Nhận định tổng quát về
Thượng hội đồng Giám mục thế giới
về Trung Ðông
Nhận định tổng quát về Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông.
Roma [La Croix 24/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau hai tuần lễ nhóm họp, Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông đã kết thúc hôm Chúa Nhựt 24 tháng 10 năm 2010 với một danh sách các đề nghị được đệ trình lên Ðức thánh cha Benedicto XVI và một sứ điệp chung kết gởi toàn thể Dân Chúa.
Mặc dù được tổ chức trong một bối cảnh chính trị nóng bỏng, tình trạng chia rẽ của các Giáo hội, một thời gian chuẩn bị quá ngắn và chỉ diễn ra trong hai tuần lễ, Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông vẫn được các nghị phụ và mọi người xem như một "Lễ ngũ tuần" cho các Giáo hội Công giáo trong vùng.
44 đề nghị được đệ trình lên Ðức thánh cha và sứ điệp chung kết gồm 12 điểm cho thấy thách đố chung mà các Giáo hội Công giáo đông phương tại Trung đông đã quyết định cùng nhau đương đầu. Thách đố đó là: phải bênh vực cho nhân quyền tại Trung đông. Tự do tôn giáo, tự do lương tâm, quyền bình đẳng của mọi công dân: đây là những quyền cơ bản mà người công giáo cần phải tranh đấu cho.
Trong bài giảng thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng, Ðức thánh cha cũng đã nhắc lại điều đó.
Trong các bài phát biểu tại Thượng hội đồng trong hai tuần lễ qua, các nghị phụ không chỉ nói đến sự cần thiết phải đối thoại bằng cuộc sống và bằng văn hóa với Hồi Giáo, mà còn nhấn mạnh đến công ích vốn là điều thiết yếu cho mọi người, tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo và Do thái giáo, bởi vì tất cả đều là công dân của cùng một vùng đất, con cái của cùng một Chúa.
Ngoài ra, Thượng hội đồng cũng lên án các thứ chủ nghĩa "bài Kitô giáo" cũng như bài Do thái và Hồi giáo. Theo cách nói của tòa đại sứ Israel bên cạnh Tòa thánh, các vị nghị phụ khẳng định rằng "không được xử dụng các bản văn Kinh Thánh và thần học như một khí cụ để biện minh cho những bất công".
Trong nội bộ Giáo hội, các nghị phụ cương quyết xây dựng sự hiệp nhứt và có cùng một tiếng nói qua các cử hành phụng vụ cũng như thiết lập những chủng viện chung.
Với các tín hữu Kitô đã bỏ nước ra đi, các ngài kêu gọi họ hãy trở về và hứa sẽ có những dự án phát triển tại các địa phương. Riêng với các tín hữu di dân đến từ các nước như Phi luật tân, ấn độ, Phi Châu... các ngài bày tỏ quan ngại sâu xa về hình thức nô lệ mới mà họ có thể là nạn nhân, nhứt là trong vùng Vịnh.
Và bởi vì, nói theo kiểu nói của Ðức cha Mounged El Hachem, cựu Sứ thần Tòa thánh tại vùng Vịnh, "con người là kẻ thù của dốt nát", cho nên các nghị phụ Thượng hội đồng cương quyết đẩy mạnh hoạt động giáo dục của Giáo hội Công giáo trong vùng. Các ngài tin rằng khi con cái của những thành phần ưu tú trong xã hội được giáo dục về hòa bình và công lý, mới hy vọng chấm dứt các chế độ bất công.
Riêng với Ðức thánh cha, Giám mục Roma, mà các ngài luôn nhìn nhận quyền tối thượng, các nghị phụ các Giáo hội Công giáo đông phương muốn đệ trình hai đề nghị: một là nới lỏng quyền tài phán của các thượng phụ ra bên ngoài lãnh thổ của các ngài để các ngài có thể nhắn gởi một tín hiệu tự do đến những người "bà con và láng giềng Chính thống", đồng thời chăm sóc cho các cộng đồng xa cách đang bị trào lưu tục hóa đe dọa.
Ðề nghị thứ hai mà các nghị phụ muốn đệ trình lên Ðức thánh cha là xin cho các linh mục có gia đình của các Giáo hội Công giáo đông phương tại các nước tây phương được phép thi hành chức vụ. Ngoài ra, các ngài cũng đề nghị Tòa thánh xem 7 vị Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo đông phương "đương nhiên như thành viên của Hồng y đoàn", nghĩa là có quyền vào mật nghị bầu Giáo hoàng mà không cần có tước vị Hồng y.
Ðại kết không phải là vấn đề được các nghị phụ chú trọng nhiều tại Thượng hội đồng. Có lẽ các vị xem đây như một vấn đề của Tòa thánh. Một nghị phụ đã tuyên bố rằng dù sao đi nữa, người Công giáo đông phương vẫn là những "cựu Chính thống". Vị Giám mục này cảm thấy thất vọng vì "sự kiêu ngạo lịch sử của các Giáo hội mẹ". Nếu việc thống nhứt một bản Kinh Lạy Cha chung bằng tiếng Á rập là điều đang nằm trong tầm tay thì cử hành Lễ Phục Sinh trong cùng một ngày xem ra "vẫn còn là việc của Chúa Thánh Thần".
Câu hỏi vẫn thường được nêu lên về Thượng hội đồng Giám mục về Trung đông là: đây là một Thượng hội đồng mục vụ hay chính trị? Dĩ nhiên, trong những lời tuyên bố công khai, đây là một Thượng hội đồng Giám mục thiết yếu có tính cách mục vụ. Tuy nhiên, trong hậu trường, vào những lúc giải lao hay trong hành lang thì đây là một Thượng hội đồng rất "chính trị". Ở bề mặt, sự cẩn trọng đã thắng thế. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, Ðức cha Georges Casmoussa, Tổng giám mục Mossoul, bắc Iraq, cho rằng Thượng hội đồng này đã tỏ ra quá cẩn trọng. Theo vị Tổng giám mục này, khi đề cập đến Iraq, sứ điệp chung kết của Thượng hội đồng đã không "mạnh đủ".
Dù sao, trong một bầu khí sống động và luôn với sự hiện diện của Ðức thánh cha, lần đầu tiên 165 nghị phụ Thượng hội đồng các Giáo hội Công giáo đông phương đã thẳng thắn nói lên những ưu tư và nguyện vọng của mình, cũng như xem Thượng hội đồng như một Lễ Ngũ tuần thật sự giữa các Giáo hội đông phương và đứng trước thế giới.
CV.