Ðức Thánh Cha tiếp kiến
Hàn Lâm viện Tòa Thánh về khoa học
Ðức Thánh Cha tiếp kiến Hàn Lâm viện Tòa Thánh về khoa học.
Vatican (SD 28-10-2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cổ võ phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học và làm sao để những thành đạt của khoa học mang sắc thái huynh đệ và hòa bình.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28 tháng 10 năm 2010 dành cho 65 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, về chủ đề "gia sản khoa học của thế kỷ 20".
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhận định rằng "trong thế kỷ vừa qua, người ta đạt được nhiều tiến bộ hơn toàn thể lịch sử trước đó của nhân loại, tuy không luôn luôn đạt được những tiến bộ trong sự hiểu biết về bản thân và về Thiên Chúa, nhưng chắc chắn là có nhiều thành tựu trong sự hiểu biết về vũ trụ bên ngoài và tiểu vũ trụ bên trong con người. Cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta là một bằng chứng về sự quí chuộng của Giáo Hội đối với những nghiên cứu khoa học và lòng biết ơn của Giáo Hội đối với những nỗ lực khoa học... Giáo Hội cũng xác tín rằng hoạt động khoa học, xét cho cùng, cũng được lợi ích nhờ nhìn nhận chiều kích tinh thần của con người và sự tìm kiếm những câu trả lời cho những vấn nạn sau hết, giúp nhận biết một thế giới hiện hữu độc lập với chúng ta mà chúng ta không hiểu hoán toàn và chỉ có thể hiểu thế giới ấy bao lâu chúng ta hiểu nược logíc nội tại của nói".
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng kinh nghiệm của nhà khoa học, như một con người, là nhận thấy có một điều thường hằng, một luật, một logos không do họ tạo ra, nhưng nhà khoa học quan sát thấy: sự kiện đó dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận sự hiện hữu của một Lý Trí toàn năng, khác với con người, và nâng đỡ thế giới này. Ðó là điểm gặp gỡ giữa khoa học thiên nhiên và tôn giáo. Kết quả là khoa học trở thành nơi đối thoại, gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên, và có thể là giữa con người và Ðấng Tạo Hóa.
Liên quan tới thế kỷ 21, Ðức Thánh Cha đề nghị hai tư tưởng để suy tư: trước tiên là: giữa lúc có sự gia tăng những thành quả khoa học đào sâu sự kinh ngạc của chúng ta về sự phức tạp của thiên nhiên, cần có một lối tiếp cận liên ngành gắn liền với suy tư triết học, để dẫn tới một tổng hợp ngày càng dễ nhận thức hơn; thứ hai là những thành tựu khoa học trong thế kỷ 21 này phải luôn được hình thành nhờ những qui luật của tình huynh đệ và hòa bình, giúp giải quyết những vấn đề lớn của nhân loại và hướng cố bắng của mỗi người về lợi ích chân thực của con người và sự phát triển toàn diện các dân tộc trên thế giới" (SD 28-10-2010).
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)