Những thách đố của

Giáo hội tại Trung đông

 

Những thách đố của Giáo hội tại Trung đông.

Roma [La Croix 17/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông đã bước sang tuần lễ thứ hai. Thượng hội đồng sẽ kế thúc vào ngày Chúa Nhựt 24 tháng 10 năm 2010.

Theo ghi nhận của ký giả Frederic Mounier của nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix", Thượng hội đồng đã diễn ra với một tuần lễ làm việc trong bầu khí "sôi nổi", đượm mầu sắc "đông phương". Hôm thứ Bảy 16 tháng 10 năm 2010, đã có trên 40 vị nghị phụ phát biểu một cách sôi nổi và hăng say đến độ 40 vị khác không có cơ hội lên tiếng. Ðối tượng của các cuộc thảo luận là sứ điệp chung kết gồm 12 điểm sẽ được cho công bố vào lúc bế mạc Thượng hội đồng. Mặc dù có tính cách thuần mục vụ, sứ điệp chung kết chắc chắn không thể không đề cập đến bối cảnh chính trị xã hội tại Trung đông.

Tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần này có tất cả 173 nghị phụ. Cho đến nay, đã có trên 120 bài phát biểu. Trong tuần lễ đầu tiên, mỗi ngày từ 6 giờ đến 7 giờ chiều, trước mặt Ðức thánh cha Benedicto XVI, các nghị phụ đã tự do phát biểu về mọi vấn đề, khó khăn, thách đố và lo sợ của người Công giáo tại Trung đông.

Nổi cợm nhứt trong các vấn đề là tự do lương tâm và cải đạo. Câu hỏi được đặt ra là: có nên cứng rắn để đòi hỏi tự do này không? Ðức hồng y Jean Louis Tauran, người Pháp, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn đã trả lời: "Chúng ta không nên quá nhút nhát để không những đòi hỏi tự do thờ phượng, mà cả tự do tôn giáo nữa. Xã hội và Nhà nước không được phép cưỡng bách bất cứ ai hành động ngược lại với lương tâm hay ngay ngăn cản họ hành động theo lương tâm của mình".

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn không đặt vấn đề về Hồi giáo, mà chỉ nhắm đến những chế độ đàn áp tự xưng là Hồi giáo.

Nhiều nghị phụ cũng phân biệt mối quan hệ với Nhà nước Israel và cuộc đối thoại Do thái và Kitô giáo.

Một số khác nhấn mạnh đến sự hiệp thông của Giáo hội tại Trung đông. Các vị có tuổi thì đề cao những khác biệt phong phú trong phụng vụ, lễ nghi và ngay cả việc dạy giáo lý. Các vị trẻ hơn thì lại kêu gọi biên soạn một quyển giáo lý chung, ngay cả thành lập những chủng viện chung. Nhiều vị nhìn nhận rằng trong những bối cảnh khác nhau cần phải nói lên cùng một tiếng nói chung. Chẳng hạn Ðức cha Guy Paul Noujaim, Giám mục phụ tá Maronit tại Sarba, Liban, ghi nhận rằng trong Giáo phận nhỏ bé của ngài ở miền Bắc thủ đô Beirut có đến 5 vị Giám mục Công giáo.

Ngoài ra, còn một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ: đó là quyền tối thượng của người kế vị thánh Phero và những điều kiện để thực thi quyền này. Trong tuần lễ vừa qua, nhiều nghị phụ cũng đã lên tiếng khẳng định địa vị "trổi vượt" của các vị Thượng phụ Ðông phương đối với các Hồng y. Các vị cho rằng "Hồng y" chỉ là một tước vị của riêng Giáo hội Công giáo La mã mà thôi.

Theo một số nghị phụ, các vị Thượng phụ đông phương phải đương nhiên được xem là là thành viên của Hồng y đoàn và có quyền được vào mật nghị bầu Giáo hoàng. Nhưng hiện nay, không có vị Thượng phụ nào nằm trong Hồng y đoàn cả. Một cách sâu xa hơn, Ðức hồng y William Levada, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, đã mở đường cho một cuộc duyệt xét lại về tác vụ của người kế vị thánh Phero. Ðây là vấn đề mà các đại diện của Chính thống giáo tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông rất chú tâm theo dõi. Tưởng cũng nên nhắc lại: tại phiên họp thường niên diễn ra tại Vienna, Áo quốc hồi tháng trước, Ủy ban thần học hổn hợp quốc tế Công giáo - Chính thống đã đạt được một thỏa thuận về vai trò lịch sử của Giám mục Roma trong thiên niên kỷ thứ nhứt. Tuy nhiên, đại diện của Giáo hội Chính thống Nga lại phủ nhận tính tối thượng của Giám mục Roma và cho rằng trong thiên niên kỷ thứ nhứt, Giám mục Roma không hề có bất cứ quyền tài phán nào trên các Tòa thượng phụ đông phương. Theo vị đại diện của Giáo hội Chính thống Nga, Giám mục Roma chỉ được mời làm "trọng tài" mỗi khi có những tranh luận về thần học mà thôi.

Ngoài các vấn đề trên đây, trong suốt tuần lễ vừa qua, các nghị phụ tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông cũng đề cập đến một số vấn đề liên quan đến sự hiện hữu của cộng đồng Chính thống hải ngoại như Tây âu và Hoa kỳ. Các Thượng phụ yêu cầu Tòa thánh nhìn nhận quyền tài phán của mình trên cộng đồng Chính thống thuộc nhiều nghi lễ này. Một cách cụ thể, các vị Thượng phụ yêu cầu Tòa thánh nhìn nhận quyền được làm mục vụ của hàng giáo sĩ có gia đình tại các nước có truyền thống Latinh.

Cuối cùng, song song với hiện tượng bỏ nước ra đi của người Công giáo tại Trung đông, các vị nghị phụ cũng nói đến con số tín hữu đến từ các nước Á châu ngày càng gia tăng. Phần lớn các tín hữu Công giáo này là những di dân lao động đến từ Phi luật tân và Ấn độ. Ða số thuộc nghi lễ Latinh. Hiện tượng này cũng đặt ra nhiều thách đố mục vụ mới cho các Giáo hội Công giáo đông phương tại Trung đông.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page