Thánh lễ bế mạc

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông

 

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông.

Vatican (Vat 24/10/2010) - Sau 2 tuần lễ nhóm họp khẩn trương, về chủ đề "Hiệp thông và chứng tá. "Ðông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32), Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông đã bế mạc sáng Chúa nhật 24 tháng 10 năm 2010, với thánh lễ trọng thể do Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cử hành tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 246 vị gồm 167 nghị phụ, trong số này có 19 Hồng Y, 9 thượng phụ 72 Tổng Giám Mục và 67 Giám Mục. Phần còn lại là 79 Linh Mục thành viên, chuyên gia, dự thính viên, cộng tác viên. Tháp tùng sát Ðức Thánh Cha là 4 vị Chủ tịch thừa ủy trong đó có hai vị Chủ tịch danh dự là Ðức Hồng Y Sfeir, Thượng phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronit Liban, và Ðức Hồng Y Emmanuel III Delly của Giáo Hội Công Giáo Canđê bên Irak. Hai vị Chủ tịch thừa ủy thực thụ là Ðức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và Ðức Thượng Phụ Youssif III Younan của Giáo Hội Công Giáo Siri ở Liban.

Ðảm trách phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn 3 ca đoàn khác, đông nhất là Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 80 ca viên, tiếp đến là Ca đoàn Arméni với 15 ca viên và Ca đoàn Maronite gồm 18 ca viên.

Ðúng 9 giờ rưỡi, các nghị phụ bắt đầu đi rước từ cuối Ðền thờ tiến lên bàn thờ chính. Phẩm phục vụ của các vị phản ánh hùng hồn đặc tính hoàn vũ và đại đồng của Giáo Hội với nhiều sắc thái khác nhau.

Bài giảng

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta kinh nghiệm đặc biệt là Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, không những cho chúng ta, nhưng còn cho công ích của Giáo Hội, của Dân Chúa trong tại miền Ðịa Trung Hải và Mesopotamia. Ngài cũng cám ơn tất cả các nghị phụ, các chức sắc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục và tất cả các tham dự viên.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha lần lượt quảng diễn ý nghĩa các bài đọc của Thánh Lễ về việc cầu nguyện: dụ ngôn người thu thuế và biệt phái lên đền thờ cầu nguyện nhắc nhở thái độ khiêm tốn phải có khi cầu nguyện. Bài đọc thứ I trích từ sách Huấn Ca (35,21) và thánh vịnh đáp ca (34,19) nói về kinh nguyện của người nghèo vượt qua các tầng mây và Thiên Chúa gần gũi những ai có tâm hồn sầu khổ. Dựa vào đó ÐTC mời gọi mọi người hãy nghĩ đến bao nhiêu anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh rất khó khăn tại Trung Ðông. Bài đọc thứ hai trích từ thư gửi Timôteo nhắc nhở chúng ta hãy tín thác nơi Thiên Chúa, đang ở gần kề và giải thoát các bạn hữu của Người. Ðề cập đến Thượng Hội Ðồng Giám Mục vừa chấm dứt, Ðức Thánh Cha nói:

"Thượng Hội Ðồng Giám Mục kết thúc hôm nay đã luôn nghĩ đến hình ảnh cộng đồng Kitô tiên khởi, được mô tả trong Tông đồ công vụ: "Ðông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32). Ðó là một thực tại được cảm nghiệm trong những ngày này, trong đó chúng ta đã chia sẻ vui mừng và đau khổ, những lo lắng và hy vọng của các tín hữu Kitô ở Trung Ðông. Chúng ta đã sống sự hiệp nhất của Hội Thánh trong các Giáo Hội hiện diện trong vùng. Ðược Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta đã trở nên "một lòng một ý với nhau" trong niềm tin, cậy, mến, nhất là trong các buổi cử hành Thánh Lễ, là nguồn mạch và là tột đỉnh của cộng đồng Giáo Hội hiệp thông, cũng như trong Phụng vụ các Giờ Kinh, được cử hành mỗi buổi sáng theo một trong 7 nghi lễ Công Giáo ở Ðông phương. Qua đó chúng ta đã nêu cao giá trị phụng vụ phong phú, linh đạo và thần học của các Giáo Hội Công Giáo đôn gphương, không kể Giáo Hội la tinh. Ðây thực là một sự trao đổi các hồng ân quí giá, mà tất cả các nghị phụ Thượng HÐGM đều được hưởng. Mong rằng kinh nghiệm tích cực như thế được tái diễn cả trong các cộng đồng liên hệ tại Trung Ðông, cổ võ sự tham dự của các tín hữu vào những buổi cử hành của các nghi lễ Công Giáo khác, và như thế cởi mở đối với các chiều kích của Giáo Hội hoàn vũ.

"Việc cầu nguyện chung cũng giúp chúng ta đương đầu với những thách đố của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Ðông. Một trong những thách đố ấy là sự hiệp thông trong nội bộ của mỗi Giáo Hội tự quản, cũng như trong quan hệ với các Giáo Hội Công Giáo thuộc các truyền thống khác. Như bài Tin Mừng hôm nay (Lc 18,9-14) nhắc nhở, chúng ta cần khiêm tốn, nhìn nhận những giới hạn, lầm lẫn và thiếu sót của mình, để có thể thực sự "một lòng một ý với nhau". Một sự hiệp thông trọn vẹn hơn trong nội bộ của Giáo Hội Công Giáo cũng giúp ích cho cuộc đối thoại đại kết với các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác. Giáo Hội Công Giáo cũng đã lập lại trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này xác tín sâu xa tiếp tục cuộc đối thoại đại kết, để lời nguyện của Chúa Giêsu được thể hiện trọn vẹn "ước gì tất cả chúng được nên một" (Ga 17,21).

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ta có thể áp dụng cho các tín hữu Kitô tại Trung Ðông lời Chúa Giêsu: 'Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã muốn ban cho con Nước Trời" (Lc 12,32). Thực vậy, tuy ít ỏi, nhưng các tín hữu Kitô Trung Ðông là những người mang Tin Mừng Tình Yêu Thiên Chúa cho con người, tình yêu được biểu lộ chính tại Thánh Ðịa trong con người của Chúa Giêsu Kitô. Lời cứu độ này, được củng cố bằng ơn thánh các bí tích, vang dội với một hiệu năng đặc biệt tại những nơi mà lời này được viết ra, theo sự Quan Phòng của Chúa và là lời duy nhất có thể phá vỡ cái vòng lẫn quẩn của oán thù và bạo lực. Từ một con tim được thanh tẩy, an bình với Thiên Chúa và tha nhân, có thể nảy sinh những đề nghị và sáng kiến hòa bình trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế. Trong công trình ấy, mà toàn thể cộng đoàn quốc tế được mời gọi thực hiện, các tín hữu Kitô, là những công dân với đầy đủ danh nghĩa, có thể và phải đóng góp phần của mình với tinh thần các Mối Phúc, trở thành những người xây dựng hòa bình và là những tông đồ hòa giải để mưu ích cho toàn thể xã hội.

"Những xung đột, chiến tranh, bạo lực và khủng bố đã kéo dài quá lâu tại Trung Ðông. Hòa bình, vốn là hồng ân của Chúa, cũng là kết quả những cố gắng của con người, của các tổ chức quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những nước có liên hệ nhiều hơn trong việc tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột. Ðừng bao giờ có thái độ cam chịu tình cảnh thiếu hòa bình. Hòa bình là điều có thể. Hòa bình là điều cấp thiết. Hòa bình là điều không thể thiếu được để con người và xã hội được sống xứng đáng. Hòa bình cũng là phương dược tốt nhất để tránh tình trạng xuất cư khỏi Trung Ðông. Thánh vịnh 122 nói với chúng ta "Hãy cầu xin hòa bình cho Jerusalem" (122,6). Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Ðịa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Ðông đồng thời dấn thân để hồng ân ấy của Thiên Chúa ban cho những người thiện tâm được phổ biến trên toàn thế giới.

Tiếp tục bài giảng trong thánh lễ bế mạc, Ðức Thánh Cha nói:

"Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục, các nghị phụ thường nhấn mạnh sự cần thiết phải tái đề nghị Tin Mừng cho những người chỉ biết sơ sài hoặc thậm chí đã xa lìa Giáo Hội. Nhiều nghị phụ thường nhắc đến sự cấp thiết của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho miền Trung Ðông. Ðây là một đề tài rất thời sự, nhất là tại các nước Kitô kỳ cựu. Và việc mới thành lập Hội Ðồng Tòa Thánh cổ võ tái Truyền Giảng Tin Mừng đáp ứng nhu đòi hỏi sâu xa ấy. Vì thế, sau khi tham khảo hàng Giám Mục trên toàn thế giới và sau khi nghe ý kiến của Hội đồng thường kỳ của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tôi đã quyết định chọn đề tài cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới năm 2012 là "Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô" (Nova evangelizatio ad christianam fidem tradentam).

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Anh chị em ở Trung Ðông thân mến! Kinh nghiệm những ngày này đoan chắc với anh chị em rằng anh chị em không bao giờ lẻ loi, và Tòa Thánh cũng như toàn thể Giáo Hội luôn tháp tùng anh chị em. Giáo Hội được khai sinh ở Jerusalem, được lan rộng trong toàn vùng Trung Ðông và sau đó trên toàn thế giới. Chúng ta hãy phó thác việc áp dụng những thành quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Trung Ðông, cũng như việc chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục thường kỳ cho sự chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội và là Nữ Vương Hòa bình. Amen

Trong phần rước lễ, 80 linh mục đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Thánh lễ kéo dài 2 tiếng và sau đó lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong dinh Tông Tòa lúc để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.

Kinh truyền tin

Trong bài huấn dụ ngắn, Ðức Thánh Cha nhắc đến Ngày Thế giới truyền giáo cử hành chúa nhật hôm qua với chủ đề "Xây dựng tình hiệp thông Giáo hội là chìa khóa truyền giáo". Ngài ghi nhận sự trùng hợp đề tài giữa hai biến cố Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông và ngày thế giới truyền giáo. Cả hai đều mời gọi nhìn Giáo hội như mầu nhiệm hiệp thông, tự bản chất dành cho con người toàn diện và tất cả mọi người. Ðức Thánh Cha nói: "Vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6, đã khẳng định rằng 'Giáo hội hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là giảng dạy, trở thành máng chuyển ơn thánh, hòa giải các tội nhân với Thiên Chúa, kéo dài hy tế của Chúa Kitô trong thánh lễ là lễ tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Chúa" (Evangelii nuntiandi, 8-12-1975, 14: AAS 68, [1976], p.13)... Trong mọi thời đại và mọi nơi, cả ngày nay tại Trung Ðông, Giáo Hội hiện diện và hoạt động để đón nhận mỗi người và mang lại cho họ cuộc sống sung mãn".

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu Ðức Thánh Cha còn chào thăm mọi người bằng nhiều thứ tiếng, và vui mừng nhắc đến lễ tôn phong Chân phước hôm 23 tháng 10 năm 2010 cho nữ tu Alfonsa Clerici, thuộc dòng Bửu Huyết tại thành phố Monza, gần Milano, qua đời tại Vercelli năm 1930. Ngài mời gọi mọi người cảm tạ Chúa vì Người Chị này mà Chúa đã dẫn đến đức bác ái trọn lành.

Chân phước Alfonsa Clerici đã chu toàn sứ mạng trong công tác giáo dục, làm giám đốc trường Chúa Quan Phòng ở Vercelli. Chị theo phương pháp giáo dục của thánh Bosco: phòng ngừa hơn là sửa phạt các lỗi lầm của người trẻ, rất kiên nhẫn và bác ái trong việc giáo dục các học sinh.

Chị Alfonsa thọ 70 tuổi, nổi bật về lòng bác ái đối với người nghèo và lòng khiêm tốn. Lễ phong chân phước cho chị do Ðức Hồng Y tân tử Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ phong thánh, đại diện Ðức Thánh Cha chủ sự tại Nhà thờ chính tòa Vercelli.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page