Phiên họp đầu tiên của

Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông

 

Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông.

Vatican (Vat. 11/10/2010) - Sau thánh lễ khai mạc trọng thể sáng Chúa nhật 10 tháng 10 năm 2010, thứ Hai 11 tháng 10 năm 2010, Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông đã nhóm phiên họp toàn thể đầu tiên tại thính đường Thượng Hội đồng Giám Mục ở nội thành Vatican lúc 9 giờ sáng trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha và dưới quyền chủ tọa của vị Chủ tịch thừa ủy là Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, người Argentina, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương.

Ðức Thánh Cha và các nghị phụ đã đọc kinh giờ Ba, và sau bài đọc ngắn trích từ sách Khải Huyền, ngài đã trình bày một bài suy tư ứng khẩu về các thánh vịnh cũng như đoạn sách vừa đọc, trong đó có nói đến sự đau khổ của các chứng nhân của Chúa Kitô. Ðức Thánh Cha nói: "Thế giới ngày nay cũng đang bị các thần minh giả dối đe dọa. Chúng ta nghĩ đến những đại cường trong lịch sử và ngày nay, chúng ta nghĩ đến những tư bản vô danh đang nô lệ hóa con người, hành hạ và giết hại con người. Ðó là những quyền lực hủy hoại đang đe dọa thế giới. Thế giới đang bị đe dọa vì quyền lực của những ý thức hệ khủng bố cho rằng mình hành động nhân danh Thiên Chúa. Quyền lực đó cũng có thể là ma túy".

Ðức Thánh Cha cũng nói đến thời kỳ nguyên thủy của Kitô giáo, trong đó máu các vị tử đạo đã giải trừ quyền lực của các thần minh giả dối, bắt đầu từ các hoàng đế được tôn thờ như thần minh. Ngài cũng nhấn mạnh rằng cần có máu của các vị tử đạo, nỗi đau khổ của Mẹ Giáo Hội, có sức làm sụp đổ các thần tượng giả dối và biến đổi thế giới".

Tường trình của Ðức Tổng Giám Mục Eterovic

Sau lời chào mừng chính thức của Ðức Hồng Y Sandri, Chủ tịch thừa ủy, Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic người Croát, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám Mục, đã tường trình về diễn tiến việc triệu tập và tổ chức Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông.

Trước tiên, Ðức Tổng Giám Mục đặc biệt chào thăm các tham dự viên gồm 185 nghị phụ, trong đó có 159 vị tham dự do chức vụ và 17 vị do Ðức Thánh Cha bổ nhiệm. Trong số các nghị phụ có 9 Thượng Phụ, 19 Hồng Y, 65 Tổng Giám Mục chính tòa, 10 Tổng Giám Mục hiệu tòa, và 74 Giám Mục, 87 vị là tu sĩ, trong đó có 4 vị do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên. Xét về chức vụ, có 9 vị thủ lãnh các công nghị Giám Mục của các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương tự quản, 5 vị Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục quốc tế, và 14 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Ðức Tổng Giám Mục Eterovic cũng chào các đại biểu của 13 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội Kitô anh em, 36 chuyên gia và 34 dự thính viên.

Thống kê

Vị Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám Mục cũng trình bày một vài dữ kiện thống kê về tình hình Giáo Hội tại Trung Ðông. Danh từ Trung Ðông này, ngoài Jerusalem và các lãnh thổ của người Palestine, còn bao gồm 16 quốc gia, đó là Arập Sauđi, Bahrein, đảo Chypre, Ai Cập, Liên minh các Tiểu Vương Arập hiệp nhất, Iran, Irak, Israel, Giordani, Kuwait, Liban, Oman, Qatar, Siri, Thổ nhĩ kỳ và Yémen.

Ðây là một vùng rộng hơn 7 triệu 180 ngàn cây số vuông với 356 triệu dân cư, trong số này có 5 triệu 707 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 1.6% dân số. Các dữ kiện trên đây rút từ "Niên giám thống kê của Giáo Hội Công Giáo" ấn hành năm 2008 là ấn bản mới nhất, xuất bản trong năm nay (2010). Tuy nhiên, có được những dữ kiện đáng tin cậy về con số các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau ở Trung Ðông không phải là điều dễ dàng. Số Kitô hữu được ước lượng vào khoảng 20 triệu người, tức là 5.62%. Tuy con số này chỉ là tương đối nhưng nó cũng cho thấy tình trạng thiểu số của các Kitô hữu trong một vùng đại đa số theo Hồi giáo, ngoại trừ trường hợp Israel, trong đó người Do thái chiếm 75.6%, Hồi giáo chiếm 16.7%, Kitô hữu chiếm 2.1%, người Druzes chiếm 1.6% và những người khác chiếm 4%.

Ðức Tổng Giám Mục Eterovic cũng nói đến sự suy giảm mạnh mẽ con số các tín hữu Kitô bản xứ tại Trung Ðông, tuy nhiên, nhờ sự nhập cư của các tín hữu Kitô công nhân viên từ các miền khác đến đây, tại một số quốc gia có sự tăng mạnh của các Kitô hữu. "Ðây là một trong những dấu chỉ thời đại mà toàn thể Giáo Hội và các vị chủ chăn tại Trung Ðông phải lượng định một cách thích hợp".

Diễn tiến chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục

Tiếp tục bài tường trình, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám Mục nói đến tiến trình của công nghị Giám Mục này, từ khi Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 thông báo quyết định triệu Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông trong cuộc gặp gỡ ngày 19 tháng 9 năm 2009 các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương tự quản. Ý tưởng triệu tập công nghị này do hai động thái thúc đẩy: một đàng nhiều Giám Mục, nhất là tại những vùng sôi động nhất ở Trung Ðông như Irak, đã xin Ðức Thánh Cha triệu tập các Giám Mục trong vùng để nghe những tin tức trực tiếp về tình hình nhiều khi bi thảm của các tín hữu Kitô, để tìm hiểu xem đâu là những phương thế khả dĩ cải tiến tình hình, bắt đầu từ sự hiệp thông trong nội bộ các Giáo Hội và giữa các Giáo Hội với nhau. Một số vị Hồng y và Giám Chức thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, có những tiếp xúc thường xuyên với các vị chủ chăn và tín hữu tại Thánh Ðịa, cũng ủng hộ ý tưởng triệu tập công nghị các Giám Mục Trung Ðông.

Ðàng khác, trong các cuộc viếng thăm tại Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tại Giordani, Israel và Palestine, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cũng thấy tận mắt và cảm nghiệm niềm vui cũng như nỗi đau khổ của các Giáo Hội địa phương. Vì thế, ngài đón nhận ước muốn của các Giáo Hội ấy không muốn bị bỏ rơi lẻ loi, nhưng tăng cường tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ qua Giám Mục Roma. Việc loan báo triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông đã được thực hiện trong bầu không khí hiệp thông sâu xa giữa Ðức Thánh Cha với các vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương tự quản, trong cuộc gặp gỡ tại Castel Gandolfo.

Ðức Tổng Giám Mục Eterovic đã trình bày diễn tiến chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông, với việc thiết lập một hội đồng tiền Thượng Hội đồng Giám Mục để chuẩn bị các văn kiện liên hệ, sau khi Ðức Thánh Cha chọn đề tài cho công nghị Giám Mục này. Thành viên của Hội đồng gồm 7 vị Thượng Phụ, cùng với hai vị Chủ tịch các Hội Ðồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Hội đồng đã soạn tài liệu đề cương, Lineamenta, có kèm theo bản câu hỏi tham khảo ý kiến. Văn kiện này đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 19 tháng Giêng năm 2010 và gửi tới các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh, hiệp hội các Bề trên tổng quyền dòng nam và các cơ quan khác.

Mặc dù thời gian gấp rút, tỷ lệ các bản trả lời tương đối khả quan: 100% từ phía các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương tự quản và tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem. Cũng vậy đối với các Hội Ðồng Giám Mục và Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam. Trong số 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh, có 14 cơ quan gửi trả lời góp ý, tức là 56%.

Dựa vào các bản trả lời, tài liệu làm việc đã được Hội đồng tiền Thượng Hội đồng Giám Mục Trung đông soạn thảo và đã được Ðức Thánh Cha đích thân công bố hôm 7 tháng 6 năm 2010, trong cuộc viếng thăm mục vụ của ngài tại đảo Chypre.

Song song với tiến trình trên đây, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm các vị Hồng Y và Thượng Phụ chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Ðông và các chức sắc khác, như tổng Tường trình viên, tổng thư ký đặc biệt, 17 thành viên, các dự thính viên và chuyên viên theo đề nghị của Hội đồng chuẩn bị.

Phương pháp làm việc

Về phương pháp tiến hành Thượng Hội đồng Giám Mục hiện nay, Ðức Tổng Giám Mục Eterovic mời gọi mỗi nghị phụ và các tham dự viên hãy đọc kỹ lưỡng cuốn cẩm nang về Thượng Hội đồng Giám Mục. Cuốn này được ấn hành bằng 4 thứ tiếng là Arập, Pháp, Ý và Anh.

Tổng cộng công nghị Giám Mục này kéo dài 2 tuần lễ với 14 phiên họp toàn thể và 6 phiên họp nhóm.

Ðể nhiều người có thể phát biểu, mỗi nghị phụ có quyền lên tiếng tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám Mục với bài tham luận dài tối đa 5 phút. Các nghị phụ cũng có thể phát biểu trên giấy tờ và các bản này sẽ được cứu xét kỹ lưỡng và để ý tới khi đoạn các đề nghị và văn kiện.

Ngoài ra, để đào sâu thêm các đề tài trong chương trình nghị sự, vào cuối phiên họp toàn thể ban chiều, từ 6 đến 7 giờ, sẽ có 1 giờ thảo luận tự do. Các nghị phụ nào xin phát biểu thì được nói tối đa là 3 phút.

Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký nhắc nhở rằng cuộc thảo luận này chỉ được bàn về chủ đề của Thượng Hội đồng Giám Mục này, tức là "Giáo Hội Công Giáo tại Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá". Ðó là một đề tài rất quan trọng và nội dung phong phú, cần hải được đào sâu dưới những khía cạnh khác nhau về mặt Giáo Hội, và tìm cách đưa vào những sáng kiến mục vụ. Các vị Chủ tịch thừa ủy điều khiển phiên họp được yêu cầu chú ý để cuộc thảo luận không đi ra ngoài đề tài đã ấn định. Ngoài ra, trong cuộc thảo luận tự do, các nghị phụ nói buông chứ không đọc văn bản đã viết, như trường hợp bài tham luận chính thức trong các phiên họp toàn thể.

Ðể tránh việc lập lại các đề tài một cách vô ích, Ðức Tổng Giám Mục Eterovic xin các vị Thượng Phụ của các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương hãy thỏa thuận về những bài phát biểu của các thành phần Giáo Hội của mình để lập trường của mỗi Công nghị Giám Mục của Giáo Hội tự quản có thể được trình bày trung thực, toàn bộ, với sự khác biệt phong phú. Văn phòng Tổng thư ký sẽ làm sao để người ta có thể nghe được tiếng nói của tất cả các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương kể cả các Giáo Hội có ít Giám Mục. Ðể việc phát biểu được thi hành có trật tự, điều rất quan trọng là các nghị phụ sớm đăng ký để phát biểu.

Các đề nghị của các nghị phụ có thể viết bằng 1 trong 4 thứ tiếng chính thức của Công nghị Giám Mục này, có là Arập, Pháp, Ý, và Anh.

Sau cùng, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký nói đến sự hiện diện của các đại biểu anh em thuộc các Giáo hội và Cộng đồng Giáo Hội Kitô khác. Sự hiện diện của các đại biểu này thật là ý nghĩa vì các Giáo hội này cũng hiện diện tại Thánh Ðịa và Trung Ðông. Các vị ấy có thể lên tiếng tại phiên họp toàn thể cũng như trong các phiên họp nhóm.

Ðức Tổng Giám Mục Eterovic cho biết có 3 khách mời sẽ lên tiếng trong Thượng Hội đồng Giám Mục này, đó là Rabbi David Rosen, Giám đốc phân bộ liên tôn của Ủy ban Do thái Hoa Kỳ và Học Viện Do thái về thỏa thuộc quốc tế liên tôn ở Israel; tiếp đến là Ông Muhammad Al Sammak, thuộc Hồi giáo Sunnit, Cố vấn chính trị của Ðại giáo trưởng Hồi giáo Liban, và đại diện cho Hồi giáo Shiite có giáo sư Mohaghed Ahmadabadi, thuộc đại học Shahid Bereshti ở Téhéran, bên Iran. Việc mời 3 vị đại diện nói lên ý chí của Giáo Hội Công Giáo theo đuổi việc đối thoại với Do thái giáo, và tiếp tục đối thoại trong cuộc sống giữa các tín hữu Kitô và thế giới hồi giáo để mưu ích cho các tín hữu thuộc tôn giáo liên hệ, cũng như công ích của dân chúng tại Trung Ðông và trên thế giới.

Sau bài tường trình trên đây của Ðức Tổng Giám Mục Eterovic, Ðức Thượng Phụ Antonios Naguib, Thượng phụ thành Alessandria của các tín hữu Công Giáo Copte Ai Cập, trong tư cách là tổng tường trình viên, đã trình bày các vấn đề cần được bàn thảo trong công nghị Giám Mục Trung Ðông này.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page