Tiếng nói của các nạn nhân

của chủ nghĩa Hồi giáo

 

Tiếng nói của các nạn nhân của chủ nghĩa Hồi giáo.

Iraq [La Croix 26/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Gần đây, tại Âu Châu, cách riêng tại Pháp, nhiều nạn nhân của chủ nghĩa Hồi giáo đã lên tiếng qua một số tác phẩm được nhiều người đón nhận.

Mohammed Moussaoui là một trong số những nạn nhân ấy. Bị Ayatollah Mohammed Sadr, thủ lãnh tối cao của Hồi giáo Schiite tại Iraq kết án tử hình và hiện nay đang sống tự do, nhưng không ngừng bị theo dõi tại Pháp, ông Moussaoui nói rằng ông đã phải trả một giá đắt vì trở lại Kitô giáo. Ông giải thích: "Không phải vì Chúa Kitô mà tôi đã đau khổ mà chỉ vì tình trạng thiếu tự do mà xã hội Hồi giáo áp đặt" lên mọi người.

Ðổi tên thành Joseph Fadelle, dạo tháng 3 năm 2010, ông Moussaoui đã ghi lại chứng từ của ông trong một cuốn sách hiện đang được xem là tác phẩm tôn giáo bán chạy nhứt.

Cô Marjolaine de Latour, giám đốc nhà xuất bản "L' oeuvre" tại Paris cho biết sách của ông Moussaoui đã bán ra được gần 30 ngàn cuốn.

Ông Moussaoui không phải là người duy nhứt ghi lại chứng từ của mình. Trên các kệ sách tôn giáo trong các tiệm sách tại Pháp, người ta còn thấy có nhiều cuốn sách khác cũng có nội dung tương tự. Câu chuyện của "Zeina", một thiếu nữ chào đời tại một khu ngoại ô của Pháp, được nuôi dạy trong một gia đình Hồi giáo truyền thống và bị người chồng bắt phải lần lượt "trùm đầu và che mặt", cũng đã được báo chí và các đài truyền hình tại Pháp nói đến rất nhiều.

Mới đây, thêm vào danh sách là hai chứng từ đến từ nước ngoài: một là của Sabatina James, một thiếu nữ Pakistan đang định cư tại Áo quốc, từng bị cha mẹ ép gã cho một người anh em họ và ghi danh vào một trường Hồi giáo, cũng như bị đe dọa giết chết vì đã trở lại Kitô giáo. Quyển sách thứ hai là của Djemila Benhabib, một thiếu nữ mà mẹ là một tín hữu Chính thống Hy lạp gốc đảo Chypre và cha là một người Algerie. Trong cuốn sách có tựa đề "Cuộc đời chống lại Kinh Coran của tôi", Djemila Benhabib kể lại thời niên thiếu của cô tại Algerie, khi cô phải sống dưới áp lực của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo. Tác giả cũng viết về Phong trào bảo vệ môi sinh mà cô gọi là một thứ Phát xít đang xâm chiếm Canada, là nơi cô đang sinh sống.

Cuốn sách đã được bán khá chạy tại Pháp. Riêng cuốn sách của Sabatina James đã bán được trên 500 ngàn cuốn tại Âu Châu.

Nhiều người Hồi giáo cho rằng các nhà xuất bản Tây phương đã góp phần vào việc bôi nhọ Hồi giáo. Nhưng chủ tịch của nhà xuất bản "Cherche Midi" tại Pháp khẳng định rằng không nhà xuất bản nào có ý bôi nhọ Hồi giáo, mà chỉ muốn phê bình "chủ nghĩa Hồi giáo". Chính vì vậy mà nhà xuất bản này cũng cho in một tác phẩm của giáo sĩ Hồi giáo, Hassen Chalgoumi, bởi vì giáo sĩ này bênh vực cho một thứ Hồi giáo cởi mở và thăng tiến sự xích lại gần nhau giữa các tôn giáo cũng như kêu gọi sự tôn trọng hổ tương giữa mọi người.

Ðây cũng là ý kiến của ông Robert Laliberté, giám đốc nhà xuất bản "VLB" tại Canada. Ông Laliberté nói rằng "ông không có chút cảm tình nào đối với những người theo chủ nghĩa Hồi giáo", nhưng trái lại rất kính trọng những người Hồi giáo nào bị mang ra tế thần. Giám đốc nhà xuất bản "VLB" phân biệt rõ ràng giữa Hồi giáo và chủ nghĩa Hồi giáo.

Về phần mình, cô Marjorlaine de Latour, giám đốc nhà xuất bản "L' oeuvre", vốn là một người Công giáo đầy xác tín, nhìn nhận rằng Hồi giáo là "một bức tường ngăn cách giữa con người và Chúa Kitô". Tuy nhiên, khi cho xuất bản chứng từ của ông Moussaoui, cô yêu cầu ông chỉ nên ghi lại những sự kiện mà thôi. Theo cô, khơi gợi sự thù hận là một điều phản công hiệu và đi ngược lại với tinh thần Công giáo.

Các nhà xuất bản không thuộc một tôn giáo nào thì lại có một động lực khác. Tuy nhiên, kết quả vẫn giống nhau. Ông Robert Laliberté nói rằng nhà xuất bản của ông chỉ chủ trọng đến những vấn đề của cánh tả và bảo vệ tính thế tục. Ông khẳng định rằng tiêu chuẩn để chọn lựa tác phẩm của ông là giá trị của tác phẩm chứ không phải "ý đồ" của tác giả.

Ông Philippe Heracles, giám đốc nhà xuất bản "Cherche Midi", nêu lên câu hỏi: "nếu có đến 99.9 phần trăm người Hồi giáo muốn sống tôn giáo của mình một cách ôn hòa, thì quả thật đây là một tỷ lệ quá tốt. Nhưng liệu sách của họ có bán chạy không?"

Cha Jean Marie Gaudeul, tác giả của một khảo luận về những người trở lại và nguyên là giám đốc Văn phòng của Hội đồng Giám mục Pháp đặc trách về các mối quan hệ với Hồi giáo, đã đưa ra một số chỉ dẫn để đọc các chứng từ của những người hồi giáo trở lại Kitô giáo.

Theo cha, chứng từ được ghi lại trong một cuốn sách luôn chịu sự kiểm soát của nhà xuất bản. Cách người đó kể chuyện tùy thuộc vào một sự chọn lựa: hoặc là ghi lại kinh nghiệm của một người đã gặp gỡ Chúa Kitô với những khó khăn của mình hoặc chỉ ghi lại những điều giựt gân.

Về những chứng từ được kể lại công khai hoặc dưới hình thức một cuộc thuyết trình hoặc trong một nhóm cầu nguyện, cha Gaudeul đặt vấn đề về sự thành thật của tác giả.

Cha cho rằng nếu Chúa đã tự tỏ bày cho một số người thì không phải là để khơi dậy lòng hận thù đối với người Hồi giáo, mà chỉ để mạc khải tình yêu của Ngài đối với thế giới mà thôi.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page