Người Công giáo tại Israel
Người Công giáo tại Israel.
Trung đông [Chiesa on line 8/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Với chủ đề "Giáo hội Công giáo tại Trung đông: hiệp thông và làm chứng", Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông khai mạc tại Roma hôm Chúa nhựt 10 tháng 10 năm 2010 sẽ xem sự hiện diện của người Công giáo trong vùng này là vấn đề chính.
Nhiều tín hữu, hậu duệ của những cộng đồng Kitô giáo vốn đã có mặt tại vùng đất này trước khi Hồi giáo xuất hiện, đã bỏ nước ra đi hàng loạt. Những người còn ở lại rãi rác như tại miền Bắc Iraq chẳng hạn, để tự vệ, đành phải sống co cụm trong những khu vực riêng tại đồng bằng Niniveh. Tại các nơi khác, như vùng Vịnh chẳng hạn, nhiều người Công giáo, nhứt là từ Á châu, lại đổ xô đến tìm công ăn việc làm. Chỉ riêng tại Kuwait, hiện có khoảng hai triệu di dân lao động. Con số này gắp hai lần dân số nước này. Trong số này người ta ước tính có đến 350 ngàn người Công giáo, phần lớn đến từ Phi luật tân và Ấn độ. Làn sóng người di dân ồ ạt đến vùng Vịnh và Á rập Saudi khiến Tòa thánh phải nghiên cứu để vạch lại ranh giới của các phủ doãn tông tòa trong vùng. Hiện nay phủ doãn tông tòa Á rập bao trùm một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Á rập Saudi, Oman, Yemen, Vương quốc á rập thong nhứt, Qatar đến Bahrain.
Nhưng nói đến các tín hữu Kitô tại Trung đông, người ta không thể không nói đến người Công giáo tại Israel. Tình trạng của họ cũng phức tạp và gặp nhiều khó khăn không kém các tín hữu khác trong vùng này.
Trước hết, về tỷ lệ, dân số Công giáo trong ranh giới Israel có phần giảm sút, nhưng xét theo con số tuyệt đối, thì số người Công giáo tại đây lại gia tăng. Năm 1949, khi Israel mới lập quốc, số ngời Công giáo tại đây chỉ có khoảng 34 ngàn người. Vào năm 2008, con số này lên đến 150 ngàn người. Con số này gia tăng theo tỷ lệ gia tăng dân số của quốc gia Israel mà phần lớn là do các đợt di dân của người Do thái từ các nước cựu cộng sản.
Phần lớn người Công giáo tại Israel sinh sống ở miền Galilea. Tại Gierusalem chỉ có khoảng 15 ngàn người. Cuộc xuất hành của người Công giáo ra khỏi Trung đông không ảnh hưởng đến người Công giáo tại Israel.
Nói đến người Công giáo trong lãnh thổ Israel là nói đến những người Công giáo nói tiếng Hy bá lai. Tòa thượng phụ Gierusalem đã thiết lập một giám hạt dành riêng cho họ và trao phó việc chăm sóc mục vụ cho cha David Neuhaus, Dòng Tên, một người Do thái trở lại Công giáo.
Cách đây vài năm, tại Israel chỉ có khoảng vài trăm người Công giáo nói tiếng Hy bá lai. Nhưng con số các tín hữu gia tăng đáng kể và hiện nay có ít nhứt 7 cộng đồng tại Gierusalem, Jaffa, Be'er Sheva, Haifa, Tiberias, Latrun và Nazareth.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí "Il Regno" phát hành tại Ý, cha Neuhaus giải thích rằng có 4 yếu tố giúp thiết lập các cộng đồng Công giáo tại Israel.
Trước hết là các đợt di dân của người Do thái. Trong số này có một số là người Công giáo hoặc do truyền thống gia đình hoặc do trở lại. Họ được xem như thành phần trọn vẹn của xã hội nói tiếng Hy bá lai tại Israel. Ðợt di dân lớn nhứt xảy ra sau năm 1990, tức sau khi chế độ cộng sản tại Liên xô sụp đổ.
Kế đến phải nói tới những người di dân lao động tại Israel. Hiện nay có khoảng 200 ngàn người ngoại quốc đang làm việc tại Israel. Họ đến từ Phi Châu, Châu Mỹ Latinh, Ðông Âu và Á châu. Từ Phi luật tân có khoảng 40 ngàn người, phần lớn là phụ nữ và Công giáo. Con cái họ, vì được sinh ra và rửa tội tại Israel, cũng được cắp sách đến trường và do đó học tiếng Hy bá lai; chúng hội nhập hoàn toàn vào xã hội Israel.
Yếu tố thứ ba giúp hình thành các cộng đồng Công giáo tại Israel là đợt di dân của người Công giáo Liban. Ðã có khoảng từ 2 đến 3 người Công giáo Liban thuộc nghi lễ Maronit đã đến Israel sau khi Israel triệt thoái khỏi miền Nam nước này. Ngoài ra, cũng có những người tỵ nạn từ Phi Châu, cách riêng từ miền Nam Sudan, đến Israel. Trong số này có nhiều tín hữu Công giáo. Con cái họ cũng được theo học trong các trường của Israel.
Cuối cùng, nói đến những người Công giáo tại Israel không thể không nhắc đến những người Công giáo Palestine vốn là những người đã sinh sống tại đây ngay từ khi quốc gia Israel được thành lập. Là công dân Israel, nhưng họ không được đối xử bình đẳng về mặt xã hội. Họ nói tiếng Á rập và phần lớn sinh sống tại các làng mạc trong vùng Galilea. Hiện nay họ tìm các đến những vùng được phát triển kinh tế hơn. Be'er Sheva là một điển hình. Tạy đây, hàng trăm gia đình Á rập đã tìm đến để buôn bán làm ăn trong những làng của người Bedouins. Nhưng họ không sống với những người này vì họ thuộc giai cấp xã hội thấp hơn. Họ gởi con đi học tại những trường dạy bằng tiếng Hy bá lai. Như vậy, có cả một thế hệ những người Á rập chỉ nói tiếng Á rập trong gia đình, nhưng không biết đọc và viết ngôn ngữ này.
Tất cả những người Công giáo nói tiếng Hy bá lai trên đây trực thuộc Tòa thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem. Năm 2003, Tòa thánh đặt một vị Giám mục người gốc Algerie là Ðức cha Jean Baptiste Gourion đặc trách giám hạt này. Ðức cha Gourion là một người Do thái trở lại Công giáo. Vì việc bổ nhiệm này gặp nhiều chống đối, cho nên khi Ðức cha Gourion qua đời, những người kế vị ngài đều là những người không có chức Giám mục.
Theo cha Neuhaus, "những người Công giáo nói tiếng Hy bá lai là cộng đồng thiểu số về hai phương diện: một là đối với quốc gia Israel, hai là đối với chính Giáo hội". Cha nói: "Ðôi khi chúng tôi có cảm tưởng như đang sống trong một "Ghetto", tức một khu biệt lập.
Tuy nhiên, một tia hy vọng đã lóe lên từ tài liệu làm việc của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông. Thật vậy, tài liệu này viết rằng sự hiện hữu của giám hạt dành cho người công giáo nói tiếng Hy bá lai là một "trợ giúp lớn lao" cho cuộc đối thoại với Do thái giáo.
CV.