Phụ nữ biến gia đình

thành Giáo Hội tại gia

 

Phụ nữ biến gia đình thành Giáo Hội tại gia.

Vatican (Vat. 27/10/2010) - Rất thường khi phụ nữ biến gia đình thành Giáo Hội tại gia, vì linh đạo hôn nhân khiến cho các cặp vơ chồng, được trợ giúp bởi ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối, cùng nhau bước đi trên con đường thánh thiện, bằng cách sống theo các giá trị của Tin Mừng: yêu thương, hiền dịu, trợ giúp lẫn nhau, sinh con cái và giáo dục chúng, cởi mở và liên đới với thế giới, tham dự vào cuộc sống Giáo Hội.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với hơn 30,000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một vị thánh nổi tiếng thuộc thế kỷ XIV: đó là thánh nữ Brigida nước Thụy Ðiển. Thánh nữ sinh năm 1303 tai Finster bên Thụỵ điển và qua đời năm 1373 tại Roma. Theo tiểu sử do các con cái thiêng liêng của thánh nữ thu thập cho án phong thánh của thánh nữ, có thể chia cuộc sống của người thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu là cuộc sống của một phụ nữ lập gia đình hạnh phúc. Chồng thánh nữ là ông Ulf, quan thống đốc một quận của vương quốc Thụy Ðiển. Cuộc sống hôn nhân kéo dài 28 năm, và hai người có 8 người con. Con gái thứ hai là Karin cũng được tôn kính như vị thánh. Sự khôn ngoan sư phạm của thánh nữ được vua Magnus Thuy Ðiển đánh giá cao, và nhà vua mời Brigida vào hoàng cung sống một thời gian để hướng dẫn hoàng hậu Bianca thành Namur trong việc hiểu biết nền văn hóa Thụy Ðiển. Ðức Thánh Cha nói về cuộc sống của thánh Brigida như sau:

Ðược hướng dẫn trên đường thiêng liêng bởi một tu sĩ thông thái với việc học Kinh Thánh, Brigida có ảnh hưởng rất tích cực trên gia đình mình. Nhờ sự hiện diện của thánh nữ, nó trở thành một "giáo hội tại gia" đích thật. Thánh nữ cùng chồng sống theo luật Dòng Ba Phanxicô, quảng đại làm việc bác ái đối với người nghèo, và xây cả một nhà thương nữa. Bên cạnh vợ, thống đốc Ulf tập cải tiến tình tình của mình và tấn tới trong cuộc sống kitô. Năm 1241 sau một cuộc hành hương dài tới Santiago di Compostella

cùng với các thành phần khác trong gia đình, hai vợ chồng dự định sống tiết dục, nhưng ít lâu sau thống đốc Ulf kết thúc cuộc đời dương thế trong an bình tại một đan viện, nơi ông đã lui vào sống ẩn dật.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói giai đoạn thứ nhất trong cuộc sống của thánh nữ Brigida giúp chúng ta trân qúy điều có thể gọi là "linh đạo hôn nhân": các cặp vợ chồng kitô có thể cùng nhau đi trên con đường của sự thánh thiện, được trợ giúp bởi ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối. Rất nhiều khi, như đã xảy ra trong cuộc sống của thánh nữ Brigida, với sự nhậy cảm tôn giáo, lòng tế nhị và dịu hiền của mình, chính người phụ nữ thành công trong việc cùng chồng bước đi trên con đường đức tin. Cả ngày nay nữa cũng có biết bao phụ nữ soi sáng cuộc sống gia đình với chứng tá kitô của họ. Ước chi Thần Khí của Chúa có thể khơi dậy sự thánh thiện của các căp vợ chồng kitô, để cho thế giới thấy vẻ đẹp của hôn nhân sống theo các gia trị của Tin Mừng: yêu thương, hiền dịu, trợ giúp lẫn nhau, sinh con cái phong phú và giáo dục chúng, cởi mở và liên đới với thế giới, tham dự vào cuộc sống Giáo Hội.

Giai đoạn hai trong cuộc sóng của thánh Brigida là cuộc sống góa bụa. Thánh nữ khước từ tái lập gia đình để đào sâu sư kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện, hãm mình và làm các công tác bác ái. Cả các góa phụ cũng có thể tìm thấy nơi thánh nữ một mẫu gương để noi theo. Thật thế, sau khi chồng qua đời, Brigida đã phân phát của cải cho người nghèo, và tuy không bao giờ trở thành tu sĩ, thánh nhân đến sống gần một đan viện Xitô tại Alvastra. Chính tại đây người nhận được các mạc khải của Thiên Chúa cho tới cuối đời. Chúng được thánh nữ đọc cho các vị giải tội thư ký viết, và được dịch từ tiếng Thụy điển sang tiếng Latinh, gộp lại thành 8 cuốn tựa đề là "Các mặc khải". Thêm vào đó là một phần phụ khác gọi là "Các mạc khải phụ".

Chúng có nội dung rất khác nhau: nhiều khi mạc khải được trình bầy dưới hình thức các cuộc đối thoại giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ, các thánh, cả ma qủy nữa và có sự tham dự của thánh nữ. Nhiều lần khác đó là trình thuật một thị kiến đặc biệt, rồi nhiều lần khác nữa là những gì Ðức Trinh Nữ Maria mạc khải cho thánh nữ liên quan tới cuộc sống và các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Giá trị của chúng được Giáo Hội coi như là kinh nghiệm riêng của thánh nữ.

Các mạc khải này bao gồm nhiều đề tài quan trọng như Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, mà thánh nữ đặc biệt tôn kính và chiêm ngắm nơi đó tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Thành nữ táo bạo đặt trên môi miệng Chúa các lời cảm động sau đây: "Ôi các bạn của Ta, Ta yêu thương các chiên của Ta tới độ, nếu có thể, Ta muốn chết biết bao nhiêu lần khác nữa cho từng con chiên một, với cùng cái chết mà Ta đã chịu để cứu rỗi tất cả" (Revelationes, Libro I, c.59). Chức làm mẹ khổ đau của Ðức Maria cũng là đề tài hay được nói tới trong Các Mạc Khải. Thánh nữ ý thức được đó là một ơn lớn lao Thiên Chúa ban cho mình một cách đặc tuyển để xây dựng Giáo Hội. Ðức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:

Chính vì lý do đó, không ít các mạc khải được tỏ lộ cho thánh nữ dưới hình thức các lời đe dọa nghiêm nghị đối với các tín hữu thời bấy giờ, bao gồm cả các giới chức tôn giáo và chính trị, để cho họ biết sống xứng đáng cuộc sống kitô. Nhưng thánh nữ luôn làm điều này với một thái độ tôn trọng và trung thành hoàn toàn với Huấn Quyền Giáo Hội, đặc biệt là đối với Người Kế Vị Tông Ðồ Phêrô.

Năm 1349 Brigida vĩnh viễn rời Thụy điển để hành hương về Roma, không chỉ để tham dự Năm Thánh 1350 mà cũng ước mong Ðức Giáo Hoàng chuẩn y Luật một Dòng gọi là dòng Cứu Thế Thánh, mà thánh nữ muốn thành lập cho cả các nam đan sĩ và nữ đan sĩ, dưới sự hướng dẫn của một Viện mẫu. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì vào thời Trung Cổ có các dòng loại này được thành lập. Trong tuyền thống kitô phẩm giá riêng của nữ giới đựơc thừa nhận và luôn luôn noi gương Ðức Maria, Nữ Vương các Tông Ðồ, họ có chỗ đứng trong Giáo Hội, tuy không trùng hợp với chức linh mục thừa tác, nhưng cũng quan trọng đối với sự trưởng thành thiêng liêng của cộng đồng Dân Chúa. Ngoài ra sự cộng tác giữa các người nam nữ sống đời thánh hiến có tầm quan trọng lớn đối với thế giới ngày nay.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: tại Roma, cùng với con gái là Karin, thánh nữ Brigida tận hiến cuộc sống cho công tác tông đồ và đời cầu nguyện. Thánh nữ hành hương tới các đền thành khác nhau của Italia, đặc biệt là Assisi, quê hương của thánh Phanxicô, mà thánh nữ rất sùng kính. Sau cùng, năm 1371 thánh nữ cùng với các con cái thiêng liêng hành hương Thánh Ðịa. Trong các năm đó các Ðức Giáo Hoàng sống tại Avignon bên Pháp, xa Roma. Thánh Brigida thỉnh cầu các vị về Roma, Kinh thành muôn thuở nơi có ngai tòa của thánh Phêrô. Thánh nữ qua đời năm 1373 trước khi Ðức Giáo Hoàng Gregorio XI vĩnh viễn trở về Roma. Người được chôn cất tạm trong nhà thờ thánh Lorenzo in Panisperna, nhưng năm 1374 các con của thánh nữ là Birger và Karin đem thi hài thánh nữ về về chôn cất tại đan viện Vadstena, là nơi có trụ sởẹ của dòng do thánh nữ thành lập. Năm 1391 Ðức Giáo Hoàng Bonifacio IX tôn phong hiển thánh cho thánh nữ.

Sự thánh thiện và nhiều ơn cũng như kinh nghiệm đã khiến cho thánh nữ Brigida trở thành một gương mặt trổi vượt trong lịch sử Âu châu. Khi tuyên bố thánh nữ đồng bổn mạng Âu châu, Ðức Gioan Phaolô II cầu mong rằng thánh nữ Brigida, sống vào thế kỷ XIV khi Kitô giáo chưa chia rẽ, có thể bầu cử một cách hữu hiệu bên tòa Chúa cho ơn hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu kitô. Ðó cũng là ước mong của chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khẩn nài sự chuyển cầu của thánh nữ Brigida nước Thụy Ðiển, môn đệ trung thành của Thiên Chúa, để cho Âu châu luôn biết dưỡng nuôi chính mình từ các gốc rễ kitô của mình.

Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ba Lan, Croat, Slovac, Hungari, Nga, Lituani, Ucraine, và Ý. Ngài cũng đã kệu gọi cộng đồng quốc tế liên đới với các nạn nhân núi lửa và sóng thần tại Indonesia, cũng như với các nạn nhân lũ lụt tại Benin bên Phi châu. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page