashuv Cohen đã được mời phát biểu trước các nghị phụ. Ðức thánh cha tái khẳng định rằng "cuộc đối thoại với người Do thái là một điều quý giá đối với Giáo hội".
Trong tông huấn, Ðức thánh cha cũng yêu cầu đẩy mạnh các mối quan hệ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi tôn giáo đều phải khuyến khích xử dụng lý trí một cách đúng đắn và thăng tiến những giá trị đạo đức vốn là nền tảng của xã hội dân sự".
CV.