Ý nghĩa chuyến viếng thăm
Tây Ban Nha của Ðức thánh cha
Ý nghĩa chuyến viếng thăm Tây Ban Nha của Ðức thánh cha.
Tây Ban Nha [Zenit 4/11/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thứ Bảy mùng 6 tháng 11 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ lên đường viếng thăm Santiago de Compostella, Tây Ban Nha, nhân dịp năm thánh Giacobe. Chúa nhật mùng 7 tháng 11 năm 2010, ngài sẽ đến Barcelona để thánh hiến vương cung thánh đường "Sagrada Familia" [thánh gia] và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng một trung tâm dành cho các trẻ em khuyết tật về tâm trí.
Chuyến viếng thăm hoàn toàn mang tính cách mục vụ.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Zenit, Ðức ông Celso Morga Iruzubieta, người Tây Ban Nha, hiện đang là phụ tá thư ký tại bộ giáo sĩ, nói rằng Ðức thánh cha đến Tây ban nha lần này là để nhắc lại tình yêu của Thiên Chúa và kêu gọi sám hối.
Về tầm quan trọng của việc thánh hiến vương cung thánh đường "Sagrada Familia", Ðức ông Iruzubieta nói rằng Ðức thánh cha muốn nhấn mạnh rằng phụng vụ phải được cử hành một cách trang trọng để vừa ngợi khen Thiên Chúa vừa truyền đạt giáo lý.
Theo Ðức ông phụ tá thư ký của bộ giáo sĩ, kiến trúc sư Antonio Gaudi, tác giả của công trình bị bỏ dở này, là một người tự học; ông chưa từng theo học tại một chủng viện hay một trung tâm đào tạo này. Sở dĩ ông có được nhiều kiến thức về đời sống Kitô là nhờ năng tham dự phụng vụ, nhứt là thánh lễ mỗi ngày. Tất cả mọi biểu tượng và ý nghĩa của phụng vụ đều được in đậm trong lối kiến trúc của vương cung thánh đường "Sagrada Familia".
Thế kỷ thứ 19 là một thế kỷ "rất thánh thiện" đối với miền Catalogna. Theo Ðức ông Iruzubienta, điều này đã có ảnh hưởng lớn đối với kiến trúc sư Gaudi. Một trong những người đã có ảnh hướng lớn đối với kiến trúc sư này là thánh Jose Manyanet, người được Ðức thánh cha Gioan Phaolo II tôn phong hiển thánh. Thánh nhân là một trong những người đã đi tiên phong trong việc xây cất vương cung thánh đường "Sagrada Familia". Thánh nhân là người đã sáng lập Dòng con cái Thánh Gia Chúa Giesu. Gia đình là chủ đề liên kết các thành viên của dòng này, bởi vì họ tìm thấy nơi gia đình những cội rễ Kitô và cảm thấy được thúc đẩy để tái rao giảng Tin Mừng. Chính từ đó mà nẩy sinh sáng kiến xây cất vương cung thánh đường.
Cuộc sống của kiến trúc sư Gaudi cũng chính là cuộc sống của Thánh Gia. Vương cung thánh đường Thánh Gia không phải là một công trình ngẫu nhiên mà là một đáp ứng với sự tái sinh sự thánh thiện tại miền Catalogna.
Ðức ông Iruzubienta cho rằng đối với Ðức thánh cha, trong những thành phố lớn của nền văn minh bị tục hóa ngày nay, cần phải dành cho các thánh đường một không gian thông thoáng. Các ngôi nhà thờ chính tòa không chỉ là công trình của thời Trung cổ, mà cũng thuộc về thời đại ngày nay.
Nhiều người cho rằng ngày xưa Tây Ban Nha rất đạo đức; ngày nay nước này ngày càng tỏ ra "vô thần". Nhưng theo Ðức ông phụ tá thư ký bộ giáo sĩ, điều này không đúng. Tuyệt đại đa số dân chúng nước này vẫn tự nhân là Công giáo. Chỉ có một thiểu số nhỏ không nhận mình là Công giáo mà thôi. Thật ra điều này cũng đúng cho những nước khác tại Tây phương: nhiều người sống như thể không có Thiên Chúa. Ðây là một lối sống do những tiến bộ vật chất mang lại. Người ta thích một cuộc sống dễ dãi: ngày Chúa nhựt hay cuối tuần, người ta tìm cách ra khỏi thành phố để hít thở không khí mà không còn đến nhà thờ nữa.
Một số những khó khăn trong cuộc sống xã hội cũng khiến cho nhiều người không muốn nuôi dạy con cái thành người tín hữu Kitô. Trẻ con học đủ thứ và chơi đủ môn thể thao, nhưng thường không chịu học giáo lý. Ngoài ra còn có vấn đề sinh xuất ngày càng giảm nữa. Con người thời đại tìm cách sống trong những căn hộ ngày càng nhỏ. Những yếu tố này đương nhiên ảnh hưởng đến đời sống đức tin.
Về cuộc hành hương của Ðức thánh cha đến Ðền Thánh Giacobe tại Santiago de Compostella, Ðức ông Iruzubienta giái thích rằng Ðức thánh cha muốn lợi dụng Năm Thánh Giacobe để viếng mộ thánh nhân và nhắc nhỡ Âu Châu phải tìm lại những cội rễ Kitô của mình.
Âu Châu đã từng là một lục địa Kitô. Lục địa này đã mang văn minh, văn hóa và tôn giáo của mình đến khắp thế giới. Nhưng kể từ thời Ðại Ánh Sáng, tức thời đại tìm cách áp đặt Lý Trí như nguyên tắc chỉ đạo duy nhứt của nhân loại, ý thức về Thiên Chúa đã bị lu mờ và nền văn hóa Tây phương bắt đầu xem Thiên Chúa như một kẻ thù chống lại sự tự trị của con người, cứ như thể con người không thể đạt được nhân cách của nó trước mặt Thiên Chúa.
Ðức thánh cha Benedicto XVI không ngừng nhấn mạnh điều ngược lại. Theo ngài, chỉ trong Thiên Chúa mà con người phải xem như một Người Bạn, con người mới có thể trở nên sung mãn. Trái lại, không có Thiên Chúa, con người sẽ trở nên nghèo nàn.
Vào thời Trung cổ, các hối nhân đã lên đường hành hương để tìm lại ơn Chúa. Họ là những người luôn có Chúa trong họ. Muốn đến gần Chúa là một điều, mà không biết Ngài hay chối bỏ sự hiện hữu của Ngài là một điều khác. Ai có Chúa trong mình, thì dù cho họ có sa ngã, cũng có thể tìm được ơn tha thứ. Vấn đề phát sinh là khi con người không có Chúa.
Ðức thánh cha muốn rằng Âu Châu và thế giới cần phải tìm gặp lại Chúa như một người Bạn, Ðấng mang lại ý nghĩa và sự sung mãn cho con người.
Tóm lại, theo Ðức ông Iruzubienta, với cuộc hành hương này, Ðức thánh cha muốn chứng minh rằng Chúa không phải là một vấn đề cho sự thành toàn của con người.
CV.