Sứ điệp Thượng Hội Ðồng

Giám Mục thế giới về Trung Ðông

 

Sứ điệp Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Trung Ðông.

Vatican (Vat. 23/10/2010) - Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Trung Ðông sẽ kết thúc sáng Chúa nhật 24 tháng 10 năm 2010, với thánh lễ trọng thể do Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đồng tế với các nghị phụ tại Ðền thờ Thánh Phêrô sau 2 tuần lễ nhóm họp khẩn trương tại Vatican về chủ đề "Hiệp thông và chứng tá. "Ðông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32).

Sáng thứ Bẩy, 23 tháng 10 năm 2010, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 14 trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha và cũng là phiên cuối cùng, và đã thông qua chung kết 44 đề nghị. Các đề nghị này được thu gọn từ gần 200 đề nghị do 10 nhóm nghị phụ đề ra trong các phiên họp nhóm trước đây, và được đệ trình Ðức Thánh Cha vào cuối khóa họp.

Các đề nghị này đặc biệt liên quan đến sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Ðông, tình hiệp thông của Giáo Hội và chứng tá của các tín hữu Kitô. Các đề nghị cũng nhắc đến sự bách hại các tín hữu Kitô và vấn đề xuất cư, đồng thời loại bỏ trào lưu cuồng tín và cực đoan, bài Do thái, chống Do thái giáo, thái độ quá khích và bạo lực nhân danh tôn giáo.

Phiên họp sáng thứ Bảy 23 tháng 10 năm 2010 được chia làm 2 phần: phần đầu trình bày danh sách chung kết các đề nghị, và phần hai là bỏ phiếu. Giống như các Thượng Hội Ðồng Giám Mục gần đây, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cho công bố ngay nội dung các đề nghị này.

Sau phiên họp, vào lúc 1 giờ trưa, các nghị phụ cùng với các dự thính viên và chuyên gia, cũng như các đại biểu thuộc các Giáo Hội Kitô Anh em đã dùng bữa trưa huynh đệ với Ðức Thánh Cha.

Sau đây là một số đoạn nổi bật trong Sứ điệp dài mà 185 nghị phụ của Công nghị Giám Mục này gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa, qua đó các vị nói đến những thách đố của Giáo Hội tại Trung Ðông, và gửi những lời kêu gọi, nhắn nhủ các các thành phần tín hữu, và cả các vị lãnh đạo chính quyền và cộng đồng quốc tế.

Nhập đề

1. Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông là một lễ Hiện Xuống mới đối với chúng tôi. "Lễ Hiện xuống là một biến cố nguyên thủy, nhưng cũng là một năng động trường kỳ, Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một thời điểm đặc biệt trong đó hành trình của Giáo Hội và ơn thánh của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có thể được canh tân" (Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16, bài giảng thánh lễ khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục 10.10.2010).

Chúng tôi đến Roma gồm các Thượng Phụ và các Giám Mục thuộc các Giáo Hội Công Giáo ở Ðông phương với tất cả các gia sản tinh thần, phụng vụ, văn hóa và giáo luật của chúng tôi, chúng tôi mang trong tâm hồn những ưu tư và những mong đợi của các dân tộc chúng tôi.

Lần đầu tiên chúng tôi tụ họp trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục quanh Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cùng với các Hồng Y và Tổng Giám Mục đặc trách các cơ quan trung ương Tòa Thánh, các vị Chủ tịch các Hội Ðồng Giám Mục trên thế giới có liên hệ tới các vấn đề Trung Ðông, và với các đại diện của Giáo Hội Chính Thống và các cộng đồng Tin Lành, với các khách mời người Do thái và Hồi giáo.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 vì sự ân cần quan tâm và những giáo huấn soi sáng hành trình của Giáo Hội nói chung và của các Giáo Hội Ðông phương chúng tôi nói riêng, nhất là vấn đề công lý và hòa bình. Chúng tôi cám ơn các Hội Ðồng Giám Mục vì tình liên đới, hiện diện giữa chúng tôi trong các cuộc hành hương tại các nơi thánh, và sự viếng thăm của các vị nơi các cộng đoàn chúng tôi. Chúng tôi cám ơn các vị vì đã tháp tùng các Giáo Hội chúng tôi trong những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Chúng tôi cám ơn các tổ chức Giáo Hội đã nâng đỡ chúng tôi bằng sự trợ giúp hữu hiệu.

Chúng tôi đã cùng nhau suy tư dưới ánh sáng của Kinh Thánh và Truyền Thống sinh động về hiện tại và tương lai của các tín hữu Kitô và các dân tộc tại Trung Ðông. Chúng tôi đã suy tư về những vấn đề thuộc miền này trên thế giới nơi mà Thiên Chúa, trong mầu nhiệm tình thương của Ngài, đã muốn là chiếc nôi của kế hoạch cứu độ mọi người. Thực vậy, từ miền này đã khởi sự ơn gọi của Tổ phụ Abraham. Tại đó, Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh. Tại đó Chúa Giêsu đã công bố Tin Mừng sự sống và Nước Trời. Tại đó, Ngài đã chết để cứu chuộc nhân loại và giải thoát họ khỏi tội lỗi. Tại đó, Ngài đã sống lại từ cõi chết để ban sự sống mới cho mỗi người. Tại đó đã nảy sinh Giáo Hội, từ đó ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất.

Mục đích đầu tiên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thuộc lãnh vực mục vụ. Chính vì thế chúng tôi đã luôn nghĩ tới cuộc sống, những đau khổ và hy vọng của các dân tộc chúng tôi và các thách đố họ phải đương đầu mỗi ngày, với xác tín rằng "Niềm hy vọng không làm thất vọng, vì tình thương của Thiên Chúa đã được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Linh được ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Bởi vậy, chúng tôi gửi sứ điệp này cho anh chị em rất yêu quí và chúng tôi muốn đây là một lời kêu gọi hãy kiên vững trong đức tin, được xây dựng trên Lời Chúa, sự cộng tác hiệp nhất và hiệp thông trong chứng tá tình thương trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

I. Giáo Hội tại Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá qua lịch sử

2. Tại Ðông Phương đã nảy sinh cộng đoàn Kitô đầu tiên. Từ Ðông phương họ đã ra đi sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Tại đó cộng đồng Kitô tiên khởi đã sống giữa những căng thẳng và bách hại, "kiên trì trong giáo huấn của các Tông Ðồ và trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện"(Cv 2,42). Tại đó các vị tử đạo đầu tiên đã lấy máu đào tưới gội nền tảng của Giáo Hội sơ khai. Tiếp nối các vị, các ẩn sĩ đã làm cho các sa mạc đầy hương thơm thánh thiện và niềm tin của các vị. Tại đó các Giáo Phụ Ðông phương đã tiếp tục dùng giáo huấn nuôi dưỡng Giáo Hội Ðông phương và Tây phương. Từ các Giáo Hội chúng tôi, trong những thế kỷ đầu tiên và các thế kỷ sau đó, các thừa sai đã ra đi hướng về miền Viễn Ðông và Tây phương để mang ánh sáng của Chúa Kitô. Chúng tôi là những người thừa kế của các vị và chúng tôi phải tiếp tục thông truyền sứ điệp của các vị cho các thế hệ mai sau.

Các Giáo Hội chúng tôi không ngừng cung cấp các thánh, các linh mục, những người thánh hiến và phục vụ hữu hiệu trong nhiều tổ chức góp phần xây dựng các xã hội và các đất nước chúng ta, hy sinh bản thân vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và là người mang hình ảnh của Ngài. Một số Giáo Hội chúng tôi ngày nay vẫn không ngừng gửi các thừa sai, mang Lời Chúa Kitô tới các góc trời khác nhau. Công việc mục vụ, tông đồ và thừa sai ngày nay đòi chúng ta phải nghĩ ra một nền mục vụ để cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ, và bảo đảm cho Giáo Hội mai sau.

Ngày nay chúng ta đang đứng trước một khúc quanh lịch sử: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ở Ðông phương chúng ta từ 2 ngàn năm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy can đảm kiên trì, chăm chủ và kiên quyết sứ điệp của của Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài là Tin Mừng tình thương và hòa bình.

Những thách đố và mong đợi

3.1. Ngày nay chúng ta đang đứng trước nhiều thách đố. Thách đố đầu tiên đến từ bản thân và các Giáo Hội của chúng ta. Ðiều mà Chúa Kitô yêu cầu chúng ta là hãy đón nhận và sống đức tin của chúng ta trong mọi lãnh vực của đời sống. Ðiều mà Ngài yêu cầu các Giáo Hội chúng ta là củng tố tình hiệp thông giữa lòng mỗi Giáo Hội tự quản và giữa các Giáo Hội Công Giáo thuộc các truyền thống khác nhau, ngoài ra, cần làm tất cả những gì có thể trong kinh nguyện và bác ái để đạt tới sự hiệp nhất tất cả các tín hữu Kitô cũng như thi hành lời nguyện của Chúa Kitô "Xin cho chúng được nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, và cả họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng chính Cha đã sai con" Ga 17,21).

3.2. Thách đố thứ hai đến từ bên ngoài, từ những điều kiện chính trị và an ninh tại các quốc gia chúng ta và từ sự đa nguyên tôn giáo.

Chúng tôi đã phân tích những gì liên quan đến tình hình xã hội và an ninh tại các đất nước chúng tôi ở Trung Ðông. Chúng tôi đã ý thức về ảnh hưởng cuộc xung đột Israel và Palestine trên toàn vùng, nhất là trên dân tộc Palestine đang phải chịu đau khổ vì những hậu quả cuộc chiếm đóng của Israel: tình trạng thiếu tự do đi lại, bức tường chia cách và những hàng rào quân sự, các tù nhân chính trị, sự phá hủy nhà cửa, sự xáo trộn đời sống kinh tế và xã hội và hàng ngàn người tị nạn. Chúng tôi đã suy tư về đau khổ và bất an mà những người Israel đang phải chịu. Chúng tôi đã suy tư về tình trạng của Jerusalem, Thành Thánh. Chúng tôi lo âu về những sáng kiến đơn phương có nguy cơ làm thay đổi dân số và qui chế của Thành này. Ðứng trước tất cả những điều đó, chúng tôi thấy rằng một nền hòa bình công chính và chung kết là phương thế cứu độ duy nhất cho tất cả mọi người, mưu ích cho toàn vùng và các dân tộc tại đây.

3.3. Trong các phiên họp và các kinh nguyện, chúng tôi đã suy tư về những đau khổ khốc liệt của dân tộc Irak. Chúng tôi đã nhớ đến các tín hữu Kitô bị sát hại tại Irak, những đau khổ trường kỳ của Giáo Hội tại Irak, các con dân của Giáo Hội này bị trục xuất và phân tán trên thế giới, chúng tôi cùng mang với họ những mối lo lắng về đất nước và tổ quốc của họ.

Các nghị phụ đã bày tỏ tình liên đới với nhân dân và Giáo Hội tại Irak và mong ước rằng những người xuất cư, bị bó buộc phải rời bỏ quê hương, có thể được cứu giúp cần thiết tại nơi họ đến, để họ có thể trở về quê hương xứ sở của họ và sống trong an ninh.

3.4. Chúng tôi đã suy tư về những quan hệ giữa các công dân, Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo. Tại đây chúng tôi muốn khẳng định rằng theo cái nhìn Kitô của chúng ta về sự việc, một nguyên tắc tiên quyết phải điều hành các quan hệ này là: Thiên Chúa muốn chúng ta là những tín hữu Kitô trong và cho các xã hội chúng ta tại Trung Ðông. Sự kiện sống chung giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo là kế hoạch của Thiên Chúa về chúng ta và là sứ mạng cũng như ơn gọi của chúng ta. Trong lãnh vực này, chúng ta hãy cư xử dưới sự hướng dẫn của giới răn yêu thương và nhờ sức mạnh của Thánh Linh ở trong chúng ta.

Nguyên tắc thứ hai điều hành các quan hệ ấy là sự kiện chúng ta là thành phần của các xã hội chúng ta. Sứ mạng của chúng ta dựa trên đức tin của chúng ta và nghĩa vụ của chúng ta đối với các tổ quốc đòi chúng ta phải góp phần xây dựng đất nước của mình cùng với mọi công dân Hồi giáo, Do thái và Kitô hữu.

II. Hiệp thông và chứng tá giữa lòng các Giáo Hội Công Giáo Trung Ðông

Với các tín hữu của các Giáo Hội Trung Ðông.

4.1. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Các con là muối đất, là ánh sáng thế gian" (Mt 5,13.14). Anh chị em tín hữu rất thân mến, sứ mạng của anh chị em là, nhờ tin, cậy, mến, trở thành "muối" mang hương vị và ý nghĩa cho đời sống trong các xã hội anh chị em, trở thành "ánh sáng" soi chiếu bóng đen và thành "men" biến đổi các tâm trí. Các tín hữu Kitô đầu tiên ở Jerusalem chỉ là một thiểu số. Dầu vậy, họ đã có thể mang Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất, nhờ ơn Chúa "Ðấng hoạt động cùng với họ và củng cố Lời họ bằng những dấu chỉ tháp tùng họ" (Mc 16,20).

4.2. Chúng tôi chào mừng anh chị em, các tín hữu Kitô Trung Ðông và cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã thực hiện trong gia đình và xã hội, trong các Giáo Hội và quốc gia của anh chị em. Chúng tôi chào mừng sự kiên trì của anh chị em giữa những khó khăn, cơ cực và lo lắng.

4.3. Hỡi các linh mục thân mến, là những cộng tác viên của chúng tôi trong sứ vụ huấn giáo, phụng vụ và mục vụ, chúng tôi lập lại tình bạn và lòng tín nhiệm của chúng tôi đối với anh em. Xin anh em tiếp tục nhiệt thành và kiên trì thông truyền cho các tín hữu của mình Tin Mừng sự sống và Truyền thống của Giáo Hội qua lời giảng dạy, huấn giáo, linh hướng và gương lành. Hãy củng cố đức tin của dân Chúa để niềm tin này trở thành một nền văn minh tình thương. Hãy ban cho họ các bí tích của Giáo Hội để họ ước mong canh tân đời sống. Hãy tập hợp họ trong sự hiệp nhất và bác ái với ơn của Chúa Thánh Linh.

- Các tu sĩ nam nữ và những người được thánh hiến giữa đời thân mến, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị em và chúng tôi cùng cảm tạ Chúa với anh chị em vì hồng ân các Lời khuyên Phúc Âm - khiết tịnh được thánh hiến, thanh bần và vâng phục, qua đó anh chị em hiến dâng bản thân, theo Chúa Kitô Ðấng mà anh chị em muốn làm chứng về tình yêu và lòng yêu thương đặc biệt. Nhờ những sáng kiến tông đồ khác nhau của anh chị em, anh chị em thực là một kho tàng đích thực và là sự phong phú của các Giáo Hội chúng ta, và là một ốc đảo tinh thần trong các giáo xứ, giáo phận và giáo điểm của chúng ta.

- Chúng tôi hiệp ý với các ẩn sĩ, đan sĩ nam nữ đã dâng hiến đời mình cho việc cầu nguyện trong các đan viện chiêm niệm, thánh hóa những giờ trong ngày và đêm, mang trong kinh nguyện của mình những ưu tư lo lắng và nhu cầu của Giáo Hội. Qua chứng tá cuọc sống, anh chị em mang lại cho thế giới một dấu chỉ hy vọng.

4.4. Hỡi các tín hữu giáo dân, chúng tôi bày tỏ lòng quí mến và tình bạn của chúng tôi với anh chị em. Chúng tôi đánh giá cao những gì anh chị em được thực hiện cho các gia đình và xã hội, Giáo Hội và tổ quốc của anh chị em. Hãy kiên vững giữa những thử thách và khó khăn. Chúng tôi đầy lòng biết ơn Chúa vì những đoàn sủng và tài năng mà Ngài đã ban cho anh chị em và qua đó, anh chị em tham gia nhờ bí tích rửa tội và thêm sức vào công việc tông đồ và sứ mạng của Giáo Hội, làm cho lãnh vực trần thế được thấm nhiễm tinh thần và các giá trị Tin Mừng. Chúng tôi mời gọi anh chị em làm chứng tá bằng cuộc sống Kitô chân chính, thực hành đạo một cách ý thức và giữ các tập quán tốt. Hãy can đảm nói sự thật với tinh thần khách quan.

- Chúng tôi mang anh chị em trong kinh nguyện những người đang chịu đau khổ trong thân xác, linh hồn và tinh thần, những người bị áp bức, phải rời bỏ quê hương, bị bách hại, các tù nhân và những người đang bị cầm giữ. Hãy kết hiệp những đau khổ của anh chị em với đau khổ của Chúa Kitô Ðấng Cứu Chuộc và hãy tìm trong thập giá của Ngài lòng kiên nhẫn và sức mạnh. Nhờ những công phúc do các đau khổ của mình, anh chị em đạt được cho thế giới tình thương yêu từ bi của Thiên Chúa.

- Chúng tôi chào từng người trong các gia đình Kitô của anh chị em và với lòng quí mến, chúng tôi nhìn ơn gọi và sứ mạng của các gia đình là tế bào sinh động của xã hội, là trường học tự nhiên về các nhân đức và các giá trị luân lý đạo đức và nhân bản, và là Giáo Hội tại gia, dạy cầu nguyện và đức tin, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng tôi cám ơn các cha mẹ và các ông bà vì giáo dục con cháu, noi gương thiếu nhi Giêsu "càng thêm tuổi càng thêm không ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và loài người" (Lc 2,52). Chúng tôi dấn thân bảo vệ gia đình qua việc mục vụ gia đình nhờ các lớp chuẩn bị hôn nhân và các trung tâm tiếp đón, tư vấn mở cho mọi người, nhất là các cặp vợ chồng gặp khó khăn, và chúng tôi đòi hỏi các quyền căn bản của gia đình.

Các nghị phụ Thượng cũng gửi những lời khích lệ và bênh vực chị em phụ nữ, các trẻ em, trào tham các vị hữu trách các trường Công Giáo và các trung tâm giáo dục khác. Các vị không quên các tín hữu Công Giáo đã di cư ra nước ngoài và viết:

Gửi các tín hữu của chúng tôi ở hải ngoại

5. Xuất cư đã trở thành một hiện tượng chung. Kitô hữu, người Hồi giáo và Do thái xuất cư và vì cùng những nguyên nhân do tình trạng bất ổn về chính trị và kinh tế. Ngoài ra, Ktiô hữu bắt đầu cảm thấy bất an, tuy ở các cấp độ khác nhau, tại các nước Trung Ðông. Các tín hữu Kitô hãy tin tưởng nơi tương lai và tiếp tục sống tại quê hương yêu quí của mình.

Chúng tôi chào thăm các tín hữu rất quí mến tại các nước khác nhau. Chúng tôi xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Chúng tôi xin anh chị em hãy giữ cho luôn sinh động trong tâm trí và trong những quan tâm của anh chị em những kỷ niệm về tổ quốc và Giáo Hội của anh chị em. Anh chị em có thể góp phần vào sự tiến triển và tăng trưởng của quê hương đất nước và Giáo Hội nguyên quán bằng lời cầu nguyện, bằng tư tưởng, các cuộc viếng thăm và bằng nhiều phương thế khác, dù anh chị em ở xa.

Hãy luôn bảo tồn những thiện ích và đất đai mà anh chị em có tại quê hương, đừng bội bỏ hoặc bán chúng đi. Hãy giữ gìn tài sản như một gia sản cho anh chị em và một phần tổ quốc ấy mà anh chị em vẫn gắn bó, yêu mến và nâng đỡ. Lãnh thổ thuộc về căn tính và sứ mạng của một người, nó là môi trường không gian sinh tử cho những người ở lại và những người một ngày kia sẽ trở về. Ðất đai là một thiện ích công cộng, một thiện ích của cộng đoàn, một gia sản chung, Nó không thể bị thu hẹp vào những lợi lộc cá nhân từ phía những người sở hữu đất đai và một mình quyết định tùy ý giữ hay bỏ đi đất đai. (....)

Các nghị phụ cũng ngỏ lời với các tín hữu nhập cư làm việc tại Trung Ðông, và các cộng đồng Chính Thống và Tin Lành, việc cộng tác và đối thoại với người Do thái và Hồi giáo.

VI. Sự tham gia của chúng ta vào đời sống công cộng: những lời kêu gọi chính quyền và các vị hữu trách của đất nước:

10. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của quí vị dành cho cho công ích và phục vụ xã hội chúng ta. Chúng tôi tháp tùng quí vị bằng lời cầu nguyện và xin Thiên Chúa hướng dẫn bước đường của quí vị. Chúng tôi ngỏ lời với quí vị về tầm quan trọng của sự bình đẳng giữa mọi công dân. Các tín hữu Kitô là những công dân nguyên thủy và đích thực,trung thành với tổ quốc của họ và trung tín đối với mọi nghĩa vụ quốc gia. Ðiều tự nhiên là họ có thể được mọi quyềncông dân, tự do lương tâm và phụng tự, tự do trong lãnh vực giảng dạy và giáo dục, cũng như trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông.

Chúng tôi thỉnh cầu quí vị hãy gia tăng nỗ lực để tái lập hòa bình công chính và lâu bền trong toàn vùng Trung Ðộng và để chấm dứt cuộc chạy đua võ trang. Ðó là điều dẫn tới an ninh và thịnh vượng kinh tế, chấm dứt sự xuất huyết do việc xuất cư làm cho các đất nước chúng ta bị mất đi những sức lực sinh tử. Hòa bình là một hồng ân quí giá mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người và những "kiến tạo hòa bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9)

VII. Kêu gọi cộng đồng quốc tế

11. Công dân của các nước Trung Ðông đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, hãy làm việc chân thành cho mọt giải pháp hòa bình công chính và chung kết trong vùng Trung Ðông và qua việc áp dụng các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, để chấm dứt sự chiếm đóng trên các lãnh thổ khác nhau của Arập.

Như thế, nhân dân Palestine có thể có một tổ quốc độc lập và có chủ quyền, có thể sống tại đó trong phẩm giá và ổn định. Quốc gia Israel có được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được quốc tế nhìnnhận. Thành Thánh Jerusalem có thể tìmđ ược một qui chế đúng đắn tôn trọng đặc tính của mình, sự thánh thiêng, gia sản tôn giáo đối với mỗi đạo trong ba tôn giáo Do thái, Kitô và Hồi giáo. Chúng tôi hy vọng giải pháp hai quốc gia trở thành thực tại và không phải chỉ là một giấc mơ mà thôi.

Irak có thể chấm dứt những hậu quả của cuộc chiến tranh sát nhân và tái lập an ninh bảo vệ mọi công dân của mình với tất cả mọi thành phần xã hội, tôn giáo và chủng tộc.

Liban có thể được hưởng chủ quyền trên lãnh thổ của mình, củng cố sự đoàn kết quốc gia và tiếp tục ơn gọi là một kiểu mẫu sống chung giữa cac tín hữu Kitô và Hồi giáo, qua việc đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo, và thăng tiến tự do công cộng.

Chúng tôi lên án bạo lực và khủng bố, bất kỳ từ đâu tới, và bất kỳ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo nào. Chúng tôi lên án mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bài Do thái, bài Kitô giáo, ghét bỏ Hồi giáo và chúng tôi kêu gọi các tôn giáo hãy đảm nhận trách nhiệm của mình trong việc thăng tiến đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh trong vùng Trung Ðông và trên thế giới.

Trong phần kết luận, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông nhìn nhận rằng "cho đến nay chúng tôi chưa làm tất cả những gì trong khả năng của mình để sống tốt đẹp sự hiệp thông giữa các cộng đoàn. Chúng tôi đã không hoạt động đủ để củng cố anh chị em tín hữu trong đức tin va mang lại cho họ lương thực tinh thần mà họ cần giữa những khó khăn. Chúa mời gọi chúng ta hãy hoán cải bản thân và tập thể.

Ngày hôm nay, chúng tôi lại đầy niềm hy vọng, can đảm và quyết tâm, mang sứ điệp này của Thượng Hội Ðồng Giám Mục và những đề nghị để cùng nhau nghiên cứu và mang ra thực hành trong các Giáo Hội chúng ta, mỗi người theo bậc của mình. Chúng tôi hy vọng rằng nỗ lực mới này có tính chất đại kết.

Chúng tôi gửi đến anh chị em lời kêu gọi khiêm tốn và chân thành này để cùng nhau chúng ta chia sẻ con đường hoán cải hầu để cho mình được ơn của Chúa Thánh Linh đổi mới và trở về cùng Thiên Chúa.

 

G. Trần Ðức Anh OP chuyển ý

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page