Một thế kỷ trong hậu trường

nền ngoại giao của Tòa thánh

 

Một thế kỷ trong hậu trường nền ngoại giao của Tòa thánh.

Pháp [La Croix 29/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Với tựa đề "một thế kỷ trong hậu trường nền ngoại giao của Tòa thánh", nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix" trong số ra hôm thứ Sáu 29 tháng 10 năm 2010, đã điểm qua cuốn phim tài liệu có tựa đề "Sức mạnh thực sự của Vatican". Cuốn phim tài liệu này do đạo diễn người Pháp Jean Michel Meurice thực hiện và sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình "Arte" của Pháp vào ngày thứ Tư 3 tháng 11 năm 2010.

Trong mục thời sự hôm nay, chúng tôi xin được trích đọc hầu quý vị và các bạn bài viết của nhựt báo La Croix.

Quân đội "không có thực" của Ðức giáo hoàng và nền ngoại giao của ngài đã luôn là một đề tài hấp dẫn, ngay cả gợi lên những điều không tưởng nữa. Người ta nói rằng quyền lực của Ðức giáo hoàng càng bí ẩn thì sức mạnh càng lớn. Người ta còn gán cho ngài cả những hệ thống theo dõi được đặt nơi gác chuông các giáo đường trên toàn thế giới.

Mặc dù mang tựa đề "Sức mạnh thực sự của Vatican", cuốn phim tài liệu của đạo diễn Jean Michel Meurice lại muốn đánh đổ mọi thứ huyền thoại về quyền lực của Ðức giáo hoàng và Tòa thánh.

Nhà đạo diễn đã tỏ ra rất lương thiện khi đi lên đến tận nguồn để thực hiện cuốn phim này. Ông đã tham khảo các văn khố, các sử gia. Riêng trong những giai đoạn gần đây, ông đã tiếp xúc trực tiếp với những người đã từng nắm giữ vai trò ngoại giao tại Tòa thánh trong 50 năm vừa qua. Nhờ vậy, ông đã có thể đưa ra ánh sáng những động lực của các vị hữu trách trong Giáo hội. Theo báo La Croix, tác giả không đưa ra phán đoán nào. Ông chỉ ghi lại những sự kiện mà thôi.

Tất cả đều bắt đầu từ năm 1870: đây là năm Tòa thánh đã mất đi những lãnh thổ Giáo hoàng cuối cùng. Lúc đó, trong một bản đồ mới của Âu Châu với nhiều quốc gia mới được khai sinh, không ai dám nghĩ đến điều được gọi là "quyền lực" của Ðức giáo hoàng. Nhưng từ biến cố qua đó người ta tưởng quyền lực của Ðức giáo hoàng cáo chung, thì cũng chính lúc đó một quốc gia có tính cách tượng trưng được khai sinh và trở thành khí giới của một ý thức luân lý phổ quát. Cuốn phim đã ghi lại óc thực tiễn của các vị hữu trách trong Tòa thánh khi đương đầu với Mussolini và ký tên vào Hiệp ước Laterano, qua đó Tòa thánh được thừa nhận như một quốc gia.

Những giai đoạn đầu của nền ngoại giao Tòa thánh được đánh dấu bằng nhiều thách đố: một bên là sự khai sinh của chủ nghĩa Phát xít Ý và Ðức Quốc xã, một bên là cuộc nội chiến tại Tây Ban nha và mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản. Trong bối cảnh này, tác giả của cuốn phim tài liệu muốn chứng minh rằng động lực chính thúc đẩy Ðức giáo hoàng hoạt động chính là để bảo vệ người Công giáo và duy trì các Giáo hội địa phương.

Nhiều thước phim tài liệu cho chúng ta thấy một vị Sứ thần trẻ trung tại Munich, Ðức, là đức Pacelli, vị Giáo hoàng Pio XII tương lai. Dấu tích của một nước Ðức đầy xáo trộn sau cuộc đại bại năm 1918 vẫn còn ám ảnh đức Sứ thần Tòa thánh. Tài liệu lịch sử cũng cho thấy thái độ của hàng giáo phẩm Công giáo Ðức dưới thời Ðức quốc xã.

Dĩ nhiên, ai cũng chờ đợi cuốn phim đề cập đến điều thường được gọi là sự "thinh lặng" của đức Pio XII trước việc đức quốc xã tàn sát người Do thái. Ðạo diễn Meurice đã ghi lại nhiều chứng từ, trong đó nổi bật nhứt là của cha Peter Gumpel, một linh mục Dòng Tên hiện đang là cáo thỉnh viên vụ án tôn phong Chân phước cho Ðức Pio XII. Nhưng đáng chú ý nhứt là thước phim ghi lại hình ảnh của Ðức Pio XII đứng trên ban-cong vương cung thánh đường thánh Phero để long trọng lên án Hitler. Ngoài ra cũng đáng chú ý không kém là hình ảnh của hàng giáo phẩm địa phương lên án việc tàn sát các linh mục, tu sĩ trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha.

Sang thời đệ nhị thế chiến, tác giả cuốn phim chú ý đến chính sách ngoại giao của Tòa thánh đối với các nước cộng sản Ðông Âu và thế giới. Ðây là lúc tác giả tiếp xúc trực tiếp với một số tác nhân của nền ngoại giao Tòa thánh trong 50 năm qua và hiện còn sống.

Một trong những tác nhân ấy là Ðức hồng y Achille Silvestrini, người đại diện cho Tòa thánh để ký tên vào thỏa ước Helsinki năm 1975. Vị Hồng y này đã giải thích điều thường được gọi là "cái giỏ thứ ba" tại thỏa ước, tức liên quan đến vấn đề nhân quyền, đã được thông qua và nhắm vào chủ nghĩa cộng sản như thế nào.

Ngoài ra, qua cuốn phim tài liệu, đạo diễn Meurice cũng cho thấy: mặc dù bị chia cách bởi bức màn sắt, Giáo hội tại các nước tự do và Giáo hội đang sống dưới chế độ cộng sản đã không bao giờ bị đoạn giao. Ðức hồng y Jean Louis Tauran, người đã từng là bộ trưởng ngoại giao của Tòa thánh dưới thời Ðức Gioan Phaolo II và hiện đang là chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, cũng là một trong những tác nhân có uy tín về chính sách ngoại giao của Tòa thánh dưới thời vị Giáo hoàng này. Ngày nay, muốn hay không, khó có thể chối cãi được sự đóng góp của đức Gioan Phaolo II trong việc đánh đổ bức tường Berlin và lôi kéo sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Ðông Âu và Liên Xô.

Theo nhận định của báo La Croix, cuốn phim đã không đưa ra một thẩm định khách quan hơn về hoạt động của đức Gioan Phaolo II, nhứt là đối với cuộc chiến Iraq và các biến động tại Châu Mỹ Latinh.

Phần cuối của cuốn phim là một tấm gương phản chiếu ảnh hưởng thực sự của vị Giáo hoàng trong thời hiện đại. Chỉ cần nhìn vào con số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự lễ an táng Ðức thánh cha Gioan Phaolo II tại quảng trường thánh Phero hồi năm 2005 cũng đủ để thấy được sức mạnh thực sự của Ðức giáo hoàng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page