Vài nhận định về các biến chuyển

tôn giáo tại Trung Quốc

 

Vài nhận định về các biến chuyển tôn giáo tại Trung Quốc.

Trung quốc [National Catholic Register 13/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chính quyền Hong kong đang tìm cách ngăn chận một cuộc gẫm đàng Thánh giá được dự trù diễn ra vào chiều thứ Bảy 16 tháng 10 năm 2010.

Theo dự trù, buổi gẫm đàng Thánh giá sẽ do Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun, cựu Giám mục Hong kong chủ sự và có mục đích kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo tại Lục địa. Dường như chính quyền của vùng bán tự trị này sợ "làm mất lòng" chính phủ cộng sản Trung Quốc, bởi vì buổi gẫm đàng Thánh giá được tổ chức một tuần lễ sau khi Ủy ban Nobel Nauy tuyên bố trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho ông Liu Xiaobo [Lưu Hiểu Ba]. Quyết định của Ủy ban Nobel Nauy đã khiến cho chính phủ cộng sản Trung Quốc phẩn nộ. Chính phủ này vẫn xem nhà bất đồng chính kiến Liu Xiaobo, tác giả của Hiến Chương 08, như một tội phạm.

Sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã được cả thế giới nhìn nhận. Ðầu năm 2010, nước này đã vượt qua Nhựt bản để chiếm giữ vị trí cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa kỳ. Thái độ chính thức của Trung quốc đối với tự do ngôn luận và tự do tôn giáo xem ra sẽ có một ý nghĩa đặc biệt trên chính trường quốc tế.

Ðối với người Công giáo, 3 năm sau khi Ðức thánh cha Benedicto XVI gởi thư cho người Công giáo Trung Quốc, dường như Tòa thánh và quốc gia cộng sản này đã đạt được một số thỏa thuận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn mà người Công giáo tại nước này đang phải đương đầu. Hiện vẫn còn hai vị Giám mục thuộc Giáo hội thầm lặng đang bị giam tù. Dạo tháng 7 năm 2010, Tòa thánh lẫn chính quyền Trung quốc đều phê chuẩn việc bổ nhiệm Ðức cha Antonio Xu Jiwei làm Giám mục Taizhou. Vị Giám mục này đã được tấn phong trước sự hiện diện của 4 vị Giám mục hiệp thông với Tòa thánh và được nhà nước nhìn nhận. Kể từ tháng 4 năm 2010, đã có 6 cuộc tấn phong Giám mục như thế diễn ra tại Trung quốc.

Nhiều người cho rằng các cuộc tấn phong Giám mục này được nhà nước cộng sản Trung quốc cho phép cử hành là để xoa dịu những căng thẳng tiếp theo vụ bắt giữ Ðức cha Julius Jia Zhiguo, Giám mục Zhengding hôm 30 tháng 3 năm 2010, chính ngày diễn ra phiên họp của Ủy ban Tòa thánh về Trung Quốc. Ủy ban này đã được Ðức thánh cha cho thành lập hồi năm 2007 để "nghiên cứu về những vấn đề rất quan trọng" đối với người Công giáo tại Trung Quốc. Ðây là lần thứ hai Ủy ban nhóm họp. Ngày 2 tháng 4, khi kết thúc phiên họp, Ủy ban đã cho công bố một thông cáo báo chí để nói rằng việc bắt giữ Ðức cha Zhiguo không phải là một trường hợp riêng rẽ; một số giáo sĩ khác cũng bị "tước đoạt quyền tự do" hay "chịu nhiều áp lực và giới hạn phi lý trong các hoạt động mục vụ".

Bà Marie Eve Reny, một người chuyên nghiên cứu về Giáo hội thầm lặng tại Trung quốc, nói rằng người Công giáo và các tín hữu Kitô khác tại đây không còn bị bách hại hằng ngày như trong quá khứ. Tuy nhiên, theo bà Reny, "nhiều linh mục Công giáo thuộc Giáo hội thầm lặng vẫn bị xách nhiễu, thẩm vấn và giam giữ" nếu các vị không chịu gia nhập vào các tổ chức "quốc doanh" như Hội công giáo ái quốc.

Trên cơ bản, Tòa thánh và Bộ chính trị Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ giữa hàng giáo sĩ Công giáo và nhà nước. Theo bà Reny, hiện đang giảng dạy tại đại học Toronto, Canada, "dưới mắt chính phủ trung ương, hòa giải có nghĩa là hàng giáo sĩ của Giáo hội thầm lặng phải được nhà nước kiểm soát, trong khi đó thì Giáo hội thầm lặng cho rằng hòa giải có nghĩa là tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước".

Những giải thích về văn hóa và lịch sử đôi khi chiếu rọi ánh sáng vào những quan điểm khác nhau ấy. Trung quốc nhìn nhận cha Matteo Ricci là một trong những người Tây phương có ảnh hưởng nhứt vì đã đứng ra bênh vực nền văn hóa Trung hoa khi nước này phải chịu các cường quốc thực dân hạ nhục. Việc kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của nhà truyền giáo dòng Tên này đã được đánh dấu bằng nhiều biến cố và cử hành.

Tuy nhiên, dạo tháng 5 năm 2010, Ðức thánh cha đã nói rõ ràng rằng "cha Ricci đến Trung quốc không phải để mang lại khoa học và văn hóa Tây phương, mà để mang đến Tin Mừng, để làm cho Thiên Chúa được biết".

Năm 1965, 14 năm sau khi Trung Quốc buộc người Công giáo phải cắt đứt quan hệ với Tòa thánh, Công đồng Vatican II đã cho công bố tuyên ngôn đòi hỏi tự do tôn giáo cho mọi người.

Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn còn duy trì những hạn chế về tự do tôn giáo. Theo bản báo cáo thường niên năm 2010 của Ủy ban Quốc Tế Tự do tôn giáo của Hoa kỳ, "chính quyền Trung quốc kiểm soát chặt chẽ mọi thực hành tôn giáo và đàn áp các hoạt động tôn giáo nào không nằm trong các tổ chức được nhà nước phê chuẩn".

Nhà nước cộng sản Trung quốc chủ trương rằng để duy trì sự ổn định xã hội, cần phải loại trừ mọi bất đồng chính kiến hay ít nhứt lèo lái các hoạt động này để giới hạn các căng thẳng xã hội hay chống đối nhà nước. Việc nhà nước cộng sản Trung quốc cho phép tấn phong Giám mục gần đây có thể được hiểu theo chủ trương ấy. Theo cha Bernardo Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Asianews, sở dĩ Bắc Kinh tỏ ra "uyển chuyển" hơn là vì họ hiểu rằng "các tín hữu Trung quốc ngày càng không chấp nhận những Giám mục nào không được Tòa thánh phê chuẩn".

Có thể đây là chủ trương mà chủ tịch Hồ Cẩm Ðào muốn bày tỏ trong bài diễn văn đọc trước bộ chính trị ngày 1 tháng 10 năm 2010, nhân ngày quốc khánh Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào nói rằng "cần phải đẩy mạnh các yếu tố hài hòa của xã hội tới mức tối đa".

Nhiều người cho rằng hiện có nhiều bất đồng trong giới lãnh đạo Trung quốc khiến cho Ðại hội của Hội công giáo ái quốc bị đình hoãn. Theo cha Michel Marcil, giám đốc Văn Phòng công giáo đặc trách về Trung quốc tại đại học Seton, Hoa kỳ, "Ðại hội của Hội công giáo ái quốc càng đình trệ, nó càng cho thấy có sự bất đồng nội bộ của Hội này", đồng thời cũng chứng tỏ sức mạnh của các Ðức giám mục hiệp thông với Ðức giáo hoàng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page