Lễ an táng Ðức cha

Emmanuel Lê Phong Thuận

 

Lễ an táng Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận.

Cần Thơ, Việt Nam (21.10.2010) - 5g chiều Chúa nhật 17 tháng 10 năm 2010, tất cả các nhà thờ trong giáo phận Cần Thơ đồng loạt vang lên hồi chuông báo tử, đồng thời treo cờ tang và băng rôn với hàng chữ: Thương nhớ Ðức cha Emmanuel, Giám mục Giáo phận Cần Thơ.


Lễ an táng Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận.


Mặc dầu mọi người đều biết bệnh tình của Ðức cha đã kéo dài từ lâu và đây là giây phút ngài được về yên nghỉ bên Chúa, nhưng ai cũng cảm thấy ngậm ngùi thương nhớ một vị cha chung, với bề dầy lịch sử: 35 năm trong chức vụ giám mục, 15 năm là giám mục phó và 20 năm là giám mục chính toà. Ngài là vị giám mục thứ tư của giáo phận Cần Thơ, sau Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền và Ðức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang. Ngài đã lặn lội đến từng họ đạo của vùng sông nuớc Cửu Long với bạt ngàn kênh rạch lớn nhỏ ngay từ khi còn là giám mục phó và nhất là trong những nơi và những giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp; ngài đã kiên trì và hy sinh để đến với đoàn chiên. Mỗi lần đến ban bí tích Thêm Sức, ngài đều ở lại qua đêm với giáo xứ, gặp gỡ từng giới: gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi; tiếp xúc với những ai có vấn đề cần giải đáp, chia vui sẻ buồn với tất cả mọi người. Có thể nói không họ đạo nào trong giáo phận Cần Thơ mà không đầy ắp những kỷ niệm về ngài.

Ngày 18 tháng 10 năm 2010, 9g sáng là nghi lễ tẩm liệm, sau đó đoàn xe tang đã đưa linh cữu Ðức cha Emmanuel đến nhà thờ Chính Toà Cần Thơ để mọi người có thể kính viếng. Theo thông báo của Tòa giám mục: không có phúng điếu và vòng hoa, nhưng bù lại là hoa của những tấm lòng con thảo: ngoài hạt Cần Thơ với công tác tổ chức tang lễ, 6 hạt còn lại: Vị Thanh, Trà Lồng, Ðại Hải, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thay phiên nhau trực bên linh cữu với các đại diện gia trưởng, hiền mẫu, cùng với các thầy Ðại chủng viện và các tu sĩ trong 3 ngày từ 18 đến 20 tháng 10 năm 2010.

Trong những ngày này có rất nhiều linh muc, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài giáo phận đến kính viếng và cầu nguyện cho Ðức cha Emmanuel. Vào mỗi đầu giờ đều có Thánh lễ. Ðặc biệt chính quyền các cấp từ Trung ương, Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đều có đoàn đến kính viếng. Ngoài ra còn có các đại diện của các tôn giáo bạn.

Ngày thứ Năm 21 tháng 10 năm 2010 từ sáng sớm đại diện các họ đạo từ khắp nơi trong giáo phận đã lần luợt tụ về để tiễn đưa người cha chung của giáo phận.

Ðúng 9g sáng đoàn đồng tế gồm Ðức Hồng y Tổng giáo phận Saigòn và 20 giám mục thuộc 3 giáo tỉnh và khoảng 350 linh mục trong và ngoài giáo phận tiến vào nhà thờ để cử hành thánh lễ. Cùng tham dự thánh lễ còn có khoảng hơn 5,000 giáo dân, tất cả đều mang khăn tang trắng. Vì không đủ chỗ nên đa số phải theo dõi thánh lễ ngoài nhà thờ qua các màn ảnh truyền hình.

Trước khi cử hành thánh lễ, cha Tổng đại diện giáo phận Cần Thơ đọc điện văn của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh và điện thư của Bộ Phúc Âm hoá Các Dân tộc phân ưu với giáo phận Cần Thơ.

Trong lời mở đầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn chủ tế với tư cách thay mặt các giám mục Việt Nam có đôi lời phân ưu với giáo phận Cần Thơ và với tư cách là một người con của giáo phận Cần Thơ, ngài tỏ lòng tri ân Ðức cha Emmanuel mà ngài xem như một mẫu gương một "mục tử tận tuỵ, tận tình" đồng thời cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Ðức cha Stêphanô Tân giám mục chính Toà Cần Thơ và tất cả các giám mục Việt Nam được ơn sức mạnh và khôn ngoan để có thể trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Sau bài Phúc âm, Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương chia sẻ về cái chết của Chúa Giêsu để tôn vinh danh Cha và ngài đã minh hoạ cuộc đời Ðức cha Emmanuel như một sự theo chân Chúa Giêsu, luôn "nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài" như khẩu hiệu giám mục của Ðức cha Emmanuel để hiện diện với dân Chúa "trên từng cây số", và nhất là trong những ngày cuối đời "ngài bị đóng đinh ngồi suốt ngày đêm trên chiếc xe lăn" để rồi hôm nay có thể nói như Chúa Giêsu "mọi sự đã hoàn tất". Kết thúc bài giảng, Ðức cha Antôn trích dẫn thư thánh Phaolô gởi cho Timôthê như một tâm tình của Ðức cha Emmanuel gởi đến mọi người:

"Vì Tin Mừng, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích. Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Ðức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời, vì Ngài luôn trung tín không bao giờ chối bỏ ta" (2Tm 2, 9-13).

Sau thánh lễ, thi hài Ðức cha Emmannuel được an táng phía bên trái cung thánh nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ.

Mọi người ra về, có bà con phát biểu rằng chưa bao giờ thấy nhiều giám mục như thế, nhưng có người lại bảo: Hãy cầu nguyện nhiều cho các giám mục, trách nhiệm của các ngài nặng nề lắm.

 

Bài Giảng Lễ An táng Ðức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận

Cần Thơ, 21.10.2010

Kính thưa Ðức Hồng Y, quý Ðức Cha, quý Cha, quý Khách, quý Tu sĩ, Chủng sinh, và toàn thể quý Ông Bà Anh Chị Em,


Lễ an táng Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận.


Như một người con của giáo phận Cần Thơ về chịu tang cha, như một người anh em được hiệp thông với Ðức Cha Stêphanô trong những ngày đại tang này, con xin phép được chia sẻ vài cảm nghiệm trong Thánh lễ An táng Ðức Cha Emmanuel hôm nay.

Mới cách đây 4 tháng, giáo phận Cần Thơ mừng thượng thọ bát tuần, mừng 50 năm linh mục, 35 năm giám mục của Ðức Cha Emmanuel, thế mà hôm nay Người đã ra đi trước chúng ta.

Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật của nhân sinh, và đối với những người tin vào Thiên Chúa là Ðấng Hằng Sống, tin vào Chúa Giêsu Kitô là Ðấng đã chiến thắng sự chết, thì cuộc sống và cái chết còn là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Thật vậy, suốt cả cuộc đời đi tìm hạnh phúc, tất cả vì hạnh phúc của con người, chẳng lẽ ước vọng chính đáng một cuộc sống hạnh phúc lại kết thúc bằng sự bất hạnh là cái chết sao ?!

Dân ta thường nói: "sống gửi, thác về". Dân Chúa thường nói: chết là "về với Chúa", "được Chúa gọi về". Ðó cũng là niềm tin và hy vọng mà tác giả sách Aica, trong bài đọc 1, đã tuyên xưng vào "Ðức Chúa là phần sản nghiệp của tôi, vì thế nơi Người, tôi trông cậy" (Ac 3,24). Ðó cũng là niềm tin và hy vọng vào sự sống bất diệt mà Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng, đã dùng một hình ảnh dễ hiểu để diễn tả: "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24). Ở đây, Chúa Giêsu nói đến cái chết nói chung, và đặc biệt nói đến cái chết của Người, mà Thánh Phaolô Tông đồ, trong bài đọc 2, trích thư gửi Timôthê, đã khẳng định: "Ðây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11). Ðó cũng là ý lời Thánh Vịnh 90 và 62 được nhắc nhớ: "Nương cánh Chúa chẳng hãi hùng đêm vắng" - "Núp bóng Ngài luôn hớn hở reo vui".

Ðức Cha Emmanuel đã cùng chết với Chúa Giêsu, nên chắc chắn Người được cùng sống với Chúa Giêsu trong cõi vĩnh phúc. Tất nhiên, đứng trước giờ chết mà Chúa Giêsu gọi là "giờ được tôn vinh", Ðức Cha Emmanuel cũng phải xao xuyến, và có thể cũng đã cầu nguyện như Chúa Giêsu: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha" (Ga 12, 27-28).

Ðức Cha Emmanuel đã đến vào giờ chết để tôn vinh Danh Cha, sau một cuộc sống dài gần gấp ba cuộc sống của Chúa Giêsu trên trần thế này. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu nói: "Mọi sự đã hoàn tất", nghĩa là hoàn tất một cuộc sống nhằm vinh Danh Cha. Chính vì mục tiêu đó mà Chúa Giêsu đã đến sống giữa thế gian và đã chết để cứu thế gian. Người đích thực là "Emmanuel" (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), "chính nhờ Người, với Người, và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng".

Có thể nói, vị giám mục dòng họ Lê này đã đến và ở giữa giáo phận Cần Thơ để hiệp thông với Ðấng Emmanuel: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà nhiều năm qua giáo phận Cần Thơ đã làm được những điều tốt đẹp nhằm tôn vinh Danh Cha. Trong đường lối mục vụ, Người luôn là "Emmanuel"

- ở giữa mọi người không trừ ai -, nhưng đã không đánh mất căn tính "nhờ Ðức Kitô, trong Ðức Kitô, và với Ðức Kitô".

Ðức Cha Emmanuel đã đến với Cần Thơ từ giáo xứ Cồn Phước, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nay thuộc giáo phận Long Xuyên, là nơi Nguời được sinh ra làm con người và làm con Chúa năm 1930.

Ðức Cha Emmanuel đã đến từ tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, rồi Nam Vang, và đại chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, nơi ươm trồng ơn gọi làm linh mục, từ năm 1938 đến 1960.

Ðức Cha Emmanuel đã đến từ khi thụ phong linh mục tại nhà thờ chánh toà Cần Thơ năm 1960, do Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt tay.

Ðức Cha Emmanuel đã đến từ Rôma và Ðức quốc sau thời gian tu nghiệp từ năm 1964 đến 1970.

Ðặc biệt, Ðức Cha Emmanuel đã đến từ khi thụ phong giám mục phó giáo phận Cần Thơ năm 1975, và khi kế vị Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang vào năm 1990.

Sau 80 năm tuổi đời, 50 năm tuổi linh mục, 35 tuổi giám mục, hôm nay Ðức Cha Emmanuel có thể nói như Chúa Giêsu: "Mọi sự đã hoàn tất". Người đã hoàn tất sau một thời gian dài khỏe mạnh thi hành sứ vụ, cũng như một thời gian khá lâu như bị "đóng đinh ngồi" trên xe lăn suốt ngày đêm. Xem ra đối với Ðức Cha Emmanuel, điều quan trọng không hệ tại cái "làm", mà hệ tại cái "là", hệ tại sự hiện diện của Người ở khắp mọi nơi, "trên từng cây số", và ngay cả trên "ghế bệnh" nữa. Chính đấng kế vị Người là Ðức Cha Stêphanô dường như cũng cảm thấy cần đến sự hiện diện của Người cho đến "giờ" của Người.

Chúng ta tin vào lời Chúa Giêsu: "Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó" (Ga 12, 26), để cùng với Ðức Cha Emmanuel tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã trung tín theo Chúa, đã phục vụ Chúa như lời Ðức Hồng Y nói lúc đầu lễ cách "tận tụy, tận tình", và nay đã được Chúa gọi về.

Chúng ta cầu nguyện cho Ðức Cha Emmanuel được Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm của thân phận một con người.

Chúng ta cầu nguyện với Ðức Cha Emmanuel, xin Người bầu cử cùng Chúa cho thân bằng quyến thuộc, cho Giáo hội tại Việt Nam, cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, cho Ðức Cha Stêphanô và mọi thành phần Dân Chúa và dân chúng trong giáo phận Cần Thơ.

Sau cùng, chúng ta không quên lời Thánh Phaolô căn dặn Timôthê, coi như tâm tình của chính Ðức Cha Emmanuel: "Như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Ðức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời" (2 Tm 2, 9-10). Amen.

 

VP TGM Cần Thơ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page