Hồi giáo và Kitô giáo tại Indonesia

 

Hồi giáo và Kitô giáo tại Indonesia.

Indonesia [La Croix 9/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nhân chuyến viếng thăm Indonesia của tổng thống Hoa kỳ Barack Obama, chúng tôi xin được ghi lại vài nét về Hồi giáo tại Indonesia là nơi mà Kitô giáo chiếm không tới 10 phần trăm trong tổng số dân 250 triệu người.

Từ 10 năm nay, mặc dù xã hội Indonesia ngày càng bị "hồi giáo hóa", các mối quan hệ giữa đa số Hồi giáo và thiểu số Kitô giáo tại nước này vẫn tương đối tốt đẹp.

Bà Maria Sutarno, một người Công giáo thuộc thế hệ thứ ba hiện đang sinh hoạt trong giáo xứ chính tòa Jakarta giải thích: "Mặc dù người Công giáo là một thiểu số trước đại đa số Hồi giáo, chúng tôi vẫn luôn hưởng được tự do thờ phượng, thực hành đạo và huấn luyện".

Thật vậy, tự do tôn giáo được bảo đảm nhờ nền triết lý nền tảng của Cộng Hòa được thành lập năm 1945 là: "thống nhứt trong dị biệt". Việc sống chung với người Hồi giáo luôn được tôn trọng. So sánh nhà thờ chính tòa với đền thờ Hồi giáo lớn nhứt nước đối diện với nhà thờ chính tòa, bà Sutarno nói: "Hai nơi thờ phượng đối diện nhau này là biểu tượng của ý muốn đối thoại và hài hòa giữa hai tôn giáo của chúng tôi".

Cách đó không xa, trong một quán giải khát nằm giữa một tiệm Pizza và một tiệm McDonald ở tầng bốn của Trung Tâm thương mại "Indonesia Mall", Ayu Utami, một nữ văn sĩ Hồi giáo rất tích cực trong các hoạt động xã hội, xác nhận rằng Indonesia "luôn sống trong khoan nhượng và đa nguyên tôn giáo".

Mặc chiếc quần Jeans và một chiếc áo thun, bà Ayu nhìn về khách hàng đang đi vào các tiệm buôn bên cạnh và nói với phóng viên của nhựt báo Công giáo Pháp La Croix: "Ông hãy nhìn cách các phụ nữ ăn mặc. Ông thấy cả đấy, từ khăn trùm đầu đến váy ngắn, cho đến khăn choàng đầu. Ðây là điều mà ông sẽ không thấy tại nước láng giềng Malaysia của chúng tôi. Tại đây, phần đông các phụ nữ đều trùm đầu. Trong nước chúng tôi, chúng tôi thấy dễ thở hơn". Theo bà Ayu Utami, sự kiện một người phụ nữ trùm đầu không có nghĩa là người đó không tự do. Dưới mắt họ, đây là một cách khẳng định bản sắc Hồi giáo ngày càng được tỏ hiện. Bà nói: "Chúng tôi theo một thứ Hồi giáo "Java" rất đặc thù". Bà nhấn mạnh: "Hồi giáo này hoàn toàn không giống như Hồi giáo Á rập."

Trong quốc gia có số người theo Hồi giáo đông nhứt thế giới này, các vấn đề tôn giáo do bị các thế lực chính trị lèo lái, thường tạo ra những cuộc xung đột đẫm máu giữa người Hồi giáo và các tín hữu Kitô như đã xảy ra tại Celebe từ năm 1998 đến năm 2001 và tại Moluques từ năm 1999 đến năm 2002. Những sự kiện này khiến cho người ta nghĩ đến Indonesia như một nước bất khoan nhượng và đày những căng thẳng về tôn giáo. Những cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ năm 2000, tại Bali năm 2002, tại khách sạn Marriott , Jakarta năm 2003 do nhóm hồi giáo cực đoan có tên là "Jamaa Islamiya" chủ mưu, lại càng củng cố hình ảnh nói trên.

Tuy nhiên ông Hasin Machasin, giám đốc phân bộ giáo dục Hồi giáo thuộc bộ ngoại giao Indonesia, giải thích như sau: "Chủ nghĩa hồi giáo cực đoan với hình thức bạo động tại Indonesia xuất phát từ những người đã học hỏi Hồi giáo tại ngoại quốc và muốn Hồi giáo hóa toàn bộ cuộc sống công cộng. Họ không có một cái nhìn tâm lý và xã hội nào về Indonesia là nơi mà đa số dân chúng không chấp nhận chủ nghĩa này".

Về phần mình, ông Remy Madinier, một chuyên gia người Pháp về các mối quan hệ liên tôn tại Indonesia nhìn nhận rằng trong 10 năm qua, các bạo động tôn giáo đã giảm đi rất nhiều.

Theo nhận định của nhựt báo La Croix, sự chuyển giao từ chế độ độc tài của ông Suharto sang nền dân chủ hiện nay đã tạo ra một giai đoạn đày xáo trộn vào cuối thập niên 90, những bạo động tại Moluques và phong trào ly khai tại Aceh. Ngoài ra việc Ðông Timor tuyên bố độc lập cũng khiến cho nhiều người lo sợ trước viễn ảnh của một sự phân mãnh tại Indonesia.

Cha Setyo Wibono, một triết gia Dòng Tên nói rằng những cuộc xung đột nói trên đã được giải quyết. Tuy nhiên, khuynh hướng Hồi giáo hóa đang lớn mạnh là điều không thể chối cãi được. Mặc dù người Công giáo không bị đàn áp, nhưng đứng trước xu thế toàn cầu hóa và những chênh lệch xã hội qua đó 40 phần trăm dân số là người nghèo, cũng như khi gặp khủng hoảng về bản sắc, nhiều người tìm đến với Hồi giáo. Người ta dễ quên rằng triết lý nền tảng của dân tộc là "thống nhứt trong dị biệt".

Nhưng cũng may là tại Indonesia cuộc đối thoại liên tôn luôn được đẩy mạnh. Cha Benny Soesetyo, thuộc học viện dân chủ và hòa bình Indonesia, nói rằng "mọi người đều chung sức làm việc với nhau. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhứt là việc các tín hữu Kitô khó xin được phép để xây cất các nhà thờ mới". "Mặt Trận bảo vệ Hồi giáo", một nhóm Hồi giáo cực đoan và bạo động, luôn tìm cách chống lại việc xây cất nhà. Nhiều người cũng tố cáo thái độ dửng dưng của chính phủ trước vấn đề này.

Ngoài ra, cha Soesetyo cũng cho rằng thái độ khiêu khích của một số tín hữu Tin lành cũng đe dọa sự hài hòa tôn giáo tại Indonesia. Dù vậy, theo ông Remy Madinier, Indonesia là một xã hội chỉ tìm cách "Hồi giáo hóa" ở bên ngoài mà thôi. Trong thực chất, xã hội này vẫn luôn dành một chỗ cho các tôn giáo khác.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page