Người hồi giáo cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ

đã sát hại Ðức cha Luigi Padovese

 

Người hồi giáo cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ đã sát hại Ðức cha Luigi Padovese.

Roma [CWN 15/10/2010] - Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng chính những người hồi giáo cực đoan đã sát hại Ðức cha Luigi Padovese hồi tháng 6 năm 2010.

Trong một bài phát biểu tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, Ðức cha Ruggero Franceschini, Tổng giám mục Izmir, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng vụ sát hại Ðức cha Luigi Padovese là một "hành động sát nhân có tính toán" do những phần tử hồi giáo cực đoan chủ mưu.

Ðức cha Franceschini giải thích rằng ngài cảm thấy có trách nhiệm phải nói lên sự thật về hành động sát nhân dã man này.

Liền sau khi Ðức cha Padovese bị người tài xế của ngài sát hại, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ tung tin về mối quan hệ đồng tính giữa hai người.

Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo những nguồn tin này. Ngài nói rằng chính những kẻ chủ mưu vụ sát hại Ðức cha Padovese tung ra những tin này.

Theo các nhân chứng, sau khi sát hại Ðức cha Padovese, viên tài xế đã hô những khẩu hiệu của Hồi giáo.

Ðược biết người tài xế này đã được Ðức cha Padovese mướn theo sự giới thiệu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù các động lực thúc đẩy vụ mưu sát chưa được làm sáng tỏ, các viên chức Giáo hội vẫn xác tín rằng kẻ sát nhân có liên hệ đến các nhóm hồi giáo cực đoan.

Theo ghi nhận của Ðức cha Franceschini, trước khi bị mưu sát, Ðức cha Padovese đã nhiều lần tố cáo các cuộc sát hại các tín hữu Kitô tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhứt là vụ sát hại cha Andrea Santoro.

Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các vụ sát hại xảy ra hàng loạt này "diễn ra với sự đồng lõa của phe ái quốc cực đoan và các nhóm hồi giáo quá khích".

Cũng tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, các nghị phụ kêu gọi tôn trọng quyền các Giáo hội Kitô thiểu số tại Trung đông.

Trong các buổi thảo luận trong hai ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2010, các nghị phụ Thượng hội đồng yêu cầu các chính phủ tại Trung đông chấm dứt kỳ thị đối với Kitô giáo.

Ðức hồng y Peter Kodwo Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình, nhấn mạnh rằng "các Giáo hội và các nhóm tôn giáo thiểu số tại Trung đông không nên bị kỳ thị, bạo hành, bôi nhọ hay bị khước từ giấy phép xây cất cá nơi thờ phượng hoặc tổ chức các buổi lễ công cộng".

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình, khi bảo vệ các tôn giáo khỏi bị xúc phạm, Liên hiệp quốc không nên chỉ nhắm tới hồi giáo tại Tây phương, mà còn phải chú ý đến Kitô giáo trong thế giới Hồi giáo nữa.

Về phần mình, cha Raymond Moussalli, Tổng đại diện Tòa thượng phụ Công giáo Calde Babylon, nhắc lại rằng tại Iraq, Giáo hội Calde đang là đối tượng "của một chiến dịch nhằm trục xuất các tín hữu Kitô ra khỏi đất nước". Cha Moussalli khẳng định rằng "bản sắc Calde không thể tách lìa khỏi dân tộc Iraq". Ngài nói: "Chúng tôi là thành phần của lịch sử và văn hóa của Trung đông; nếu chúng tôi bị buộc phải từ bỏ lịch sử và văn hóa này, chúng tôi sẽ đánh mất bản sắc của mình chỉ trong vòng một thế hệ".

Riêng ông Marco Impaglilazzo, chủ tịch cộng đồng thánh Egidio, cho rằng "chính vì lợi ích của các xã hội Hồi giáo mà các cộng đồng tín hữu Kitô cần phải hiện diện và tích cực hoạt động tại Trung đông". Theo ông, "nếu không có các tín hữu Kitô, Hồi giáo sẽ bị cô lập và trở nên cực đoan. Các tín hữu Kitô là một hình thức đối kháng với chủ nghĩa độc tài hồi giáo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page