Giáo hội Công giáo tại Cuba

và các tù nhân chính trị tại nước này

 

Giáo hội Công giáo tại Cuba và các tù nhân chính trị tại nước này.

Cuba [La Croix 8/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chúa nhựt mùng 7 tháng 11 năm 2010 là ngày cuối cùng trong kỳ hạn được chính phủ cộng sản Cuba đề ra để phóng thích tất cả 52 tù nhân chính trị bị bắt giữa dạo tháng 3 năm 2003.

Ngày 19 tháng 5 năm 2010, trong một cuộc gặp gỡ "lịch sử" với Ðức hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục thủ đô Havana và Ðức cha Dionisio Garcia, Tổng giám mục Santiago de Cuba, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba, chủ tịch nhà nước quốc gia hải đảo này, ông Raul Castro đã cam kết sẽ trả tự do cho "52 tù nhân chính trị". Hạn chót để trả tự do cho các tù nhân chính trị cuối cùng là ngày Chúa nhựt 7 tháng 11 năm 2010.

52 tù nhân chính trị này là những người đã bị bắt giữ trong biến cố thường được mệnh danh là "mùa xuân đen" dạo tháng 3 năm 2003. Tổ chức Ân xá quốc tế gọi họ là những tù nhân lương tâm.

Kể từ 7 năm qua, đều đặn mỗi ngày Chúa nhựt, vợ và mẹ của những tù nhân này, thường được gọi là nhóm các "Bà áo trắng", luôn diễn hành tại đại lộ La Quinta, Havana, sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ thánh nữ Rita.

Hôm 12 tháng 6 năm 2010, người tù chính trị đầu tiên là ông Ariel Sigler đã được trả tự do và lên đường đi Madrid, Tây Ban Nha. Trong thực tế, đây không phải là một sự trả tự do, mà là một hành động trục xuất, bởi vì các tù nhân chính trị bị buộc phải đi lưu vong tại Tây Ban Nha. Sau ông Ariel Sigler, cần lượt cũng có nhiều tù nhân chính trị khác đã ra đi theo con đường này. 5 người đã bị trục xuất hôm 8 tháng 7 năm 2010, 7 người hôm 13 tháng 7 năm 2010, 12 người hôm 3 tháng 8 năm 2010 và 4 người hôm 20 tháng 9 năm 2010.

Tổng cộng, có tất cả 39 người trong nhóm 52 tù nhân chính trị được chính phủ Cuba hứa trả tự do, đã bị trục xuất cùng với gia đình họ sang Tây Ban Nha. Nhưng hiện vẫn có 13 người từ chối không chịu ra đi. Một trong những người thuộc nhóm "Các bà áo trắng" là bà Berta Soler cho biết tất cả 13 người này đều muốn ở lại Cuba.

Ngoài 39 người bị trục xuất, chính phủ Cuba cũng đã cho phép lên đường đi Tây ban nha 14 người đã bị bắt giữ vì tội vượt biên và có hành động bạo động khi tổ chức vượt biên.

Hôm Chúa Nhựt mùng 7 tháng 11 năm 2010, Ðức ông Jose Felix Perez, cha sở giáo xứ Santa Rita, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Cuba, đã nhấn mạnh rằng việc phóng thích những người tù vượt biên này không thể thay thế cho việc chính phủ hứa trả tự do cho tất cả 52 tù nhân chính trị.

Ðức ông tổng thư ký Hội đồng Giám mục Cuba nói rằng mặc dù chính phủ không tôn trọng kỳ hạn, nhưng trước sau gì tất cả các tù nhân chính trị trong số 52 người này cũng sẽ được trả tự do.

Về phần mình, "các bà áo trắng" vẫn tiếp tục gây áp lực để chính phủ Cuba giữ lời hứa và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Hôm Chúa Nhựt mùng 7 tháng 11 năm 2010, bà Laura Pollan, phát ngôn viên của nhóm các bà áo trắng, mà chồng là một trong số 13 người chưa được trả tự do, tuyên bố: "Chúng tôi là những người phụ nữ có niềm tin và hy vọng. Chúng tôi đã cầu xin Chúa uốn nắn tâm hồn của các nhà lãnh đạo chúng tôi để họ tôn trọng lời hứa, nếu không họ sẽ đánh lừa Giáo hội, chính phủ Tây Ban Nha, Liên Âu và cộng đồng thế giới".

Thật ra, Giáo hội không phải là tổ chức duy nhứt đã tạo áp lực khiến chính phủ cộng sản Cuba phải hứa trả tự do cho các tù nhân chính trị. Cộng đồng thế giới cũng đã làm áp lực mạnh để chính phủ Cuba phải có quyết định này. Theo dõi rất chặt chẽ tiến trình trục xuất các tù nhân chính trị, Liên Âu cho biết tháng 12 năm 2010 là thời hạn cuối cùng để quyết định có thái độ đối với Cuba.

Ngoài ra, các Hội đồng Giám mục Cuba và Hoa kỳ cũng là những tổ chức đã giúp "tái tục một cuộc đối thoại tích cực giữa Washington và Havana", nhứt là qua chuyến viếng thăm Santiago de Cuba của Ðức hồng y Francis George, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hôm 24 tháng 6 năm 2010 và ba ngày sau đó là chuyến viếng thăm Hoa kỳ của Ðức hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục Cuba.

Với việc nối lại cuộc đối thoại này, Cuba cũng nhắm kêu gọi chính phủ Hoa kỳ "trả tự do cho 5 người Cuba tại Miami" bị bắt giữ tại Hoa kỳ vì tội làm gián điệp cho Cuba hồi năm 1998.

Qua việc đứng ra làm trung gian để chính phủ cộng sản Cuba trả tự cho các tù nhân chính trị, Giáo hội tại nước này đã lấy lại ảnh hưởng của mình. Ðiều này đã được chứng tỏ qua việc khánh thành một chủng viện đầu tiên được xây cất tại Cuba kể từ hơn 50 năm nay, nghĩa là kể từ khi chủ tịch Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng vô sản và áp đặt chủ nghĩa vô thần lên đất nước. Tham dự lễ khánh thành chủng viện được tổ chức hôm thứ Tư mùng 3 tháng 11 năm 2010, người ta thấy có sự hiện diện đặc biệt của chủ tịch Raul Castro và một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Chủng viện mang tên hai thánh "Carolo Borremeo và Ambrosiano" này nằm cách thủ đô Havana 17 cây số. Phần lớn kinh phí xây cất chủng viện do Giáo hội Công giáo Hoa kỳ tài trợ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page