Ðức Thánh Cha và Thượng hội đồng

Giám mục thế giới về Trung đông

 

Ðức Thánh Cha và Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông.

Roma [Asianews 11/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI đã khai mạc Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông. Trong bài giảng trong thánh lễ khai mạc tại vương cung thánh đường thánh Phero hôm Chúa nhựt 10 tháng 10 năm 2010, Ðức thánh cha đã nhấn mạnh đến một số điểm có thể giúp chúng ta hiểu được tình hình xã hội và giáo hội tại Trung đông.

Cha Samir Khalil Samir, Dòng Tên, một nhà hồi giáo học nổi tiếng được Ðức thánh cha mời tham dự Thượng hội đồng, đã phân tách một số điểm nổi bật trong bài giảng của Ðức thánh cha.

Trước hết, Ðức thánh cha khẳng định rằng các tín hữu Kitô đã hiện diện tại Trung Ðông ngay từ những ngày đầu của lịch sử Kitô giáo.

Với ghi nhận này, Ðức thánh cha muốn nhấn mạnh đến bản chất tông truyền của các Giáo hội tại Trung Ðông và sự kiện các Giáo hội này vẫn còn sống động. Có 3 cộng đồng Kitô đã có mặt tại vùng này ngay từ thời Giáo hội tiên khởi. Trước hết là cộng đồng Antiokia: chính tại đây mà lần đầu tiên những người môn đệ của Chúa Kitô được gọi là "Kitô hữu". Kế đến là cộng đồng Gierusalem: đây là cộng đồng đã cảm nghiệm được sự kiện lịch sử của Chúa Giêsu và trực tiếp biết các thánh tông đồ. Cộng đồng thứ ba là cộng đồng Alexandria: đây là nơi thánh Marco tác giả sách Tin Mừng đã chịu tử đạo. Các cộng đồng này không lãnh nhận đức tin từ những nhà truyền giáo xuất phát từ Roma, mà từ chính các thánh tông đồ và như vậy làm chứng cho sứ điệp nguyên thủy. Do đó, đối với Giáo hội phổ quát, các cộng đồng Giáo hội này là một sức mạnh tinh thần quan trọng. Nếu các cộng đồng này biến mất thì đây sẽ là một mất mát lớn lao cho các tín hữu Kitô trên khắp thế giới.

Ðiểm thứ hai được Ðức thánh cha nhấn mạnh trong bài giảng của ngài là tính đa diện về văn hóa và tôn giáo của Trung đông. Ðức thánh cha nói: "Tại vùng đất này, Giáo hội của Chúa Kitô được diễn tả bằng nhiều truyền thống phụng vụ, tu đức, văn hóa và kỷ luật khác nhau".

Theo cha Samir, đây là điều cần được trân trọng. Hiện tại Trung đông có không dưới 7 tòa Thượng phụ và 7 truyền thống phụng vụ, văn hóa, tu đức, kỷ luật khác nhau. Theo cha Samir, xét về tín lý luôn có sự hiệp nhứt, nhưng về phương diện thần học lại có nhiều trường phái khác nhau làm nên kho tàng của đông phương. Chẳng hạn về chú giải có hai trường phái: một tại Alexandria có tính cách ẩn dụ và thần bí và một tại Antiokia, với lối chú giải thiên về văn phạm và từ chương hơn.

Ngay cả các lập trường thần học cũng đa diện. Và đương nhiên, những khác biệt trong cử hành phụng vụ là điều rõ ràng nhứt. Theo cha Samir, những khác biệt văn hóa tại Ðông phương vừa là một kho tàng phong phú vừa là một nguyên nhân tạo ra xung đột chính trị và thần học.

Trong khi đó tại Tây Phương chỉ có Roma, được xem như thủ đô văn hóa của Kitô giáo. Những thành phố khác không có trọng lượng về chính trị cũng như văn hóa. Trái lại, tại đông phương, ngay cả trước khi Kitô giáo xuất hiện, người ta cũng đã tìm thấy những trung tâm văn hóa quan trọng như Alexandria, Adessa, Gierusalem, Antiokia.

Ðối chiếu tính đa diện của đông phương và tính tập trung của Tây phương, cha Samir nói rằng thế nào tại Thượng hội đồng một số Giám mục cũng nêu lên vấn đề tối thượng của Ðức giáo hoàng. Một số vị cho rằng Roma quá xen vào nội bộ của mình và đôi khi không cần thiết. Một số khác lại nói rằng cần phải có một vị lãnh đạo duy nhứt để giải quyết vấn đề nhứt là khi gặp xung đột. Nhưng mọi người đều đồng ý rằng cần phải tôn trọng những khác biệt và văn hóa của đông phương. Chẳng hạn trong Giáo hội Công giáo đông phương, vừa có hàng giáo sĩ lập gia đình vừa có hàng giáo sĩ độc thân.

Theo cha Samir, đây là một trong những vấn đề mà Ðức thánh cha muốn đề cập tới. Cha Samir viết: "Nếu không có hiệp thông thì sẽ không có chứng từ. Chứng từ của chúng ta là hiệp thông. Như Tin Mừng đã nói: cứ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau. Nếu nghi lễ nào cũng nhấn mạnh đến tính đặc thù của mình, điều này có thể dẫn đến chia rẽ hay khinh thường người khác để bảo vệ nền văn hóa riêng của mình. Ðông phương nhấn mạnh đến tính đặc thù hơn là hiệp nhứt." Theo cha Samir, cần phải có sự cân bằng.

Hiện nay, ngay cả Tây Phương cũng quay về đặc thù: Ðức, Pháp, Tây ban nha.. đều nói đến những niềm tin riêng và những cách thế cai quản Giáo hội riêng của mình. Ðó là chưa kể đến các truyền thống Phi Châu và Á Châu.

Tại Hoa kỳ, người ta cũng nói đến những khuynh hướng đặc thù trong quan hệ nam nữ và đặt lại nhiều vấn đề. Trong những thập niên vừa qua, Liên hiệp Anh Giáo thế giới chia rẽ vì các Giáo hội tại Phi Châu không chấp nhận những quyết định của các Giáo hội tại Hoa kỳ và Anh quốc về vấn đề này.

Làm thế nào để duy trì sự hiệp nhứt của Giáo hội mà vẫn tôn trọng văn hóa của mỗi cộng đồng địa phương? Ðây là một vấn đề nền tảng và Giáo hội có thể học hỏi từ các Giáo hội đông phương. Tuy có nhiều truyền thống khác nhau, nhưng người Công giáo đông phương vẫn tôn trọng nguyên tắc của hiệp nhứt mà Giám mục Roma là biểu tượng.

Theo cha Samir, có thể gợi lên mô hình các Giáo hội Công giáo đông phương cho thế giới Chính thống. Nếu Chính thống giáo nhận ra "thực tại Công giáo" như được sống một cách phong phú và tích cực trong các Giáo hội Công giáo đông phương, thì họ có thể tiến gần đến hiệp nhứt hơn.

Cha Samir cho biết: tại Thượng hội đồng, một vị Giám mục đã nói với cha rằng nếu Chính thống giáo chỉ nhìn thấy sự hiệp nhứt trên phương diện "hành chánh" mà không như một quan hệ giữa các vị nghị phụ và Ðức giáo hoàng, thì họ sẽ xa lìa hiệp nhứt.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page