Công bố Tông Huấn "Verbum Domini"
về Lời Chúa trong đời sống
và sứ mạng của Giáo Hội
Công bố Tông Huấn "Verbum Domini" về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Vatican (Vat. 11/11/2010) - Sáng 11 tháng 11 năm 2010, Tông Huấn của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16, Verbum Domini (Lời Chúa), đúc kết thành quả Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2008, đã được công bố tại Roma.
Văn kiện đã được giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, Ðức Hồng Y Tân cử Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, và Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế giới.
Tông Huấn dài gần 200 trang với 124 đoạn: ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần tương ứng với Chủ đề Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới hồi tháng 10 năm 2008 về đề tài "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội":
- Phần I nói về Lời Chúa: Thiên Chúa nói, sự đáp trả của con người với Thiên Chúa, và tiếp đến là sự chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội.
- Phần II: Lời Chúa trong Giáo Hội. Giáo Hội tiếp nhận Lời Chúa; Phụng vụ là nơi ưu tiên của Lời Chúa; Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội: việc mục vụ kinh thánh, giảng thuyết, việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, lectio divina..
- Phần III: Lời Chúa cho thế giới. Phần này nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, loan báo Lời cứu độ của Chúa cho thế giới; Lời Chúa và sự dấn thân của Giáo Hội trong thế giới: giới trẻ, người di dân, người nghèo; Lời Chúa và văn hóa, Lời Chúa và việc đối thoại liên tôn.
Cùng với Văn bản Tông Huấn Lời Chúa, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới cũng công bố một bản tóm lược nội dung văn kiện giáo huấn này của Ðức Thánh Cha.
Tóm lược Tông Huấn
"Tái khám phá vị trí trung tâm của Lời Chúa" trong đời sống bản thân và Giáo Hội, tiếp đến là "sự cấp thiết và sự tươi đẹp" của việc loan báo Lời Chúa để cứu độ nhân loại như "những chứng nhân đầy xác tín và đáng tin cậy của Chúa Phục Sinh": đó là tổng hợp sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Verbum Domini", Lời Chúa, đón nhận những suy tư và đề nghị được Thượng Hội Ðồng Giám Mục nên lên trong khóa họp tại Vatican hồi tháng 10 năm 2008 về đề tài "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội". Văn kiện, dài gần 200 trang, là một lời kêu gọi tha thiết được Ðức Giáo Hoàng gửi tới các vị mục tử, các thành viên đời sống thánh hiến và các giáo dân, "ngày càng quen thuộc hơn với Kinh Thánh", và không bao giờ quên rằng "nơi căn cội của mọi linh đạo Kitô chân chính và sống động đều có Lời Chúa được loan báo, đón nhận, cử hành và suy niệm trong Giáo Hội" (121).
Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 khai triển những suy tư của ngài đi từ Lời Tựa của Tin Mừng theo Thánh Gioan đặt chúng ta đứng trước "mầu nhiệm Thiên Chúa, Ðấng tỏ mình ra qua hồng ân Lời Ngài.. Lời của Ngài đã nhập thể (Ga 1,14). Ðó là tin mừng" (1). Ðức Giáo Hoàng quả quyết: "Trong một thế giới thường cảm thấy Thiên Chúa như thừa thãi và xa lạ, không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này: đó là tái mở ra cho con người ngày nay cánh cửa dẫn đến Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đang nói và thông truyền cho chúng tình thương của Ngài để chúng ta được sự sống dồi dào" (2).
Ðức Thánh Cha giải thích rằng "Thiên Chúa nói và can thiệp trong lịch sử để mưu ích cho con người", và chỉ khi nào con người cởi mở đối thoại với Ðấng Sáng Tạo nên mình, thì mới có thể hiểu được bản thân và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của mình. "Thực vậy, - Tông Huấn viết - Lời Chúa không chống lại con người, không bóp nghẹt những ước muốn chân chính của con người, trái lại Lời Chúa soi sáng, thanh tẩy và đưa những ước muốn ấy đến chỗ viên mãn.. Rất tiếc là trong thời đại chúng ta ngày nay, có một ý tưởng rất được phố biến, nhất là tại Tây Phương, cho rằng Thiên Chúa xa lạ với đời sống và các vấn đề của con người và hơn nữa, sự hiện diện của Chúa có thể đe dọa quyền tự quyết của con người". Trong thực tế, "chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng trong tâm hồn mỗi người!".
Ðối với Ðức Giáo Hoàng, "về phương diện mục vụ, điều rất quan trọng là trình bày Lời Chúa trong khả năng của Lời này đối thoại với các vấn đề của con người trong đời sống thường nhật.. Việc mục vụ của Giáo Hội phải cho thấy rõ Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu và tiếng kêu của con người như thế nào" để mang lại cho con người "hạnh phúc vĩnh cửu trọn vẹn" (22-23). Theo nghĩa đó, cần giáo dục các tín hữu nhìn nhận rằng "căn cội của tội lỗi chính là không lắng nghe Lời Chúa và không đón nhận, trong Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, ơn tha thứ mở cho chúng ta ơn cứu độ" (26).
Văn kiện nhắc lại Công đồng chung Vatican 2 đã đẩy mạnh việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội (3), và tái khẳng định sự tôn kính sâu xa đối với Kinh Thánh, "tuy rằng đức tin Kitô không phải là một "tôn giáo của Sách": Kitô giáo là "tôn giáo của Lời Chúa", không phải "một lời được viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động" (7), dưới ánh sáng của Lời này, "bí nhiệm về thân phận của con người được sáng tỏ chung cục" (6). Thực vậy, Chúa Giêsu Kitô là "Lời chung kết của Thiên Chúa": Vì thế, "chúng ta không nên chờ đợi một mạc khải công khai nào khác trước khi Chúa tỏ hiện trong vinh quang". Trong bối cảnh ấy, "cần giúp các tín hữu phân biệt rõ ràng Lời Chúa khác với những mạc khải tư", vai trò của các mạc khải này "không phải là .. bổ túc Mạc Khải chung cục của Chúa Kitô, nhưng là giúp sống mạc khải ấy một cách trọn vẹn hơn trong một thời điểm lịch sử nào đó". Mạc khải tư là "một trợ giúp được ban tặng, nhưng không bắt buộc phải sử dụng mạc khải ấy" (14).
Giải thích Lời Chúa
Về việc giải thích đúng đắn Lời Chúa, Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng "không có sự hiểu biết chân chính nào về Mạc khải Kitô giáo ở ngoài hoạt động của Chúa Thánh Linh" (15), như thánh Giêrônimô đã nói: "Chúng ta không thể hiểu được Kinh Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh, Ðấng linh hứng Kinh Thánh" (16): đây là một sự hiểu biết tăng trưởng với thời gian, nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh, nhờ Truyền Thống sinh động của Giáo Hội và Huấn Quyền của Hội Thánh, Huấn Quyền này có thẩm quyền "giải thích chính thức Lời Chúa, được viết ra hoặc truyền lại" (33). "Môi trường nguyên thủy để giải thích Kinh Thánh là đời sống Giáo Hội", xét vì "không có lời ngôn sứ nào tùy thuộc sự giải thích của tư nhân" (29); vả lại, thánh Giêrônimô luôn nhắc nhở rằng "chúng ta không bao giờ đọc Kinh Thánh một mình. Chúng ta gặp quá nhiều cánh cửa khép kín và dễ rơi vào sai lầm" (30).
Nghiên cứu Kinh Thánh
Ðức Giáo Hoàng phân tính hiện tình nghiên cứu Kinh Thánh và nhận xét rằng "Phần lớn hiệu năng mục vụ trong hoạt động của Giáo Hội và đời sống thiêng liêng của các tín hữu tùy thuộc quan hệ phong phú giữa khoa chú giải và thần học" (31). Ðức Giáo Hoàng nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của "khoa chú giải phê bình lịch sử" và các phương pháp khác (32), nhưng ngài cũng cảnh giác về nguy cơ lớn ngày nay do "một thứ chủ thuyết nhị nguyên" giữa khoa chú giải Kinh thánh và thần học: một bên là khoa chú giải chỉ giới hạn trong vào phương pháp phê bình lịch sử, và trở thành một "khoa chú giải bị tục hóa", trong đó tất cả đều bị thu hặp vào "yếu tố phàm nhân", đến độ phủ nhận "lịch sử tính của các yếu tố thần thiêng"; và bên kia là một nền thần học "có xu hướng thiêng liêng hóa ý nghĩa của Kinh Thánh và không tôn trọng đặc tính lịch sử của mạc khải".
Ðức Giáo Hoàng cầu mong có sự "hiệp nhất giữa hai cấp độ" giải thích, xét cho cùng nó đòi phải có "một sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí", làm sao để đức tin không bao giờ trở thành một thứ "duy tín", với hậu quả là người ta đọc Kinh Thánh theo chủ thuyết duy căn (fondamentaliste) - hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen - và ngoài ra cần có một lý trí "tỏ ra cởi mở, không tiên thiên phủ nhận tất cả những gì vượt quá mức độ của lý trí (33-36). Vì thế, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 mong muốn rằng trong lãnh vực giải thích Sách Thánh, "sự nghiên cứu được tiến triển" mang lại thành quả cho khoa Kinh Thánh và cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu" (19) và đồng thời có thể mở rộng cuộc đối thoại giữa các vị mục tử, các nhà chú giải và thần học (45) với ý thức rằng, trong lãnh vực này, "Thánh Truyền, Kinh Thánh và Huấn quyền của Hội Thánh, do sự xếp đặt rất khôn ngoan của Thiên Chúa, đều có liên hệ mật thiết với nhau đến độ không thực tại nào hiện hữu mà không có thực tại khác" (47).
Ngoài ra Tông Huấn nhấn mạnh rằng ta "chỉ có thể hiểu Kinh Thánh nếu sống Kinh Thánh" (47): thực vậy "sự giải thích Kinh Thánh sâu xa nhất đến từ những người để cho Lời Chúa uốn nắn mình", nghĩa là từ các thánh. "Học hỏi với các ngài, đó là một con đường chắc chắn để thực hiện một sự giải thích Lời Chúa một cách sống động và hữu hiệu" (48-49). Và nhắc đến Mẹ Maria, "Hình ảnh của Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa nhập thể trong Mẹ", Ðức Giáo Hoàng nhắn nhủ "các học giả ngày càng đào sâu quan hệ giữa Thánh Mẫu học và thần học về Lời Chúa" (27).
Kinh Thánh và đại kết, liên tôn
Tông Huấn cũng nhấn mạnh "vị thế trung tâm của những nghiên cứu Kinh Thánh trong việc đối thoại đại kết", đánh giá cao sự cổ võ "những buổi cử hành đại kết lắng nghe Lời Chúa" vì "việc cùng lắng nghe Kinh Thánh thúc đẩy .. đối thoại bác ái và làm tăng trưởng cuộc đối thoại về chân lý" (46).
Ðức Giáo Hoàng tái khẳng định rằng "mạc khải Cựu Ước tiếp tục có giá trị đối với các tín hữu Kitô chúng ta" vì đó Lời Chúa. Ngài viết: "Căn cội của Kitô giáo ở trong Cựu Ước và Kitô giáo luôn nuôi dưỡng mình nhờ căn cội ấy" (40). Từ đó có một "quan hệ đặc biệt giữa các tín hữu Kitô và Do thái, một quan hệ không bao giờ có thể bị quên lãng" và phải dẫn đưa các tín hữu Kitô đến một "thái độ quí mến dân Do thái". "Một lần nữa tôi muốn tái khẳng định rằng cuộc đối thoại với người Do thái là điều quí giá dường nào đối với Giáo Hội" (43).
Ðàng khác, "Giáo Hội cũng nhìn nhận như thành phần thiết yếu trong việc loan báo Lời Chúa việc gặp gỡ, đối thoại và cộng tác với mọi người thiện chí, đặc biệt là những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác của nhân loại, tránh những hình thức tôn giáo pha trộn lẫn nhau và thái độ duy tương đối (117).
Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhắc lại rằng Giáo Hội nhìn người "Hồi giáo với lòng quí chuộng, họ là những người cũng nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa duy nhất", và mong muốn có sự phát triển đối thoại dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, đào sâu những giá trị như "tôn trọng sự sống","các quyền bất khả nhượng của người nam và người nữ cũng như sự bình đẳng nam nữ", và sự đóng góp của các tôn giáo cho công ích, để ý đến "sự phân biệt giữa lãnh vực xã hội chính trị và lãnh vực tôn giáo" (119). Vì thế, Ðức Giáo Hoàng bày tỏ "sự tôn trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo cổ kính và những truyền thống tinh thần của các đại lục", "chứa đựng những giá trị có thể tạo điều kiện rất dễ dàng cho sự cảm thông giữa con người và các dân tộc với nhau" (119). Nhưng ngài cũng nhấn mạnh rằng "cuộc đối thoại sẽ không được phong phú nếu nó không bao gồm cả .. tự do tuyên đứng tôn giáo của mình công khai hoặc riêng tư cũng như tự do lương tâm" (120).
Lời Chúa và phụng vụ
Tông Huấn cũng bàn đến tương quan giữa Lời Chúa và phụng vụ: "đây là lãnh vực ưu tiên trong đó Thiên Chúa.. nói với dân Ngài ngày nay, đang lắng nghe và đáp lại"; "Khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội" thì chính Chúa Kitô "nói" (52). Nhưng cần giáo dục các tín hữu hiểu sự thống nhất giữa Lời Chúa và Bí tích trong mầu nhiệm Giáo Hội. Thực vậy, "trong quan hệ giữa Lời Chúa và các cử chỉ bí tích, hoạt động của chính Thiên Chúa được biểu lộ dưới hình thức phụng vụ trong lịch sử nhờ "tính chất đào luyện của chính Lời Chúa. Quả thế, Trong lịch sử cứu độ, không có sự tách biệt giữa điều Thiên Chúa nói và làm.. Cũng vậy, trong hoạt động phụng vụ, chúng ta đứng trước Lời Chúa thực hiện điều mà Chúa nói" (53).
Ðức Giáo Hoàng tái yêu cầu "chăm sóc kỹ lưỡng hơn việc công bố Lời Chúa": các độc viên "phải thực sự có khả năng và được chuẩn bị thi hành công tác này. Họ cần được chuẩn bị về mặt Kinh Thánh và phụng vụ cũng như về mặt kỹ thuật" (58).
Tiếp đến Ðức Giáo Hoàng cũng kêu gọi cải tiến "phẩm chất các bài giảng": cần phải tránh những bài giảng chung chung và trừu tượng, làm lu mờ đặc tính đơn sơ của Lời Chúa, cũng như tránh những điều rông rài thu hút sự chú ý về giảng viên thay vì vào trong tâm sứ điệp Tin Mừng. Phải giúp các tín hữu thấy rõ rằng điều mà vị giảng thuyết quan tâm đó là trình bày Chúa Kitô, và Ngài phải ở trung tâm của mọi bài giảng" (59). Vì thế, Ðức Giáo Hoàng tái khẳng định nên soạn một cuốn Cẩm Nang dọn bài giảng "để giúp các thừa tác viên chu toàn nghĩa vụ của mình một cách tốt đẹp hơn" (60).
Ngoài ra, Tông Huấn cũng bày tỏ mong ước Phụng vụ các Giờ Kinh "ngày càng được phổ biến nơi Dân Chúa.. nhất là việc đọc Kinh Ngợi Khen và Kinh Chiều. Sự phổ biến này giúp các tín hữu quen thuộc với Lời Chúa (62).
Lấy lại một số bài phát biểu của các nghị phụ, Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh giá trị của sự thinh lặng trong các buổi cử hành: thực vậy, "Lời Chúa chỉ có thể được công bố và lắng nghe trong thinh lặng, bên ngoài cũng như trong nội tâm. Thời nay không tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi niệm và nhiều khi người ta có cảm tượng có một sự sợ hãi phải rời bỏ các phương tiện truyền thông đại chúng, dù là trong một lúc mà thôi. Vì thế,ngày nay cần giáo dục Dân Chúa về giá trị của sự thinh lặng" (66). Rồi Tông Huấn cũng nêu lên một số lời nhắn nhủ: "đừng bao giờ lơ là vấn đề âm thanh âm hưởng, trong sự tôn trọng các qui luật phụng vụ và kiến trúc" để giúp các tín hữu chú ý hơn" (68); "không bao giờ được thay thế các bài đọc rút từ Kinh Thánh bằng những văn bản khác, dù chúng có ý nghĩa thế nào đi nữa về phương diện mục vụ hoặc tu đức" (69); cần cổ võ những bài thánh ca lấy hứng từ Kinh thánh, biết diễn tả vẻ đẹp của Lời Chúa nhờ một sự hòa hợp giữa lời và nhạc." Về vấn đề này cũng cần nhắc lại tầm quan trọng của nhà bình ca (70); sau cùng, "nên đặc biệt chú ý đến những người khiếm thị và khiếm thính (71).
Dân Chúa và Kinh Thánh
Ðức Giáo Hoàng cùng với các nghị phụ nồng nhiệt mong ước có một "vận hội mới về lòng yêu mến của toàn thể mọi thành phần Dân Chúa đối với Kinh Thánh, đến độ từ sự chăm chỉ đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh họ đào sâu chính quan hệ với Chúa Giêsu" (72). Các vị yêu cầu tăng cường việc mục vụ Kinh Thánh, việc mục vụ này cũng có giá trị đáp trả hiện tượng lan tràn của các giáo phái vốn phổ biến một sự đọc Kinh Thánh một cách xuyên tạc và lợi dụng, đồng thời cần cổ võ sự phổ biến các cộng đoàn nhỏ, trong đó người ta thăng tiến việc huấn luyện, cầu nguyện và hiểu biết về Kinh Thánh theo đức tin của Giáo Hội" (73).
Cần có một "sự huấn luyện thích hợp dành cho các tín hữu Kitô, đặc biệt là các giáolý viên, duy trì sự chú ý đến việc tông đồ Kinh Thánh (75). Toàn thể Dân Chúa, bắt đầu từ các Giám Mục, phải tái khởi hành từ việc lắng nghe Lời Chúa. Ðức Giáo Hoàng đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với các đan sĩ nam nữ các dòng chiêm niệm, "qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, đang nhắc nhở cho chúng ta rằng con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa".
Về phần các gia đình, Thượng Hội Ðồng Giám Mục mong ước rằng mỗi nhà đều có cuốn Kinh Thánh, giữ gìn một cách xứng đáng, để có thể đọc và dùng để cầu nguyện". Tông Huấn cũng nêu cao thiên tài của nữ giới trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và vai trò không thể thiếu được của phụ nữ trong gia đình, trong việc giáo dục, dạy giáo lý và trong việc thông truyền các giá trị". Văn kiện mời gọi thực hành lectio divina, và cổ võ những kinh nguyện kính Ðức Mẹ như kinh Mân Côi, kinh truyền tin, giúp suy niệm các mầu nhiệm thánh được kể lại trong Kinh Thánh. Văn kiện cũng trưng dẫn một số kinh nguyện cổ kính của Ðôngphương Kitô giáo, như thánh ca Ðức Mẹ Akathistos và Parklesis (78-88).
Kinh Thánh và truyền giáo
Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh lời kêu gọi của Thượng Hội Ðồng Giám Mục "hãy củng cố và tăng cường ý thức truyền giáo trong Giáo Hội", với ý thức rằng "điều được mạc khải trong Chúa Kitô thực là ơn cứu độ tất cả mọi dân tộc"; "con người cần niềm Hy Vọng cao cả để có thể sống hiện tại của mình, niềm hy vọng lớn lao là một vị Thiên Chúa có một khuôn mặt loài người và Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng" (Ga 13,1). Vì thế Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta không thể riêng giữ cho mình những lời sự sống đời đời được ban cho chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô: những lời ấy dành cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Mỗi người thời nay dù biết hay không, họ đang cần việc loan báo ấy.. Chúng ta có trách nhiệm thông truyền điều mà chúng ta đã từng nhận lãnh" (91-92). "Vì thế, việc truyền giáo của Giáo Hội không thể bị coi như một điều tùy ý hoặc thêm vào cho đời sống Giáo Hội.. Ðây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một lời có sức xâm nhập mạnh mẽ, kêu gọi hoán cải, làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa có thể diễn ra, và nhờ đó một nhân loại mới được triển nở" (93).
Tông Huấn tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Lời Chúa là nghĩa vụ của tất cả mọi tín hữu đã chịu phép rửa. "Không Kitô hữu nào có thể cảm thấy xa lạ với trách nhiệm ấy". "Ý thức này phải được khơi dậy trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào của Giáo Hội". Ðặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục biết ơn và nhìn nhận rằng các phong trào của Giáo Hội và các cộng đoàn mới, trong Giáo Hội, là một lực lượng mạnh mẽ để rao giảng Tin Mừng thời nay, thúc đẩy phát triển những hình thức mới để loan báo Tin Mừng" (94).
"Giáo Hội không thể chỉ giới hạn vào một thứ mục vụ bảo trì, dành cho những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô. Ðà tiến truyền giáo là một dấu chỉ rõ rật về sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội". Cần có một "sự loan báo minh thị": Giáo Hội phải đi tới mọi người với sức mạnh của Thánh Linh (Xc 1 Cr 2,5) và tiếp tục hành động như ngôn sứ bảo vệ quyền và tự do của con người được lắng nghe Lời Chúa, tìm những phương thế hữu hiệu nhất để công bố Lời Chúa, cả khi có nguy cơ bị bách hại. Giáo Hội mắc nợ đối với tất cả mọi người, món nợ loan báo Lời cứu độ": với bao nhiêu dân tộc chưa biết Lời Chúa và những người cần tái được rao giảng Lời Chúa với sức thuyết phục nhờ những chứng nhân đáng tin nhiệm của Tin Mừng". Ðức Giáo Hoàng cảm động nghĩ tới tất cả những người bị bách hại vì Chúa Kitô, tới "bao nhiêu anh chị em ngày càng quên mình vì loan báo chân lý tình thương của Chúa được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại".
Ðặc biệt Ðức Thánh Cha Biển Ðức viết: "Chúng tôi thân ái liên đới sâu xa với các tín hữu thuộc tất cả các cộng đoàn Kitô ở Á, Phi .. ngày nay đang có nguy cơ mất mạng hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội vì đức tin.. Ðồng thời chúng tôi không ngừng lên tiếng để các chính phủ bảo đảm cho tất cả mọi người quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và cả quyền được công khai làm chứng về đức tin của mình" (95-98).
Kinh Thánh và sự dấn thân xã hội
Ngoài ra, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhắc nhở rằng việc lắng nghe Lời Chúa không dẫn sự trốn chạy khỏi thế gian nhưng đưa tới sự dấn thân mạnh mẽ hơn để làm cho thế giới trẻ nên công bằng và dễ ở hơn. Chính Lời Chúa tố giác rõ ràng những bất công và thăng tiến tình liên đới và bình đẳng. Sự dấn thân cho công lý và biến đổi thế giới là yếu tố cấu thành công cuộc rao giảng Tin Mừng. Hẳn thật, Giáo Hội không có nghĩa vụ trực tiếp kiến tạo một xã hội công bằng hơn, cho dù Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ can thiệp vào những vấn đề luân lý và đạo đức liên quan tới ích lợi của con người và các dân tộc. Nghĩa vụ chủ yếu của giáo dân, được giáo dục trong trường của Tin Mừng, là can thiệp trực tiếp vào hoạt động xã hội và chính trị, thăng tiến các quyền của mỗi người, dựa trên luật tự nhiên, được ghi khắc trong tâm khảm con người, và những quyền ấy có tính chất "phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả nhượng". Lời Chúa cũng là "một nguồn mạch hòa giải và an bình". Ðức Giáo Hoàng quả quyết: "Một lần nữa tôi muốn tái khẳng định rằng tôn giáo không bao giờ có thể biện minh cho sự bất bao dung hoặc chiến tranh. Không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa!" (99-103).
Người trẻ, di dân và người nghèo
Tiếp đến Tông Huấn đề cập đến vấn đề loan báo cho người trẻ, người di dân, người đau khổ và người nghèo. Sự quan tâm đến giới trẻ bao gồm can đảm loan báo rõ ràng.. Họ cần những chứng nhân và thầy dậy, đồng hành và hướng dẫn họ yêu thương và để họ thông truyền Tin Mừng nhất là cho những người đồng lứa tuổi, và qua đó họ trở thành những người loan báo một cách chân chính và đáng tin cậy".
Các phong trào di dân "mang lại cơ hội mới mẻ để phổ biến Lời Chúa. Về vấn đề này các Nghị phụ đã quả quyết rằng người di dân có quyền được nghe Lời Huấn Giáo được đề nghị cho họ chứ không áp đặt. Nếu họ là Kitô hữu, họ cần được giúp đỡ thích hợp về mục vụ để củng cố đức tin.
Tiếp đến, Tông Huấn khuyên nhủ nên gần gũi người đau khổ: "Lời Chúa cũng tỏ lộ cho chúng ta những hoàn cảnh này, được sự dịu dàng của Thiên Chúa bao trùm một cách huyền nhiệm. Ðức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa giúp chúng ta coi đời sống con người là đáng sống cả khi đời sống ấy bị suy yếu". Sau cùng, là những người nghèo, "việc phục vụ bác ái không bao giờ được thiếu trong các Giáo Hội chúng ta, nó phải luôn gắn liền với việc loan báo Lời Chúa và việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Giáo Hội không bao giờ được làm người nghèo thất vọng: "Các vị mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học hỏi nơi họ, hướng dẫn họ trong đức tin và khích lệ họ trở thành những người kiến tạo lịch sử của họ". Và Tông huấn cũng nói đến mối quan hệ giữa Lời Chúa và việc bảo tồn công trình sáng tạo của Chúa (104-108).
Kinh Thánh và văn hóa
Tông Huấn kêu gọi "mở một cuộc gặp gỡ mới mẻ giữa Kinh Thánh và các nền văn hóa". Ðức Giáo Hoàng viết: "Tôi muốn lập lại với mọi giới văn hóa rằng họ không có gì phải sợ khi cởi mở đối với Lời Chúa; Lời Chúa không bao giờ phá hủy văn hóa đích thực, nhưng là một sự kích thích trường kỳ để tìm kiếm những kiểu diễn tả nhân bản ngày càng thích hợp và ý nghĩa hơn. Ngoài ra, cần phải hoàn toàn phục hồi ý nghĩa Kinh Thánh như một bộ luật lớn về văn hóa. Tông Huấn mong muốn có sự cổ võ kiến thức về Kinh thánh trong các trường học và đại học, vượt thắng những thành kiến cũ và mới. Văn kiện bày tỏ sự quí chuộng, và ngưỡng mộ của toàn thể Giáo Hội đối với những nghệ sĩ say mê thẩm mỹ, để cho mình được Kinh Thánh gợi hứng, giúp nhận thức các thực tại vô hình và vĩnh cửu trong không gian và thời gian. Tông huấn kêu gọi sự dấn thân rộng rãi và có phẩm chất cao hơn trong giới truyền thông để nổi bật tôn nhan Chúa Kitô và để tiếng Ngài được lắng nghe. Ðặc biệt Tông Huấn nhấn mạnh vai trò ngày càng gia tăng của Internet, đây là một diễn đàn mới trong đó Tin Mừng vang dội, nhưng với ý thức rằng thế giới tiềm thể không bao giờ có thể thay cho thế giớ thực tại (109-113).
Khi nói về việc rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa, Ðức Giáo Hoàng nhận xét rằng Lời Chúa biểu lộ một tính chất liên văn hóa sâu xa, có khả năng gặp gỡ và làm cho các nền văn hóa gặp gỡ nhau.. Nhưng "sự hội nhập văn hóa không được lẫn lộn với những tiến trình thích ứng hời hợt và càng không bị lẫn lộn với sự hòa đồng làm mất đi tính chất độc đáo của Tin Mừng để làm cho Tin Mừng dễ được chấp nhận hơn. "Lời Chúa biến đổi những giới hạn của của mỗi nền văn hóa tạo nên sự hiệp thông giữa các dân tộc khác nhau, mời gọi họ đi tới một tình hiệp thông bao quát, thực sự là phổ quát, nối kết tất cả mọi người, hiệp nhất tất cả làm cho chúng ta trở thành anh em với nhau" (114-116)
Ðức Giáo Hoàng kết luận rằng thời đại chúng ta ngày nay ngày càng phải trở thành một thời đại tái lắng nghe Lời Chúa và tái truyền giảng Tin Mừng, vì ngày nay, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn còn nói với chúng ta: "Các con hãy đi khắp thế gian, và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Khi loan bao Lời Chúa trong sức mạnh của Chúa Thánh Linh, chúng ta cũng muốn thông truyền một nguồn mạch vui mừng đích thực, không phải niềm vui hời hợt và chóng qua, nhưng là niềm vui nảy sinh từ ý thức rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68)" (121-124).
G. Trần Ðức Anh OP chuyển ý
(Radio Vatican)