Người Do thái và Thượng hội đồng

Giám mục thế giới về Trung đông

 

Người Do thái và Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông.

Roma [Zenit 25/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sứ điệp chung kết của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông dành 3 đoạn để nói về "sự hợp tác và đối thoại với những người đồng bào Do thái". Ðây là lần đầu tiên, các tài liệu của một Thượng hội đồng Giám mục thế giới được phổ biến bằng tiếng Hy bá lai trên trang mạng của Ðài Phát Thanh Vatican.

Ngoài ra còn có một bài phát biểu về tình hình các tín hữu Kitô nói tiếng Hy bá lai và của một giáo trưởng Do thái tại Thượng hội đồng. Cả ba tài liệu đều lên án chủ nghĩa bài người Do thái và Do thái giáo.

Ðoạn thứ nhứt của sứ điệp Thượng hội đồng nhắn gởi cho các "đồng bào Do thái" liên quan đến Kinh Thánh. Sứ điệp viết: "Cũng một Kinh Thánh liên kết chúng ta là Cựu Ước. Ðây là Lời Chúa ngỏ với quý vị và với chúng tôi. Chúng tôi tin tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải trong Kinh Thánh, kể từ lúc Người đã kêu gọi Abraham, người cha chung của chúng ta trong đức tin, cha của người Do thái, của các tín hữu Kitô và của người Hồi giáo. Chúng tôi tin vào những lời hứa của Thiên Chúa và giao ước Người đã ký kết với Abraham và quý vị. Chúng tôi tin rằng lời Chúa là hằng hữu".

Ðoạn hai của sứ điệp có liên quan đến người Do thái nhắc lại khúc quanh lịch sử trong tuyên ngôn "Nostra Aetate" của công đồng Vatican II về "mối quan hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo" và những tiến triển tốt đẹp trong các mối quan hệ với Do thái giáo. Sứ điệp viết: "Công đồng Vatican II đã cho phổ biến tài liệu "Nostra Aetate" về cuộc đối thoại với các tôn giáo, với Do thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác. Sau đó, các tài liệu khác đã xác định và đẩy mạnh các quan hệ với Do thái giáo".

Cũng trong đoạn này, sứ điệp của Thượng hội đồng kêu gọi đẩy mạnh cuộc đối thoại vì hòa bình. Sứ điệp viết: "hiện đang có một cuộc đối thoại liên tục giữa Giáo hội và các đại diện của Do thái giáo. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối này sẽ giúp chúng ta tác động trên các nhà hữu trách để chấm dứt cuộc xung đột chính trị vốn không ngừng chia rẽ và gây xáo trộn cho cuộc sống trong các xứ sở của chúng ta".

Nhưng riêng đoạn ba được dành cho hòa bình. Sứ điệp viết: "Ðã đến lúc chúng ta phải cùng nhau dấn thân cho một nền hòa bình chân thực, công bình và dứt khoát. Cả hai bên, chúng ta đều được Lời Chúa kêu mời. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của Người là tiếng nói kêu gọi hòa bình". "Tôi đang lắng nghe. Thiên Chúa đang nói gì? Thưa điều Thiên Chúa nói là hòa bình cho dân người và các bạn hữu của dân Người". Không được phép nại đến những lập trường Kinh Thánh và thần học để làm một khí cụ hầu biện minh cho các bất công. Trái lại, tôn giáo chỉ nên được nại đến để giúp cho mỗi người thấy được gương mặt của Thiên Chúa trong tha nhân và đối xử với người đó theo những ưu phẩm của Thiên Chúa và theo các giới luật của Người, nghĩa là theo lòng thiện hảo của Thiên Chúa, sự công bình, lòng thương xót và tình yêu của Người đối với chúng ta".

Liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột, sứ điệp của Thượng hội đồng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những nghị quyết của Liên hiệp quốc. Trong một chương ngỏ với cộng đồng thế giới, sứ điệp viết: "Các công dân của các nước tại Trung đông kêu gọi cộng đồng thế giới, cách riêng Liên Hiệp Quốc, hãy chân thành hoạt động để tìm kiếm một giải pháp hòa bình công bằng và dứt khoát trong vùng và để đạt được điều đó, cần phải áp dụng những nghị quyết của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và các biện pháp pháp lý cần thiết để chấm dứt việc chiếm đóng các lãnh thổ Á rập".

Cũng trong đoạn này, sứ điệp của Thượng hội đồng cũng đề cập đến vấn đề an ninh của Israel như sau: "Dân tộc Palestine sẽ có được một quốc gia độc lập và có chủ quyền và sống xứng với phẩm giá và trong ổn định. Quốc Gia Israel cũng sẽ hưởng được hòa bình và an ninh bên trong những ranh giới đã được quốc tế nhìn nhận. Thành thánh Gierusalem sẽ có được qui chế đúng đắn, tôn trọng tính cách đặc thù, sự thánh thiêng và gia sản tôn giáo của ba tôn giáo là Do thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Chúng tôi hy vọng rằng giải pháp Hai Quốc Gia sẽ trở thành một hiện thực chứ không chỉ là một giấc mơ".

Trên đây là nội dung ba đoạn của sứ điệp Thượng hội đồng dành cho sự "hợp tác và đối thoại với các đồng bào Do thái".

Một tài liệu khác bằng tiếng Hy bá lai cũng rất được chú ý đó là bài phát biểu của cha David Neuhaus, người Do thái, hiện đang là đại diện của Tòa thượng phụ Latinh Gierusalem đặc trách về các cộng đồng Công giáo nói tiếng Hy bá lai.

Trong bài phát biểu tại Thượng hội đồng hôm 12 tháng 10 năm 2010, cha Neuhaus nhắc lại rằng "Hy bá lai cũng là ngôn ngữ của Giáo hội Công giáo tại Trung đông". Hàng ngàn người Công giáo Israel biểu lộ niềm tin của mình bằng tiếng Hy bá lai.

Vị linh muc này cũng cho biết: các di dân lao động đã làm thay đổi bộ mặt của cộng đồng nói tiếng Hy bá lai. Cha giải thích: "hàng ngàn trẻ em Công giáo thuộc các gia đình di dân, tỵ nạn và Á rập theo học tại các trường xử dụng tiếng Hy bá lai; các em cần học giáo lý bằng tiếng Hy bá lai".

Cha Neuhaus cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cộng đồng Công giáo nói tiếng Hy bá lai: cộng đồng này là chiếc cầu nối giữa Giáo hội và xã hội Israel.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page