Một số đề nghị tại Thượng hội đồng

Giám mục thế giới về Trung Ðông

 

Một số đề nghị tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông.

Roma [Chiesa on line 19/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo dự trù, thứ Bảy 23 tháng 10 năm 2010, các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông sẽ biểu quyết danh sách các đề nghị và đệ trình lên Ðức thánh cha Benedicto XVI để ngài dựa vào đó soạn thảo tông huấn hậu Thượng hội đồng.

Trong hai tuần lễ vừa qua, các nghị phụ đã nói lên được tâm tư và nguyện vọng của mình về tình trạng các tín hữu Kitô tại Trung Ðông. Hiện tượng rõ nét nhứt được hầu hết các nghị phụ nêu lên tại Thượng hội đồng là tình trạng bỏ nước ra đi của các tín hữu Kitô. Trải dài trên vùng đất từ Ai cập đến Iran, hiện có khoảng 12 triệu tín hữu thuộc các Giáo hội đông phương. Trong khi đó có đến 7 triệu sống tại những nơi khác.

Tuy nhiên, một hiện tượng ngược lại cũng được ghi nhận: Theo hai vị đại diện tông tòa tại vùng Vịnh là Ðức cha Paul Hinder và Ðức cha Camillo Ballin, đã có khoảng 3 triệu người Công giáo từ khắp nơi, nhứt là từ Phi luật tân và Ấn độ đến Trung đông để tìm kiếm công ăn việc làm.

Thông thường khi mô tả những điều kiện sống của các tín hữu Kitô trong những nước Hồi giáo tại Trung đông, các Ðức giám mục thường tỏ ra rất dè dặt và cân nhắc từng tiếng. Tuy nhiên cũng có một vài luật trừ. Trước hết là lời phát biểu của vị đại diện tòa Thượng phụ Babylone tại Jordan. Vị đại diện này nói rằng "hiện đang có một chiến dịch nhằm trục xuất các tín hữu Kitô ra khỏi vùng này". Ngài nói rằng đây là những "chương trình của Quỷ Satan" do các nhóm hồi giáo cực đoan đề ra nhắm vào các tín hữu Kitô không những tại Iraq mà còn trong toàn vùng Trung Ðông.

Ðức cha Thomas Meran, Tổng giám mục Công giáo Calde tại Urmya, Iran, đã không ngần ngại trích dẫn thánh vịnh của vua David như sau: "vì Chúa chúng con bị tàn sát mỗi ngày". Vị Tổng giám mục này nói rằng hàng ngày các tín hữu Kitô đều nghe ra rả trên các loa phóng thanh, trên màn ảnh truyền hình và trên báo chí rằng họ là những "kẻ vô đạo" và do đó bị đối xử như những công dân hạng hai.

Trong khi các nghị phụ mô tả tình trạng của các tín hữu Kitô như thế thì một người khách mời đặc biệt tại Thượng hội đồng là giáo sĩ Hồi giáo Iran, ông Seyed Mostafa Mohaghegh Ahmadabadi lại rêu rao rằng tại nhiều nước Hồi giáo, nhứt là tại Iran, các tín hữu Kitô chung sống hòa bình bên cạnh người anh em Hồi giáo. Tất cả đều hưởng được mọi quyền lợi như mọi công dân khác và hoàn toàn được tự do để thực hành tôn giáo của mình.

Nhưng Thượng hội đồng Giám mục không chỉ là nơi để các nghị phụ thố lộ tâm tình về cuộc sống bi đát của các tín hữu Kitô tại các nước Hồi giáo. Các ngài cũng đưa ra nhiều đề nghị đòi hỏi phải có thay đổi bên trong Giáo hội.

Một trong những than phiền đáng chú ý nhứt là tình trạng thiếu hiệp nhứt của Giáo hội Công giáo tại Trung đông. Hiện nay tại Trung đông có 5 nghi lễ lớn là Alexandria, Antiokia, Armeni, Calde và Byzantin. Ngoài ra còn có nhiều nghi lễ khác vốn tạo ra chia rẽ, hiểu lầm và ngay cả cô lập hơn là làm giàu cho nhau.

Ðức cha Ramzi Garmou, Tổng giám mục thuộc nghi lễ Calde tại Tehran, Iran, cảnh cáo rằng "một Giáo hội duy sắc tộc và quốc gia là điều đi ngược lại với hoạt động của Chúa Thánh Thần". Vị Tổng giám mục này đã có lý để đưa ra lời cảnh cáo trên đây.

Về phần mình, Ðức cha Kyrillos William, Giám mục Copte tại Assiut, Ai cập, lại tố cáo các Giám mục thuộc nghi lễ Latinh, bởi vì khi cử hành phụng vụ bằng tiếng Á rập, các vị "lôi kéo các tín hữu Copte và làm cho họ xa lìa Giáo hội của mình".

Nhiều nghị phụ khác cũng nói đến những chia rẽ trong nội bộ các Giáo hội đông phương.

Tóm lại, các nghị phụ đã kêu gọi các Giáo hội Công giáo trong vùng nên hiệp nhứt với nhau hơn cũng như đẩy mạnh cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống và Tin lành trong vùng. Một cách đặc biệt, các vị đề nghị các Giáo hội tại đông phương nên thống nhứt với nhau về một ngày cử hành lễ Phục Sinh.

Loạt đề nghị thứ hai được đề ra nhiều nhứt tại Thượng hội đồng là: việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu đông phương hiện đang sống ở hải ngoại, vai trò của các vị Thượng phụ và mối quan hệ của các ngài với Tòa thánh.

Trên nguyên tắc, các vị Thượng phụ và Giám mục chỉ có quyền tài phán trên lãnh thổ của mình chứ không đối với các tín hữu đã di dân ra nước ngoài. Nhưng trong một số trường hợp, con số những người bỏ nước ra đi lại nhiều hơn những người còn lại trong xứ sở; nếu không được chăm sóc, họ sẽ đánh mất truyền thống của Giáo hội đông phương. Do đó, nhiều nghị phụ yêu cầu Tòa thánh nhìn nhận quyền tài phán của các Thượng phụ và Giám mục đông phương đối với các tín hữu của mình, dù họ đang sống ở hải ngoại.

Cùng với yêu cầu này, một số nghị phụ cũng xin cho các linh mục có gia đình được đến chăm sóc mục vụ cho các tín hữu hải ngoại. Tại Tây phương, nơi các linh mục phải giữ luật độc thân, các linh mục có gia đình không được phép hoạt động mục vụ.

Riêng về vai trò của các Thượng phụ, nhiều nghị phụ yêu cầu "trả lại" quyền cho các Thượng phụ giống như trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Một cách đặc biệt, nhiều nghị phụ yêu cầu xem các Thượng phụ như "đương nhiên" là thành viên của Hồng y đoàn, nghĩa là được quyền vào mật nghị bầu Giáo hoàng.

Loạt đề nghị thứ ba được đưa ra tại Thượng hội đồng liên quan đến sự cần thiết "phải can đảm đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong các nước Hồi giáo". Ðức cha Youhannes Zakaria, Giám mục copte tại Luxor, Ai cập nói rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, "Giáo hội của chúng ta không nên sợ hãi hay xấu hổ. Giáo hội không nên ngần ngại tuân theo mệnh lệnh của Chúa là phai rao giảng Tin Mừng".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page